Ngày cuối tháng 3/2022, chúng tôi theo chân ông Lầu Bá Thái – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), vào cánh rừng vừa bị khai thác trái phép ở bản Trường Sơn. Theo lời ông Thái, nơi cánh rừng bị chặt hạ thuộc khu vực biên giới, chỉ cách đường biên chừng 5km đường chim bay.
Khu vực này, người dân địa phương vẫn thường gọi với cái tên là Pu Chang (núi Voi). “Dân làng ở đây ngày xưa cứ đồn ở trên núi Pu Chang có ma, nên chẳng ai dám lên đó chặt gỗ về làm nhà, nên núi vẫn còn nguyên những cây gỗ lớn cho đến ngày nay”, ông Lương Văn Mùi, một người dân sống gần khu rừng nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường dẫn lên khu rừng này khá thuận lợi, xe tải có thể lên tận nơi để vận chuyển gỗ. Ở đây vẫn còn những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cao chót vót, thân cây 3 đến 4 người ôm mới xuể. Những cây gỗ lớn thẳng tắp, mọc xen lẫn giữa những tảng đá trắng khổng lồ, trông khá bắt mắt. Đứng từ xa, cũng có thể nhìn thấy một khoảnh rừng vừa mới bị đốn hạ.
Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường, một nhóm người địa phương đang được lực lượng kiểm lâm thuê để vận chuyển gỗ lên xe tải mang về trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn; để lại trơ trọi 11 gốc cây bị cưa sát mặt đất. Khu vực bị chặt hạ chỉ nằm trong khoảng 1.000m².
Trong số những cây gỗ bị khai thác trái phép đang được vận chuyển về Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn, chúng tôi phát hiện có ít nhất một cây gỗ lát hoa khá lớn. Đây là loại gỗ quý hiếm, thuộc nhóm I. Những người vận chuyển gỗ cũng như lực lượng kiểm lâm có mặt tại hiện trường, cũng xác nhận với phóng viên đây chính là gỗ lát hoa. Ấy vậy nhưng trong các biên bản kiểm tra hiện trường được lập, đều xác định toàn bộ 11 cây gỗ bị đốn hạ đều là gỗ tạp, thuộc nhóm VIII – nhóm cuối cùng trong bảng phân loại nhóm gỗ.
Theo biên bản kiểm tra được lập sáng 17/3/2022 của Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn, thì sau khi nhận được tin báo, tổ công tác đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra và phát hiện có 3 cây gỗ đã bị chặt hạ, dấu chặt còn mới, gỗ đang nằm nguyên cạnh gốc. Các cây bị chặt hạ thuộc lô 8, khoảnh 1, tiểu khu 416, thuộc rừng sản xuất do Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn quản lý. Biên bản kiểm tra với đầy đủ chữ ký, con dấu của các thành viên gồm đại diện lãnh đạo xã Nậm Cắn; đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn; đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn và đại diện Đồn Biên phòng Nậm Cắn. Nội dung trong biên bản còn kết luận, tại thời điểm kiểm tra không phát hiện được đối tượng chặt hạ, khối lượng 3 cây chỉ có vỏn vẹn 1,032m³.
Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên, Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn đã đưa ra một biên bản kiểm tra khác. Biên bản này cũng được lập trùng với thời điểm của biên bản trên và thành phần thực hiện kiểm tra cũng bao gồm những người đó. Chỉ có điều, biên bản lần này kết luận đoàn công tác đã phát hiện 7 cây gỗ bị chặt hạ. Ngoài ra, trong lúc đoàn công tác đang kiểm tra, có ông Lương Văn Phanh (43 tuổi, trú xã Nậm Cắn), đến nhận mình là người đã chặt hạ toàn bộ số gỗ này về để sửa nhà bếp?
Đến sáng 22/3/2022, đoàn công tác tiếp tục vào kiểm tra tại khu vực rừng bị phá. Đoàn lần này không có đại diện Đồn Biên phòng Nậm Cắn, các thành phần còn lại vẫn như cũ. Đoàn sau đó lập biên bản với nội dung phát hiện thêm 3 cây gỗ bị chặt hạ. Nâng tổng số cây bị chặt lên con số 10. Ngoài ra, biên bản này cũng nêu ông Lương Văn Phanh phủ nhận đã chặt hạ 7 cây gỗ như lời khai trong biên bản được lập ngày 17/3/2022, mà chỉ nhận là đã chặt hạ 4 cây.
Theo lời khai của ông Phanh trong biên bản lần này, do “trước đó không đọc kỹ biên bản nên đã ký nhận chặt hạ 7 cây”. Ngoài ra, biên bản lần này Phanh khai ông ta một mình mang cưa xăng lên chặt hạ trong ngày đầu tháng 3 và không phải chặt về sửa nhà bếp mà là sửa chuồng bò. Số cây gỗ còn lại, Phanh nói rằng, không biết ai đã chặt hạ. Ngay trong ngày 22/3/2022, Hạt kiểm lâm huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17,5 triệu đồng đối với Phanh vì đã khai thác rừng trái pháp luật. Số lượng gỗ vi phạm chỉ là 4 khúc và khối lượng chỉ là 1,95m³.
Đến ngày 25/3, UBND huyện Kỳ Sơn đã thành lập đoàn liên ngành vào hiện trường để kiểm tra, đo đếm một lần nữa. Theo biên bản kiểm tra lần này thì đoàn đã phát hiện thêm 1 cây gỗ bị chặt hạ, nâng tổng số cây bị chặt hạ lên 11 và tổng khối lượng gỗ bị chặt là 15,63m³. Ngoài ra, đường kính trung bình của các cây không phải từ 18 đến 45cm hay 20 đến 50cm như các biên bản kiểm tra được lập trước đó, mà là từ 30 đến 65cm.
Nói về sự bất nhất trong các biên bản kiểm tra, một lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn cho rằng “do thời điểm kiểm tra trời mưa nên anh em thiếu sót, không kiểm đếm hết”. Còn một vị cán bộ khác có mặt trong tất cả các cuộc kiểm tra thì cho hay, ngay từ lần đầu kiểm tra, ông đã phát hiện dấu vết nhiều cây bị chặt hạ và nhắc nhở các thành viên trong đoàn lên kiểm tra hết, “nhưng không hiểu vì sao biên bản sau đó chỉ lập có 3 cây”. Tuy vậy, ông này sau đó vẫn ký tên vào các biên bản. Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, khu vực rừng bị phá chỉ nằm gọn trong diện tích chừng 1.000m², không dễ để bỏ sót những cây gỗ to lớn bị đốn hạ.
Ngoài ra, còn có một bất thường khác là vụ phá rừng xảy ra từ đầu tháng 3/2022, đến ngày 16/3/2022, một đoàn công tác của huyện Kỳ Sơn và UBND xã Nậm Cắn lên khu vực này kiểm tra khoáng sản và làm việc với Lương Văn Phanh ngay tại đây, nhưng lại không hề phát hiện ra những cây gỗ lớn vừa bị chặt hạ đang nằm ngổn ngang. Mà một ngày sau, sau khi người dân trình báo, đoàn kiểm tra mới lên làm việc và phát hiện ra.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực rừng bị phá là nơi từng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam thăm dò khoáng sản từ năm 2013 với diện tích hơn 12 hecta. Đến năm 2019, đơn vị này tiếp tục được gia hạn giấy phép thăm dò đến ngày 22/2/2020.
Theo quy định, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực, phía Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình và của các bên liên quan ra khỏi khu vực thăm dò, san lấp công trình thăm dò, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, phục hồi môi trường, đất đai, giao nộp mẫu vật, thông tin về khoáng sản đã thu thập được cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản.
Thế nhưng, đến nay đã hơn 2 năm kể từ khi giấy phép hết hiệu lực, theo quan sát của phóng viên, máy móc và phương tiện vẫn đang được tập kết tại khu vực này. Tại đây, hàng chục tảng đá trắng khá lớn đã được cưa xẻ vẫn còn nằm ngổn ngang. Cạnh đó là một ngôi nhà lợp tôn, có người bảo vệ. Và người được Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam thuê để bảo vệ ở đây lại chính là thủ phạm chặt phá rừng Lương Văn Phanh.
Điều đó đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu vụ phá rừng này mục đích đơn giản chỉ để lấy gỗ về “sửa chuồng bò” hay là động thái để thuận tiện hơn cho việc khai thác khoáng sản?. Đặc biệt là khi mà lời khai của thủ phạm cũng bất nhất, lúc thì khai chặt gỗ về sửa nhà bếp, lúc lại khai về sửa chuồng bò. Và liệu sửa chuồng bò thì có cần thiết phải sử dụng đến một khối lượng gỗ lớn đến như vậy?. Theo tìm hiểu của phóng viên, kết quả thăm dò cho thấy, khu vực này là một trong những mỏ đá có trữ lượng lớn và đẹp hiếm có ở Nghệ An.
Ngoài ra, những bất thường xung quanh vụ phá rừng này cũng khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có hay không thủ phạm chặt phá rừng đang được giảm nhẹ hình phạt? Bởi theo quy định, hành vi khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ 10m³ trở lên đối với gỗ thông thường sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn vụ phá rừng này có tổng khối lượng đã vượt 15m³.