Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ nét nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Để tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Công khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, quy trình xử lý các thủ tục hành chính để doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể kiểm soát tiến độ thực hiện, vướng mắc phát sinh và trách nhiệm giải quyết. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan ngành dọc và cơ quan chuyên môn trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Rà soát toàn bộ các chỉ số thành phần của chỉ số PCI để có các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là quyết liệt cải thiện các chỉ số thành phần có điểm số còn thấp…
Nghệ An được Trung ương quan tâm, tạo điều kiện, mới đây, được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở chính trị quan trọng, cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo thêm động lực, nguồn lực cho tỉnh phát triển trong thời gian tới. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị là Nghệ An phải tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu nâng cao các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI vào vị trí nhóm đầu của cả nước. Và để đạt được mục tiêu trên cần sự nỗ lực lớn của các cấp ủy, chính quyền các cấp. Nghệ An nhận thức rằng, bên cạnh kết quả đạt được thì công tác cải cách hành chính còn nhiều tồn tại, hạn chế: tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến chưa cao; công tác phân cấp còn khiêm tốn và nhiều vướng mắc; chuyển đổi số chưa đạt mục tiêu.
Mặc dù tỉnh đã nỗ lực, cố gắng nhưng do Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, dân số đứng thứ 4 cả nước, nguồn lực còn hạn chế, đời sống người dân miền núi còn nhiều khó khăn… đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả cải cách hành chính. Qua kiểm tra của đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (tháng 10/2023), tỉnh Nghệ An thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế; tiếp thu đầy đủ ý kiến mà đoàn công tác đánh giá, chỉ ra. Từ đây, tỉnh sẽ đề ra giải pháp để xử lý, khắc phục toàn diện, trong đó, tập trung vào những vấn đề trọng tâm để công tác cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian tới có chuyển biến tích cực.
Là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, thời gian tới, Sở Nội vụ Nghệ An sẽ tham mưu cho tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ trên 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách tài chính công, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Trong đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch để người dân, doanh nghiệp biết, giám sát, thực hiện; đồng thời, rà soát bãi bỏ các thủ tục rườm rà, không phù hợp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Để cải cách hành chính thì yếu tố con người là tiên quyết, do đó, phải tập trung cao hơn nữa nâng cao đạo đức công vụ, làm thế nào để mỗi cán bộ, công chức phải thực sự vì nhân dân phục vụ vì sự phát triển chung của tỉnh. Đi cùng với đó muốn cải cách hành chính tốt phải có hạ tầng về công nghệ thông tin và nguồn lực để thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về công tác cải cách hành chính phải là trong từng công việc, nhiệm vụ cụ thể của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, địa phương để tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn. Nghiên cứu vận dụng sáng tạo các quy định của pháp luật, đồng thời, kiến nghị để sửa đổi những quy định chưa phù hợp, còn chồng chéo để xây dựng nền hành chính kiến tạo vì dân. Tỉnh chọn 3 địa phương và 3 sở, ngành làm điểm để tập trung chỉ đạo nhằm sự chuyển động, thúc đẩy trong công tác cải cách hành chính của tỉnh. Từ đó, từng bước nâng cao các chỉ số để chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính đứng vào tốp đầu của cả nước.
Trong chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghệ An xác định xây dựng 6 trung tâm đô thị tạo động lực dẫn dắt phát triển. Trong đó, thị xã Thái Hòa sẽ là đô thị động lực, trung tâm vùng phía Tây Bắc. Đây cũng là nội dung nằm trong Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, mục tiêu chung sẽ phấn đấu xây dựng thị xã Thái Hòa trở thành đô thị loại III vào năm 2025 và thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2030.
Những chính sách của Trung ương, của tỉnh được kỳ vọng đem lại những tác động tích cực cho sự phát triển của thị xã. Để đạt được mục tiêu đó, thị xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thường xuyên cập nhật bổ sung và công khai danh mục các dự án mời gọi đầu tư vào thị xã; thường xuyên làm việc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để mời gọi, hỗ trợ và giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động bám sát các sở, ngành để phối hợp với các nhà đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư.
Đi cùng với đó, đẩy nhanh thực hiện các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn thị xã, quan tâm công tác chỉnh trang đô thị gắn với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng tiêu chí đô thị loại III, xây dựng đô thị văn minh, phát triển xã thành phường. Chú trọng đầu tư và hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp hiện có trên địa bàn. Lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Tây Hiếu. Tích cực đề xuất tìm kiếm nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng trên địa bàn từ các nguồn vốn ODA. Song song với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện chuyển đổi số; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp địa phương (DDCI); tăng cường sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đảm bảo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trên phương châm, ngoại giao kinh tế đi tiên phong khai phá, mở đường cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh, trong thời gian tới, Sở Ngoại vụ sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy các hoạt động trao đổi thương mại với các đối tác quốc tế, tăng cường hợp tác về phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác nông nghiệp công nghệ cao, các hoạt động liên quan đến phát triển y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ. Sở cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc thu hút đầu tư xanh để phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn để tỉnh ngày càng phát triển bền vững. Thu hút đầu tư thời gian tới là những lĩnh vực đầu tư đem lại giá trị kinh tế cao nhất, tạo được nhiều việc làm, giảm thiểu tác động môi trường và thực hiện các vấn đề xã hội tốt nhất. Bên cạnh các đối tác từ khu vực Đông Bắc Á, công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm tới các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ…
Với mục tiêu lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm, Sở Ngoại vụ tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt trong việc kết nối, chia sẻ, tìm kiếm cơ hội đầu tư với các đối tác quốc tế. Thông qua các diễn đàn, hội nghị, các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cũng là kênh tuyên truyền về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Mặt khác, sở cũng sẽ phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI về vấn đề bảo hộ công dân, thực hiện thủ tục tiếp nhận chuyên gia nước ngoài vào làm việc; nghiên cứu hỗ trợ các nhà đầu tư FDI tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới.
Lần đầu tiên Nghệ An thu hút được 1,275 tỷ USD, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành cả nước. Điều này chứng tỏ nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Nghệ An như là những con chim đầu đàn, đằng sau đó là cộng đồng doanh nghiệp của địa phương là những cộng tác viên. Đây là động lực rất lớn cho doanh nghiệp trong tỉnh có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Qua đó, giúp các doanh nghiệp trong tỉnh có điều kiện để phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, thời gian là “vàng”, nên mong muốn tốc độ giải quyết thủ tục hành chính của các cấp chính quyền cần phải nhanh hơn nữa. Tỉnh cũng cần cố gắng triển khai, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sớm hơn, nhanh hơn. Trong văn bản giao việc của tỉnh cần có địa chỉ cụ thể, có mốc thời gian hoàn thành; có giải pháp ngăn chặn tình trạng né tránh, đùn đẩy, trả lời không rõ ràng khi giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Mặt khác, cần cương quyết thay thế, điều chuyển những cán bộ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm pháp luật để làm gương cho những người khác.
Để thực hiện hóa khẩu hiệu chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, coi doanh nghiệp, nhà đầu tư là đối tượng phục vụ thì trước tiên chính quyền phải thấu hiểu doanh nghiệp và xây dựng tinh thần phục vụ doanh nghiệp.
Hiện nay, hơn 98% doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực còn yếu nên để đứng vững một mình là rất khó. Vì vậy, bên cạnh sự liên kết giữa các các doanh nghiệp với nhau, cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương bằng nhiều giải pháp, trong đó, có thể ban hành các chính sách riêng, đặc thù, không “coi nhẹ” cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh. Tỉnh cũng cần sớm triển khai nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh, Cảng nước sâu Cửa Lò, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, Công ty TNHH VSIP Nghệ An rất cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn từ các cơ quan chính quyền các cấp, các ngành. Chúng tôi đặt niềm tin rất lớn khi đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và có thể hình dung ra tiềm năng to lớn và tương lai tươi sáng ở phía trước khi đồng hành với Khu kinh tế Đông Nam và các sở, ban, ngành, địa phương.
Để tiếp tục tạo điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, rút ngắn “khoảng cách” từ doanh nghiệp đến chính quyền các cấp. Nghệ An cũng cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như: đất đai, giải phóng mặt bằng, hạ tầng dịch vụ: đường, điện, nguồn nhân lực, dịch vụ viễn thông,… Đặc biệt là các chính sách cơ chế nhất quán, ổn định để tạo niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, việc xúc tiến hỗ trợ các dự án đang và sẽ hoạt động tại Nghệ An là rất quan trọng, bởi đây là kênh thông tin hữu hiệu nhất đối với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, được ví như một quốc gia thu nhỏ, nhưng nút thắt lớn nhất vẫn là hạ tầng giao thông chiến lược như cảng nước sâu, sân bay quốc tế. Trong bối cảnh các nhà máy trong khu công nghiệp có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa rất lớn, VSIP Nghệ An mong UBND tỉnh Nghệ An và Khu kinh tế Đông Nam xúc tiến, xây dựng chính sách hỗ trợ các tuyến logistics, mở các tuyến vận tải hàng hóa quốc tế và dịch vụ logistics qua Cảng Cửa Lò và Cảng Đông Hồi. Bên cạnh đó, Nghệ An cần tăng cường xây dựng chiến lược đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực phục vụ cho các tập đoàn, doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá cao những kết quả trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An những năm vừa qua, đặc biệt là quy mô kinh tế, tốc độ tăng trưởng, hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư của tỉnh ngày càng khởi sắc; và đồng thời cũng đánh giá cao việc tỉnh Nghệ An thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Đề nghị trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục duy trì các biện pháp để phát huy những những kết quả đạt được; khắc phục các tồn tại, hạn chế; quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn.
Tỉnh tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định pháp luật để khắc phục những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính. Mặt khác, tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp trang thiết bị, hệ thống phần mềm, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu và các tiện ích thông minh để nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Nghệ An cũng cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Triển khai cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng hiệu quả, thiết thực và tránh hình thức; chú trọng đến các giải pháp tuyên truyền, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ công chức thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến.