Ngắm ngôi nhà vững chãi, kiên cố còn thơm mùi vôi vữa mới được hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng đúng dịp 27/7, bà Vi Thị Thế, 75 tuổi, ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương) không giấu nổi sự xúc động: “Cả đời tôi chưa bao giờ mơ ước có được ngôi nhà như thế này, cảm ơn các cán bộ, chiến sỹ BĐBP Tam Quang nhiều lắm”. Gia đình bà Thế thuộc diện hộ nghèo, neo đơn, chồng mất, 2 đứa con cũng mất, hiện tại bà đang nuôi 2 đứa cháu. Ba bà cháu sống trong căn nhà nhỏ thưng ván gỗ, lợp mái tôn xập xệ.
Chia sẻ khó khăn với gia đình bà, Đồn Biên phòng Tam Quang đã kêu gọi hỗ trợ kinh phí 70 triệu đồng, đồng thời đóng góp vật liệu, ngày công, huy động cán bộ, chiến sỹ trực tiếp xây dựng với diện tích 70m² gồm nhà ở và nhà bếp kiên cố. Sau hơn một tháng thi công giữa cái nắng nóng gay gắt của những ngày hè nơi biên giới, căn nhà đã hoàn thiện kịp để 3 bà cháu nhà bà Vi Thị Thế vào ở trước mùa mưa lũ.
Không chỉ riêng bà Vi Thị Thế được hưởng niềm vui nhà mới, mà còn có nhiều hộ khó khăn khác như gia đình anh Viêng Văn Liêng, Lô Văn Mi bản Liên Hương cũ, ông Lô Văn Dục (bản Tùng Hương) cũng được cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Tam Quang ủng hộ ngày công, vật liệu xây dựng nhà ở kiên cố thông qua nguồn kinh phí kêu gọi hỗ trợ từ nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Quá trình dựng nhà, có những hộ gia đình ở địa hình hiểm trở, cách xa đường giao thông, công tác vận chuyển nguyên vật liệu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang đã không quản ngại nắng mưa, nhiệt tình giúp đỡ các gia đình hoàn thành nhà mới để ở, nên bà con trong bản ai cũng cảm động và biết ơn.
Toàn xã Tam Quang có 11 bản, trong đó có 2 bản giáp biên giới với 1.971 hộ/7.806 khẩu người Kinh, Thái, Khơ Mú, Đan Lai, Tày Pọng cùng sinh sống, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu những vất vả của đồng bào, Thượng tá Phan Thanh Hồng – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quang cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ của đồn luôn thực hiện phương châm đưa đến cho đồng bào những cái họ còn thiếu, giúp đồng bào những cái họ đang cần, hỗ trợ đồng bào những gì thực sự thiết thực nhất”. Chẳng hạn như mới đây (vào khoảng cuối tháng 4), đồn đã tổ chức bàn giao và đưa vào sử dụng công trình bể nước sinh hoạt với dung tích khoảng 30 khối nước, trị giá 50 triệu đồng cho dân bản Tùng Hương. Đây thực sự là một công trình có ý nghĩa đặc biệt đối với bà con dân bản bởi do đặc thù địa hình, người dân gặp nhiều khó khăn trong nguồn nước sinh hoạt, nhất là vào mùa nắng hạn. Mỗi khi cần nước sạch sinh hoạt, bà con phải vất vả đi hàng cây số gùi nước về. Nhưng từ ngày có bể nước, người dân không phải đi gánh, gùi nước ở khe suối nữa.
Để xây dựng bể nước này, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Tam Quang đã bỏ kinh phí mua vật liệu như xi măng, sắp thép, đồng thời huy động công sức của bộ đội và người dân cùng san lấp mặt bằng, khai thác sỏi đá từ khe suối, vận chuyển lên đồi xây bể vậy nên khi công trình hoàn thành được gọi là “bể nước quân dân”.
Cũng trong tháng 4 vừa qua, Đồn Biên phòng Tam Quang đã đồng hành cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tam Quang trong mở đường cấp phối, rải đá, hình thành lối vào khu du lịch sinh thái suối Nậm Xan. Đây là con suối bắt nguồn từ biên giới Việt – Lào chảy qua bản Tùng Hương. Nơi đây vốn chưa có sự tác động nhiều của con người nên còn hoang sơ gần gũi với thiên nhiên và có nhiều sản vật phong phú. Nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại đây, chính quyền địa phương đã xây dựng đề án phát triển thành khu du lịch sinh thái.
Cùng với sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Tam Quang cuối tháng 4/2021, khu du lịch này đã đi vào hoạt động và chính thức khai thác, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Quang đã phối hợp với ban ngành đoàn thể địa phương tham gia 550 ngày công để làm mới 29,713 km đường giao thông nông thôn đảm bảo 100% đường trục xã, liên xã, liên bản được bê tông hóa; mở được 1 lớp xóa mù chữ cho 34 học viên; cùng với bà con dân bản xây dựng được 255 hố xử lý rác gia đình, trồng được 168 cây xanh ven đường liên bản…
Đồn cũng là cầu nối kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn với nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng. Đồng thời nhận đỡ đầu 3 cháu học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu tiếp sức đến trường vì một ngày mai tươi sáng hơn.
Thực hiện phương châm “3 cùng, 4 bám” (cùng ăn, cùng nói, cùng làm; bám dân, bám địa bàn, bám đối tượng và bám chủ trương, chính sách), bên cạnh việc tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức trong phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng Tam Quang còn hỗ trợ con giống, cây giống, cầm tay chỉ việc giúp người dân trên địa bàn xây dựng các mô hình kinh tế xóa đói giảm nghèo. Đồn trực tiếp phân công 19 đảng viên có năng lực, chuyên môn phù hợp để phụ trách 97 hộ gia đình khu vực biên giới, giúp bà con thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mạnh dạn chuyển đổi thói quen, tập quán canh tác, sản xuất cũ.
Những hộ dân được cấp cây, con giống đều cam kết có trách nhiệm trong chăm sóc và được quan tâm, giám sát quá trình sản xuất, chăn nuôi. Điển hình như gia đình anh Viêng Văn Thìn được Đồn Biên phòng Tam Quang hỗ trợ dê giống làm “cần câu” thoát nghèo bền vững. Từ 4 con dê giống, sau 5 năm, gia đình anh Thìn đã có 15 con dê, đem lại thu nhập để sửa sang nhà cửa, ổn định cuộc sống. Hay trường hợp gia đình ông Viêng Thanh Hoà ở bản Tùng Hương đã được hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi. Nhận được bò giống, ông Hòa cam kết chăm sóc tốt, đến nay đàn bò của gia đình ông đã tăng lên 5 con.
Theo chân Đại úy Nguyễn Văn Hợi – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Quang đến thăm lại gia đình chị Lô Thị Thắm ở bản Tùng Hương, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của hộ vốn khó khăn này. Căn nhà sàn lụp xụp trước đây đã được thay thế bằng ngôi nhà mới đẹp hơn, vững chãi hơn. Đón chúng tôi, chị Thắm vui vẻ nói: “Kinh tế ổn định nên gia đình tôi có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, mua sắm vật dụng trong nhà, tất cả là nhờ bộ đội biên phòng giúp đỡ hỗ trợ con giống, hướng dẫn cách làm ăn. Từ 3 con dê giống được hỗ trợ đến nay đàn dê của gia đình chị Thắm đã tăng lên 20 con, bên cạnh đó, chị còn được cán bộ quân hàm xanh hướng dẫn trồng keo, nuôi gà phục vụ du lịch để ổn định thu nhập…”.
Ở xã biên giới Tam Quang, người dân cũng không còn xa lạ với hình ảnh, những người lính quân hàm xanh xuống đồng giúp dân cấy hái, thu hoạch mùa màng, bàn tay quen cầm súng bảo vệ biên cương vẫn thành thạo với cuốc cày, với công việc của nhà nông. Chỉ cho chúng tôi thấy những vạt lúa xanh mơn mởn trước cửa Đồn Biên phòng Tam Quang, một số người dân trên địa bàn cho hay: “Những chỗ này trước đây là ruộng hoang thôi, nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng đã biến thành những mảnh ruộng lúa nước tươi tốt như thế này”.
Qua nhiều mô hình hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, trồng lúa nước, trồng cây ăn quả và trao tặng 72 con lợn giống, 5 con dê giống, 3 con bò sinh sản… của những người lính quân hàm xanh, hiện nay ở Tam Quang đã có 20 hộ/80 khẩu thuộc nhóm hộ nghèo và hộ khó khăn được các đảng viên biên phòng giúp đỡ thoát nghèo, 15 hộ viết đơn ra khỏi hộ cận nghèo, 20 hộ cam kết không tái nghèo.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang đánh giá: “Không chỉ làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang còn giúp địa phương thực hiện tốt công tác dân vận trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đây không chỉ là trách nhiệm của người lính Biên phòng mà còn là tình cảm, nghĩa tình đối với nhân dân địa phương, tăng cường tình đoàn kết quân – dân, tạo niềm tin vững chắc để xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh”.
Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 24 km đường biên giới quốc gia tuyến Việt Nam – Lào, 5 cột mốc quốc giới (từ 427 – 431) địa hình rừng núi hiểm trở, đồi núi dốc, đặc biệt là đường tuần tra biên giới, thời gian qua, Đồn Biên phòng Tam Quang đã hoàn thành song song công tác quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19, nổi bật là phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị thôn bản đến từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết phòng chống dịch, chấp hành nghiêm khuyến cáo 5K; tố giác người nhập cảnh trái phép, tự giác khai báo y tế.
Qua đó, vận động 8 hộ gia đình hoãn, không tổ chức các sự kiện tập trung đông người như cưới, hỏi, giỗ chạp, làm vía; nắm chắc trên 300 trường hợp đi làm ăn xa trở về tự cách ly tại gia đình; tổ chức triển khai khai báo tự nguyện y tế toàn dân với trên 1.300 lượt người tham gia.
Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí đồn trực tiếp kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19, đồn đã cấp phát miễn phí cho nhân dân trên địa bàn 1.650 khẩu trang, 300 bánh xà phòng, 25 chai nước rửa tay với tổng trị giá 16,87 triệu đồng; hỗ trợ Ủy ban MTTQ huyện Tương Dương, UBND, Trạm Y tế xã Tam Quang vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch trị giá 27,95 triệu đồng…
Những nỗ lực của Đồn Biên phòng Tam Quang đã được ghi nhận khi đơn vị đạt danh hiệu thi đua quyết thắng của BĐBP Nghệ An trong năm 2020 và mới đây Đồn cũng vinh dự là được Tỉnh ủy Nghệ An tặng Bằng khen trong thực hiện Chỉ thị 05.
Chúng tôi rời Tam Quang khi cán bộ, chiến sỹ của Đồn đang gấp rút hoàn thành một số hạng mục công trình phụ trợ (mái che, tường bao sân trường) của điểm Trường Mầm non bản Tùng Hương dưới cái nắng bỏng rát của những ngày hè tháng Bảy. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo và đọng thành vệt trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng, gió của những người lính quân hàm xanh nhưng không khí làm việc vẫn say sưa với quyết tâm hoàn thành công trình có tổng kinh phí 95 triệu đồng trước năm học mới để phục vụ cho việc dạy và học của cô trò tại điểm trường này.
Theo lời Đồn trưởng Phan Thanh Hồng, ngoài điểm trường này, Đồn Biên phòng Tam Quang còn hỗ trợ Đồn Biên phòng Tam Hợp 185 triệu đồng để xây dựng trường mầm non tại bản Phà Lõm. Với chúng tôi, đó là hình ảnh sáng tinh thần “vì dân” của những người chiến sỹ quân hàm xanh luôn coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.