Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (16.480 km2), địa hình phức tạp, dân số đông (trên 3,3 triệu người), có nhiều vùng đặc thù, trong những năm qua, Nghệ An đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án quan trọng với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của Bắc Trung Bộ.
Trong quá trình thực hiện, một số dự án đã gặp phải sự phản ứng do người dân chưa đồng thuận với phương án đền bù, thu hồi đất, thậm chí có nơi còn có thành phần xấu xúi dục ngăn cản, cố tình tạo thành “điểm nóng”, làm chậm tiến độ. Để người dân hiểu, đồng thuận vì mục tiêu chung, tỉnh đã chủ động tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với mục đích lắng nghe ý kiến, giải thích, trả lời những băn khoăn của người dân. Như vừa qua, UBND tỉnh và các ngành, huyện Hưng Nguyên đã tổ chức đối thoại với người dân xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên liên quan đến dự án Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng. Tại buổi đối thoại, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến dự án.
Cũng mới đây, là việc giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc – Nam đi qua các địa phương trên địa bàn Nghệ An, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, lãnh đạo các huyện, thị xã có đường cao tốc đi qua đã tổ chức đối thoại với các hộ dân có liên quan để tìm sự đồng thuận, giải quyết dứt điểm các vướng mắc.
Bên cạnh đó, Nghệ An hiện nay có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm xảy ra từ 2 – 4 cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát. Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời, tích cực của các cấp, các ngành nên các vụ việc đều được giải quyết, không để kéo dài. Điển hình như ngày 7/2/2022, hơn 5.000 công nhân của Công ty TNHH Viet Glory (đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) ngừng việc tập thể đòi quyền lợi. Nhận được thông tin, các ban ngành của huyện Diễn Châu đã đến nắm bắt tình hình, vận động công nhân vào làm việc nhưng không có kết quả. Chiều 8/2, Công ty TNHH Viet Glory đã có văn bản trả lời 11 yêu cầu, kiến nghị của người lao động. Tuy nhiên, sau buổi đối thoại vào sáng 10/2, Công ty và công nhân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Toàn bộ công nhân không đồng ý với phương án giải quyết của doanh nghiệp, tiếp tục yêu cầu công ty tăng lương, bổ sung phụ cấp thâm niên thì mới quay lại làm việc. Bước sang ngày thứ 5, hàng ngàn công nhân vẫn không chịu vào làm việc, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Sau nhiều cuộc đối thoại không thành, đến chiều ngày 12/2, đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh do ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh dẫn đầu đã trực tiếp ra làm việc với Công ty, đối thoại với công nhân. Sau cuộc đối thoại, Công ty TNHH Viet Glory đã giải quyết những kiến nghị khác và đồng ý tăng 6% lương cơ bản cho người lao động. Đây cũng là yêu cầu cuối cùng của công nhân và là yêu cầu khó giải quyết nhất. Nhờ đó, đến sáng ngày 14/2, tất cả công nhân đã đồng ý quay trở lại làm việc bình thường, chấm dứt chuỗi 6 ngày ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi.
Vụ ngừng việc ở Diễn Châu vừa được giải quyết xong, thì chiều 15/2, hơn 1.700 công nhân Công ty TNHH EM-Tech Việt Nam (đóng tại phường Vinh Tân, TP. Vinh) lại đồng loạt nghỉ việc để đòi quyền lợi. Lãnh đạo Liên đoàn lao động TP. Vinh, UBND phường Vinh Tân nhanh chóng có mặt để nắm bắt tình hình. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, công nhân đã viết các kiến nghị gửi lên lãnh đạo công ty. Ông Thái Lê Cường – Chủ tịch LĐLĐ TP. Vinh và ông Nguyễn Hoàng Mạnh – Chủ tịch UBND phường Vinh Tân đã làm việc với lãnh đạo công ty và trực tiếp đối thoại với công nhân. Sau trả lời của lãnh đạo công ty, công nhân lao động đã tiếp tục trở lại làm việc bình thường.
Ông Kha Văn Tám – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, khi xuất hiện vụ việc đình công, ngoài sự vào cuộc của chính quyền thì sự xuất hiện của công đoàn rất quan trọng. Tổ chức công đoàn lúc đó đóng vai trò như là “trọng tài”, lắng nghe ý kiến của các bên để đề ra hướng giải quyết đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân và doanh nghiệp.
Với phương châm “hướng về cơ sở, lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”, từ năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân (Quyết định số 2924-QĐ/TU). Quá trình triển khai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp xúc, đối thoại, giải quyết ý kiến, kiến nghị của Nhân dân: Công văn số 4063-CV/TU, ngày 07/01/2019 về chỉ đạo thực hiện công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; Kế hoạch số 184-KH/TU, ngày 01/4/2019 về thực hiện Quy định số 1 l-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Các cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động đưa nội dung tiếp xúc, đối thoại vào chương trình công tác hàng năm; kịp thời ban hành các văn bản tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị các nội dung, điều kiện đảm bảo để tổ chức tiếp xúc, đối thoại đạt hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tiếp xúc, đối thoại tại một số đơn vị thực hiện nghiêm túc gắn với kiểm tra thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; quy chế dân chủ ở cơ sở…
Là cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội về công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ông Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho rằng, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại đã thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở; đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của lãnh đạo các cấp về trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thông qua đối thoại, quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân được phát huy. Cùng đó, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân chuyển biến tích cực, nhất là việc nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách trên địa bàn, từ đó tạo ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở, hạn chế đơn thư vượt cấp.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An: “Trong thời gian qua, nhất là sau 09 năm thực hiện Quy chế tiếp xúc đối thoại với Nhân dân (ban hành theo Quyết định số 2924-QĐ/TU, ngày 30/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), chất lượng các cuộc tiếp xúc, đối thoại được nâng lên. Đa số kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được tiếp thu và xử lý tại cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp và điểm nóng. Tuy nhiên, công tác tiếp xúc, đối thoại ở một số địa phương, đơn vị còn hình thức, chất lượng chưa cao; nhiều kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chưa cao, một số vấn đề không được quan tâm giải quyết triệt để, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền”.
Vì vậy, ngày 24/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tiếp tục ban hành Đề án số 07 về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025”, là cần thiết, tạo sự thống nhất, đồng thuận và quyết tâm cao của Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.
(Còn nữa)