“Ở trong này, các bác sĩ quan tâm lắm nên lâu dần cũng quen em ạ, chỉ có một điều mãi không quen đó là nhớ con, nhớ cả nhà!”. Đó là tin nhắn từ chồng tôi – BN 11965 vào sáng 28/6 (ngày Gia đình Việt Nam) và cũng là ngày thứ 12 ở tại Khu cách ly – Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) – khu chữa trị bệnh nhân Covid-19.
Kể từ ngày thành phố Vinh ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, 2 mẹ con chúng tôi đã làm quen với nếp sinh hoạt và làm việc trong nhà. Cậu con trai 18 tháng của chúng tôi cũng đã quen với việc chỉ được gặp bố qua điện thoại. Nhưng đối với chồng tôi cùng các anh em đồng nghiệp thì việc được ở nhà đó là một điều xa xỉ. Từ khi có dịch Covid-19, hầu như lực lượng công an, quân đội đều tuân thủ trực 100% quân số; có khi cả tháng không về nhà.
Ngày 14/6, thành phố Vinh phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, là lúc chồng tôi đang làm nhiệm vụ tại huyện Diễn Châu. Tối hôm đấy, anh định trở về nhà để lấy một số đồ cá nhân phục vụ đợt trực dài sắp tới thì bỗng nhận được thông báo “Các đồng chí có hộ khẩu ở Vinh tạm thời ở cơ quan không về nhà, theo dõi tình hình dịch”. Quá quen với những lệnh trực đột xuất của anh, tôi chỉ biết động viên và dọn một ít đồ cá nhân để gửi ra. Mỗi lần nhớ lại, vợ chồng tôi thầm cảm ơn lệnh trực đột xuất ấy, nếu không có nó thì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra với gia đình mình…
Sáng 16/6, khi trường hợp đồng nghiệp của chồng về làm việc tại địa bàn xã trở thành F0, cũng là lúc chồng tôi tạm thời được “ngồi yên một chỗ”. Tối hôm đó, anh cùng các đồng nghiệp đi cách ly tập trung tại Trạm Y tế xã và được lấy mẫu test nhanh. Lúc này, khi được tôi hỏi về sức khỏe, anh chỉ trả lời: “Anh có hơi nóng đầu nhẹ, chắc cảm nắng. Các bà, các chị thu hoạch lạc giữa nắng không sao, mình mới 3 ngày đã cảm nắng”. Lời trêu đùa của anh khiến tôi cảm thấy yên tâm phần nào.
Thế nhưng, dịch bệnh là điều không ai biết trước được và cũng là thứ không ai mong muốn, nhất là đối với chiến sĩ công an. Khoảng 4 giờ sáng 17/6, điều gì đó mách bảo khiến tôi thức giấc và điều đầu tiên là cầm chiếc điện thoại, kiểm tra. Điện thoại hiển thị là tin nhắn của anh lúc 1giờ sáng. “Anh đang được lấy mẫu lại em ạ. Test nhanh anh có thể dương tính. Nhưng em yên tâm, mẫu test nhanh nhiều khi có thể sai”. Tự trấn an bản thân, tôi vào đọc báo để kiểm tra liệu có ca nào được phát hiện trong đêm, khi thấy không có ca nào, tôi yên tâm phần nào và nằm lại.
5 giờ sáng, chuông điện thoại lần nữa reo lên, đó là người chị cùng cơ quan. Chị hỏi: “Em biết tin gì chưa, em phải bình tĩnh nhé, động viên chồng nhé”. Những lúc này lợi thế báo chính thống được phát huy mãnh liệt giúp chúng tôi cập nhật tin nhanh nhất có thể. Cảm xúc lúc đó rất khó tả, vừa nghe tôi vừa kiểm tra mục tin nhắn, tin nhắn của anh gửi trước đó vài phút: “Em ơi, có một ca ở xã, nhưng anh không biết có phải mẫu của anh ko”. Và điều tôi lo lắng bất an đã xảy ra, chồng tôi đã bị nhiễm Covid-19 khi đang thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.
Dịch bệnh là điều khó nói trước. Lo lắng cho bản thân là điều cơ bản nhất đối với mỗi người trong thời điểm này. Nghĩ lại về những ngày đầu nhận tin, chồng tôi vẫn không khỏi rùng mình tâm sự: “Lúc đó, anh không nghĩ được gì nhiều, việc lo nhất là gia đình ta, bố mẹ, những người xung quanh. Vốn là người bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho người khác nhưng nay lại không thể cùng đồng đội chiến đấu, truy vết, dập dịch. Mong cho dịch sớm qua đi, mọi người cùng gia đình ta lại trở về cuộc sống bình thường em ạ”.
Ngày 20/6, ngày thứ 3 tại khu chữa trị bệnh nhân Covid-19, ngày của tin vui, tin không vui và cả những tin thất thiệt. Từ sáng sớm, khi nhận kết quả cả gia đình âm tính, chồng tôi vui lắm. Điều anh lo lắng nhất đã không xảy ra; tuy nhiên, anh bắt đầu có nhiều biểu hiện rõ hơn của bệnh. Việc mất hoàn toàn vị giác, khứu giác khiến anh gặp khó khăn hơn trong việc ăn uống, cơn ho kéo dài và kèm theo những đợt sốt cao. Được sự giải thích, động viên của bác sĩ, chúng tôi yên tâm phần nào.
Mỗi ngày cuộc điện thoại lại bắt đầu với câu nói bập bẹ từ cậu con trai chúng tôi: “Bố! Về”. “Nhớ con quá mà không biết nói gì”, ấy là tin nhắn tôi nhận được mỗi khi cuộc gọi kết thúc. Tôi biết anh có nhiều điều muốn nói nhưng việc tránh làm cả nhà lo lắng cũng khiến cho anh khó chia sẻ hơn bình thường. Lời hứa “hết dịch, bố về với con nhé” là điều duy nhất anh có thể nói được, hơn ai hết đó là điều chúng tôi mong muốn hơn cả trăm câu nói.
Sau sự lo lắng cho anh, điều tôi lo nhất đó chính là cậu con trai 18 tháng tuổi của chúng tôi. Sự bất an, lo lắng rối bời khi gia đình chuẩn bị phải sống ở một nơi hoàn toàn mới. Mọi sinh hoạt đảo lộn, giờ giấc theo kỷ luật là điều đưa cả nhà chúng tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Đó là cảm giác sự sợ hãi, vừa lo lắng nhưng cũng xen lẫn chút tò mò…
7 giờ sáng 17/6/2021, nhận được điện thoại từ Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Sở Y tế Nghệ An (CDC) để truy vết mọi hành trình đi lại trong vòng 14 ngày qua. Khai báo xong, chúng tôi được lấy mẫu để xét nghiệm ngay tại nhà.
Sự mệt mỏi sau đêm dài lấy mẫu hiện rõ qua đôi mắt của chị y tá, điều duy nhất mà chúng tôi thấy rõ được qua lớp kính trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Quên đi tất cả điều đó, chị vẫn nhẹ nhàng hướng dẫn tôi cách giữ bé để lấy mẫu không bị khó chịu. Một cán bộ y tế khác giúp chúng tôi điền thông tin về lịch trình đi lại của cả nhà. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, khẩn trương và rất nhịp nhàng, dường như ai cũng đã quá quen với điều này.
11 giờ sáng cùng ngày, chúng tôi được chở xuống khu cách ly bằng chiếc xe cứu thương. Đây là lần đầu tiên tôi ngồi trên chiếc xe này trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Mọi việc gần như giao tiếp bằng ký hiệu, bởi nhân viên y tế kiêm luôn lái xe cứu thương. Được biết, việc lấy mẫu cả chung cư nơi tôi sinh sống khiến trạm y tế xã thiếu người, mọi quy trình lấy mẫu đều do 1 người đảm nhiệm. Các ký hiệu được thể hiện qua tấm kính ngăn cách buồng lái, hơn ai hết chúng tôi hiểu rõ đó không phải là biểu hiện của việc thiếu lịch sự mà là để đảm bảo an toàn. Không ai trong chúng tôi có thể biết và chắc chắn được rằng bản thân mình liệu có trở thành F0 tiếp theo.
Trên xe đã có sẵn vài người. Dịch bệnh đã khiến cho thói quen cũ dường như bị biến mất. Thay vào việc bắt tay hỏi thăm nhau, thì những “hành khách bất đắc dĩ” trên xe chỉ biết gật đầu và chào nhau bằng ánh mắt bởi nụ cười đã ẩn sau chiếc khẩu trang nhiều lớp. Câu hỏi: “Anh/chị đến từ đâu” được thay bằng “Anh/chị là F1 của ai?”.
Vì gia đình có con nhỏ nên tôi xin được đi cách ly tự nguyện tại điểm cách ly tập trung ở thị xã Cửa Lò. Điểm cách ly có khoảng 70 người, nhưng chúng tôi không giao tiếp, liên lạc với nhau, bởi ai cũng đều ở trạng thái giãn cách cao độ. Những F1 được khuyến cáo tuyệt đối không ra khỏi phòng khi không cần thiết. Từ việc bấm cầu thang máy đến việc mở cửa đều được thao tác qua lớp găng tay khử khuẩn, sự cẩn trọng khiến chúng tôi dần cảm thấy an tâm phần nào.
Tại khu cách ly, mỗi ngày đều có nhân viên y tế đến tận phòng để đo nhiệt độ và khám sức khỏe. Định kỳ 5 ngày, tất cả các cư dân ở khu cách ly tập trung đều được lấy mẫu xét nghiệm PCR. Những suất cơm ở đây đều do các chiến sĩ bộ đội lựa chọn thực phẩm và nấu ăn, chia theo suất và được mang đến tận cửa phòng để hạn chế việc tập trung đông người. Có những thời điểm buổi trưa, nhiệt độ hành lang lên đến 38,39 độ C, các chiến sĩ vẫn phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, tận tụy làm nhiệm vụ. “Nhiều khu dân cư, các chợ bị phong tỏa nên thực phẩm khó kiếm hơn. Nếu không vừa miệng em cùng gia đình thông cảm nhé. Cần thêm gì cứ điện thoại theo số cố định là được”, những lời nói của cán bộ, chiến sĩ khiến chúng tôi ấm lòng.
6 giờ sáng 21/6, ngày thứ 5 tại khu cách ly, chúng tôi đã được loa thông báo sẽ phát đồ ăn sáng muộn hơn 30 phút, đồng thời người dân được khuyến cáo không ra khỏi phòng. Một lúc sau, tiếng máy phun khử khuẩn vang lên dọc hành lang, mùi dung dịch khử khuẩn nồng nặc bốc lên. Lịch khử khuẩn được thay đổi đột xuất khiến chúng tôi khá lo lắng.
Lúc ra nhận đồ ăn sáng tôi mới biết được lý do đột xuất đó. Căn phòng đối diện chúng tôi đã mở cửa, mọi đồ đạc đều được đóng túi và phun khử khuẩn. Thì ra đêm qua, kết quả xét nghiệm của F1 trú tại căn phòng đó đã cho kết quả dương tính. Bệnh nhân đã được đưa đi từ sáng sớm. Đó là ca F1 của bệnh nhân 11633 và bệnh nhân 11440.
Sự sợ hãi đến với tôi thêm một lần nữa, lời dặn dò của các nhân viên y tế trước khi chúng tôi nhận phòng không hề thừa. Việc F1 trở thành F0 khiến cho chúng tôi càng đề cao hơn việc giữ gìn sức khỏe, giữ khoảng cách tránh việc lây nhiễm chéo.
“Mỗi ngày có 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, các anh em thay nhau trực. 8 tiếng đó các bạn không được uống nước, không được đi vệ sinh. Nhiều chị em khi lên đổi đồ thay ca, các bạn ấy đã ngất tại phòng thay đồ”, đó là chia sẻ từ bác sĩ Bùi Tiến Hoàn – Phó Trưởng khoa Vi rút – Ký sinh trùng, Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Anh là người trực tiếp điều trị cho chồng tôi trong suốt thời gian chữa trị. Cũng không biết nên gọi những con người ở đây là gì nữa… Vì tôi không biết hai từ “chiến binh” đủ nói về họ hay chưa!
“Chị ơi cho em chai nước muối, hai chai nước lọc, cuộn giấy vệ sinh”, “chị ơi người nhà em gửi đồ nhờ chị chạy ra lấy giúp em nhé”, “anh ơi cơm khó ăn quá cho em đổi sang cá kho nhé”… Một ngày 2 lần đo nhiệt độ, khám bệnh, hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân nay phải kiêm luôn việc phát cơm, phát đồ. Những bác sĩ không chỉ làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh, những con người nơi đây đang phải kiêm luôn nhiệm vụ của người thân, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân hàng ngày. Còn trở thành người tư vấn, động viên, an ủi gia đình bệnh nhân lạc quan, bớt lo lắng.
Vào đó, họ trở thành những người anh hùng không bao giờ “lộ mặt”. Môi trường làm việc có nhiều nguy cơ lây nhiễm khiến họ mặc bộ đồ bảo hộ gần như suốt ca trực. Các y bác sĩ tham gia điều trị tại Trung tâm đều đã được khám sức khỏe, tiêm phòng, xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR với kết quả âm tính trước khi đưa xuống trung tâm.
Khó có thể kể hết những gian khổ của những y bác sĩ, nhân viên y tế tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới nói riêng và các điểm đầu chống dịch nói chung. Bên cạnh những vất vả, điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà họ phải căng mình từ Tết đến giờ để đối mặt với dịch bệnh; bên cạnh những niềm vui nho nhỏ chăm sóc gia đình mà họ không có thời gian để làm; bên cạnh sự cứng cỏi đứng giữa tâm bão, thì chắc chắn một lúc nào đó, những sự lo lắng vẫn lướt qua trong tâm trí họ.
“Anh vào đây tuần này là vừa tròn 2 tháng không về nhà. Có những người còn lâu hơn. Sau khi hết dịch, trung tâm hết bệnh nhân, mọi người sẽ phải tiếp tục cách ly tập trung 21 ngày và cách ly tiếp 7 ngày ở nhà nữa rồi mới trở lại bình thường. Gia đình em cũng cố lên, sắp hết dịch rồi”, câu nói lạc quan động viên tôi của anh khiến tôi thấy xót xa.
Biết rằng lạc quan của đội ngũ y, bác sĩ là thế, nhưng trong guồng quay của dịch bệnh bác sĩ, y tá và những người phục vụ không chỉ vất vả hơn về công tác chuyên môn mà bản thân họ còn phải tập trung cao độ, không có sự sai sót nào để tránh lây nhiễm chéo cho những người xung quanh. Trong tình cảnh là người trực tiếp điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân, họ trở thành F1, phải cách ly tuyệt đối và không được về nhà.
Chắc chồng tôi sẽ đồng cảm hơn nhiều với những người y bác sỹ, trong một khoảng thời gian dài họ cùng sống trong thành phố nhưng không thể có một “nụ hôn” với đứa con thơ, không có câu chuyện vui đùa với con nhỏ hay ở bên cạnh chăm sóc bố mẹ già. Hơn bao giờ hết, nỗi nhớ nhà, nhớ con được đặt lại phía sau nhường chỗ cho cuộc chiến chống dịch. Họ vẫn đang ngày đêm khắc phục khó khăn, cùng với các bệnh nhân chiến đấu với Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch được xác định là “cuộc chiến” phức tạp, lâu dài. Chính vì vậy, mọi sự nỗ lực của cả hệ thống và tất cả sự hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ sẽ có thể trở thành vô nghĩa nếu vẫn còn những cá nhân vô trách nhiệm, không thực hiện nghiêm các quy định chống dịch.
Rất nhiều năm nữa, tôi sẽ kể với con, cháu mình về những trải nghiệm bất đắc dĩ về những “ngày tháng không thể quên”, về những thời gian mẹ cùng các con và ông bà đi “sơ tán” chống dịch. Và đặc biệt bố mẹ muốn nói lời tri ân đến những chiến binh “không lộ mặt”, họ là những chiến sĩ xung kích trong “trận chiến” cam go nhưng nhất định sẽ dành được thắng lợi…