Năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tuy đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng nỗ lực và những giải pháp hợp lý, hiệu quả, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Rét đậm, rét hại kéo dài, lốc xoáy, mưa đá, nắng nóng lịch sử kéo dài trên 60 ngày với nền nhiệt độ cao 39 – 420C, hạn hán gay gắt trên diện rộng; ảnh hưởng của các cơn bão số 8, 9, 10, mưa, lũ lớn bất thường cuối tháng 10 gây ngập úng; một số dịch bệnh nguy hiểm luôn có nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi với những diễn biến hết sức phức tạp… đó là những khó khăn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp – ngành sản xuất được coi là “nhạy cảm” nhất với các yếu tố thời tiết bất lợi trong năm qua. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, bằng những giải pháp chủ động, ứng phó có hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, những khó khăn, vướng mắc phát sinh, sản xuất nông nghiệp vẫn đạt nhiều kết quả khả quan, làm tốt vai trò góp phần quan trọng đảm bảo ổn định, an sinh xã hội, nhất là trong những thời điểm khó khăn chung.
Các chỉ tiêu đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng; Sản xuất được mùa khá toàn diện, sản lượng gỗ và thủy sản tăng mạnh, giá trị sản xuất ước đạt 18.457 tỷ đồng, nên tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư của ngành tăng khá, đạt 4,96%, GRDP tăng 4,99% (cả nước tăng 2,65%) đứng thứ 5 cả nước, cao nhất vùng Bắc Trung Bộ; đến nay số xã đạt chuẩn NTM là 280/411 xã, đạt 68,13%, hoàn thành vượt mức mục tiêu chương trình, 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85%; tỷ lệ che phủ rừng đạt vượt kế hoạch 58,5%. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Bên cạnh đó, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ được chuyển đổi mạnh, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững theo định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. ”Chúng tôi tập trung phối hợp với các địa phương, đơn vị, để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ trong điều kiện nắng hạn gay gắt kéo dài, mưa, lũ lớn bất thường; đưa nhanh các tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; áp dụng quy trình sản xuất phù hợp với từng mùa vụ, từng loại cây trồng.
Nhờ đó, trong điều kiện thời tiết cực kỳ bất lợi, tổng sản lượng lương thực cây có hạt của Nghệ An vẫn đạt gần 1,2 triệu tấn, đặc biệt, toàn tỉnh đã có gần 60.000 ha sản xuất lúa chất lượng, có giá trị cao, dễ tiêu thụ như các giống QJ1, BTE1, nếp 87, Sông Lam 9… Các loại cây màu, cây ăn quả như lạc, sắn, chè nguyên liệu, cam đều đạt năng suất khá, hiệu quả sản xuất cao.
Bên cạnh đó, nhờ tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách quyết liệt, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi…, nên chăn nuôi phát triển ổn định. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; kiểm tra chất lượng giống chăn nuôi, chất lượng các loại thức ăn, thuốc thú y, các chất cấm dùng trong chăn nuôi; xử lý môi trường chăn nuôi được chú trọng; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi thực hiện kịp thời, nhờ đó, sản xuất chăn nuôi cơ bản vẫn duy trì được số lượng tổng đàn và tăng trưởng sản lượng sản phẩm.
Các chỉ tiêu như tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng, tổng đàn vật nuôi… đều đạt và vượt chỉ tiêu. Đến nay, toàn tỉnh có 766.000 con trâu, bò, chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển, đến cuối năm 2020 đạt trên 65.000 con; toàn tỉnh hiện có trên 330.000 con bò và bê lai; đàn lợn ước đạt 1 triệu con; tổng đàn gia cầm 27 triệu con; toàn tỉnh hiện có trên 460 trang trại, gia trại chăn nuôi.
Bên cạnh đó, sản xuất lâm nghiệp tiếp tục chuyển biến mạnh về chất, tập trung phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
“Toàn ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sản lượng gỗ tăng mạnh; trồng rừng nguyên liệu chuyển nhanh sang sản xuất, kinh doanh gỗ lớn, trồng rừng bằng cây bản địa; trong năm đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án phát triển công nghệ cao trong chế biến gỗ, sản xuất giống cây lâm nghiệp: Xây dựng Đề án Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An; theo định hướng cơ cấu lại ngành; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ thông qua chế biến sâu; phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Người dân vùng miền núi đã có thu nhập khá, nhiều hộ đã thực sự làm giàu từ nghề rừng. Nghệ An cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tốt chuỗi sự kiện Lâm nghiệp Việt Nam – 75 năm hình thành và phát triển”- ông Nguyễn Tiến Lâm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết.
Ngành Nông nghiệp cũng đã tập trung các giải pháp phát triển kinh tế thủy sản, sản xuất muối, làm tốt công tác thủy lợi nhằm phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và dân sinh, tích cực, chủ động chống hạn, phòng, chống lụt, bão, giảm thiểu thiệt hại cho người dân; Quản lý đê điều, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Ngành Thủy sản tập trung khắc phục thẻ vàng châu Âu (IUU), phát triển năng lực đánh bắt xa bờ, năng suất nuôi trồng đạt khá. Tổng sản lượng thủy sản đạt 233/KH232 nghìn tấn, tăng 4,02% so với năm 2019.
Diện tích nuôi trồng thủy sản là 21.479 ha, đến nay, có 5 vùng nuôi tôm được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Toàn tỉnh hiện có 3.467 tàu thuyền, trong đó, 1.210 tàu có chiều dài từ 12m trở lên. Chế biến nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, tăng giá trị nông sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ, sản lượng chế biến thủy sản đạt trên 40.000 tấn, đường kính trắng trên 140.000 tấn; Chè khô các loại đạt trên 12.500 tấn…
Trong khó khăn do dịch Covid-19, nhờ làm tốt công tác xúc tiến thương mại cùng với sự năng động của các doanh nghiệp, nên tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản vẫn đạt trên 315 triệu USD. Công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt nhiều kết quả tích cực, nhận thức về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn ngày càng được nâng lên.
Đặc biệt, trong năm qua, ngành Nông nghiệp đã tích cực, chủ động, tăng cường xúc tiến đầu tư để thu hút, khai thác tối đa nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, xây dựng NTM. Đến nay, tổng mức đầu tư các dự án đang triển khai và đã được phê duyệt thuộc ngành đạt trên 9.200 tỷ đồng.
Trong đó, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 5.700 tỷ đồng, với nhiều dự án lớn như Dự án Sửa chữa và nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc (JICA); Dự án an toàn đập (WB8) đã triển khai; một số dự án đang chuẩn bị đầu tư như: Cống ngăn mặn giữ ngọt sông Lam, các dự án biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai ven biển…