Hơn 1 năm nay, người dân ở xã Quỳnh Lâm – địa phương có dân số đông (trên 15,5 ngàn nhân khẩu với trên 30% đồng bào Công giáo) đã quen với hình ảnh cán bộ Mặt trận với cuốn nhật ký trong tay vào từng tổ dân cư, thăm từng gia đình để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời các vấn đề người dân kiến nghị, bức xúc ngay từ cơ sở.
Trò chuyện với chúng tôi bên bát nước chè xanh đậm đà, bà Hồ Thị Hồng – xóm 9, xã Quỳnh Lâm vui vẻ cho biết: “Bây giờ không phải đợi đến kỳ tiếp xúc cử tri, mà thông qua nhật ký thăm hộ hàng tuần của cán bộ Mặt trận, những kiến nghị, phản ánh của người dân chúng tôi được chuyển tới các cấp chính quyền giải quyết rất kịp thời”.
Ví như vừa rồi người dân phản ánh với cán bộ Mặt trận về việc đất ruộng sâu trước đây của xã giao khoán nhưng sau mấy vụ làm lúa không hiệu quả, máy đập, máy gặt cũng không sang được mà phải làm thủ công nên dân không sản xuất nữa nhưng xã vẫn thu thuế. Ý kiến của người dân được cán bộ Mặt trận tổng hợp và chuyển đến chính quyền. Xã đã cho người về kiểm tra và giải thích rõ: Do người dân và cơ sở không báo lên nên chính quyền không nắm bắt được. Sau khi nghe giải thích, người dân đã thông tư tưởng, đồng tình với phương án vụ này vẫn phải nộp, từ vụ sau người dân báo lên thì chính quyền không thu nữa.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở cơ sở, ông Ngô Quang Châu – Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xóm 9, xã Quỳnh Lâm cho rằng, người cán bộ Mặt trận không chỉ phải sâu sát đến từng thôn, xóm, nắm bắt tốt tình hình nhân dân và dư luận xã hội để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền xử lý các tình huống ở cơ sở mà còn phải thực hiện tốt phương châm “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin”. “Từ khi triển khai chương trình “Nhật ký lắng nghe và thấu hiểu”, tôi thường giành thời gian ghé thăm hộ, uống nước chè trò chuyện thân tình. Đối với những vấn đề người dân phản ánh, những gì giải thích được thì giải thích luôn, cái gì không thuộc thẩm quyền thì báo cáo với chi ủy, ban quản lý xóm”, ông Châu cho hay.
Trao cho chúng tôi xem cuốn “Nhật ký lắng nghe và thấu hiểu” được ghi chép, đóng bìa cẩn thận, chị Hồ Thị Xuân – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Lâm cười nói: “Việc thật, làm thật đấy, không nói suông đâu, Trưởng ban Mặt trận các xóm cũng có cuốn này!”.
Đầu năm 2020, sau khi tiếp nhận chủ trương của MTTQ huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Lâm tổ chức hội nghị triển khai cho 16 ban công tác Mặt trận khối xóm. Riêng với Ban Thường trực MTTQ xã, ngoài việc tiếp nhận phản ánh của người dân do Mặt trận xóm chuyển lên thì cứ vào thứ 6 hàng tuần, cán bộ Thường trực MTTQ xã lại về các khu dân cư để lắng nghe ý kiến của dân.
Có lúc đi một mình, có khi phối hợp với Đảng ủy, Hội đồng, Công an xã. “Những nội dung nào mình nắm được thì giải thích tại chỗ, không thì chuyển các ý kiến đề nghị cấp ủy, chính quyền xã và các bộ phận liên quan xem xét giải quyết. Ví như người dân phản ánh, các hộ chăn nuôi ở khu vực xóm 8, 10 gây ô nhiễm môi trường, sau khi Mặt trận chuyển ý kiến tới chính quyền, xã đã cho người về kiểm tra và yêu cầu các hộ chăn nuôi phải làm hệ thống bioga để đảm bảo công tác chăn nuôi trong khu dân cư, từ đó dân không kêu nữa…”, chị Xuân bày tỏ.
Nói về vai trò “cầu nối” của Mặt trận với cấp ủy, chính quyền, đồng chí Nguyễn Đình Dung – Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lâm đánh giá: “Mô hình nhật ký “lắng nghe và thấu hiểu” không chỉ khiến hệ thống Mặt trận hoạt động sôi nổi hơn mà còn phát huy chức năng giám sát và phản biện xã hội. Những thông tin của dân phản ánh với Mặt trận đều được tiếp thu và đề xuất xử lý một cách nghiêm túc. Qua đó, giúp cấp ủy chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những kiến nghị của dân, hạn chế phát sinh điểm nóng, giữ yên cơ sở. “Có những vấn đề lãnh đạo xã chưa biết nhưng cán bộ Mặt trận đã nắm được, chứng tỏ người dân đặt niềm tin rất lớn, nhờ vậy đã quy tụ được sự đồng thuận của người dân góp phần thực hiện tốt các phong trào thi đua ở địa phương”.
Rõ nhất là trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Trong năm 2020, toàn xã đã xây dựng được hơn 5km tuyến đường liên xã, 18,1km đường nội thôn đã được bê tông hóa, xây dựng được nhiều mô hình điểm về khu dân cư văn minh tại các xóm 3,6,9; hoàn thành 8 tuyến đường cờ đại đoàn kết tại các xóm và 2 tuyến đường cờ liên xã với tổng giá trị hơn 65 triệu đồng… Đến nay, xã Quỳnh Lâm đã đạt được 16/19 tiêu chí và đang quyết tâm hoàn thành các tiêu chí còn lại để hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới trong năm 2021.
Tương tự tại xã An Hòa, nhiều phong trào thi đua do Ủy ban MTTQ xã phát động đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình với 13/14 thôn giữ vững danh hiệu Làng văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 87%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,29%.
Chỉ cho chúng tôi những tuyến đường bê tông thoáng đãng với những khẩu hiệu tuyên truyền xây dựng khu dân cư văn minh – phát triển, mô hình phân loại rác thải tại hộ, ông Nguyễn Văn Nông – Bí thư Chi bộ, Xóm trưởng xóm Bút Ngọc cho hay: “Đó là kết quả của những chính sách hợp lòng dân, phản ánh nguyện vọng của người dân. Muốn vậy, cán bộ phải gần dân, lắng nghe dân, kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của dân. Và mô hình “Nhật ký lắng nghe và thấu hiểu” của Mặt trận đã góp thêm một “kênh” thông tin giúp chi bộ, ban quản lý xóm cũng như cấp ủy, chính quyền kịp thời nắm bắt và giải quyết vấn đề người dân quan tâm. Ví dụ qua kênh Mặt trận, bà con bày tỏ băn khoăn về việc thiếu nguồn nước sạch, có khi người dân phải mua cả xe nước để dùng. Huyện đã triển khai khởi công lắp đặt chương trình nước sạch về xã, dự kiến 4 – 5 tháng nữa bà con An Hòa sẽ có nước sạch phục vụ sinh hoạt nên người dân rất phấn khởi lắm. Hay tại xóm Hồng Phong, người dân phản ánh về việc hộ nuôi tôm trên địa bàn sau khi thu hoạch tôm đã bơm nước thải, tạp phẩm gây ô nhiễm khu vực sản xuất muối của bà con”.
“Hiện xã đã khảo sát để xây mương thoát nước cho đầm tôm để tránh nước bẩn thẩm lậu chảy ra cánh đồng muối, đồng thời yêu cầu hộ nuôi tôm nếu tiếp tục đấu thầu phải xây hồ chứa lắng, xử lý xong mới cho nước ra, tránh gây ô nhiễm môi trường…”, ông Hồ Viết Thái – Trưởng ban công tác Mặt trận xóm Hồng Phong cho hay. Chia sẻ về chuyển biến trong tác phong, lề lối làm việc của Ban công tác Mặt trận, ông Thái cười vui vẻ, “cán bộ Mặt trận không chỉ là “trận nào cũng có mặt” mà còn phải “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Nói về mục đích triển khai mô hình “Nhật ký lắng nghe và thấu hiểu”, ông Trần Minh Chính – Phó Chủ tịch MTTQ huyện Quỳnh Lưu cho hay: “Đây cũng là giải pháp để hiện thực hóa Chỉ thị 05 nhằm thay đổi tư duy, tác phong lề lối làm việc của cán bộ Mặt trận. Theo đó, cán bộ Mặt trận phải sâu sát từng thôn, xóm, nắm bắt tốt tình hình nhân dân và dư luận xã hội để kịp thời tham mưu xử lý các tình huống phát sinh ở cơ sở.
Hàng tuần, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đều tổng hợp, ghi nhận các vấn đề người dân quan tâm, phản ánh từ kênh cơ sở chuyển lên và có báo cáo dư luận xã hội gửi các cấp có thẩm quyền. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của huyện thì kiến nghị với cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết, những vấn đề vượt thẩm quyền thì chuyển lên MTTQ tỉnh đề xuất lên cấp trên có giải pháp giải quyết dứt điểm.
Nhờ vậy, hoạt động của Mặt trận các cấp đã có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, sáng tạo, hiệu quả. Nội dung, phương thức phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền và các tổ chức thành viên được đổi mới theo hướng thiết thực, sát với tình hình thực tế. Quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia các vấn đề ở địa phương được phát huy theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhất là trong các lĩnh vực như các thông tin quy hoạch các dự án, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; các chủ trương vay vốn, bình xét ở khu dân cư; xây dựng các công trình phúc lợi công cộng và các quỹ đóng góp của cộng đồng dân cư…”.
Từ thực tiễn ở địa phương, đồng chí Hồ Thị Thỏa – Bí thư Đảng ủy xã An Hòa cho rằng: Đây là hình thức công khai để nhân dân trực tiếp bày tỏ những mong mỏi với cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua kênh Mặt trận. Qua đó, giúp cấp ủy chính quyền có thêm thông tin, cơ sở để xem xét, điều chỉnh công tác điều hành, quản lý ngày càng sát với tình hình thực tiễn. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở, giảm tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp và giúp các xã, thị trấn thực hiện sát thực tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Một số lãnh đạo cấp xã cũng ghi nhận rằng: Đa số ý kiến của quần chúng nhân dân phản ánh được tổng hợp qua nhật ký của Mặt trận đều mang tính chất xây dựng, có trọng tâm, trọng điểm và chỉ ra những hạn chế, vấn đề cụ thể để địa phương kịp thời rút kinh nghiệm, cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, nhìn nhận lại mình. Việc cấp ủy, chính quyền tiếp thu, sửa chữa, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Về phía hệ thống Mặt trận, thông qua mô hình “Nhật ký lắng nghe và thấu hiểu” cũng thể hiện rõ vai trò “cầu nối, mái nhà chung gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc; nơi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Đến nay, đã có 30 xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân toàn huyện đạt 17,7 tiêu chí, tổng nguồn lực huy động để thực hiện XDNTM toàn huyện năm 2020 đạt trên 2.973 tỷ đồng, trong đó vận động nhân dân đóng góp 33,818 tỷ đồng, nhân dân hiến 43 ha đất, đóng góp 109.998 ngày công. Trong năm 2020 có 33/33 xã, thị trấn xây dựng được 90 tuyến đường cờ “Đại đoàn kết”, tổng chiều dài 61.847 km, tổng số kinh phí xây dựng trên 3 tỷ 676 triệu đồng (nhân dân đóng góp 773 triệu đồng, nguồn xã hội hóa 261 triệu đồng, chính quyền hỗ trợ 296 triệu đồng)… Nhiều phong trào do MTTQ huyện phát động như “Người nghèo dũng cảm”, “Ngày thứ Bảy vì Nông thôn mới”, “Khu dân cư văn minh – phát triển”… được đông đảo người dân hưởng ứng nhiệt tình, tạo khí thế thi đua sôi nổi ở cơ sở.
Đúng với câu nói: “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quý của nghề nghiệp”. Với người cán bộ Mặt trận trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu sự “lắng nghe, thấu hiểu” đã và đang trở thành chiếc “chìa khóa” dẫn họ đến gần hơn với người dân, trở thành địa chỉ tin cậy để nhân dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình.