Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nâng quyền con người lên thành quyền của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Quyền “sung sướng” mang tính dễ hiểu hơn và dân gian hơn quyền “mưu cầu hạnh phúc”. Nói ở tầm cao là vậy, nhưng cụ thể hơn quyền sung sướng, hay quyền mưu cầu hạnh phúc chính là quyền có cơm ăn, áo mặc và có nhà ở. Tư tưởng này đã được thể hiện trong Hiến pháp 1946 và nhấn mạnh lại trong Hiến pháp 2013.
Nhìn ra toàn thế giới, ai cũng phải thừa nhận rằng vấn đề nhà ở cho dân được giải quyết tốt nhất ở Cuba, Bắc Triều Tiên và Brunei, Nhà nước bao cấp hoàn toàn về nhà ở cho dân và dân không mất đồng nào để trả cho nhà ở.
Nhóm nước thứ hai giải quyết tốt vấn đề nhà ở là các nước theo chủ thuyết về dân chủ – xã hội dựa trên kinh tế thị trường gắn kết chặt chẽ với an sinh xã hội như Canada, 4 nước Bắc Âu, Singapore, Australia, New Zealand, Thụy Sỹ, Hà Lan. Ở đây, người dân được hưởng chế độ an sinh xã hội khá tốt, quỹ an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước đủ để trợ giúp cho những người thất nghiệp và những người không có nhà ở. Tại đây, nhà ở cho dân được phát triển theo cơ chế thị trường ở phân khúc giá thấp có sự trợ giúp của Nhà nước và các tổ chức xã hội.
Còn ở các quốc gia khác, nền kinh tế dựa hẳn vào thị trường đều gặp khó khăn lớn về phát triển nhà ở cho dân. Nước càng đông dân càng khó khăn. Ngay cả những nước được gọi là nền kinh tế mới nổi, tức là kinh tế thuộc loại khá, cũng vẫn tồn tại cảnh các khu nhà ổ chuột nghèo đói nhất ở khắp nơi, cùng với những khu đô thị tráng lệ, sầm uất thuộc nhóm đầu thế giới như tại Ấn Độ, Nam Phi hay Brasil.
Quả là vấn đề nhà ở cho dân rất khác nhau, đa dạng và phụ thuộc rất lớn vào ý tưởng chính sách của Nhà nước và mô hình kinh tế đã lựa chọn. Viết đến đây, có gì đó lại liên kết đến quyền đương nhiên của con người được sung sướng, được mưu cầu hạnh phúc trong căn nhà ấm áp của gia đình mình. Tục ngữ Việt Nam đã có câu “An cư, lạc nghiệp”, tức là có nhà ở rồi mới vui được với công việc. Thêm vào đó, nhà không phải chỉ cho hiện tại mà còn là trách nhiệm với những đời sau.
Trong thời kỳ kinh tế bao cấp, Nhà nước lo nhà ở cho toàn bộ cán bộ, người lao động trong khu vực công. Người thì nhiều, ngân sách thì hạn chế nên nhà không đủ, chế độ phân phối đầy khó khăn, phải áp dụng cả cách bình chọn, bốc thăm,… Đến cuối thời kỳ bao cấp, chính sách nhà ở “nhà nước và nhân dân cùng làm” được áp dụng, nhà nước cho đất, người lao động lo tiền xây nhà.
Sau Đổi Mới, năm 1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61-CP về kinh doanh nhà ở như một lát cắt cắt đi cơ chế bao cấp về nhà ở, cùng với chính sách Nhà nước bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê. Luật Nhà ở 2005 ra đời và ban hành chính sách nhà ở xã hội dựa trên cơ chế “tựa bao cấp về nhà ở”. Gọi là “tựa bao cấp” vì đất được miễn tiền sử dụng đất, vốn tín dụng được ưu đãi lớn, cơ quan nhà nước quản lý chặt việc xét duyệt nhà đầu tư dự án, xét duyệt dự án, lựa chọn người được thụ hưởng, quy định giá bán nhà và lợi nhuận định mức khi bán nhà; người mua nhà phải 10 năm sau mới được bán (sau rút thành 5 năm).
Luật Nhà ở ban hành từ năm 2005, nhưng đến năm 2009 Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/04/2009 về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp và cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Người có thu nhập thấp tại nông thôn không được hưởng chính sách nhà ở xã hội vì đã có những Chương trình có mục tiêu phát triển nhà ở cho khu vực nông thôn. Nói là vậy, nhưng không hề có chương trình mục tiêu nào về nhà ở cho nông thôn. Những hộ gia đình trẻ tách ra từ hộ gia đình lớn của bố mẹ vẫn không tìm được nhà ở riêng vì các dự án nhà ở có giá quá cao, chủ yếu bán cho những người nơi khác để trữ tiền.
Đến năm 2013, các dự án nhà ở xã hội cùng với nhà ở thương mại giá thấp mới được triển khai khi phân khúc nhà ở thương mại giá trung bình, giá cao rơi vào mất thanh khoản và nợ xấu. Gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ 30 nghìn tỷ đồng đã trợ giúp phát triển rất tích cực. Phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ đã tạo cung tốt và tính thanh khoản khá cao vì giá rẻ, mà cả nhà đầu tư dự án lẫn người mua nhà đều không chịu bất cứ cách quản lý kiểu bao cấp nào.
Thế nhưng, khi gói tín dụng ưu đãi kết thúc thì cũng là lúc phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ “lụi tàn”, không có thêm dự án mới nào nữa.
Cũng trong thời gian này, Chính phủ cho sửa đổi Luật Nhà ở 2005. Ngân hàng Thế giới cũng triển khai một Đề án phát triển nhà ở giá phải chăng (Affordable Housing) để trợ giúp Việt Nam giải quyết vấn đề “nhà ở xã hội”. Trưởng đoàn nghiên cứu là một chuyên gia người Indonesia, đã đạt thành công trong giải quyết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đây, bên cạnh đó có nhiều chuyên gia từ Đại học Harvard (Mỹ) và tôi cũng được chỉ định tham gia đoàn.
Đến năm 2015, Báo cáo cuối cùng đã hoàn thành, nhưng 2 bên Bộ Xây dựng của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới không đạt được đồng thuận. Phía Việt Nam chỉ muốn vay tiền của Ngân hàng Thế giới để xây nhà ở xã hội, còn Ngân hàng Thế giới lại muốn Việt Nam thay đổi chính sách nhà ở, phải dựa vào động lực từ thị trường. Báo cáo nghiên cứu này bị gói lại để đưa vào tủ lưu trữ tài liệu!