Hiện nay, xu hướng chuyển dịch các dòng vốn đầu tư giai đoạn hậu dịch Covid-19 tiếp tục mở ra nhiều cơ hội để Nghệ An thu hút các nhà đầu tư. Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nghệ An đã nhìn nhận, đánh giá rất rõ điểm mạnh, điểm yếu để chuẩn bị điều kiện đón làn sóng đầu tư mới. Tỉnh đang tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ mà tỉnh gọi là “5 sẵn sàng”.
Thứ nhất, sẵn sàng về quy hoạch. Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tích hợp 49 nội dung quy hoạch, gồm 28 quy hoạch ngành và 21 quy hoạch địa phương.
Thứ hai, sẵn sàng về mặt bằng đầu tư. Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hướng đến tăng trưởng xanh trong các khu kinh tế. Tỉnh đã quy hoạch để mở rộng các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để sẵn sàng có đủ quỹ đất, mặt bằng sạch và đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại để kịp thời đón nhận các làn sóng đầu tư FDI mới.
Thứ ba, sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu. Nghệ An tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu như: Dự án đầu tư Cảng nước sâu Cửa Lò; Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh; Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội, về nhà ở cho công nhân, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài; cơ sở giáo dục, dạy nghề và cơ sở y tế chất lượng cao; cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ tư, sẵn sàng về nguồn nhân lực. Với lợi thế hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, hằng năm bổ sung vào thị trường lao động khoảng 45.000 người, trong đó có 30.000 lao động đã qua đào tạo; hệ thống đào tạo nghề đa ngành, đa lĩnh vực với 17 trường đại học, cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề… tỉnh Nghệ An sẵn sàng cung cấp đủ nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Bên cạnh đó tỉnh đang tập trung xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu, trình độ tay nghề cao, tính chuyên nghiệp và kỹ năng về ngoại ngữ. Đồng thời quá trình thu hút FDI đang dần tạo ra một nguồn nhân lực có tính thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Thứ năm, sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng “Một cửa tại chỗ”, “Một đầu mối”, nhất là thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện. Xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ; Lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Kết nối hạ tầng giao thông là yếu tố tiên quyết trong phát triển kinh tế – xã hội. Nơi nào có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, nơi đó sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư. Xác định rõ điều này, tỉnh Nghệ An tập trung huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư, nhất là hạ tầng trọng điểm, như: Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An); Đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò giai đoạn 2; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15A; Đường D4 trong Khu kinh tế Đông Nam… Bên cạnh tuyến đường cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Nghệ An sắp hoàn thành, hạ tầng giao thông chiến lược cũng đang được triển khai như: Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh, xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò;…
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Đức An cho biết: Hiện nay ngành Giao thông Vận tải đang phối hợp với chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ các dự án trên địa bàn; đồng thời tập trung huy động nguồn lực để xây dựng một số công trình, dự án giao thông trọng điểm, những tuyến đường có tính chiến lược tạo động lực, phát triển các trục giao thông ven biển kết nối liên vùng để nối vào cao tốc từ đó kêu gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tỉnh cũng đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội, về nhà ở cho công nhân, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài; cơ sở giáo dục, dạy nghề và cơ sở y tế chất lượng cao; cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế.
Để đáp ứng mặt bằng cho các nhà đầu tư, Nghệ An đã quy hoạch để mở rộng các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại. Ông Lê Tiến Trị – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết, trong năm 2023 – 2024, Nghệ An sẽ tập trung khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Thọ Lộc với quy mô 500ha; hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Mai II với quy mô là 335,23ha và tiếp tục đề xuất đầu tư Khu công nghiệp WHA giai đoạn 3 (250ha), Khu công nghiệp Thọ Lộc B (180ha), Khu công nghiệp Nghĩa Đàn (160ha).
Bên cạnh đó, theo quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Khu kinh tế Đông Nam sẽ mở rộng lên 105.850ha, trong đó quỹ đất phát triển khu công nghiệp khoảng 15.000ha; 12 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế với diện tích trên 4.700ha. Đặc biệt, tỉnh đang triển khai lập đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập, hoàn thiện quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế theo điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040.
Với sự chuẩn bị chu đáo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung bày tỏ tin tưởng, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nước ngoài nói riêng sẽ tìm thấy cơ hội hợp tác, đầu tư tại tỉnh Nghệ An, bởi tỉnh có sẵn đầy đủ các điều kiện cần thiết, đáp ứng tối đa nhu cầu của các nhà đầu tư. Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường cho các nhà đầu tư; luôn quyết tâm cao, hành động thực chất để Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư.