Trong khoảng một năm nay, tại Nghệ An rộ lên tình trạng mua bán bào thai – một thủ đoạn mới của những kẻ buôn người mà pháp luật vẫn chưa có những quy định cụ thể. Mục tiêu dụ dỗ của chúng là những phụ nữ người dân tộc thiểu số đang mang thai tháng thứ 5 đến sắp sinh. Những đứa trẻ bị định đoạt số phận ngay từ khi còn đang trong bụng mẹ.
Vài ngày sau khi trở về từ Trung Quốc, chị Lữ Thị Hạnh (tên nhân vật đã được thay đổi), đã phải tất bật lên rẫy làm việc. Là thời điểm người dân Khơ Mú ở huyện vùng cao này thường phải phát rẫy gieo lúa, phải mất nhiều ngày liên hệ, chúng tôi mới có thể gặp được người phụ nữ này. Lữ Thị Hạnh (37 tuổi, trú ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn), là một trong nhiều phụ nữ ở xã Hữu Kiệm vừa vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai trở về.
“Hết tiền rồi. Phải đi làm rẫy thôi”, Hạnh nói.
Vừa sinh xong nhưng cô chẳng “ở cữ” như những phụ nữ vùng xuôi. Khuôn mặt tươi tỉnh, cử chỉ hoạt bát, nhanh nhẹn. Nhìn thoáng qua, không mấy người nghĩ Hạnh vừa sinh con được ít ngày.
Học khi chưa kịp biết hết cái chữ thì Hạnh bỏ dở về theo mẹ lên rẫy rồi nhanh chóng lấy chồng – một người đàn ông trú cùng bản. Cũng như nhiều đàn ông Khơ Mú khác ở bản, chồng Hạnh nghiện rượu nặng, suốt ngày say xỉn. Cũng chính vì thế, cái nghèo luôn quanh quẩn bám lấy cuộc sống của họ. Làm rẫy quanh năm cũng chỉ đủ lúa để ăn khoảng vài tháng. Trong khi đó, đầu năm 2018, Lữ Thị Hạnh lại tiếp tục mang thai – đó là đứa con thứ 6 của vợ chồng chị.
Người phụ nữ này kể rằng, một ngày cuối tháng 8, khi cái thai trong bụng đã lớn, chị đến một phòng khám ở thị trấn Mường Xén để siêu âm. Lúc này, Hạnh gặp một người phụ nữ sống cùng xã tên Lữ Thị Kh. Biết gia cảnh của Hạnh, người này lập tức “đặt vấn đề” qua Trung Quốc để bán cái thai trong bụng. “Người này nói giá mỗi đứa con là 80 triệu đồng, mình không phải bỏ chi phí đi lại”, chị Hạnh kể.
Về hỏi ý kiến chồng, chẳng mảy may suy nghĩ, người đàn ông say xỉn lập tức gật đầu. Gần một tuần sau lần gặp ở phòng khám, “má mìn” đến dẫn Hạnh ra Quốc lộ 7 bắt xe sang Trung Quốc. Cùng đi chuyến với Hạnh, còn có Lữ Thị Trang (tên đã được thay đổi, 37 tuổi, bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm). Lúc này cả Hạnh và Trang đang mang thai tháng thứ 8.
“Người phụ nữ đó nói chỉ việc lên xe rồi sang đẻ và cầm 80 triệu đồng về tiêu xài, mọi chi phí đi lại chị ta lo. Nếu công an bắt thì chị đó cũng chịu cho, mình không phải sợ chi hết”, Hạnh nói.
Cả 3 người sau khi đến Móng Cái (Quảng Ninh), thì đã có một người đàn ông Trung Quốc chờ sẵn. Họ nhanh chóng được đón lên thuyền để vượt sông, qua bên kia biên giới.
“Ngồi thuyền khoảng vài tiếng thì đến Trung Quốc. Sau đó tiếp tục bắt xe khách 2 chặng nữa mới tới nơi”, Hạnh kể. Hành trình để đến địa điểm bán con của Hạnh và Trang kéo dài 3 ngày 3 đêm. Vào sâu vùng nội địa của Trung Quốc, cũng như Hạnh, chị Trang không hề biết đó là tỉnh nào của Trung Quốc. Người phụ nữ không biết chữ này chỉ biết đó là vùng nông thôn hẻo lánh.
Sau hành trình dài bằng xe khách, Hạnh và Trang được “má mìn” dẫn đến nhà một người dân mà người này giới thiệu là “nhà người quen”. Chị Hạnh kể rằng, tại đây chị và Trang được ăn uống rất sướng. Chưa bao giờ trong đời chị được ăn ngon đến vậy. Hàng ngày, cả 2 được uống bia, ăn thịt gà và nhiều thức ăn khác mà theo như giải thích của Hạnh là nhằm mục đích cho “dễ đẻ”.
“Chỉ có điều, ở đó chúng tôi không được ra ngoài. Suốt ngày bị giam trong phòng, không được tiếp cận một ai”, chị Hạnh kể. Bị giam lỏng ở đây gần một tháng, đến ngày sắp “lâm bồn”, chị được những kẻ trong đường dây mua bán người đưa lên taxi để đến bệnh viện.
“Để đến được bệnh viện phải đi rất xa. Ngồi ôtô gần 4 tiếng, tôi vừa đến bệnh viện cái là đẻ luôn”, Hạnh nhớ lại. Tuy nhiên, cũng như con chị Trang, đứa con trai của Hạnh không hề biết đến một giọt sữa của mẹ. Vừa sinh xong, Hạnh chỉ kịp liếc nhìn con qua cánh cửa kính trong ít giây rồi đứa bé nhanh chóng được “má mìn” mang đi.
Nghỉ ngơi tại bệnh viện khoảng vài tiếng, Hạnh đã phải nhanh chóng trở lại căn nhà chờ chị Trang sinh xong rồi thu dọn quần áo lên xe khách quay trở lại Việt Nam.
Ngày 7/11, Lữ Thị Hạnh và Lữ Thị Trang cùng về tới huyện Kỳ Sơn. “Về đến nhà là lên rẫy gặt lúa với chồng. Một tuần sau thì chị Kh. gọi điện lên thị trấn Mường Xén nhận tiền. Mỗi đứa được 80 triệu đồng”, chị Trang kể. Sau khi có tiền, vợ chồng Trang nhanh chóng đi lên thị trấn tìm mua xe máy, còn vợ chồng Hạnh thì mua gỗ làm nhà.
Cũng vừa trở về từ Trung Quốc, chị Moong Thị Thảo (tên nhân vật đã thay đổi, 27 tuổi, bản Đỉnh Sơn 1, Hữu Kiệm), nói rằng, chị chẳng cần phải có ai dẫn đi giống như Hạnh hay Trang.
Một ngày cuối tháng 4, sau khi được “những người có kinh nghiệm” ở trong bản hướng dẫn, Thảo xuống thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương), để bắt xe qua Trung Quốc. Khi vừa lên chiếc xe khách chuyên chạy tuyến Nghệ An – Quảng Ninh, thấy Thảo mang bầu, lập tức một số người trên xe đến hỏi chuyện.
“Em hỏi mấy chị trong bản vừa bán con trở về thì mấy chị đó nói cứ lên chiếc xe này rồi có người sẽ đưa đi. Em vừa lên xe thì họ đã lại hỏi đi đâu, em nói qua Trung Quốc bán thai. Lập tức được họ cho sữa uống, rồi chăm sóc rất tận tình suốt chặng đường”, Thảo kể. Sau khi đến Móng Cái, Thảo còn được những người trên xe khách bắt taxi dẫn đến gặp một nhóm người khác rồi đưa qua bên kia biên giới.
Tại Trung Quốc, Thảo được đưa đến một tòa nhà mà theo lời chị là “cao đến 8 tầng”. “Họ nhốt một mình em trong phòng. Không cho đi đâu cả. Gần 10 ngày sau thì em sinh”, Thảo nói. 2 ngày sau khi sinh, Thảo lên xe trở về Việt Nam với số tiền bán con là 40 triệu đồng. Cũng như những phụ nữ khác, Thảo không được tiếp cận con mà chỉ liếc nhìn qua những tấm kính rồi nhanh chóng trở về.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ riêng tại xã Hữu Kiệm đã có hơn 20 phụ nữ mang thai qua Trung Quốc đẻ rồi bán con. Trong đó, bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2 chiếm đông đảo. Đây là 2 bản của người Khơ Mú, phần lớn hộ dân trong bản đều hộ nghèo hoặc cận nghèo. Nếu như bản Đỉnh Sơn 1 hiện có ít nhất 7 phụ nữ qua Trung Quốc bán con đã trở về thì bản Đỉnh Sơn 2 có tới 10 người.
Sau khi đặt chân đến Trung Quốc, vì sợ những người phụ nữ này đổi ý, những kẻ buôn người thường giam lỏng, không cho họ tiếp cận ai. Nếu kiên quyết từ chối bán con, họ thường bị hăm dọa “bán cả mẹ lẫn con”. Trong khi đó, những kẻ này trước đây vốn dĩ cũng từng là nạn nhân của việc buôn người. Sau khi có chồng Trung Quốc thì quay trở lại quê hương, trở thành thủ phạm chuyên dụ dỗ phụ nữ đi bán thai.
Bán con để mua xe máy!
Những người phụ nữ sau khi bán bào thai trở về lập tức dựng nhà mới, trả nợ ngân hàng, có người lại sắm xe máy đi lại…. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi đứa trẻ trung bình được trả với giá 40 đến 80 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có những phụ nữ phải trở về tay không.
“Ở đây nhiều người giàu hơn mình họ cũng bán, mình nghèo như vậy mình bán một đứa cũng chẳng sao”, Moong Thị Thảo nói, giọng tỉnh bơ. Thảo lấy chồng từ gần 10 năm trước, đã có một con trai hơn 8 tuổi.
Trước khi kết hôn, gia đình Thảo là hộ nghèo. Lấy chồng về, vợ chồng Thảo vẫn tiếp tục là một trong những hộ nghèo nhất bản. Cho đến bây giờ, bán con trở về, cái nghèo vẫn không chịu buông tha cho người phụ nữ này.
Ý định bán con của Thảo bắt đầu từ ngày có kết quả siêu âm giới tính. Hôm đó, sau khi nghe bác sỹ thông báo là con trai, Thảo nói rằng, cả 2 vợ chồng chị đều rất buồn. “Nhà mình đã có một đứa con trai rồi. Nếu thêm đứa nữa rất khổ. Sau này không biết lấy gỗ đâu làm nhà cho nó”, Thảo phân trần lý do mang bào thai vượt biên qua Trung Quốc bán. Trong khi đó, ước mơ “thoát cái nghèo” trong Thảo luôn quanh quẩn trong đầu.
Sau khi hỏi “kinh nghiệm” của một số phụ nữ trong bản vừa qua Trung Quốc bán con trở về, Moong Thị Thảo quyết định một mình lên đường, chẳng cần môi giới dẫn theo. Ngày 5/5, chỉ 2 ngày sau khi sinh đứa con trai, Thảo được đưa lên xe khách trở về Việt Nam. “Ban đầu họ hứa sẽ trả 50 triệu đồng nhưng sau đó họ chỉ đưa 40 triệu, họ nói phần còn lại là chi phí dọc đường”, Bình kể.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi đứa trẻ được những người mẹ này bán với giá trung bình từ 40 – 80 triệu đồng, trong đó bé gái có giá cao hơn bé trai. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp vượt biên bán con trở về nhưng không nhận được tiền từ những kẻ buôn người hoặc chỉ được trả với cái giá rẻ mạt. Lữ Thị Linh (tên đã thay đổi, 32 tuổi, bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn), là một trong số đó.
Linh tự hào khi cho rằng, cô là “người mở đầu cho phong trào đi bán con thoát nghèo” ở xã vùng cao này. Lấy chồng từ 13 năm trước, Linh hiện là mẹ của 3 đứa trẻ. Tất cả đều là con gái.
Vài năm trước, khi đang mang bầu đứa thứ 4, Lữ Thị Linh nhận được điện thoại của một người họ hàng ở bên Trung Quốc. Người này nêu vấn đề muốn mua lại đứa con trong bụng cô. “Lúc đó ở đây chưa ai qua Trung Quốc bán con, không ai biết là có thể kiếm tiền bằng cách như vậy cả”, Linh nói.
Ít ngày sau cuộc điện thoại đó, Lữ Thị Linh nghe theo hướng dẫn của “người bà con’ một mình bắt xe khách ra Quảng Ninh rồi được đón qua Trung Quốc. Sau khi sinh bé gái, Linh được “người bà con” trả 10 triệu đồng rồi đưa lên xe khách quay trở lại Việt Nam. “Về đến nhà thì em chỉ còn được có 6 triệu nữa thôi”, người phụ nữ được cho là đầu tiên ở Kỳ Sơn đi bán bào thai kể.
Trong khi đó, tại xã Hữu Lập, nhiều tháng nay, vợ chồng anh Lữ Văn Thương (42 tuổi), liên tục đến ban quản lý bản Chà Lắn và chính quyền địa phương để nhờ đòi lại số tiền đã bán con. Người bị kiện là 2 mẹ con bà Moong Thị Hiền (51 tuổi) và Moong Thị Ba (31 tuổi, tên gọi khác là Moong Thị Oanh). Sống chung trong một bản của người Khơ Mú, nhà của vợ chồng anh Thương chỉ cách nhà mẹ con bà Hiền vài phút đi bộ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm trước, Moong Thị Ba bỏ chồng, qua Trung Quốc làm thuê rồi kết hôn với một người đàn ông bản địa. Đầu năm 2018, Ba về nước thăm quê. Lúc này, Ba hỏi mẹ “có biết ai đang mang thai để đưa qua Trung Quốc bán không?”. Nếu có, mỗi trường hợp Ba sẽ trả cho mẹ 10 triệu đồng tiền công và trả cho người bán con 60 triệu đồng.
Thời điểm này, cạnh nhà bà Hiền, chị Lương Thị Mùi (48 tuổi, vợ anh Thương), đang mang thai đứa thứ 6. Biết gia cảnh khó khăn của chị Mùi, bà Hiền nhiều lần tiếp cận để dụ dỗ. “Sinh con đông làm gì cho khổ. Mang thai đợt này để chị và con gái chị đưa qua Trung Quốc sinh rồi bán con để có tiền trả nợ ngân hàng”, bà Hiền nói với Mùi, đồng thời hứa sẽ trả 60 triệu đồng nếu chị này đồng ý bán con.
Sau khi bàn bạc với chồng, chị Mùi đồng ý đi bán bào thai. “Nhà tôi đã có 5 đứa con, 2 trai 3 gái rồi. Cái thai này là do “vỡ kế hoạch”. Trong khi nhà lại đang nợ ngân hàng một khoản tiền mà nhiều năm nay chưa thể trả nổi”, anh Thương phân trần về lý do đồng ý để vợ bán con.
Một ngày giữa tháng 3, chị Mùi được 2 mẹ con Moong Thị Hiền và Moong Thị Ba dẫn qua Trung Quốc. Sau khi vượt biên, Mùi được đưa về nhà riêng của vợ chồng Ba mà theo lời kể của chị là “ở một vùng nông thôn hẻo lánh”, nằm sâu trong nội địa Trung Quốc. Chị Mùi chẳng biết được địa chỉ cụ thể nơi đó. Bị giam lỏng ở đây 35 ngày, Mùi sinh được một bé trai bụ bẫm. Theo lời bà Hiền, Moong Thị Ba sau đó bế bé trai này đi bán được 1,5 vạn nhân dân tệ (khoảng 50 triệu đồng).
20 ngày sau khi sinh con, Mùi được 2 mẹ con bà Hiền dẫn về Việt Nam. Tuy nhiên, không như lời hứa ban đầu, về đến bản Chà Lắn, Mùi chỉ được Moong Thị Ba trả 4 triệu đồng cho đứa con đã bán. Còn bà Hiền cũng chỉ được con gái chia cho một triệu đồng tiền công.
Không đủ để trả khoản tiền nợ ngân hàng, vợ chồng anh Thương, chị Mùi liên tục đến nhà bà Hiền để đòi tiền. Tuy nhiên, lúc này Ba đã lại vượt biên quay trở lại Trung Quốc. Còn bà Hiền thì vẫn một mực khẳng định “không có tiền để trả, không liên quan…”.
“Chúng tôi bị lừa. Ấm ức lắm”, anh Thương nói. Vợ chồng anh Thương sau đó đến trình báo với ban quản lý bản để nhờ những người có uy tín trong bản đến gây áp lực, đòi tiền. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm, mẹ con bà Hiền cũng chỉ mới trả được cho vợ chồng anh Thương 11 triệu đồng….
(Còn nữa)