“Giáo dục mầm non không đơn thuần chỉ là cho trẻ ăn no, ngủ kỹ, dạy trẻ hát múa… mà mình phải dành tất cả những gì tốt nhất cho các bé. Dinh dưỡng tốt nhất, giáo viên tốt nhất, lớp học tốt nhất, sân chơi tốt nhất…”
Năm 1983, cô giáo Hồ Thị Mậu 35 tuổi, 1 nách 3 đứa con, nhận quyết định chuyển công tác từ Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh về làm Phó Chủ nhiệm Nhà trẻ Hoa Sen (TP. Vinh). Ngày ấy, khi đứng ngắm nơi làm việc mới của mình, với ngôi nhà 2 tầng 10 phòng học, xung quanh ngập nước bì bõm, vọng tiếng trẻ thơ khóc vì khát sữa, đói bột, giành đồ chơi…, cô thầm nghĩ: Nếu tổ chức đã giao phó và mình đã nhận việc thì phải làm đến nơi, đến chốn. Phải nỗ lực đổi thay từ những điều nhỏ nhất!
Không biết thì phải học
Cô Mậu gắn bó với Nhà trẻ Hoa Sen – tiền thân của Trường Mầm non Hoa Sen bây giờ trong vòng 22 năm, từ 1983 – 2005. 4 năm đầu về nhà trẻ, cô là Phó Chủ nhiệm, chặng đường 18 năm tiếp theo, cô là “thuyền trưởng” chèo lái con tàu giáo dục mầm non của trường qua nhiều đổi thay đáng nhớ. Tự nhận ban đầu là người “ngoại đạo” với giáo dục, khi bằng cấp chính của cô là cử nhân Đại học Y khoa Huế, nhưng cô Mậu không sợ. Cô nghĩ, không biết thì học, miễn là mình có tâm sáng, chí bền với nghề!
Những năm 1983 – 1986, nền kinh tế thành phố Vinh chủ yếu dựa vào hoạt động của các mô hình hợp tác xã. Ngày công thu nhập của xã viên HTX nông nghiệp bấy giờ khoảng 0,25 – 0,4 kg gạo. Cán bộ công nhân viên chức nhà nước có nhỉnh hơn nhưng không đáng kể. Hầu hết mọi nhu cầu cuộc sống đều đổi bằng tem phiếu. Tình trạng lạm phát tăng cao khiến đời sống kinh tế nhiều gia đình gặp khó khăn. Đến bữa ăn còn lóc lẻm, ai có tâm trí đâu mà nghĩ nhiều đến chất lượng nuôi dạy con trẻ?
Trong khi đó, ở tỉnh chưa có một mô hình kiểu mẫu nào để học tập, làm theo. Khi về nhận công tác, cô Hồ Thị Mậu bàn với ban chủ nhiệm nhà trẻ cử cán bộ, giáo viên đi tham quan học tập ở Hà Nội.
“Không thể hình dung được” – cô giáo Mậu nhớ lại: “Chúng tôi đi học thực tế ở nhà trẻ Hoa Sen, Hoa Hồng (Hà Nội) và choáng ngợp với cách làm bài bản của họ. Từ thực đơn dinh dưỡng mỗi tuần, ngày 3 bữa, cho đến cách vệ sinh cho trẻ, dạy kỹ năng cho trẻ… Trẻ ở đó rất nề nếp, khuôn viên trường lớp sạch đẹp, cán bộ, giáo viên được phân công công việc hợp lý, khoa học”. Cô giáo Mậu và đồng nghiệp say sưa ngắm nhìn, hỏi han, như miếng bọt biển háo hức ghi nhớ tất thảy những cái mới, cái tốt của trường bạn, rồi ngẫm nghĩ, liên tưởng, mong ước…
Khi trở về, cô Mậu cùng với ban chủ nhiệm nhà trẻ nghiên cứu, vận dụng hài hoà với thực tế của đơn vị, từng bước xoá bỏ cơ cấu hoạt động cũ không hiệu quả. Không triển khai cái mới ồ ạt, mà đổi thay từng bước, từng phần để cán bộ, giáo viên và ngay cả phụ huynh không bị “hẫng”, cũng là để có thời gian điều chỉnh những gì chưa phù hợp trong quá trình áp dụng phương pháp mới.
Thành công của việc học tập thể hiện rõ trong quy mô trường lớp chỉ sau thời gian ngắn: từ vài chục trẻ vào khoảng giữa năm 1983 đã tăng lên 150 trẻ vào cuối năm 1984, và đến đầu năm 1987 đã lên tới 300 trẻ. Giữa lúc cả nước đang tem phiếu, cân đo đong đếm khoai sắn độn cơm, thì ở Nhà trẻ Hoa Sen, các cháu có đủ 3 bữa ăn 2 chính 1 phụ, bữa phụ phong phú với hoa quả, cháo, bột… được cân đối đủ dinh dưỡng. Để có đủ thực phẩm cho trẻ, các giáo viên phải tăng gia sản xuất. Khuôn viên 3.000 m2 của nhà trẻ được ngăn cách khu riêng để nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau… “Cán bộ, giáo viên thời kỳ đó không nói hết cái khổ, nhưng cô có khổ mấy thì các cháu vẫn phải sướng” – cô giáo Mậu nói, chẳng triết lý gì cao sang nhưng thực thấm thía.
Trường tăng gia, ở nhà cũng tăng gia, cô Mậu được phân ở khu tập thể Liên Cơ sát trường cũng tranh thủ lao động thêm. Chồng là công an, nhận nhiệm vụ ở Nậm Cắn (Kỳ Sơn), vài tháng mới về một lần. Đứa con út mới hơn 2 tuổi, sáng sáng được mẹ cắp nách mang đến nhà trẻ, mãi đến tối mịt mẹ mới bồng về. 2 đứa lớn ở nhà cun cút chăm nhau, tự ăn, tự học. Những lần mẹ đi trực trường qua đêm, 3 chị em ôm nhau co ro trên 1m2 giường ngủ.
Cô Mậu nhớ có lần khoảng 2h sáng, đang nằm trong phòng trực, bỗng nghe thấy ngoài đường vọng tiếng trẻ khóc, chạy ào ra mới biết là con mình. Đứa con út 2 tuổi nửa đêm thức dậy quờ tay không thấy mẹ, vừa khóc vừa lẫm chẫm chui qua lỗ hổng phên cót của gian tập thể đi tìm mẹ… Thế là ôm chầm lấy con, con khóc, mẹ cũng khóc…
Chồng ở xa, một nách 3 con, công việc ở trường chồng chất, người phụ nữ ấy nhiều phen cảm thấy kiệt sức. Những lúc con sốt, con ốm…; rồi cả những khoảnh khắc đau đớn nhất của cuộc đời – khi mẹ ruột qua đời, vì chồng điều kiện công tác ở rẻo cao không cách nào liên lạc được, mãi đến 50 ngày mới biết tin vội về. Thẳm sâu trong vóc dáng mảnh khảnh của người phụ nữ ấy là sự kiên nghị, mạnh mẽ đến tận cùng, dẫu hành trình cuộc đời thật lắm thử thách, chông gai.
Những quyết định táo bạo
22 năm gắn bó với Hoa Sen, cô Hồ Thị Mậu được biết đến như là một người lãnh đạo có nhiều quyết định táo bạo, với những “lần đầu tiên” ghi dấu ấn mạnh mẽ. Năm 1987, cô Mậu chính thức được đề bạt lên chức Chủ nhiệm Nhà trẻ Hoa Sen. Sau đó không lâu, Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh cũng sáp nhập vào Sở GD&ĐT. Nhiệm vụ mới, cấp trên chỉ đạo cũng mới, quy mô trường lớp không ngừng tăng lên khiến gánh nặng công việc thêm chồng chất. Nhà trẻ Hoa Sen bấy giờ đã nức tiếng gần xa nhờ chất lượng nuôi dạy trẻ được phụ huynh tin yêu. Năm 1990, số lượng trẻ đã lên đến 720 cháu, trong đó có 270 cháu ở độ tuổi nhà trẻ, nhỏ nhất chỉ khoảng 4 – 6 tháng tuổi.
“Áp lực kinh khủng” – cô Mậu nói. “Cơ sở vật chất ban đầu chỉ là dãy nhà 2 tầng với 10 phòng học, quy mô dự kiến ban đầu chỉ khoảng 300 cháu, mà giờ tăng gấp đôi, gấp ba thì phải làm thế nào? Tôi bàn với ban chủ nhiệm, cải tạo lại trường lớp, “nong” thêm được 6 lớp học và 3 khu vực sảnh hành lang, cơ bản đáp ứng được”.
“Căng” hơn nữa, năm 1992, Bộ GD&ĐT có chủ trương mỗi tỉnh xây dựng một vài mô hình trường trọng điểm cấp tỉnh, Sở GD&ĐT giao cho Nhà trẻ Hoa Sen đảm nhận nhiệm vụ này. “Vinh dự nhưng nặng nề lắm, vì để xây dựng thành công mô hình thì cần nhiều kinh phí. Tiền đâu ra khi học phí chỉ vài nghìn đồng/ cháu, tiền xây dựng chỉ khoảng vài chục nghìn đồng/ năm?” – cô Mậu nhớ lại. Những ngày tháng đó, cô nói “ăn ngủ cũng nghĩ đến kinh phí”. Cuối cùng, sau nhiều đêm trăn trở, cô đưa ra quyết định táo bạo: xã hội hoá giáo dục, huy động đóng góp của phụ huynh học sinh!
Thời điểm những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, xã hội hoá giáo dục là khái niệm quá xa vời. Vừa bước ra thời kỳ bao cấp chưa lâu nên một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn nặng tư tưởng cũ, để vận động phụ huynh hiểu và ủng hộ chủ trương mới không phải dễ dàng. Khi họp trường, người có ý kiến trái chiều không kể xiết. Đứng “đầu sóng ngọn gió”, cô Mậu vừa bền bỉ thuyết phục, vừa kiên định với mục tiêu đặt ra. Cô vận động mọi lúc, mọi nơi, đến tận từng phụ huynh, nói cho họ hiểu đồng tiền bỏ ra sẽ được sử dụng như thế nào, môi trường học tập, sinh hoạt của con em họ sẽ thêm khang trang, sạch đẹp như thế nào. Khi nhận được cái gật đầu từ phụ huynh cuối cùng trong trường, cô Mậu mừng phát khóc!
“Lúc đó, người đóng cao nhất là 300.000 đồng, thấp nhất là 20.000 đồng. Tổng thu của đợt phát động đó là 196 triệu đồng. Số tiền đó, ban chủ nhiệm bắt tay vào xây dựng hơn 3.000 m2 sân chơi” – cô Mậu nhớ lại. Năm 1995, giữa những ngổn ngang của đời sống kinh tế – xã hội, ở thành phố Vinh đã có một nhà trẻ 2 tầng khang trang, với khuôn viên vườn cổ tích, thảm cỏ, đài phun nước, sân bóng đá diện tích 130m2, sân chơi mô phỏng ngã tư đường phố để giáo dục an toàn giao thông, sân khấu ngoài trời, bể nuôi cá cảnh… – một ngôi trường thực sự tốt đẹp cho trẻ thơ. Cũng năm 1995, Nhà trẻ Hoa Sen được đổi tên thành Trường Mầm non Hoa Sen và được công nhận là trường trọng điểm cấp tỉnh.
Nhớ về Hiệu trưởng Hồ Thị Mậu, các thế hệ cán bộ, giáo viên nhà trường nhớ tới một người lãnh đạo quyết đoán, dám nghĩ dám làm và đầy tâm huyết, lo lắng cho đời sống anh em. Một thời, cô Mậu được nhiều người gọi đùa là “cô xin” bởi cứ vài tháng, lại thấy cô lặn lội gõ cửa ban, ngành các cấp để trình bày nguyện vọng, chẳng xin cho mình mà toàn xin cho đồng nghiệp. Biên chế giáo viên tăng lên theo quy mô lớp học, khiến vấn đề nhà cửa giáo viên trở nên bức thiết. Cô Mậu “xin” thêm được mấy gian nhà tập thể ở Quang Trung, ở UBND TP. Vinh, rồi lại “xin” thêm mấy lô đất chia cho mười mấy gia đình giáo viên.
Cô Mậu cũng từng trực tiếp làm việc với Trường Trung cấp Sư phạm mầm non, mạnh dạn đề nghị phối hợp mở lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ ngay tại Trường Mầm non Hoa Sen cho một số giáo viên từ sơ cấp lên trung cấp, từng bước chuẩn hoá công tác cán bộ; thường xuyên luân phiên tạo điều kiện cho cán bộ đi học nâng cao trình độ cao đẳng, đại học. “Thời” cô Mậu, phong trào tự học, tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giảng dạy được phát động và duy trì thường xuyên. Đặc biệt, việc ghi nhận, tôn vinh cán bộ được thực hiện công bằng, dân chủ. Nhiều giáo viên giỏi toàn diện được nhận khen thưởng các cấp. Còn nữ hiệu trưởng ấy được mệnh danh là “người thầm lặng”, âm thầm đứng sau những giải thưởng, những vinh danh…
Năm 2005, cô Mậu làm thủ tục về hưu sớm 1 năm trước tuổi. “Tôi phát hiện bị ung thư năm 2002, đến 2005 thì sức khoẻ đã không đảm bảo nữa nên quyết định nghỉ ngơi” – cô Mậu tâm sự. 16 năm chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, sức khoẻ của cô đã yếu đi nhiều, nhưng trí tuệ và tinh thần vẫn minh mẫn, vẫn nhớ về mái trường Mầm non Hoa Sen với tình cảm thiết tha. Và với nhiều đồng nghiệp, với các thế hệ phụ huynh học sinh, họ luôn nghĩ đến và nói về cô như một nhà giáo mẫu mực, một người đã dành cả cuộc đời để xây đắp những gì tốt nhất cho trẻ thơ./.