Từ thực tế ở địa phương, khi đánh giá vai trò của hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ông Lê Văn Trọng – Bí thư Chi bộ 8, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai cho rằng: “Có những vụ việc người dân không phải họ không hiểu, họ không đồng tình nhưng đâu đó trong tâm tư, suy nghĩ của người dân vẫn còn những hoài nghi, băn khoăn nhất định. Nếu khi đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về với Nhân dân, lắng nghe những băn khoăn, bức xúc đó để giải thích, tuyên truyền thì chắc chắn người dân sẽ đồng thuận. Và cũng chính nhờ những buổi tiếp xúc, đối thoại đó, những người cán bộ sẽ có điều kiện nâng cao năng lực điều hành, lãnh đạo. Từ đó, đề ra những chủ trương, chính sách và giải pháp sát với thực tế, phù hợp với người dân hơn. Đó là những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, thể hiện quan điểm “lấy dân làm gốc” của Đảng và Nhà nước ta”.
Tại TP. Vinh, mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn những cuộc tiếp xúc, đối thoại chung chung, hình thức. Nêu lên con số, trong 8 năm (từ 2012 – 2020), cấp phường, xã đã tổ chức 183 hội nghị đối thoại, nhưng Ban Dân vận Thành ủy Vinh thẳng thắn đánh giá vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân. “Có nơi, tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhất là những khó khăn, vướng mắc của người dân đã được nêu trong các hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, hội nghị đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân nhưng chưa được giải quyết kịp thời. Một số địa phương chưa chú ý việc tuyên truyền, công khai nội dung, thời gian tổ chức đối thoại định kỳ rộng rãi đến người dân, có tư tưởng ngại nghe ý kiến trái chiều”, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Trưởng ban Dân vận Thành ủy Vinh trao đổi.
Thực tế, đối thoại vừa là lắng nghe, nhưng đồng thời là trả lời, giải đáp và giải quyết những ý kiến, kiến nghị của người dân trong thẩm quyền. Song, nhiều địa phương, hoạt động tiếp xúc, đối thoại vẫn còn mang nặng hình thức một chiều, tức là người dân nói, mà cán bộ chưa trả lời hoặc chậm giải quyết. Theo ông Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, việc triển khai hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền cấp huyện với nhân dân tại một số địa phương còn tỏ ra lúng túng trong việc tổ chức. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở một số nơi còn hạn chế; còn xem đối thoại như tiếp xúc cử tri nên việc thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu…
Ông Phan Thanh Đoài – Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phải khẳng định, công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân là rất quan trọng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Bởi thông qua việc tiếp xúc, đối thoại sẽ góp phần hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở. Trong quá trình đối thoại, phải đặc biệt coi trọng Nhân dân, lắng nghe Nhân dân và cố gắng trả lời, giải quyết những băn khoăn, bức xúc, kiến nghị của Nhân dân trong thẩm quyền. Khi mình làm tốt công tác này, sẽ tạo ra được sự đồng thuận xã hội, đồng lòng của Nhân dân, huy động được sức mạnh của Nhân dân vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương nói chung và một số vụ việc cụ thể.
Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, Bí thư Thị ủy Hoàng Mai ông Lê Trường Giang cho rằng, trong đối thoại, khi đã có sự thống nhất chung thì phải giữ chữ tín với Nhân dân, theo đuổi đến cùng để giải quyết thấu đáo các vấn đề, tránh “qua cầu rút ván”. Bởi việc đối thoại không chỉ nhằm giải quyết một công việc cụ thể mà trên hết đó là củng cố niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền. “Đối thoại phải trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, cầu thị, phải lắng nghe hết ý kiến để tìm hiểu nguyên nhân và chia sẻ khó khăn với Nhân dân. Cái gì làm được thì trả lời làm được, cái gì chưa làm được thì trả lời và xin lỗi Nhân dân là chưa làm được, cái gì phải xin ý kiến, chủ trương cấp trên, thuộc cơ chế chính sách… phải rõ ràng. Đồng thời cũng bộc bạch suy nghĩ, mong muốn của mình để Nhân dân hiểu, chia sẻ với cấp ủy, chính quyền vì mục tiêu phát triển chung của địa phương”, Bí thư Thị ủy Hoàng Mai nói.
Tại nhiều diễn đàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã nhấn mạnh: Các cấp, ngành, địa phương phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân, doanh nghiệp; phát huy quyền làm chủ của người dân, cố gắng giải quyết các vụ việc mà người dân bức xúc, kéo dài nhiều năm với mục tiêu đảm bảo cao nhất quyền lợi, lợi ích chính đáng cho người dân. Thông qua các cuộc tiếp công dân định kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành, địa phương trong quá trình giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại của người dân thì cần chủ động phối hợp chặt chẽ, tích cực với nhau hơn. Qua đó, cố gắng giải quyết nhanh chóng, dứt điểm vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi chính đáng tối đa cho người dân.
Ông Đinh Hồng Vinh – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh cho biết: “Qua các buổi tiếp xúc, đối thoại của người dân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh rút ra 03 bài học kinh nghiệm đối với chính quyền các cấp như sau:
Thứ nhất: Để việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở thực sự mang lại hiệu quả thì cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là người đứng đầu phải thực sự quan tâm chăm lo đến công tác tiếp công dân; phải coi đây là biện pháp quan trọng để giữ mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền với Nhân dân đúng với bản chất Nhà nước ta là Nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” như Điều 2, Hiến pháp năm 2013 đã quy định, từ đó có chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân nhất là chính sách công tác cán bộ trực tiếp tiếp công dân và tham mưu công tác tiếp công dân.
Thứ hai: Thái độ của những người tiếp công dân phải thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến của công dân, phát huy trách nhiệm để giải quyết tốt nhất các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, thể hiện trên các khía cạnh sau: +) Nếu ý kiến công dân chưa đúng thì phải xem đây là cơ hội để tuyên truyền, vận động, giải thích để công dân hiểu, chấp hành pháp luật, chia sẻ với chính quyền tạo sự tin tưởng đồng thuận giữa chính quyền với Nhân dân. +) Nếu ý kiến của người dân là có cơ sở thì tập trung chỉ đạo giải quyết để đảm bảo quyền lợi của công dân theo đúng quy định pháp luật, đồng thời nếu có sơ hở thiếu sót thì sớm khắc phục.
Ngoài ra công tác tiếp xúc, đối thoại với công dân còn là cơ hội để lãnh đạo chính quyền các cấp nắm được những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn cuộc sống ở 2 góc độ sau: +) Là cơ hội để nắm bắt những vấn đề bất cập trong việc tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để có các giải pháp kịp thời tháo gỡ ngay, góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống; +) Là cơ hội nắm bắt chính sách, pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mọi mặt của đời sống xã hội.
Thứ ba: Công tác chuẩn bị đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu chính quyền với công dân, nhất là việc lựa chọn vụ việc để tiếp công dân phải hợp lý, đúng thẩm quyền, không tổ chức tiếp công dân tràn lan hoặc lựa chọn những vụ việc không đúng thẩm quyền, không cần thiết phải tiếp, gây nên sự phiền hà không cần thiết làm công dân bức xúc, hiệu quả thấp”.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, trong Đề án 07-ĐA/TU về việc đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: “Lựa chọn hình thức, nội dung tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân phù hợp với tình hình thực tiễn; Thực hiện công tác tiếp xúc, đối thoại đảm bảo quy trình, chất lượng; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác tiếp xúc, đối thoại…”. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại.