Chúng tôi quan tâm đến Nghị định số 01/NĐ-CP về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, bắt đầu từ tâm tư của những cán bộ bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Pù Mát.
Về Vườn Quốc gia Pù Mát, có diện tích gần 95.000ha nằm trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương với độ che phủ rừng lên đến 98%. Đây còn là nơi bảo vệ 77 loài động vật, 69 loài thực vật trong sách đỏ của Việt Nam và Danh lục đỏ của thế giới, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cho Việt Nam và thế giới. Dù vậy, lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Pù Mát ngày càng bị bào mòn, vì tình trạng xin chuyển việc và thôi việc đã và đang diễn ra. Theo thống kê, từ năm 2015 đến tháng 7/2021 đã có 19 người xin thôi việc, chuyển việc, nghỉ hưu (2 người); trong đó, từ đầu năm 2021 đến nay có đến 6 người xin chuyển việc và thôi việc.
Nói về thực trạng đáng buồn này, ông Trần Xuân Cường – Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, mỗi kiểm lâm viên hiện nay ở Pù Mát quản lý bình quân gần 1.500 ha rừng, vượt quá khả năng kiểm soát của kiểm lâm. Vì vậy áp lực công việc rất lớn, kiểm lâm viên phải căng mình làm việc thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, có sự bất cập trong chế độ, chính sách của Nhà nước đối với lực lượng bảo vệ rừng.
Đó là khác biệt quá lớn giữa công chức kiểm lâm và viên chức kiểm lâm. Thu nhập của viên chức kiểm lâm thấp hơn nhiều so với công chức kiểm lâm dù cùng nhiệm vụ bảo vệ rừng, và cùng làm việc trên một địa bàn. Lẽ ra, từ thực tế này cần xem xét điều chỉnh sao cho phù hợp. Vậy nhưng khi Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ra đời, viên chức kiểm lâm của Vườn sẽ chuyển thành lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đồng thời, có những quy định mới hạn chế về chức năng, quyền hạn thực thi nhiệm vụ.
Dù tỉnh chưa triển khai thực hiện Nghị định số 01/2019/NĐ-CP nhưng vì vậy đã gây nên áp lực về tâm lý, nhiều viên chức kiểm lâm lo lắng chế độ tiền lương và phụ cấp tiếp tục bị hạ thấp nên đã có một số người xin nghỉ việc để tìm công việc mới.
Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát Trần Xuân Cường phân tích, theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP, các Hạt Kiểm lâm hiện đang trực thuộc Vườn Quốc gia, hoặc các Ban quản lý rừng đặc dụng sẽ được sắp xếp, tổ chức lại và trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, với tên gọi Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia và Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng. Về nhiệm vụ, các Hạt kiểm lâm này thực hiện chức năng quản lý nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính, khởi tố hoặc đề nghị khởi tố hình sự các vụ vi phạm tại các Vườn Quốc gia và rừng đặc dụng. Còn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. Như vậy, việc phát hiện vi phạm là từ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Qua đó cho thấy, việc kiểm lâm không đi tuần tra rừng để kiểm tra, phát hiện vụ việc, lập biên bản ngay từ đầu thì việc đưa ra quyết định xử phạt đôi lúc chưa phù hợp với hành vi vi phạm. Vì vậy, khi tiếp nhận thông tin có vi phạm từ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, kiểm lâm sẽ phải tổ chức điều tra, xác minh lại vụ việc, rất mất thời gian.
Hơn nữa, kiểm lâm sẽ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, ít có thời gian để tuần tra trực tiếp, không gặp những hiểm nguy khi phải thường xuyên trèo đèo, lội suối, không đối diện với lâm tặc trong rừng sâu. Nhưng nếu họ làm việc mà bị thương, hy sinh thì có chế độ thương binh, liệt sỹ (quy định tại Khoản 2, Điều 13, NĐ 01/2019/NĐ-CP). Trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường xuyên đối mặt hiểm nguy và xung đột xảy ra thì không có quy định nào để đảm bảo chế độ cho họ. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ trực tiếp quản lý bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã luôn đối mặt với những các đối tượng vi phạm có vũ khi tấn công xâm hại đến sức khỏe và tính mạng. Nhưng theo Nghị định số 01/2019/NĐ-CP thì lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không được trang bị vũ khí mà chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ, lại không có thẩm quyền xử lý vi phạm, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ sẽ kém hiệu quả, nguy cơ tài nguyên rừng bị xâm hại rất cao…
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 3 Hạt Kiểm lâm trực thuộc các Ban quản lý rừng đặc dụng gồm: Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát; Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Pù Huống; Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Pù Hoạt. Trong đó, Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát trực thuộc UBND tỉnh; Khu BTTN Pù Huống và Khu BTTN Pù Hoạt trực thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT.
Liên hệ Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt để có thêm những đánh giá về Nghị định số 01/2019/NĐ-CP. Theo ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt thì tại Nghị định này có những quy định chưa phù hợp với thực tế. Hiện nay Hạt Kiểm lâm các Khu rừng đặc dụng đang hoạt động có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn về công tác quản lý bảo vệ rừng và được chính quyền các địa phương có rừng đánh giá cao. Các khu rừng đặc dụng quản lý diện tích rất lớn, trên địa bàn liên huyện (3-5 huyện). Mặt khác, 3 khu rừng đặc dụng ở Nghệ An là 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, nơi bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học hết sức quan trọng của cả nước và thế giới. Các yêu cầu về quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra, đồng thời để đảm bảo cam kết của Việt Nam với cộng đồng Quốc tế về bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Vì vậy, các Ban quản lý rừng đặc dụng rất cần có lực lượng kiểm lâm trực thuộc để Giám đốc đơn vị điều hành trực tiếp, tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ. Nếu khi đưa lực lượng kiểm lâm về Chi cục Kiểm lâm thì quan hệ giữa các chủ rừng là các Ban quản lý rừng đặc dụng và kiểm lâm chỉ là quan hệ phối hợp nên tính hiệu quả sẽ không cao.
Mặt khác các khu rừng đặc dụng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, kết hợp nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và hoạt động du lịch sinh thái; tạo việc làm sinh kế cho người dân sống gần rừng và ven rừng… Nên nếu tách lực lượng kiểm lâm ra khỏi chủ rừng sẽ không đảm bảo nguồn nhân lực để thực hiện các chức năng nhiệm vụ được giao. Qua khảo sát thực tế, hầu hết các tỉnh trên toàn quốc chưa thực hiện tách các Hạt Kiểm lâm ra khỏi các Ban quản lý rừng đặc dụng mà vẫn đang giữ nguyên mô hình này. Đặc biệt, hiện nay, 6 Vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm Nghiệp (cơ quan chủ trì tham mưu cho Bộ NN&PTNT xây dựng và trình Chính phủ về Nghị định 01/2019/NĐ-CP) vẫn chưa thực hiện việc tách các Hạt Kiểm lâm ra khỏi các BQL Vườn quốc gia.
Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt Nguyễn Văn Sinh trao đổi: “Theo tôi được biết, hiện nay, hầu hết UBND các tỉnh đang có ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2019/NĐ-CP để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý bảo vệ rừng đối với các khu rừng đặc dụng. Bộ NN &PTNT đang giao cho Cục Kiểm lâm khảo sát đánh giá mô hình tổ chức Kiểm lâm để tham mưu sửa đổi bổ sung Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ…”.
Làm việc với Công đoàn ngành NN&PTNT, chúng tôi được xem bản báo cáo tổng hợp kiến nghị gửi lên cấp trên để tổ chức Hội nghị gặp mặt Chủ tịch Công đoàn cơ sở năm 2021. Tại báo cáo này, có đề nghị xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy định của Nghị định số 01/NĐ-CP. Cụ thể: “Đề nghị LĐLĐ tỉnh kiến nghị lên Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét và kiến nghị với các cấp để bảo vệ cho lực lượng viên chức kiểm lâm của các Vườn Quốc gia, Khu BTTN trong trường hợp nếu họ chuyển thành lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Vì họ cũng là người trực tiếp bảo vệ rừng tận gốc, hàng ngày đối mặt với nhiều hiểm nguy. Nhưng nếu họ bị thương, hoặc chết thì không được hưởng các chế độ chính sách như quy định đối với lực lượng kiểm lâm, được quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 01/2019/NĐ-CP: “Kiểm lâm trong khi thực hiện nhiệm vụ bị thương được hưởng chế độ chính sách thương binh, bị hy sinh được công nhận liệt sỹ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng”.