Một buổi sáng cuối tháng 9, cô Đoàn Thị Hương – chủ nhiệm lớp 6A1, Trường THCS Châu Cam (Con Cuông) phấn khởi, hào hứng bước vào lớp. Học trò đứng dậy chào, cô Hương đưa mắt nhìn bao quát và nhận ra mấy chỗ trống. Sự hào hứng ban đầu chợt biến mất, vì có 4 em người Đan Lai là Chi, Phi, Uyên, Vũ không đến lớp. Cử lớp trưởng xuống tìm ở ký túc xá, một lúc sau trở lại thưa: “Không thấy các bạn cô ạ!”. Cô Hương buông tiếng thở dài rồi buồn bã ghi chữ “Vắng 4” dưới dòng sỹ số…
Ngay sáng hôm ấy, cô Đinh Thi Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Châu Cam liên hệ với Đoàn Thanh niên và Đồn Biên phòng Châu Khê bàn kế hoạch vào Khe Nóng, Khe Bu vận động các em trở lại lớp. Vì không chỉ có lớp 6A1, ở các lớp khác cũng có học sinh Đan Lai nghỉ học.
Hôm sau, vượt chặng đường ngót 30 km, tổ công tác tìm đến từng nhà có học sinh nghỉ học để gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh. Gian nan, vất vả nhất là đường vào Khe Nóng – cụm dân cư gồm 40 hộ thuộc bản Châu Sơn, nằm tách biệt hoàn toàn, bị cô lập bởi gần 10 con suối, hiện có 20 em học sinh ở các cấp học.
Vợ chồng anh La Văn Chiến chuẩn bị đi rẫy, em La Văn Chi (SN 2008, lớp 6A1) cũng chuẩn bị theo bố mẹ đi làm. Thấy thầy cô vào nhà, Chi lấm lét rồi chạy trốn sau vườn, còn anh Chiến nói: “Nó bảo không muốn đi học nữa, ở nhà đi rẫy thôi”.
Các thầy, cô và cán bộ biên phòng tranh thủ giảng giải cho vợ chồng anh Chiến về lợi lích của việc cho con đến lớp học tập, có cái chữ để tương lai thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Mãi một lúc, anh Chiến gọi con trai về dặn: “Con xếp sách vở, quần áo theo các thầy cô giáo và các chú ra trường đi học!”.
Xem như đã có một thành công, tổ công tác lại sang nhà anh La Văn Mày, phụ huynh em La Thị Vũ, học cùng lớp với La Văn Chi. Ngôi nhà tạm bợ nằm bên mép suối, phía trong gần như không có vật gì giá trị, tất cả nói lên gia cảnh nghèo khó và thiếu thốn. Vũ tỏ vẻ lo lắng, có phần sợ sệt khi có khách đến nhà, cô bé đứng nép sau tấm ri-đô, bố mẹ của em có phần không thoải mái khi trò chuyện. Anh Mày nói: “Con Vũ về nhà nói ở ngoài trường buồn, muốn nghỉ học ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Nhà khó khăn, có nó ở nhà phụ giúp làm rẫy, đi rừng cũng đỡ…”. Cũng như vợ chồng anh La Văn Chiến, khi được nghe về điều hơn, lẽ thiệt và lợi ích của việc cho con theo học, anh Mày và vợ hứa sẽ động viên con gái trở lại trường…
Từ Khe Nóng, các thầy, cô ngược ra bản Khe Bu – nơi cư trú của hơn 100 hộ Đan Lai và có nhiều em học sinh có ý định bỏ học. Mùa này, hầu hết các gia đình đều đi rẫy hoặc vào rừng lấy măng nên “cửa đóng, then cài”.
Rất may, gặp được vợ chồng anh Lê Văn Tao vừa ở rẫy về, lưng gùi bắp ngô nặng trĩu, theo sau là mấy đứa con còn nhỏ tuổi. Con gái của anh Tao là Lê Thị Uyên (lớp 6A1) đã mấy ngày không đến lớp, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường tìm nhiều cách nhưng vẫn không liên lạc được với gia đình. “Nhà đông con, không đủ cái ăn, rẫy nhiều bố mẹ làm không kịp, phải gọi con Uyên về giúp. Khi nào xong rẫy, tôi sẽ đưa nó ra học tiếp” – anh Lê Văn Tao phân trần.
Cô giáo Đinh Thi Thu Hà cho biết, trường có tổng số gần 500 học sinh, đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 126 học sinh Đan Lai. Chuẩn bị năm học mới, các thầy cô giáo đã vào từng bản xa để vận động học sinh tới lớp, riêng học sinh Đan Lai đến nay đã phải tiến hành vận động tới 5 lần, nay vẫn còn 2 em chưa ra học. Ngày khai giảng, sân trường tưng bừng cờ hoa nhưng vẫn rất nhiều chỗ trống trải, vì có tới hơn 40 em học sinh Đan Lai vắng mặt.
Châu Khê là xã biên giới, nhiều bản làng nằm xa trung tâm, đặc biệt là khu dân cư khe nóng và bản Khe Bu giao thông rất khó khăn, phần lớn học sinh thuộc diện hộ nghèo. Con em đồng bào Đan Lai ở Khe Nóng và Khe Bu được hưởng chế độ học sinh bán trú, nghĩa là được bố trí ăn, ở tại trường nhưng một số em vẫn tìm cách trốn về nhà.
Vì thế, ngoài giờ lên lớp và soạn giáo án, giáo viên thường xuyên vào các bản, vừa kêu gọi học sinh đến lớp, vừa tìm hiểu hoàn cảnh của mỗi em. Công việc vận động học sinh dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên, gần như suốt cả năm học.
“Các em học sinh Đan Lai, chủ yếu là học sinh lớp 6 lâu nay sống biệt lập, vừa mới rời gia đình, làng bản ra ở nhà bán trú tại trường nên còn nhút nhát, e ngại, thậm chí không muốn đi học. Khi thấy thầy cô đến nhà các em liền chạy trốn, bố mẹ lại thiếu quan tâm nên việc duy trì sỹ số khá khó khăn” – cô Hà nói. Thậm chí, có em trả lời rằng: “Em thấy các bạn cùng lứa đều ở nhà đi làm rẫy và chăn trâu, bò nên không muốn đi học, chỉ muốn ở nhà thôi”.
Để “giữ” trò ở lại trường, không ít lần thầy, cô bỏ tiền túi mua sách vở, đồ dùng và áo quần, chăn ấm và thay nhau “canh chừng”, nếu không các em sẽ trốn về nhà bất cứ lúc nào. Vì thế, khi chở La Văn Chi và Lê Thị Uyên trở lại trường bằng xe máy, các cô ghé vào cửa hàng quần áo để sắm cho học trò những bộ đồ mới. Trò nở nụ cười, thầy, cô rưng rưng nước mắt: “Ở lại học, đừng bỏ về nữa con nhé!”.
Được biết, tỷ lệ huy động học sinh đến trường ở Con Cuông hiện ở mức 96%, chứng tỏ vẫn còn tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng hoặc chưa đến lớp. Số học sinh này đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trong đó nhiều nhất là con em đồng bào Đan Lai
Ông Nguyễn Thanh An – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho biết: “Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng, huy động đến lớp đông đủ, chúng tôi đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường học tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương vào cuộc để huy động. Tuy vậy, việc vận động vẫn còn gặp khó khăn, nhất là con em Đan Lai ở vùng sâu, vùng xa, cần tiếp tục nghiên cứu thêm một số giải pháp cần tiếp tục nghiên cứu thêm một số giải pháp thiết thực và phù hợp hơn để làm thế nào huy động được toàn bộ các em tới trường là mục tiêu mà chúng tôi đang hướng tới”.
La Thị Hoa
Các em à đừng vì khó khăn trước mắt mà bỏ học nhé. Chị cũng là dân tộc đan lai gia đình chị cũng khó khăn không khác gì các em cả, từ năm lớp 6 chị cũng đã phải xa nhà xa bố mẹ để đi học như các em hiện tại đó. Một mình mẹ phải nuôi 3 chị em ăn học. Bố thì bệnh nhưng vẫn phải vào rừng để kiếm tiền phụ mẹ đôi ít để nuôi 3 chị em ăn học . Bây giờ chị đang là sinh viên năm nhất các em à, cho nên chị hiểu cảm xúc của các em hiện tại.
Nhiều lúc chị cũng có suy nghĩ như các em vậy đó chị chỉ muốn nghỉ học để đi kiếm tiền phụ giúp mẹ chữa bệnh cho bố và nuôi đứa em ăn học để bố mẹ đỡ vất vả. Nhưng mà khi nghĩ đến tương lai sau này mình muốn có một cuộc sống khá hơn bố mẹ hiện tại, thì đó lại là động lực để chị cố gắng học để nuôi dưỡng ước mơ của mình cho tới bây giờ…Nếu các em có ước mơ gì đó thì đừng vì bất cứ lý do gì mà từ bỏ nhé hãy cố gắng học tập để nuôi dưỡng ước mơ của mình các em nhé