Người phụ nữ cắn chặt môi, nước da tái nhợt, hai tay bấu chặt thành giường tỏ ra rất đau đớn, hoảng loạn; lại không hiểu lời hỏi han, động viên của các chiến sỹ quân y biên phòng bằng tiếng Kinh. Đúng lúc đó, một người đàn ông da ngăm đen mở cửa bước tới, nắm tay chị, thấp giọng nói điều gì đó bằng thổ ngữ. Chỉ một lúc nữ bệnh nhân dịu lại. Người đàn ông mới đến cũng trở thành người “thông ngôn” để nhân viên y tế thăm khám cho nữ bệnh nhân lúc này đã bình tâm trở lại.
Đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông La Văn Linh – người “thông ngôn” cách đây 6 năm ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (huyện Con Cuông). Người đàn ông năng nổ hiếm thấy trong cộng đồng Đan Lai ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát này đã có đến 27 năm làm cán bộ bản, là “đương kim” Trưởng bản Cò Phạt, kiêm công an viên thôn bản.
Lần gặp lại ông, tuổi đã 56 nhưng không khiến ông già hơn so với 6 năm trước. Ông cười điềm đạm: “Mình bây giờ không làm trưởng bản nữa, làm Bí thư chi bộ nhiệm kỳ thứ 2 rồi”. “Nghe bà con nói anh bây giờ là người “mạnh” của Cò Phạt?” – tôi hỏi. “Vẫn rứa thôi, chỉ có người Đan Lai ở khe Khặng vững hơn một tí” – vị Bí thư Chi bộ bản tươi cười nói.
Sinh ra giữa đại ngàn thâm u Pù Mát, cũng như nhiều đứa trẻ thuộc tộc người Đan Lai khác, cậu bé La Văn Linh lớn lên nhờ hạt ngô mẹ tra trên rẫy, cây rau, cây măng cha hái lượm trong rừng. Nửa thế kỷ trước, nhắc đến khe Khặng, khe Búng những người đi rừng lão luyện nhất còn phải rùng mình vì nơi này được ví như chốn sơn cùng thủy tận. Giữa vùng lõi của khu rừng nguyên sinh Pù Mát, tộc người Đan Lai lựa chọn địa hình xa xôi, hiểm trở để náu thân như một cách tự ly gián khỏi cuộc sống hiện đại.
Lớn thêm một chút, cậu bé La Văn Linh đã biết theo mẹ ra khe Khặng săn cá, theo cha vào rừng tìm ong, hái măng hay chặt tre về dựng nhà. Một đôi lần như thế, Linh được gặp các chú bộ đội biên phòng. Họ rất khác người Đan Lai, cũng rất thân thiện nữa. La Văn Linh muốn rời Pù Mát, rời khe Khặng để được nhìn thấy có một thế giới khác ngoài những bóng núi cao lớn và bếp lửa đốt quanh năm. Linh muốn được đi học. Với nhiều người Đan Lai ở Cò Phạt đó giống như đường lên trời vậy. Riêng bố của La Văn Linh – ông La Văn Mày lại nghĩ khác. Ông có thể coi là người có tư tưởng tiến bộ hiếm thấy trên mảnh đất nằm bên dòng khe Khặng. “Lên trời à! Nếu có quyết tâm thì cũng được đến nơi thôi” – người cha nói điều này với La Văn Linh. Cũng vừa may, lúc đó “Nhà nước” đã đưa thầy, cô giáo tiểu học về “cắm” ở bản Cò Phạt. Nhưng lớp học vỡ lòng lúc bấy giờ cũng chỉ có khoảng 10 học sinh. Dẫu vậy, những cô, cậu học trò người Đan Lai đã tạo ra một “cuộc cách mạng” về sự học cho cộng đồng trong vùng lõi đại ngàn Pù Mát, nơi có đường biên giới với nước bạn Lào.
Vậy là La Văn Linh đi học. Cậu bé đã có thể đọc, viết được tên bố mẹ mình và làm được những phép toán cộng trừ, điều mà cả đời mẹ cậu không bao giờ biết được. Nhưng ở bản Cò Phạt, các thầy, cô giáo chỉ có thể dạy Linh và các bạn đến lớp 3. Muốn học tiếp phải vượt thác, trèo đèo về trung tâm xã Môn Sơn. Với người Đan Lai, sinh sống trên thượng nguồn sông Giăng – khe Khặng từ bao đời nên họ không còn sợ rừng thiêng, thú dữ hơn việc có con đi học. La Văn Linh vẫn quyết xin bố mẹ để được học tiếp. Rồi thêm sự động viên của cô giáo, bộ đội biên phòng, dù hoàn cảnh khó khăn, ông Mày đã đồng ý cho Linh được tiếp tục đến trường.
Ngày đầu tiên ra trung tâm xã để đuổi theo con chữ, La Văn Linh ngồi trên bè nứa do bố chống để vượt thác ghềnh khe Khặng. Hành trang cậu học trò mang theo ngoài 1 cuốn vở, 1 cây bút còn có vài cân ngô đã tẽ hạt, dăm củ sắn. Đó là “lương thực” dành cho cậu bé Đan Lai dùng trong 1 tháng. Nhưng Linh đã không buồn cũng không khóc. Người Đan Lai không khóc bởi những thứ vặt vãnh như thế. Hai bố con đã phải chèo chống mất một ngày rưỡi mới ra đến trường học ở trung tâm xã Môn Sơn. Cái sự học của cậu bé nghèo bắt đầu như thế.
Gần 5 năm trọ nhờ trong nhà dân để học chữ, La Văn Linh cũng vỡ ra nhiều điều. Cái vốn hiểu biết của “cậu bé thổ dân” như cách gọi của nhiều người cũng nhờ đó mà trở nên đầy đặn hơn. Và La Văn Linh trở thành người “hiếm” ở Cò Phạt không chỉ vì cậu biết chữ mà còn trở thành cầu nối giữa người dân trong bản và Đảng ủy chính quyền cơ sở. Nhưng cái đói, cái nghèo ở bản Đan Lai nằm sâu trong vùng lõi đại ngàn Pù Mát vẫn không rời đi. Cực chẳng đã La Văn Linh phải nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp 2, trở về bản, về với cuộc sống hái lượm, đói nghèo như bao đời của tộc người Đan Lai. Nhưng cái “được” còn lại với cậu thanh niên Đan Lai này đó là đã có thể tự tin nói điều mình muốn với những người không thuộc cộng đồng. Đây chính là cơ sở để lãnh đạo xã và Đồn Biên phòng Môn Sơn động viên, lựa chọn La Văn Linh làm nhân tố nòng cốt tham gia tuyên truyền chủ trương, chính sách và bảo vệ an ninh biên giới.
Bắt đầu từ năm 20 tuổi, La Văn Linh tham gia hoạt động xã hội ở bản Cò Phạt với vai trò Thôn đội trưởng và cán sự phụ trách an ninh vùng lõi Pù Mát. Anh cũng được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi Cò Phạt thành lập chi bộ Đảng. Với sự mẫn cán của mình, anh còn được bà con bầu giữ vai trò Trưởng bản Cò Phạt liên tiếp hai khóa. Cò Phạt bắt đầu thay đổi, người dân Đan Lai không còn vào rừng săn thú, đốn cây. Phụ nữ Đan Lai khi sinh đẻ cũng không phải một mình ra khe tự vượt cạn và cắt dây rốn cho con. Người dân khi ốm đau được vận động để đến trạm xá của bộ đội biên phòng đóng ngay trên bản Cò Phạt. Bản cũng được quy hoạch, cải tạo hơn 2 ha đất để trồng lúa nước và bà con được hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Rồi các công trình nước tự chảy, đường sá nội bản cũng được người dân tham gia làm tích cực. Đây là điều chưa bao giờ người Đan Lai nghĩ và làm từ trước đó.
Cò Phạt đã có những thay đổi với nhiều tín hiệu tích cực nhưng cái thực trạng hôn nhân cận huyết, tảo hôn vẫn như một vết thương tồn tại dai dẳng trong cộng đồng. Cán bộ xã, huyện rồi các anh kiểm lâm Pù Mát, bộ đội biên phòng Môn Sơn đã chẳng nói rằng đây là cái đại nạn của người Đan Lai đó sao! Sao người Đan Lai thân vóc nhỏ bé yếu đuối thế, tư duy kém nhanh nhạy thế? Tất cả cũng do hôn nhân cận huyết và tảo hôn. Lại tuyên truyền, lại vận động. Khốn nỗi người Đan Lai xưa nay sinh sống trên thượng nguồn sông Giăng – khe Khặng chỉ quen quanh quẩn với núi rừng và bản làng nên việc “đổi giống nòi, thay máu” chẳng dễ.
Để bảo vệ người Đan Lai, năm 2002, Nhà nước có chính sách di dời tái định cư một phần hộ dân Đan Lai ở bản Cò Phạt và bản Búng ra khu vực tái định cư ở bản Cửa Rào và Tân Sơn (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông). 36 hộ dân trong diện phải chuyển đi không một ai muốn rời nơi ở gắn bó với họ bao đời. Ông La Văn Linh cùng với cán bộ xã, bộ đội biên phòng phải đến từng nhà, lên rừng tìm từng người để vận động. Mãi rồi bà con cũng nghe. Giờ đây ở bản mới Tân Sơn, Cửa Rào có hộ đã viết đơn xin thoát nghèo. Đó chẳng phải là tín hiệu vui của người Đan Lai trên vùng tái định cư sao. Nhưng trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát bà con vẫn quần cư quá chật chội với điều kiện sinh sống ở dưới mức tối thiểu. Cái nạn tảo hôn và hôn nhân cùng huyết thống vẫn chẳng giải quyết triệt để được.
Năm 2006, Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai, huyện Con Cuông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Đề án phải phân tán di chuyển 146 hộ dân Đan Lai ra vùng tái định cư xã Thạch Ngàn (Con Cuông) cách đó 70 km. Trưởng bản La Văn Linh và những cán sự Cò Phạt lại thêm một phen vất vả. Đảng viên và gia đình phải gương mẫu, tiên phong. Phải vận động người trong gia đình mình trước. Nghe lời khuyên bảo, động viên của em trai mình, ông La Văn Vinh – anh trai ông La Văn Linh (cũng là một đảng viên trong chi bộ) tự nguyện đưa gia đình chuyển đi trước. Tiếp đến, con trai ông Vinh là anh La Vinh Quang cũng lục tục đưa gia đình nhỏ của mình rời Cò Phạt ra bản định cư Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn. Kết quả đã có 42 hộ dân ra sinh sống trên vùng tái định cư, và sau hơn 10 năm đã tăng lên 54 hộ, trong đó có 15 trai, gái Đan Lai kết hôn với cộng đồng dân cư người dân tộc Thái.
Năm 2013, ông La Văn Linh được bầu làm Bí thư Chi bộ Cò Phạt. Cương vị mới, trách nhiệm càng nặng nề hơn. Thời gian đầu chi bộ chỉ có 4 đảng viên, nay đã tăng lên 8 đảng viên. “Các cuộc sinh hoạt chi bộ chủ yếu tập trung vào nội dung làm thế nào tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để bà con hiểu. Nói với họ là không được tảo hôn, không được cưới anh em, họ hàng làm vợ, chồng. Cũng nói với bà con về vệ sinh ăn ở, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…” – Bí thư Chi bộ Cò Phạt La Văn Linh cho hay.
Hiện nay trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát vẫn còn 224 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu của 2 bản: Búng và Cò Phạt. Tới đây sẽ có 36 hộ dân tiếp tục di dời nơi ở ra vùng tái định cư ở xã Thạch Ngàn. “Hiện ở Cò Phạt mới chỉ có 4-5 hộ dân đăng ký chuyển đi. Chúng tôi sẽ có nhiều việc phải làm lắm. Phải dựa vào sự tiên phong của đảng viên trong chi bộ thôi” – ông La Văn Linh nói. Được biết, sắp tới, Chi bộ bản Cò Phạt sẽ kết nạp thêm 4 đoàn viên ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nếu không có vai trò của đảng viên, nhất là đảng viên trẻ Cò Phạt sẽ chẳng thay đổi được gì. “Đây là lực lượng cốt lõi giúp Cò Phạt và cộng đồng Đan Lai chúng tôi thay đổi, phát triển” – ông Linh tự tin khẳng định.
Nói về ông La Văn Linh, ông Lương Viết Tùng – Chủ tịch UBND xã Môn Sơn khẳng định, nếu không có những người như ông Linh thì chính quyền địa phương chẳng thể thay đổi được cuộc sống của cộng đồng Đan Lai. “Hiện nay, xã cũng đang dựa vào ông La Văn Linh và các cán sự, đảng viên ở bản Cò Phạt tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng nếp sống mới, nhất là sắp tới sẽ đưa thêm 36 hộ dân ra vùng sinh sống mới” – ông Lương Viết Tùng nói thêm.
Dân bản Cò Phạt vẫn nói ông La Văn Linh là “người mạnh” không chỉ có thế. Ông Linh có 6 đứa con thì đã có 5 đứa thoát ly khỏi Pù Mát. 2 con gái đi làm ở Bình Dương và đã lấy chồng miền Nam và định cư ổn định trong đó; 1 con gái đi xuất khẩu lao động ở Ả rập Xê út, 1 con trai đi lao động ở Malaysia. Cuộc sống gia đình nhờ thế khấm khá hơn nhiều so với các hộ dân Đan Lai khác. Học tập gia đình ông, trong bản cũng có gần 10 người tham gia xuất khẩu lao động và đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Nhờ vậy người Đan Lai bắt đầu bỏ được thói quen thụ động, phó mặc số phận cho ông trời và tự nhiên. Và dân bản Đan Lai đã không quá khi nói rằng vị Bí thư chi bộ chính là người cầm lái, đứng mũi cho con thuyền của cộng đồng trên thượng nguồn khe Khặng.