Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các gói thầu liên quan đến tài sản công, ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, việc hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến đấu thầu, kịp thời bịt các kẽ hở nhằm tạo ra một môi trường minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả là yêu cầu cần kíp.
Trước thực trạng đấu thầu liên quan đến tài sản, ngân sách công gặp nhiều khó khăn, đại diện Phòng Quản lý giá và công sản, Sở Tài chính cho biết: Hiện nay, các hợp đồng mua sắm tài sản, thiết bị có giá trị lớn của Nhà nước đều có sự tham gia của đơn vị tư vấn thầu, thẩm định giá độc lập. Các đơn vị tư vấn hay thẩm định giá dù độc lập nhưng phần lớn là công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp tư nhân nên khó mà quản lý, giám sát được. Để chấn chỉnh công tác này, đầu tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các doanh nghiệp thẩm định giá kiểm tra, nhắc nhở đơn vị chấp hành nghiêm quy định về thẩm định giá; qua kiểm tra định kỳ và đột xuất, nếu phát hiện vi phạm sẽ thu hồi chứng chỉ và rút giấy phép hoạt động.
Ngoài các khó khăn trên, theo các chuyên gia pháp lý, hiện nay, nước ta đã gia nhập WTO và ký gần 20 hiệp định thương mại tự do song phương với các nước, nên luật pháp nói chung và quy định về đấu thầu nói riêng phải tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Các trang thiết bị hay máy móc phần lớn là có yếu tố nước ngoài. Thế nhưng, thông tin về tiêu chí đánh giá các sản phẩm mới chưa có nên chưa thể đánh giá được hiệu quả của sản phẩm. Đơn cử, trong lĩnh vực y tế, theo quy định, nếu sản phẩm, thiết bị có tiêu chuẩn, mã vạch như nhau, dù đến từ quốc gia nào và qua đấu thầu, sản phẩm nào đảm bảo công năng nhưng giá thấp nhất sẽ trúng nhưng thực tế sau này sử dụng mới rõ hiệu quả. Ví dụ như sản phẩm, thiết bị xuất xứ từ châu Âu hoặc Mỹ sản xuất có chất lượng và giá cao hơn nên sẽ khó trúng thầu, nhưng ngược lại kể cả khi sản phẩm từ Trung Quốc rẻ nên trúng thầu các chủ đầu tư cũng băn khoăn, khó lựa chọn hoặc nếu chọn xong thì sau đó hậu quả nếu xảy ra trách nhiệm sẽ thế nào.
Tương tự, lĩnh vực đấu thầu xây lắp, một nhà thầu cho biết: Về nguyên tắc, doanh nghiệp trúng gói thầu trọn gói thì “lời ăn lỗ chịu” nhưng trên thực tế, do vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng, nếu kéo dài qua năm thứ 2 trở đi, hoặc giá vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu tăng trên 30% thì doanh nghiệp có quyền đề xuất điều chỉnh dự án; ngược lại, qua thanh tra, kiểm toán, nếu trị giá đầu tư được phê duyệt cao thì cơ quan chức năng cũng yêu cầu điều chỉnh giảm giá trị gói thầu.
Luật Đấu thầu đã và đang chứng minh là một trong những công cụ hiệu quả để Nhà nước giám sát đầu tư, quản lý tài sản công. Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Nhà nước thúc đẩy đầu tư công, các quy định về đấu thầu còn phải được sửa đổi phù hợp với các quy định liên quan. Chính vì lý do đó, mặc dù mới ban hành Nghị định 25/2020 và các Thông tư số 11/2019, Thông tư số 08/ 2022, nhưng Luật Đấu thầu cần tiếp tục sửa đổi để hoàn thiện hơn. Tại kỳ họp cuối năm 2022 về góp ý sửa đổi Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: Sửa nhưng không có nghĩa là mở hết ra, mà vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh để trục lợi và tiêu cực tham nhũng; đồng thời, phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm các gói thầu.
Theo chúng tôi, cùng với sửa đổi Luật Đấu thầu, cơ quan liên quan cần rà soát lại các quy định hiện tại để phát hiện vướng mắc, kẽ hở; đồng thời, khẩn trương ban hành các quy định tiêu chuẩn, định mức đánh giá, đơn giá đối với một số lĩnh vực vật tư, đặc thù thật phù hợp và dễ áp dụng. Thực tế cho thấy, cũng là mua sắm tài sản, trang thiết bị, nhưng đối với các doanh nghiệp, công ty liên doanh có thể ra quyết định đơn giản và nhanh gọn, thậm chí có thể mua những thiết bị đã qua sử dụng, nhưng nếu mua từ nguồn ngân sách quy định phải mới 100%. Trong khi đó, hàng hóa, sản phẩm mới ra đời nên chưa thể hoặc khó có sản phẩm tương đương để đánh giá. Việc yêu cầu cung cấp các sản phẩm tương tự để đánh giá như lâu nay Trung tâm Tư vấn hỗ trợ tài chính thường làm là rất khó cho các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Một hướng tháo gỡ nữa theo đại biểu Trần Đức Thuận – Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An phát biểu tại diễn đàn góp ý vào sửa đổi Luật Đấu thầu là phải minh bạch công tác đấu thầu, công khai thông tin càng nhiều càng tốt vì ngoài giám sát của các bên liên quan còn có giám sát của báo chí sẽ hạn chế các hành vi vi phạm như thông thầu, làm giả hồ sơ dự thầu hoặc mời thầu theo kiểu đối phó… Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đấu thầu, đi đôi với thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị thông báo mời thầu đối phó, hình thức; các đơn vị tư vấn, thẩm định giá vi phạm.
Hiện nay, so với các trung tâm lớn của cả nước, địa bàn Nghệ An chưa có các tổ chức hay đại lý đấu thầu chuyên nghiệp như lĩnh vực đấu giá. Vì thiếu tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp nên các đơn vị vệ tinh như tư vấn, thẩm định giá độc lập, có uy tín cũng ít đi. Phần lớn các dự án đầu tư đều do chủ đầu tư xây dựng là các sở, ngành, UBND huyện hoặc Ban Quản lý dự án với thành phần là các phòng, ban liên quan lập dự toán, ban hành tiêu chí và chấm thầu. Nếu các thành viên đều tay và có chuyên môn và trách nhiệm thì đảm bảo, nhưng nếu không sẽ rơi vào hình thức.
Cuối cùng, liên quan đến những vướng mắc đấu thầu mua sắm tài sản công tập trung tại Nghệ An, ông Nguyễn Trung Long – Trưởng phòng Quản lý giá và công sản cho biết: Hiện Sở Tài chính đang tham mưu trình UBND tỉnh sửa đổi Quyết định 640/2022/QĐ-UBND theo hướng các thiết bị chuyên biệt, vật tư tiêu hao trong lĩnh vực y tế, phòng, chống lụt bão sẽ chuyển về các đơn vị tự đấu thầu mua sắm theo quy định và tự chịu trách nhiệm về quyết định mua sắm của mình.