Vừa qua, làng văn Nghệ An đón niềm vui khi nhà văn Nguyễn Thế Quang được vinh dự nhận Giải thưởng Văn học ASEAN – giải thưởng danh giá, mỗi năm chỉ trao một lần cho các nhà văn từ mỗi quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Trở về từ Vương quốc Thái Lan, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã có nhiều chia sẻ với Báo Nghệ An về chuyến đi ý nghĩa này.
P.V: Chúc mừng nhà văn Nguyễn Thế Quang với giải thưởng danh giá này. Ông có thể chia sẻ về những kỷ niệm của đoàn trong chuyến làm khách mời đặc biệt của Hoàng gia Thái Lan với độc giả?
Nhà văn Nguyễn Thế Quang: Có thể nói kỷ niệm về chuyến đi này rất nhiều. Chúng tôi được Hoàng tộc Thái Lan đón tiếp rất chu đáo. Mục đích của giải thưởng được ghi rõ: “Giải thưởng Văn học S.E.A (các nước Đông Nam Á) được thành lập để tôn vinh các nhà văn các nước ASEAN trong quá khứ, hiện tại và tương lai”. Lần trao giải thưởng này, nhà Vua đã mời Keete Fox – một nhà văn, nhà sử học người Italy gốc Mỹ – Pháp hiện đang sống ở Paris làm diễn giả của buổi trao giải. Nhà Vua cũng trân trọng trao quyền cho Công chúa Sirivannavari Nariatana Rajakanya trao giải cho các nhà văn.
Chủ đề của giải thưởng là “Sáng tạo ra câu chuyện của riêng bạn, giúp bạn du hành không gian và thời gian để gặp gỡ những con người mà lòng nhiệt huyết của họ đã tạo thành thế giới ngày hôm nay”. Trong buổi trao giải, Công chúa mong muốn các nhà văn sẽ có những tác phẩm lớn “thắp sáng diện mạo văn học khu vực” hòa nhập cùng cộng đồng quốc tế.
Đến Thái Lan, tôi rất vui vì đã gặp được rất nhiều nhà văn của các nước trong khối ASEAN và họ rất thân thiện, vui vẻ. Chuyến đi này, tôi cũng rất xúc động khi gặp những người gốc Việt đang sinh sống và làm việc ở Thái Lan. Đó là cô Nhật – quê ở Nam Định, sinh ra và lớn lên ở Thái Lan, giỏi tiếng Thái và tiếng Anh, đã nhiệt tình giúp chúng tôi giao tiếp với các nhà văn các nước, dịch lời phát biểu của chúng tôi trong các buổi giao lưu.
Người Việt chúng ta ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc, luôn yêu quý Tổ quốc mình. Đoàn chúng tôi cũng đã được đến thăm một ngôi chùa nổi tiếng ở Bangkok. Thấy đoàn Việt Nam, vị sư chủ trì đưa nắm tay ra trước mặt, ngón cái hướng lên trời vui vẻ nói: “Việt Nam – Hồ Chí Minh”… Danh tiếng của lãnh tụ rất được coi trọng, vị thế của quốc gia luôn được đề cao. Những điều đó đã làm anh chị em trong đoàn rất vui và tự hào về dân tộc mình.
P.V: Giải thưởng Văn học ASEAN được bắt đầu từ năm 1979 và ghi nhận nhiều tên tuổi của nhà thơ, nhà văn Việt Nam được vinh dự trao giải thưởng này như Tố Hữu, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng. Khi biết tin mình được nhận giải thưởng này ông có bất ngờ không? Theo ông, trong tiểu thuyết “Thông reo Ngàn Hống” điều gì ông tâm đắc nhất, muốn chia sẻ cùng bạn đọc nhất?
Nhà văn Nguyễn Thế Quang: Tôi khá bất ngờ khi được nhà thơ Hữu Thỉnh báo tin này. Giải thưởng Văn học ASEAN thường được trao cho những nhà văn nổi tiếng, có nhiều cống hiến lớn cho văn học nước nhà. Còn tôi – một nhà văn ở tỉnh lẻ, mới bước vào làng văn gần chục năm nay. Tôi rất vui vì tiểu thuyết “Thông reo Ngàn Hống” của mình được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2015 và đã được Ban Chấp hành Hội Nhà văn cùng Chủ tịch các Hội đồng chuyên môn của hội đề cử Giải thưởng Văn học khu vực và được chấp nhận.
“Thông reo Ngàn Hống” tôi viết về danh nhân Nguyễn Công Trứ – một con người xứ Nghệ tài năng lỗi lạc, có lối sống hào hoa giàu cá tính bậc nhất của dân tộc Việt Nam dưới triều Nguyễn. Cuộc đời của Nguyễn tiên sinh lắm thăng trầm, nhưng dù bất kỳ ở đâu, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hết lòng lo cho dân chúng. Ông đã đem tài năng lỗi lạc của mình, tập hợp dân nghèo lấn biển lập nên hai huyện Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình) và Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình), đem no ấm và yên lành đến muôn dân… Ông cũng dũng cảm dâng sớ tâu vua đề nghị rút quân khỏi Trấn Tây (Campuchia) để đem lại hòa bình, ổn định cho các dân tộc. Cả cuộc đời ông sống thanh liêm, trong sạch. Khi đã 80 tuổi, ông vẫn xung phong cầm quân chống Thực dân Pháp. Mỗi người – dù bất kỳ công việc gì, cương vị nào cũng cần phải sống vì sự no ấm và hòa bình cho nhân dân, độc lập cho giang sơn.
P.V: Thưa nhà văn, từ tiểu thuyết đầu tiên là tiểu thuyết “Nguyễn Du”, ông đã tạo nên bất ngờ rất lớn cho bạn bè và độc giả bởi khi đó ông hoàn toàn là một “người mới”. Sau cuốn tiểu thuyết này, ông tiếp tục cho ra đời những cuốn tiểu thuyết lịch sử khác. Vậy điều gì thôi thúc khiến ông chọn con đường viết tiểu thuyết lịch sử?
Nhà văn Nguyễn Thế Quang: Có thể nói tôi là một con người rất say mê văn chương và có khát vọng được đồng hành cùng học sinh, đồng hành cùng đồng nghiệp và đồng hành cùng bạn đọc. Khi mình không dạy học nữa nhưng mình có thể sáng tạo ra được những tác phẩm để cùng đồng hành với dân tộc và gửi gắm vào đó những ý tưởng mà mình muốn chia sẻ với mọi người.
Với tiểu thuyết “Nguyễn Du”, tôi chọn nhân vật này vì đây là một nhà thơ và là một con người mà tôi say mê, kính trọng nhất. Hơn thế, “Nguyễn Du” là một tác phẩm được dạy trong nhà trường và khi viết về ông, tôi muốn gửi gắm những suy nghĩ của mình về cụ Nguyễn Du trong suốt cuộc đời dạy học đến với đồng nghiệp và học trò.
Tôi chọn viết tiểu thuyết lịch sử vì qua học sinh, qua tiếp xúc với nhiều người, nhiều nguồn thông tin tôi thấy lịch sử đang bị lãng quên, lịch sử đang bị hiểu sai lệch, phiến diện. Đó là một điều rất nguy hiểm. Nhà văn Nga Aimatov có viết: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Viết về lịch sử, quan niệm của tôi không phải là hoài niệm lịch sử, không phải đi tìm những chuyện cổ mà viết tiểu thuyết lịch sử là để khám phá bản chất lịch sử. Hiểu quá khứ không phải chỉ để biết mà để hiểu thực tại hơn, sống đúng hơn, tốt hơn, vươn tới sự tiến bộ. Đó chính là mục đích viết văn của tôi. Nhưng để đối thoại với hiện tại. Đó là điều quan trọng nhất và cũng là điều tôi muốn gửi gắm cùng bạn đọc.
P.V: Ông đã viết về Đại thi hào Nguyễn Du, về thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh Hoàng Thị Loan, về danh nhân lỗi lạc Nguyễn Công Trứ. Nay ông vừa xuất bản tiểu thuyết “Đường về Thăng Long” viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong quá trình viết chắc ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu cũng như sáng tạo các nhân vật của một thời đã qua, đã xa. Ông có thể chia sẻ đôi điều cùng bạn đọc?
Nhà văn Nguyễn Thế Quang: Sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng là một công việc say mê, thú vị nhưng cũng rất nhọc nhằn. Viết tiểu thuyết lịch sử cũng thế. Có khác chăng là nó phản ánh những số phận con người của một thời đã qua, những dấu vết, những tư liệu còn lại rất ít ỏi. Vì thế, trước hết là phải đi tìm tư liệu về thời kỳ đó, về những con người mà mình muốn nói tới. Phải đi thực địa, phải đọc tư liệu từ nhiều nguồn, phải tìm hiểu cái nhìn từ nhiều phía. Có khi đọc hàng trăm trang tư liệu cũng chỉ tìm được một chi tiết. Mà tác phẩm về các nhân vật được tạo dựng bởi muôn vàn chi tiết. Đó là công việc phải mất nhiều thời gian, công sức…
Viết tiểu thuyết lịch sử, tìm tư liệu cũng chỉ là bước đầu, dù rất quan trọng nhưng đó chỉ là phần nhỏ của việc sáng tác. Điều khó nhất đối với trong viết tiểu thuyết lịch sử là tác giả phải hiểu, phải đồng cảm cùng nhân vật, hiểu thời đại họ để miêu tả. Phải xây dựng cho được nội tâm phong phú, cốt cách của nhân vật, cái “hồn” của nhân vật. Viết về các nhân vật lớn như cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… thì phải viết làm sao cho nhân vật có được tầm vóc lớn lao của họ. Đó là điều hết sức khó khăn. Người viết phải đọc nhiều, học nhiều, suy nghĩ nhiều mới có thể mon men thể hiện một cách gần nhất “tầm vóc” của nhân vật. Với khả năng có hạn của mình, tôi phải dốc toàn sức, toàn trí suốt trong ba đến bốn năm cho mỗi tác phẩm của mình.
P.V: Trước khi là một nhà văn ông còn là một nhà giáo uy tín, được học trò yêu quý. Vậy nghề giáo và nghề viết văn có khác biệt nhiều không thưa ông?
Nhà văn Nguyễn Thế Quang: Thật ra, giữa nghề giáo về nghề viết văn có sự khác biệt về cách thể hiện nhưng bản chất nó lại có nét tương đồng, đó là truyền tải những hiểu biết, những suy nghĩ của mình cho đối tượng tiếp nhận. Dạy học là đồng hành với học sinh, với thế hệ trẻ và viết văn là đồng hành với cuộc đời.
Những năm tháng đứng trên bục giảng hết sức quan trọng đối với tôi sau này. Nhờ những năm tháng đứng trên bục giảng, tôi học nhiều, đọc nhiều, hiểu nhiều tôi mới có vốn để sáng tác. Nếu không có nhà giáo Nguyễn Thế Quang thì không thể có nhà văn Nguyễn Thế Quang. Tôi luôn tâm niệm, trân trọng điều đó.
P.V: Cảm ơn nhà văn Nguyễn Thế Quang và chúc ông có thật nhiều sức khỏe để có thêm nhiều tác phẩm mới.
Nhà văn
Nguyễn Thế Quang
– Giải A, Giải Hồ Xuân Hương lần thứ IV (2005 – 2010).
– Giải C Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Trung ương, đợt 1 – 2013.
– Giải A, Giải Hồ Xuân Hương lần thứ V (2010 – 2015), Giải thưởng Hội Nhà văn 2015 và giải thưởng Văn học Asean 2016.
“Tác giả Nguyễn Thế Quang là một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Trong mỗi tác phẩm của mình, ông lúc nào cũng đắm chìm vào nhân vật lịch sử và thời đại lịch sử của nhân vật ông viết. Chính vậy mà người đọc thấy ông như chính là nhân vật của thời đại đó. Người đọc cảm thấy như ông khóc, cười cùng nhân vật. Vì thế mà ông làm cho những nhân vật lịch sử cùng với thời đại của họ hiện lên như mới hôm qua. Đấy chính là nền tảng cơ bản nhất của tác giả Nguyễn Thế Quang để ông thành công trong thể loại văn xuôi này. “Thông reo Ngàn Hống” cũng chứa đựng những phẩm chất vô cùng quan trọng đó cùng với một tư duy trầm tĩnh đầy trách nhiệm về lịch sử đã mang tới thành công cho ông. Một điều quan trọng là: cho dù tác giả Nguyễn Thế Quang viết về một câu chuyện lịch sử cách đây vài trăm năm hoặc xa hơn nữa nhưng nó vẫn mang đến những bài học giá trị cho đời sống của chúng ta hôm nay”. – Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam (phát biểu tại Lễ trao giải thưởng Hội nhà văn 2015).
Nguyễn khác Thuần
Viết chân dung nghệ sĩ thật khó
Tác phẩm b c hí này Mỹ Hà đã thành công .