Vừa qua, Tiến sỹ Lê Thanh Nga – Giảng viên Trường Đại học Vinh được giao nhiệm vụ khá đặc biệt ở Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Nghệ An: Trưởng ban Văn học trẻ. Đây cũng là lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm, kỳ vọng, dù còn rất nhiều khó khăn. Để hiểu hơn về đời sống của văn học trẻ hiện nay, Tiến sỹ Lê Thanh Nga cũng đã có những trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An.
P.V: Chào anh, tôi được biết, bài thơ đầu tiên của anh được viết khi anh mới học lớp 5 – kể về chuyến đi xa đầu tiên của mình. Anh cũng từng nói rằng, đó là một cột mốc quan trọng để sau này anh gắn bó với nghiệp văn chương. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng nhen nhóm trở thành nhà thơ khi tuổi đời còn rất nhỏ với tập thơ nổi tiếng “Góc sân và khoảng trời”. Vậy anh có nghĩ rằng, trẻ con ngày này thiếu một “khoảng trời” để các em nuôi dưỡng niềm đam mê văn học của mình?
TS. Lê Thanh Nga: Câu hỏi của chị nên được gửi đến cho nhiều cá nhân, đơn vị, bởi nó động đến một vấn đề rất cơ bản không chỉ là câu chuyện văn chương, mà còn là sự phát triển của nhân cách một đứa trẻ, một con người. Từng là một đứa trẻ, đang là một phụ huynh, cũng là người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực văn chương, tôi ít nhiều hiểu được sự cần thiết một “khoảng trời” như chị nói – cho trẻ, để các cháu không “què quặt” trước trăm thứ áp lực, trăm thứ cám dỗ của đời sống, từ đó mới có hy vọng có được những nhà văn lớn.
Tôi muốn hiểu “khoảng trời” đây chính là những gì đứa trẻ cần theo lẽ tự nhiên của nó: là không gian tự nhiên vẫy gọi, là cội nguồn văn hóa, là những lao động hồn nhiên con trẻ ở những không gian chỉ có những mối quan hệ theo cách đặc biệt của chúng. Trẻ em ngày nay bị cuốn vào việc học một cách kinh khủng. Cũng có những trường học tổ chức cho các em những giờ trải nghiệm, ngoại khóa, nhưng hình như việc lựa chọn những không gian trải nghiệm khá đơn điệu. Vậy thì rất khó để có những nhà văn lớn, có một nền văn học trẻ sôi nổi như chúng ta mong mỏi! Một đứa trẻ chỉ có thể lớn lên, trở thành nhà văn khi chúng là con người được phát triển tự nhiên trong tình yêu thương và biết yêu thương.
P.V: Là một người nghiên cứu văn học, anh nhận thấy đời sống văn hóa đọc của thế hệ trẻ hiện nay như thế nào. Liệu điều đó, có ảnh hưởng đến việc sáng tác của những nhà văn trẻ?
TS. Lê Thanh Nga: Tôi thuộc lớp sinh ra sau chiến tranh, tức là thế hệ 7X. Sẽ rất sai nếu nghĩ rằng thế hệ ấy mọi người đều thích đọc sách. Thực tế là thời chúng tôi đang là thiếu niên, rồi thanh niên, đất nước ta đang đứng trước khủng hoảng kinh tế, phủ lên nhiều miền quê là không gian của cái đói, cái rét (Nguyễn Huy Thiệp có viết rất hay về cái đói, có lẽ là nhờ thời kỳ này), xuất bản, in ấn bao cấp… nên hiếm sách. Tôi và không quá nhiều người thuộc loại may mắn vì có mẹ là giáo viên, mượn được sách thư viện trường đấy chứ! Tuổi tôi, thậm chí bỏ học, thất học rất nhiều là đằng khác. Chỉ có điều, ai đã đọc thì thường đọc, đọc bằng đam mê, đọc “trối chết”.
Theo quan sát của tôi, lớp trẻ ngày nay không phải là không đọc, thậm chí còn rất chịu khó đọc nữa chứ! Nhưng cách đọc của họ rất khác. Thế hệ tôi quan tâm đến sách văn học, lịch sử, địa lý… Tuổi trẻ ngày nay có ý thức lựa chọn đọc những sách có thể giúp họ xây dựng kỹ năng sống, chứ không phải là bồi dưỡng tâm hồn. Tôi nghĩ có hai lý do cơ bản: Thứ nhất, hồi chúng tôi không có các loại sách ấy, hoặc ít nhất là không nhiều; thứ hai, ý thức sinh tồn của con người ngày nay ráo riết hơn, thường trực hơn…
Rất khó để nói chuyện tâm hồn khi đời sống vật chất, cùng những giá trị thực dụng của nó là thứ mà cả xã hội hướng đến. Và điều đó đương nhiên ảnh hưởng mạnh mẽ đến khát vọng và hành động sáng tác của các nhà văn trẻ. Nhà văn viết ra, trước hết là để đáp ứng tầm đón đợi của công chúng. Mà công chúng không đợi thì anh viết làm gì! Không ai lại đi về phía không có ai hoặc cái gì đó đợi chờ mình. Dĩ nhiên, đấy chỉ là sự ảnh hưởng từ một phía. Để có những tác phẩm hoặc một nền văn học “cho ra hồn”, cần rất nhiều điều kiện, trong đó phải tính đến cả người viết.
P.V: Tôi nghĩ rằng, cuộc sống hiện đại khiến những người trẻ tuổi có rất nhiều sự lựa chọn, vì thế văn học không còn vị trí độc tôn. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, văn học trẻ ngày này không có nhiều mảnh đất màu mỡ để vùng vẫy. Là một người nghiên cứu về văn học, anh có đồng ý với vấn đề này không? Anh thấy thành công lớn nhất của văn học trẻ trong những năm qua là gì?
TS. Lê Thanh Nga: Theo tôi, cả hai hiện tượng chị đề cập đều đúng. Việc lớp trẻ có nhiều lựa chọn hẳn nhiên là gây rất nhiều bất lợi cho văn học nói chung, không chỉ là văn học trẻ. Còn bản thân văn học trẻ, như chị nói, hiện nay đang gặp nhiều giới hạn, nhất là từ phía người sáng tác. Họ không được nuôi nấng, được vun đắp và trưởng thành bắt đầu từ những khoảng trời của chính họ đã đành. Nhưng còn một điều nguy hiểm hơn cho sự phát triển của văn học trẻ và cho cả đời sống tinh thần xã hội nữa, đó là sự nghèo nàn, sự xơ cứng về mặt tinh thần, nếu có sự phong phú, niềm đam mê nào đó thì hình như hơi giả tạo và ngắn hạn.
Văn học chỉ có thể gieo mầm trên mảnh đất màu mỡ của tâm hồn. Mảnh đất ấy, có thể là nỗi đau, có thể là niềm tin, tình yêu, và nhà văn phải là những người thực sự có khát vọng và dám dấn thân với tư cách là những người đại diện cho tâm hồn, lương tri của dân tộc, của thời đại, của con người, để phản ứng với các thế lực chà đạp lên con người, hoặc động viên con người theo đuổi đam mê, tin vào chân lý (dù chân lý đó chỉ có tính thời điểm và tương đối). Nhiều năm lại nay, các tác phẩm của các nhà văn có thể gọi là trẻ (tôi ước định “trẻ” ở đây chừng dưới tuổi 35 cho rộng rãi) ít xuất hiện hoặc ít gây được tiếng vang. Tôi cho đó là hệ quả của sự khủng hoảng thế hệ do các vấn đề vừa có tính chất cá nhân, vừa có tính xã hội phổ quát như niềm tin, lý tưởng, hoài bão…
Nói thật là, cho đến nay, chúng ta đang giữ được một số ít người viết trẻ biết đam mê, dám theo đuổi đã là một thành công rồi. Xin phép không bàn đến câu chuyện chất lượng tác phẩm, tôi chỉ muốn chia sẻ một chút nuối tiếc là hình như văn học trẻ của ta hiện nay quá ít quan tâm về những vấn đề của con người nói chung. Mà văn chương không quan tâm đến vấn đề con người thì nhạt lắm!
P.V: Nghệ An là mảnh đất của văn học. Thế nhưng, phải nói rằng, đội ngũ sáng tác trẻ không nhiều. Theo anh, điều này là vì sao? Phải chăng vì hiện nay, giữa người viết và người đọc chưa tìm được tiếng nói chung hay người trẻ không mặn mà vì họ không có nhiều cơ hội để phát triển và chưa thực sự được đánh giá cao về năng lực.
TS. Lê Thanh Nga: Nói Nghệ An là mảnh đất của văn học cũng chỉ là cách nói tương đối. Đội ngũ sáng tác trẻ của tỉnh nhà, theo quan điểm của tôi, như cái tuổi mà tôi ước định trên đây, không những không nhiều mà còn rất ít. Những cái tên có thể coi là cây bút cứng cáp của “văn học trẻ” thì cũng chủ yếu trên bốn mươi cả rồi. Nếu không quá cả tin vào tiềm năng văn học của ta, thì sẽ thấy điều này là bình thường, hơn nữa, cả nước trừ Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh thì hình như đều đối mặt với thực trạng này. Tất nhiên, cũng có nhiều lý do khác nữa dẫn đến hiện tượng trên.
Có điều nếu nói người trẻ không mặn mà vì họ không có nhiều cơ hội để phát triển và chưa thực sự được đánh giá cao về năng lực thì e rằng chưa thực sự thỏa đáng, mặc dù đó cũng có thể là nguyên nhân – một thứ nguyên nhân không rõ ràng.
P.V: Những ngày còn là sinh viên anh đã từng là thành viên của chủ nhóm bút “Dòng xanh” của Đại học Vinh. Đây cũng là thời kỳ của các nhóm bút học trò rất phát triển như “Hương đầu mùa”, “Hoa cát”… Từ đây, cũng đã có rất nhiều cây bút trẻ của Nghệ An được phát hiện như Phan Thúy Thảo, Đường Hải Yến, Dương Nữ Khánh Thương, Đinh Thu Hiền, Võ Thu Hương, Phan Vũ Nhật Linh… Vậy, để phát triển văn học trẻ, chúng ta có cần xây dựng lại các câu lạc bộ sáng tác văn học như ngày trước?
TS. Lê Thanh Nga: Tôi nghĩ, nếu xây dựng được các bút nhóm thì sẽ rất tuyệt vời. Hiện tôi cũng đang có ý tưởng tái lập bút nhóm mà mình đã sống chết vài chục năm về trước. Tuy nhiên, vấn đề vẫn luôn là con người. Nếu không có con người đủ các điều kiện như tố chất, đam mê, nhiệt thành… thì bút nhóm có thành lập cũng không giúp ích gì cho văn học cả. Thế hệ chúng tôi hồi ấy đặc biệt là không mảy may vụ lợi khi đến với văn chương. Không những tự bỏ kinh phí để duy trì sinh hoạt, chúng tôi còn quyên góp để giúp đỡ trẻ em nghèo hoặc những người yêu văn chương đang có nguy cơ bị đẩy vào cùng đường tuyệt lộ.
P.V: Hiện anh đang giữ cương vị Trưởng ban Văn học trẻ và rõ ràng đây không phải là công việc dễ dàng. Hiện anh và các thành viên trong BCH Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật đã có những định hướng gì để trong những năm tới văn học trẻ Nghệ An có sự khởi sắc và để Nghệ An lấy lại thế mạnh của mình?
TS. Lê Thanh Nga: Thực ra thì vai trưởng ban văn học trẻ là một vai đặc thù. Nó khác với trưởng ban hội viên là phải quan tâm chuyên môn một tẹo, nhưng lại khác với vai trưởng các ban chuyên môn như Ban Lý luận phê bình, Ban Thơ, Ban Văn xuôi… ở chỗ là rất mờ nhạt về chuyên môn. Trước đây tôi đã từng làm việc ở cơ quan văn phòng hội, tôi thấy hình như Ban Văn học trẻ, hay Ban Văn học thiếu nhi chỉ là thành lập cho đủ mâm bát, rồi mỗi năm tổ chức một trại sáng tác chiếu lệ.
Tôi không thấy (hoặc ít nhất là chưa thấy) những người viết trẻ từ đây hay qua đây mà trưởng thành. Vậy nên thật khó mà hứa hẹn một điều gì đó…! Tuy nhiên, trên cương vị của mình, tôi sẽ cố gắng tham mưu để hội làm được một cái gì đó thực chất. Tôi hy vọng vào cơ quan văn phòng hội và ban chấp hành cũng như luôn mong mỏi được lắng nghe ý kiến của hội viên, của xã hội, trong đó có những người viết trẻ. Sẽ nhiều việc phải làm, sẽ nhiều bộ phận phải tham gia, trong đó Tạp chí Sông Lam có lẽ sẽ ý thức được vai trò quan trọng của mình trong việc phát hiện, giới thiệu những gương mặt văn học trẻ. Và chắc chắn khi đó chúng tôi cũng sẽ có dịp phiền đến những người gác cổng văn nghệ của Báo Nghệ An trong tâm trạng mong mỏi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình.
P.V: Cảm ơn Tiến sỹ Lê Thanh Nga về cuộc trao đổi thú vị này!