Tôi gặp cậu học trò Lê Văn Đức tại nhà riêng của ông Nguyễn Viết Học ở xã Tân Long (Tân Kỳ) khi em đến để nhận sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới. Năm nay bước vào lớp 9 nhưng nhìn Đức khá nhỏ bé và rụt rè. Đức chia sẻ: “Nhà em ở xóm Cừa, xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ), bình thường vẫn hay được bác Học vào nhà tặng quà, động viên. Hôm nay bác nhắn em đến để nhận sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới”. Tuy không phải là sách mới nhưng với người có hoàn cảnh khó khăn, nhà chỉ có 2 mẹ con như Đức đó là món quà vô cùng ý nghĩa.
Ân cần trao bộ sách giáo khoa cho cậu học trò nghèo kèm số tiền 500 nghìn đồng để Đức mua cặp sách mới, ông Học động viên: “Năm nay dịch bệnh, lớp học ôn của chúng ta không tổ chức được nhưng bác mong cháu sẽ luôn cố gắng, chăm chỉ học hành”. Tiễn cậu trò nhỏ ra đến cửa, ông còn nói với theo: “Thiếu gì cứ bảo bác nhé!”.
Cũng như Đức, em Trương Thị Quỳnh – học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Lợi đã theo học phụ đạo ở ông Học đã được 2 năm, và là một học sinh giỏi. Em Quỳnh cho biết: Trước khi có dịch thì tuần em tham gia ôn 2 hôm vào buổi tối, em thích theo lớp của thầy Học vì không khí cởi mở, thoải mái, thân thiện, đến đây chúng em được phụ đạo cả kiến thức và chỉ bảo, bày dạy giao tiếp, ứng xử. “Không chỉ cháu mà cả em cháu cũng theo lớp phụ đạo miễn phí của thầy Học”, Quỳnh cho hay.
Lê Văn Đức, Trương Thị Quỳnh chỉ là hai trong số rất nhiều em học sinh đến với lớp học tình thương của ông Nguyễn Viết Học. Tuy vốn chỉ là một công chức tài chính xã, không có chuyên môn sư phạm nhưng lại có rất nhiều học trò đã tìm đến ông để học phụ đạo và coi ông như một người ông, người thầy.
Em Đặng Thị Phương Thảo (SN 2003), theo học lớp tình thương của ông Học từ những năm THCS qua lời giới thiệu của bạn bè. Hiện em tốt nghiệp THPT và nay đã đậu vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Vì chưa nhập học nên thỉnh thoảng Thảo lại đến thăm người thầy giáo đặc biệt của mình. “Thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn hướng dẫn chúng em lời ăn, tiếng nói, dẫn dắt chúng em tham gia các hoạt động tương thân, tương ái, giúp đỡ bạn bè khó khăn hơn mình”, Thảo chia sẻ. Cùng lớp cấp THPT, cùng là “trò cưng” tại lớp tình thương của thầy Học và là bạn thân của Thảo, còn có em Nguyễn Thị Thương cũng đậu vào Đại học Sư phạm với số điểm khá cao. Đôi bạn cùng đến chia sẻ niềm vui và bày tỏ lòng biết ơn đối với người thầy đặc biệt của mình.
Nói về những cô, cậu học trò nhỏ, ánh mắt ông Nguyễn Viết Học luôn lấp lánh niềm vui, ông bảo: “Tôi tâm niệm trao yêu thương để nhận lại yêu thương, sự tiến bộ, trưởng thành của các cháu trong lớp học là món quà, niềm hạnh phúc lớn nhất!”
Dù có hơn 12 năm duy trì lớp học tình thương, nhưng ông Nguyễn Viết Học không coi mình là người “dạy học” mà chỉ nhận là người hướng dẫn, phụ đạo, củng cố thêm kiến thức và hướng các cháu đến lối sống tích cực, có ý chí vươn lên, biết ứng xử, chia sẻ và quan tâm đến mọi người xung quanh.
Ý tưởng phụ đạo, ôn tập miễn phí cho các cháu học sinh của ông Học được hình thành từ năm 2008, lúc còn là một công chức tài chính xã, chứng kiến một số em học sinh hoàn cảnh khó khăn nghỉ học giữa chừng do phải giúp gia đình mưu sinh, một số em học kém do hổng kiến thức nhưng không có điều kiện học thêm. Với niềm đam mê sư phạm vốn có, ông bắt đầu nhận phụ đạo miễn phí cho các cháu học sinh ở địa phương, lúc đầu nhiều người bày tỏ nghi ngại vì ông không có chuyên môn sư phạm. Chỉ có 6 cháu hoàn cảnh khó khăn, học kém theo học. Ấy thế nhưng cuối năm đó, mọi người phải có cái nhìn khác đi khi cả 6 cháu này đều thi đỗ vào THPT. Từ đó, lớp học miễn phí trong ngôi nhà cấp 4 của ông ngày càng đông học sinh.
Buổi ngày đi làm, buổi tối ông lại miệt mài ôn tập cho các cháu. Thời gian đầu còn chưa có bàn ghế, ông Học và các cháu xin lao động cho nhà trường để đổi lấy mấy bộ bàn ghế cũ. Học sinh của ông phần lớn là các em có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng cũng có những em thuộc thành phần khó bảo, nghiện game được bố mẹ tin tưởng đưa đến nhờ kèm cặp, có em giờ đã trưởng thành và theo nghề công an ở Hà Nội, nhiều em đậu trường chuyên, cao đẳng, đại học. Nhiều em nhờ sự động viên của ông Học đã nghị lực vượt lên hoàn cảnh. Như cô bé Mai nhà ở xã Nghĩa Hoàn, sống với bà nội, hai bà cháu nương tựa vào nhau. Cuộc sống khó khăn, Mai được ông Học phụ đạo từ năm lớp 6, cách đây 2 năm Mai tính chuyện nghỉ học, bỏ thi lên THPT. “Nhờ bác Học động viên, em đã vượt qua kỳ thi và giờ đang học lớp 11”, Mai chia sẻ.
Được biết, khi chưa có dịch Covid-19, ông Học dạy phụ đạo miễn phí cho cả 4 lớp 6, 7, 8, 9 vào tất cả các buổi tối, mỗi lớp khoảng 30 em ở địa phương và các vùng lân cận như Nghĩa Hoàn, Tân Phú, Giai Xuân… Có thời điểm học sinh ở Vinh và ở tận huyện miền núi Kỳ Sơn cũng đến xin theo học.
Không những không thu tiền học phí, một số em có hoàn cảnh khó khăn còn được ông Học nuôi ăn ở trong nhà. Ví như em Giảng Thị Hiền 3 năm ăn học ở nhà ông Học giờ đã tốt nghiệp đại học ngành mầm non và đi học ở Nhật. “Có thời điểm mùa hè gia đình tôi có 6 cháu ăn ở trong nhà. Điều kiện kinh tế của mình chưa khá giả, vợ con cũng không tránh khỏi những lúc chạnh lòng, so bì, nhưng tôi thường động viên “cho đi là nhận lại”, “gieo nhân lành để gặt quả ngọt”, ông Học chia sẻ. Ông cũng chân thành bày tỏ sở dĩ bản thân có thể duy trì lớp học 12 năm qua, một phần là nhờ sự động viên, chia sẻ của hai đứa con một trai, một gái và đặc biệt là người vợ hiền, bà Giảng Thị Thủy vốn là một nhân viên y tế thôn bản. Không chỉ lo nước nôi cho thầy và trò, có khi bà còn phải cáng đáng việc cơm nước cho những em hoàn cảnh khó khăn được ông Học tạo điều kiện cho ăn học tại nhà.
Người cựu binh có tấm lòng vàng luôn tâm niệm, để có thể trở thành công dân có ích cho xã hội thì mỗi học sinh không chỉ cần trí tuệ mà song hành với đó còn là đạo đức, nhân cách. Vì vậy mà ở lớp học của mình, ông không chỉ truyền dạy những kiến thức trong sách vở mà còn cố gắng rèn luyện đạo đức cho từng em học sinh. Ông thường hướng các em tới những hành động, việc làm hướng thiện, vì cộng đồng. Trước hết là phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, chẳng hạn bạn có xe đạp thì tới chở những bạn khó khăn hơn đi học. Bên cạnh đó, ông cùng các em lập quỹ từ thiện bằng việc thu gom phế liệu để góp kinh phí tổ chức các hoạt động như Trung thu yêu thương, ủng hộ đồng bào lũ lụt hoặc đến trao học bổng, sách giáo khoa cho những học sinh nghèo. Những bộ sách giáo khoa ở lớp học của ông được trao đi, cuối năm lại nhận về để trao cho những bạn khó khăn khác. Cứ thế lan tỏa tình yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống và học tập.
Với đồng lương ít ỏi của một công chức xã, vợ vốn là y tế thôn bản nhưng mỗi dịp Tết đến, Xuân về, hay đầu năm học mới ông Học vẫn trích tiền túi trao học bổng động viên học sinh hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Điều đáng mừng là, hiện nay do đã sửa sang được nhà cửa nên lớp tình thương của ông Học cũng được bố trí khang trang, rộng rãi hơn. Trân trọng những việc làm vì cộng đồng, vì phong trào khuyến học của ông, có đơn vị sau khi đến thăm đã tặng lớp học tình thương bảng và bàn ghế mới.
Từ năm 2019 nghỉ hưu, ông Nguyễn Viết Học có thời gian nhiều hơn cho công việc mà mình theo đuổi. Không học sư phạm bài bản, nhưng ông luôn cố gắng truyền đạt một cách đơn giản dễ hiểu, gặp những vấn đề mới, ông dành thời gian lên mạng tra cứu hoặc tham khảo ý kiến của các giáo viên trên địa bàn.
Thời gian này, do dịch Covid-19 nên lớp tạm ngừng từ tháng 5/2021 nhưng các cháu thỉnh thoảng vẫn gọi điện hoặc đến trực tiếp để hỏi bài và được ông hướng dẫn tận tình. Nói về việc làm của mình, ông Học đáp nhẹ nhàng: “Bác Hồ đã nói rồi “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”, tôi chỉ muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp ấy thôi…”.
Nhìn những bó hoa khô treo trang trọng ở tường lớp học, những chồng sách cũ được để gọn gàng ở chiếc tủ gỗ, mới thấy tình cảm yêu thương giữa thầy và trò ở lớp học đặc biệt này ấm áp, đáng quý biết chừng nào…
Ông Nguyễn Viết Học sinh trưởng trong một gia đình có bố mẹ người gốc Quảng Bình, trước là công nhân nông trường ở Vĩnh Linh. Sau khi bố ông qua đời, năm 1967, cả nhà mới sơ tán về Nghệ An. Năm 1981, ông Học nhập ngũ, sau 3 tháng huấn luyện ông được cử đi học tại Trường Hạ sỹ quan biên phòng 1 ở Thái Nguyên. Sau đó về công tác tại Đồn Biên phòng đóng ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Năm 1984, sau khi xuất ngũ về địa phương ông tham gia công tác đoàn thể, được tuyển dụng vào công chức xã. Sau đó theo học lớp Trung cấp Tài chính – Kế toán.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của một đảng viên, công chức tài chính ở UBND xã, trong cuộc sống hàng ngày ông Học cũng luôn gương mẫu trong mọi hoạt động. Về hưu từ năm 2019, con cái đã trưởng thành, có tiền lương nhưng hiện ông Học vẫn cần mẫn với việc nhà nông, chăm chỉ, hăng say lao động. Trang trại của ông ngoài trồng mía, 250 gốc cam, ông còn mới trồng thêm một trăm gốc mít, một trăm gốc dừa… Ông bảo “có làm thì mới có ăn”, hơn nữa mình cũng phải chăm chỉ lao động để làm gương cho con cháu.
Nhận xét về ông Nguyễn Viết Học, ông Nguyễn Đức Nhân – Bí thư Đảng ủy xã Tân Long, huyện Tân Kỳ vui vẻ cho biết: “Bác Học là đảng viên gương mẫu, “Nói đi đôi với làm”, có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương, hay làm từ thiện, được các em học sinh, phụ huynh và người dân yêu mến”.
Nhờ những đóng góp cho cộng đồng, ông Nguyễn Viết Học đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen các cấp trong đó có bằng khen của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam. Mới đây, ông Học cũng vinh dự là 1 trong 2 cá nhân của huyện Tân Kỳ được Tỉnh ủy tặng Bằng khen thành tích trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Ấy thế nhưng như ông tâm sự thì phần thưởng lớn nhất chính là sự trưởng thành, sự tin yêu của các thế hệ học sinh ở lớp học tình thương nơi vùng quê nghèo.
Khi được hỏi “hết dịch, bác có duy trì phụ đạo cho các cháu nữa không?”, ông Học quả quyết: “Có chứ, khi nào các cháu còn muốn học thì tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này. Chỉ mong gieo “nhân lành”, góp sức cùng với gia đình, nhà trường và cộng đồng hướng các cháu trở thành những công dân có ích cho xã hội, biết sống để yêu thương”.