Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đang được Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai trên phạm vi toàn quốc. Hiện, Nghệ An đang nỗ lực triển khai chương trình này với việc phát huy lợi thế của mỗi vùng, miền, phát triển bền vững các sản phẩm đặc trưng.
Nghệ An có nhiều sản phẩm đặc trưng, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh để xây dựng mỗi xã một sản phẩm, như: gà, cam, gừng, hải sản, lạc, tương, nhút, tinh bột nghệ, bột sắn, rau, củ quả, hàng thổ cẩm, mây tre đan… Tuy nhiên, nhìn chung các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh chưa ổn định đầu ra, giá trị sản phẩm chưa cao.
Nguyên nhân do các địa phương chưa thực sự vào cuộc, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu khách hàng. Cùng đó, thiếu vắng sự liên kết 5 nhà (Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông – nhà tư vấn). Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được quan tâm, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, quả và nuôi thủy sản áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp sạch. Song, đánh giá một cách khách quan, các sản phẩm vẫn đang gặp bế tắc trong khâu tiêu thụ.
Thổ cẩm là mặt hàng mang tính đặc trưng của đồng bào vùng cao, góp phần đắc lực trong lĩnh vực phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, các địa phương vùng miền núi trong tỉnh đã thành lập được làng nghề, làng có nghề dệt thổ cẩm, tạo việc làm cho bà con, thu hút khách du lịch đến với làng nghề. Ở Quỳ Châu, Con Cuông, Kỳ Sơn, thổ cẩm đã có mặt ở Hà Nội, Lào… để bán cho người nước ngoài hoặc làm theo đơn đặt hàng, có sự hỗ trợ của các HTX, các tổ chức kinh tế…
Mặc dù đã có nhiều đổi mới về mẫu mã, nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp không ít khó khăn. Phần lớn các làng nghề làm ra sản phẩm chỉ cung ứng cho người dân trong vùng, chưa có nhiều kênh tiêu thụ vững chắc.
Các sản phẩm khác như tinh bột nghệ, thảo dược, rau, củ quả, tôm, mật ong, cam… mặc dù nhiều cơ sở đã đầu tư sản xuất theo quy trình an toàn. Tuy nhiên có thể thấy nơi nào đầu tư cao vào cả chất lượng lẫn khâu quảng bá thì nơi đó thành công, nơi nào chỉ sản xuất mà chưa quan tâm đến đầu ra thì sản phẩm vẫn “sớm nở tối tàn”.
Số liệu của Sở NN&PTNT cho thấy, hiện cả tỉnh có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn.
Tuy nhiên, đến nay mới có 49 sản phẩm có đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 26,9% tổng số sản phẩm hiện có; có 32 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, chiếm 17,6% tổng số sản phẩm hiện có.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều điểm yếu cơ bản, đó là: Hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu. Kiến thức, kỹ năng về thị trường của cộng đồng và đội ngũ cán bộ còn hạn chế.
Các sản phẩm truyền thống còn thô sơ, chưa hấp dẫn, chưa có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp, HTX còn yếu. Tập quán sản xuất lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Tâm lý ngại thay đổi, bằng lòng với quy mô, năng lực hiện tại…
Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, những năm qua, dù đã thay đổi cơ bản hệ thống hạ tầng vùng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở các xã, nhất là các xã đã về đích NTM, tuy nhiên, phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh chuyển biến chậm và còn nhiều khó khăn, tồn tại.
Sản phẩm sản xuất ra chủ yếu xuất bán dưới dạng thô nên giá trị gia tăng thấp dẫn đến thu nhập của người dân nông thôn rất thấp; số lượng doanh nghiệp ở nông thôn chưa nhiều; nhiều hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, chưa thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp; công tác xúc tiến thương mại chưa đủ mạnh nên chưa tạo được thương hiệu và đầu ra ổn định cho hàng hoá…
Để giải quyết những khó khăn, tồn tại nêu trên thì việc triển khai thực hiện “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn nhằm khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường; làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn; nâng cao thu nhập cho người dân. Đây chính là yếu tố cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh một cách bền vững.