Trung tướng Lê Nam Phong là một vị tướng dạn dày trận mạc. Một vị tướng huyền thoại của Quân đội ta, nhân dân ta, niềm tự hào của quê hương xứ Nghệ yêu thương. Ở con người Trung tướng lưu giữ nhiều những tư liệu lịch sử quý giá của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng!
95 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng. Vị tướng xung trận từ đồi Độc Lập (1954) đến Dinh Độc Lập (1975). Một vị tướng đánh Pháp là Đại đội Trưởng; Đánh Mỹ là Sư đoàn Trưởng (Sư đoàn 7 – Quân chủ lực miền Đông Nam Bộ); Đánh quân bành trướng Trung Quốc xâm lược là Tư lệnh Quân đoàn (Quân đoàn 1). Đi từ chiến tranh Biên giới Tây Nam đến chiến tranh Biên giới phía Bắc.
Một vị Tướng dạn dày trận mạc, kinh nghiệm chiến trường lại trở về Trường đào tạo nhân tài cho quân đội nhân dân Việt Nam (Trường Sỹ quan Lục Quân 2). Một vị Tướng rời xa quê hương Nghệ An đã gần 8 thập kỷ, vào Nam, ra Bắc, lên rừng, xuống biển – Nếm trải đủ 3 cuộc kháng chiến đánh Pháp, thắng Mỹ, đuổi Tàu; Đi qua 3 chiến trường B,C,K; Hành quân qua mọi miền của Tổ quốc, theo đúng nghĩa “Đâu có giặc là ta cứ đi”; “Đâu Quân đội và Đảng cần ta có mặt”! Thế mà ngôn ngữ, âm hưởng, tính cách vẫn đậm đặc tố chất của miền quê xứ Nghệ. Một vị Tướng khi vào Quân đội mới học đọc, học viết mà trí tuệ anh minh. Nói và viết chặt chẽ, khúc chiết. Dạn dày thực tiễn nhưng rất tôn trọng lý luận. Bản lĩnh kiên trung mà nghĩa tình sâu lắng. Một vị Tướng Huân chương đầy trên ngực mà bình dị như một lão nông. Một vị Tướng đọc lý lịch thì quá đỗi ngỡ ngàng và thật kính nể, nhưng nhìn con người thì rất gần gũi, yêu thương…
Nói về Trung tướng Lê Nam Phong thì “lấy rượu làm mực, lấy trời làm giấy” (Nói theo ngôn ngữ của cố Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo) cũng chưa hẳn nói hết được. Với tôi chỉ có một lời kết ngắn gọn nhất là: “Tôi rất yêu thích và kính trọng những con người như Trung tướng Lê Nam Phong”.
Cầu mong hương hồn của Trung tướng Lê Nam Phong siêu thoát về vĩnh hằng, an giấc ngàn thu; Phù hộ cho Quân đội ta tinh nhuệ chính quy và hiện đại, vì nước vì dân. Nhân dân ta hưng thịnh. Đảng ta vững mạnh và đất nước ta hùng cường.
Hai mươi hai năm trước – Ngày 30/4/2000, TP Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể lễ Kỷ niệm 25 năm Giải phóng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, tôi và Trung tướng Lê Nam Phong đều là khách mời của Ủy ban nhân dân Thành phố. Buổi trưa hai anh em may mắn được cùng ngồi chung một mâm cơm. Trung tướng lấy rượu rót đầy hai cốc, ông cầm một cốc, đưa cho tôi một cốc và nói: “25 năm mới gặp nhau, vừa là đồng đội, đồng họ Lê, đồng hương, đồng vào giải phóng Sài Gòn, ta cùng nhau uống cạn cốc này cho “đã” Hợp nhé”. Tôi thưa: “Em tửu lượng kém lắm, làm sao uống hết được ạ”. Trung tướng nói tiếp: “Hợp đương chức quen nhiều, biết rộng, hãy đi một vòng làm đối ngoại và ủy quyền để khi về mâm hết rượu là được”. Nghe lời Trung tướng, tôi đi các mâm chúc và san sẻ cho nhiều người quen biết… Còn một ít rượu về bàn chúc và uống hết với Trung tướng và mọi người trong mâm. Trung tướng vui vẻ nói: “Phải thế, rượu đã rót ra thì phải cạn để vừa vui, vừa chống lãng phí”. Cả mâm nhìn Trung tướng cười, phấn khởi…
Lại nhớ, khoảng giữa năm 2015, nhân dịp vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, ba anh em chúng tôi là Lê Doãn Hợp, Đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thọ Truật và doanh nhân Nguyễn Huy Năm rủ nhau đến thăm Trung tướng Lê Nam Phong. Cứ có đồng hương và đồng đội đến nhà là Trung tướng vui như tết. Mọi người đang chuyện trò rôm rả, đột nhiên Trung tướng nhìn tôi và hỏi: “Hợp ơi, khi anh chết Hợp có vào viếng không”? Tôi thưa: “Anh chết thì tụi em phải đến viếng chứ.”! Trung tướng lại nói tiếp : “Thế Hợp định bỏ phong bì bao nhiêu”? Tôi cười và trả lời: “Khi đương chức em đến với anh thì anh đã rõ. Giờ về hưu, mọi việc hiếu hỉ em chỉ phấn đấu giữ mức ổn định một triệu đồng thôi”. Trung tướng lại nói tiếp: “Về hưu lương Bộ Trưởng thua lương Đại tá mà hiếu hỉ một triệu đồng là tình nghĩa lắm rồi. Thế Hợp đưa tiền cho anh tiêu trước – Khi anh mất Hợp không phải vào nữa, vừa tiết kiệm thời gian vừa không mất thêm chi phí tàu xe cho Hợp”(!) Nghe Trung tướng nói xong, cả 4 anh em chúng tôi được một trận cười rôm rả.
Nay Trung tướng đi thật rồi. Ngày 31/3/2022 ,Trung ương làm lễ tang cho cụ, tôi lại vướng bận ở Hà Nội chưa vào được. Tôi nhờ chú Nguyễn Huy Nam làm thủ tục vào viếng thay tôi, thì nhận được thông báo “Gia đình xin miễn chấp điếu”, đành dừng lại. Sắp tới vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, tôi sẽ ghé gia đình chia buồn và thắp hương viếng Trung tướng.
Giờ đây tôi có thể nói: Trung tướng Lê Nam Phong là một con người: “Vì Lính vì Dân khi tại ngũ – Gần Dân gần Lính khi về hưu – Thương Lính trọng Dân khi quá cố”. Nếu tất cả quan chức của chúng ta, ai cũng giống Trung tướng Lê Nam Phong thì Đảng có uy, dân có tín, đất nước hưng thịnh vững bền./.
Nguyễn khắc Thuần
Bài viết rất tình cảm