“Các tiệm đều đóng 2 tuần nay rồi. Nếu mở sẽ bị phạt 500 USD và tù 30 ngày”, anh Hưng Lê, một Việt kiều Mỹ, quê ở phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh đang định cư ở thành phố West Bend, quận Washington, tiểu bang Wisconsin nói qua ứng dụng video call của một mạng xã hội với tôi vào sáng 6/4, giờ Việt Nam.
Định cư tại Mỹ từ năm 2007 và đang là chủ một doanh nghiệp có 3 tiệm nail và 1 tiệm làm tóc, anh Hưng không giấu nổi lo lắng khi công việc kinh doanh bị đình trệ, trong khi phải gánh các chi phí thuê mặt bằng và nhiều khoản khác. Hiện 40 nhân công làm việc trong các tiệm của anh đều nghỉ việc, tuy nhiên họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Gói hỗ trợ vừa được Quốc hội Mỹ thông qua, mỗi công dân trưởng thành sẽ được hỗ trợ 1.000 USD, còn trẻ em được hỗ trợ 500 USD. Gia đình 3 người của anh sẽ được Chính phủ Mỹ hỗ trợ tổng cộng 2.500 USD. Tuy nhiên, khoản tiền đó chỉ khỏa lấp phần nào lo lắng do kinh doanh gặp khó khăn. Nói về diễn biến dịch Covid -19 tại Mỹ hiện đang có số người nhiễm nhiều nhất thế giới, anh Hưng Lê cho biết, tiểu bang Wisconsin vào ngày 5/4 đã ban bố tình trạng đại dịch khi có hơn 2.000 người nhiễm, riêng tại quận Washington nơi anh sống có hơn 50 ca nhiễm.
“Lúc bắt đầu công bố dịch, người dân có phần hoảng loạn vì sợ có lệnh giới nghiêm nên đổ về các siêu thị mua thực phẩm tích trữ, thậm chí giấy vệ sinh cũng bị mua hết. Với người Á Đông vì có thói quen ăn gạo, mà mỗi nhà mua 5 -6 bao nên lúc đầu cũng thiếu hàng”, anh Hưng chia sẻ thêm về tình hình tại West Bend những ngày trước đây. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền chỉ khuyến nghị người dân hạn chế ra khỏi nhà, tránh tụ tập từ 10 người trở lên, các dịch vụ thiết yếu vẫn mở nên thực phẩm không thiếu thốn, tâm lý người dân cũng không còn quá hoang mang. Với cả ở Mỹ, người dân không có thói quen đi chợ hàng ngày. Tủ lạnh lúc nào cũng sẵn thực phẩm đủ cho cả tuần, thậm chí cả tháng. Riêng gia đình anh Hưng Lê có 2 tủ lạnh, 1 tủ đá luôn đầy thực phẩm nên khi phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội cũng không mấy lo lắng.
Về các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19, mỗi khi ra khỏi nhà, anh và vợ đều đeo khẩu trang và bao tay y tế. Khi lên xe, về nhà đều rửa tay bằng nước rửa tay khô hoặc xà phòng theo khuyến cáo. Các siêu thị cũng xây dựng các vách ngăn giữa thu ngân và khách hàng để hạn chế khả năng lây nhiễm. “Hiện tại, chính phủ kêu gọi hạn chế đi lại đến 30/4, cao điểm là từ ngày 7/4 kêu gọi triệt để hạn chế đi lại vì đang là đỉnh dịch”, anh Hưng Lê nói và hy vọng dịch Covid -19 sớm được đẩy lùi tại Mỹ để công việc, cuộc sống trở lại bình thường.
Anh Phạm Mạnh Hùng, quê gốc ở thành phố Vinh đang định cư ở Luông Pha Băng (Lào) cũng ở vào tình hình tương tự. Tính đến ngày 6/4, nước này đã công bố 11 ca mắc Covid -19, trong đó có 3 ca tại Luông Pha Băng. “Khoảng 10 ngày nay, Chính phủ Lào kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà. Chỗ tôi ở, công an lập nhiều trạm kiểm soát giữa các bản với nhau. Đường sá hầu như không có người đi lại”, anh Hùng cho biết.
Ở cố đô của Lào, bà con người Việt sang làm ăn rất đông, trong đó có nhiều người quê Diễn Châu, Đô Lương sang buôn bán và làm nghề xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay đa số bà con đã rời mảnh đất Bắc Lào về nước. “Tôi có theo dõi và biết bà con bên này về đều cách ly tập trung 14 ngày. Đây là giải pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho mọi người và cả cộng đồng”, anh chia sẻ và thông tin thêm, những người ở lại kinh doanh cũng gặp khó khăn do không có khách.
Đề cập đến tình dịch Covid -19 tại Lào, người đàn ông trạc ngũ tuần định cư ở xứ Triệu Voi tỏ ra hoàn toàn tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch của chính phủ, khi có thêm các chuyên gia nước ngoài, trong đó có Việt Nam sang hỗ trợ. “Vợ tôi là người Lào và đang chuẩn bị sinh cháu thứ ba”, anh trả lời khi được hỏi có dự định về Việt Nam. “Với lại mật độ dân cư ở đây tương đối thưa; cả gia đình hạn chế ra khỏi nhà là có thể yên tâm”.
Châu Âu giờ cũng đang là “tâm chấn” của đại dịch Covid -19 toàn cầu. Liên hệ với Nguyễn Ngọc Mạnh, quê ở xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, hiện đang làm đầu bếp trong một nhà hàng Việt tại thành phố Lausanne, Thụy Sỹ, anh cho biết, công việc bị ảnh hưởng nhiều. “Tất cả các dịch vụ không cần thiết đã đóng cửa, du khách hầu như không có”, Mạnh chia sẻ qua video call.
“Tại thành phố, những nhà hàng của người Việt, trong đó có nhà hàng tôi đang làm đều phải ngừng kinh doanh và chưa biết khi nào mở lại vì còn phải chờ diễn biến của dịch bệnh”. Hiện nay, chính quyền Thụy Sỹ chỉ cho phép các nhà hàng nhỏ gọi nôm na là “take away” – tức là bán thức ăn nhanh cho khách mang đi được phép hoạt động. Mạnh nói thời gian này đang làm việc cho một nhà hàng bán bánh mỳ Việt Nam của người Việt dạng “take away” trong khi nhà hàng lớn đóng cửa.
Dịch bệnh bùng phát ở nhiều nước châu Âu, anh Mạnh cho biết, khi ra ngoài hoặc làm tại nhà hàng đều đeo khẩu trang để yên tâm. “Ngay từ lúc đầu, tôi không có ý định về nước tránh dịch. Bên này, mình vừa làm việc, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn. Tôi vẫn thường xuyên theo dõi tình hình ở Việt Nam, hiện nay nước ta đang kiểm soát dịch khá tốt và rất mừng là trên địa bàn Nghệ An chưa ai mắc Covid -19. Mong cả nước sớm vượt qua đại dịch”, Mạnh chia sẻ.