“Khi người ta còn thương nhớ, thì liệu điều gì đó có thể mất đi không?”
Hơn 40 năm. Từ những ngày bức tường này thơm mùi vôi mới, những cánh cửa mở òa niềm vui đón những cư dân đầu tiên của Khu nhà tầng được gọi là nhà B Quang Trung, đến bây giờ là những tường rêu xanh mờ, những vệt nước lưu niên đọng ẩm dậy mùi cũ kỹ, những cánh cửa mở toang một nỗi trống tênh nhìn ra những hành lang hun hút gió với những mảng gạch vữa bong tróc. Hơn 40 năm, bao bước vui rộn rã trên những bậc cầu thang, bao đau buồn tiễn biệt trên những bậc cầu thang, bao ngập ngừng đón đợi nơi những bậc cầu thang… Có những bước đi đầu đời đã lưu dấu nơi đây, cũng có những bước đi cuối cùng của đời người trên mặt đất cũng lưu dấu nơi đây. Giờ chỉ còn lại là những thênh thang sứt sẹo…
Hơn 40 năm. Là những tòa nhà vươn lên kiêu hãnh giữa thành phố lúp xúp những mái ngói mái tranh và gạch vụn giờ đây đã là những khu nhà cũ thấp, xuống cấp, cần đập bỏ. Hơn 40 năm chở che bao tổ ấm, bao thân phận khuya sớm đi về, ôm chứa trong mình biết mấy buồn vui cay đắng, lưu giữ hàng triệu những kỷ niệm để tự mình làm thành sừng sững một bảo tàng ký ức của thị dân phố Vinh. Rồi giờ đây, lặng lẽ, và kiêu hãnh chìm khuất, nằm xuống như đã sống một cuộc đời đầy vinh quang, như đã xong sứ mệnh của mình và đến lúc thanh thản từ biệt.
Tôi đã đứng dưới chân những dãy nhà B của Khu tập thể Quang Trung mà miên man nghĩ về nó trong những ngày này, nơi mà những hộ dân cuối cùng cũng đang lục tục chuyển đi trong điệp trùng cảm xúc. Là luyến tiếc, nhớ nhung, xót xa, hy vọng… Có quá nhiều ký ức của họ thuộc về nơi này. Tôi nghĩ đến bao cư dân đã lớn lên ở đây, vào thời khắc này họ đang ở nơi xa và đang ao ước được như tôi, lặng đứng dưới hàng phượng, hàng bàng và ngước nhìn lên những căn phòng đánh số, những ô cửa, những dãy hành lang, những bậc cầu thang, những cái bảng tin đầu mỗi đơn kia… Ở đó, hẳn có một cô bé đã bỏ quên một nhành hoa khô cất giấu nỗi rung động đầu đời. Ở đó, có cậu bé nào bỏ lại những viên bi xanh ngơ ngác, một nỗi buồn trong bàn tay bíu chặt nơi những chấn song sắt vào một buổi trưa nào bố mẹ làm ca muộn về? Ở đó, tiếng ve đầu tháng Sáu vừa ran lên trên một vòm phượng vĩ đỏ ối xòa đến tận tầng 4 của dãy B6, xòa đến tận tầng 5 của dãy B5. Có một ô cửa nào mở ra nỗi rưng rưng tiếc nhớ một vòm trời đầy mây trắng, nắng vàng, nơi bắt đầu của giấc mơ được bay thật xa bằng đôi cánh tự do…
Chị Nguyễn Thị Vân cùng chồng mình là anh Hồ Viết Trung, những cư dân của nhà B6, đang bàn chuyện dọn nhà trong nay mai ngay bên hành lang đơn giữa. Chị là chủ của quán bánh rán, ốc luộc, ốc xào nức tiếng lâu nay dưới chân nhà B6. Hôm nay, chị không kể với tôi chuyện mua may bán đắt nữa. Trong chị có một nỗi xôn xao. Chị nói, thì vẫn biết rằng rồi sẽ được ở nhà mới, rồi sẽ có đền bù, rồi cũng sẽ tảo tần bán buôn như đã làm bao năm qua, rồi sẽ sống với tiện nghi đàng hoàng hơn, nhưng không buồn không nhớ sao được nơi này. Chị theo cha mẹ lên sống ở nhà B4 từ năm 1976, rồi quen chồng mình ở nhà B6 ngay tại những bậc cầu thang của những dãy nhà B này. Đám cưới của chị rước dâu quãng đường ngắn từ B4 sang đến B6, bạn bè, bà con cũng toàn là cư dân nhà tầng. Chị sinh 2 đứa con mình cũng từ căn nhà ở tầng 1 này. Giờ chị đã lên chức bà nội rồi, mới cho con ra riêng. “Thế là nhà mình mới 2 thế hệ sống ở B6 thôi, chứ còn như nhà cụ Loan ở phòng 312 thì cả 3 thế hệ đều ở đây”.
Cụ Hà Thị Loan năm nay 81 tuổi, có mái tóc trắng như cước chậm rãi kể với chúng tôi về cuộc sống của gia đình mình. Cụ về dãy nhà B6 này từ những ngày đầu tiên (năm 1977). Cụ sinh được 2 người con. Và hiện gia đình con trai cụ, anh Trương Văn Đoàn (sinh năm 1968) cũng đang sống cùng cha mẹ. Những đứa cháu của cụ Loan nay cũng đã lớn. “Tôi cứ ngỡ chắt tôi rồi cũng được sinh ra ở B6 này cơ. Nhà tầng này thân thiết với gia đình tôi quá đỗi”… Gia đình cụ Loan cũng là những gia đình cuối còn nán lại nơi này với bao nỗi bộn bề phía trước. Những lo toan, đã đành, nhưng sâu thẳm là nỗi luyến nhớ. Vừa kể chuyện cùng chúng tôi, bàn tay với bao vết đồi mồi của cụ lần trên mép tường hành lang – nơi màu vôi đã bạc nhường cho những vệt rêu mờ đang chậm rãi loang ra. Và những cư dân ấy không chỉ kể cho tôi nghe chuyện của họ, họ còn nói về bao buồn vui, bao thân phận đã gắn bó với nơi này, như câu chuyện của mẹ con người đàn bà bệnh tật bán tạp hóa dưới chân cầu thang, câu chuyện của người đàn bà góa bụa, người đàn ông tật nguyền… vẫn tìm niềm vui ở những cây rau trồng trong hộp xốp xanh lên mỗi ngày.
Những căn phòng tầng 3, 4, 5 của các dãy nhà B trưa ngày 4/6 hầu như đã im lìm. Còn lại những ngổn ngang, nứt vỡ. Một bức tượng thạch cao phủ nhũ thiếu nữ ôm bình hoa đã tróc sơn, một cái ấm tích sứt vòi để dọc lối đi trong hành lang một căn phòng, một cái xe đẩy đồ chơi đã cũ, một con búp bê nhựa với nụ cười chúm chím, một hộp đồ chơi là những vỏ sò được một em bé nào đó gói ghém cẩn thận và tô lên đủ sắc màu đặt trên một cánh cửa cũ kỹ, một cái gối bông hình trái tim đỏ rực mà trên đó vẫn còn in một dòng chữ đầy yêu thương, những bức tường nham nhở nét vẽ cùng những lời nhắn nhủ của một cậu bé, không biết có được gắn cùng một trận đòn nào không, một mảnh giấy thông báo ngừng cấp điện, một dòng chữ nguệch ngoạc “Mua nhà” và số điện thoại. Có một cuốn album ảnh bị bỏ lại. Không biết chủ nhân của căn nhà này đã vô tình làm rơi nó khi chuyển đồ đạc hay đã cố tình để nó ở lại nơi này, và muốn lãng quên. Cuốn album có bao nhiêu là bức ảnh ghi dấu đời người, cả bông hoa hồng đã ép khô, cả những dòng chữ được ghi nắn nót sau mỗi tấm ảnh. Tôi những muốn tìm ai đó đã làm rơi, hay ai đó muốn lãng quên, chỉ để hỏi rằng, rồi đây khi tất cả chỉ còn là quá khứ, liệu họ có muốn một lần nữa giở lại những ký ức, những kỷ niệm? Liệu rằng, khi không có nó, thì họ vẫn có thể nhớ? Và liệu rằng khi không còn nó thì liệu họ có thể lãng quên?
Câu hỏi ấy cứ vương nặng trong tôi. Như cái nhành hoa giấy tím rực từ ban công bỗng nhiên xòa xuống một căn nhà khép cửa đánh số 223. Như những ô ánh sáng của hành lang đầy vết nứt nham nhở, tróc lở bỗng bừng lên sắc phượng chói chang tháng Sáu. Như tiếng rao lạc lõng của bà bán đồng nát trên chiếc xe đạp cũ dưới kia rơi vào trưa vắng một âm điệu trầm buồn, da diết. Như những cái bóng người in trên vách tường rêu chung cư cũ một nỗi già nua…
Tôi cũng biết rằng, giữa hối hả cuộc đời này, có bao điều buộc phải mất đi mỗi ngày. Nhưng con người có bao nhiêu cách để nhớ về nó.
Khi người ta còn thương nhớ, thì liệu điều gì đó có thể mất đi không?
| Nội dung: Thùy Vinh
| Ảnh: Trung Hà
| Thiết kế: Hà Giang
Nguyễn thế trọng
Rất thực với đời tư hiện tại. Giống như đang nói hộ nỗi lòng nhiều người đang sống