ÁCH đây 74 năm, những ngày tháng Tám năm 1945, sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước; và ngay trong đêm 13/8, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa, có lẽ chính những người trong cuộc cũng không hình dung được rằng gần như ngay lập tức, hàng loạt các địa phương khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đã tranh thủ chớp lấy thời cơ, nổi dậy giành chính quyền. Càng không thể ngờ rằng, những ngày tháng ấy sẽ mãi mãi đi vào lịch sử vinh quang và kiêu hãnh, kiên cường và bất diệt của dân tộc.
Và tôi, khi dừng chân ở một thị trấn nhỏ, sát biên giới phía Bắc – thị trấn Phó Bảng, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cánh đồng hoa hồng bên phải con đường độc đạo vào thị trấn đang nở rộ hàng ngàn bông. Những bông hồng đỏ thẫm, rực rỡ kỳ lạ. Hoa hồng ở Phó Bảng đẹp tới nỗi có mặt ở cả thành phố hoa Đà Lạt, vượt núi băng đèo tới rất nhiều thị trường trên cả nước.
Tôi nhờ cô giúp việc nông trại cắt cho 300 bông hồng. Cô ấy đeo hai chiếc găng tay dài tới khuỷu, đội một chiếc mũ có vành viền bằng vải rất rộng, mặt cũng bịt kín chỉ hở hai con mắt, lập tức đi thoăn thoắt và biến mất trong phút chốc giữa những luống hồng cao ngất. Tôi quá kinh ngạc trước cánh đồng đang nở đầy loài hoa quý phái, hơn thế, nó lại ở giữa những núi non cao chót vót, trùng điệp đá tai mèo. Và bên những cây non vừa ươm, một người phụ nữ nhìn tôi tủm tỉm cười. Bà nói cho tôi biết, rằng nơi này, chính cánh đồng này, khi xưa quân Nhật tấn công Phó Bảng đã bị đội quân của Vương Chí Sình đánh cho tơi tả. Xác lính Nhật lẫn xác ngựa phơi đầy trên đồng…
Tôi cảm thấy mình ngập trong một niềm xúc động kỳ lạ. Có lẽ nào mình đã nhạy cảm quá chăng? Những năm tháng ấy, như các cụ hay nói, anh em tôi còn ở ngọn đa. Bố tôi tham gia đánh Pháp từ 1954, hơn 20 năm sau tôi mới chào đời. Nhưng trước cả khi bố tôi đi bộ đội, thì ở nơi này, xác lính phát xít đã phơi đầy. Một sự trả giá cho thái độ hỗn láo của quân xâm lược. Một niềm kiêu hãnh và tinh thần quyết tử của những người lính địa phương…
Cô gái Mông đã cắt xong 300 bông hồng. Bó hồng dựng đứng thì cao đến ngang ngực. Tôi nói muốn chụp cô ấy một bức ảnh. Cô gái gật đầu và lập tức cởi mũ, bỏ khẩu trang, bỏ áo khoác ngoài… Và hiện ra trước mắt tôi, một gương mặt tròn căng với cặp má đỏ như táo chín, mồ hôi lấm tấm trên trán, hàm răng trắng muốt với nụ cười tinh khiết trong vắt. Cô gái Mông ấy thực sự đẹp như một tia nắng sớm.
Tôi giữ nguyên nụ cười ấy trong khung hình. “Này cô gái, cô có biết nơi cô đang đứng, cách đây 74 năm, điều gì đã xảy ra không?” – Tôi hỏi.
Cô gái Mông lắc đầu: “74 năm thì còn chưa có bà nội mình”.
Lịch sử luôn là những gì đã xảy ra, nhưng cho dù có biến động gì thì lịch sử cũng luôn để lại những dấu chân mà hằng hà sa số những thế hệ sau này sẽ bước vào. Và bằng cách nào đó, những dấu chân ấy sẽ không bao giờ phai mờ.