Như đã đề cập, thời gian qua, nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia lựa chọn Nghệ An để tìm hiểu cơ hội, quyết định đầu tư. Trong bối cảnh xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang diễn ra sôi động, nếu xét về điều kiện hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại – dịch vụ… thì Nghệ An không có nhiều lợi thế hơn so với các tỉnh phía Bắc, như: Thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh…, hay như các tỉnh phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những thành công trong thu hút đầu tư FDI của Nghệ An thời gian qua?.
Trước hết, đó là từ quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh trong công tác thu hút đầu tư. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định 1 trong 3 đột phá phát triển của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành”.
Tỉnh xác định xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ; lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 về đẩy mạnh cải cách hành chính và Nghị quyết số 09 về chuyển đổi số; ngày 24/1/2022, tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư giai đoạn 2021- 2025″. Mục tiêu là khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua; hướng đến tạo lập được môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn hơn nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Đặc biệt, tỉnh Nghệ An cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý làm Trưởng ban (hiện Nghệ An là địa phương duy nhất cả nước có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính).
Nhằm thống nhất về nhận thức, quan điểm, khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ, đảng viên và chuyển tải ý chí, quyết tâm chính trị của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 11/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối Các cơ quan tỉnh. Dự hội nghị có hơn 800 đại biểu là lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên tại điểm cầu cấp tỉnh, hơn 5.000 cán bộ, đảng viên Khối Các cơ quan tỉnh tham dự tại 33 điểm cầu trực tuyến ở cơ sở.
Tại hội nghị này, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe, chia sẻ, đánh giá khách quan phẩm chất, năng lực, kể cả những sai sót nếu có, nhưng vì mục tiêu chung để xử lý, giải quyết phù hợp, hiệu quả. Sẽ điều chuyển từ lãnh đạo đến chuyên viên ở những nơi trì trệ, ỳ ạch, nhũng nhiễu, phiền hà, có phản ánh, dư luận, qua rà soát, xác minh là đúng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Tỉnh xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, vi phạm nhưng sẽ có giải pháp động viên, quan tâm cán bộ năng động, sáng tạo, trách nhiệm để công tác cải cách hành chính chuyển biến tốt hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
Tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề dư luận còn bức xúc cần phải chấn chỉnh. Như tại phiên họp thứ 2 (ngày 27/7/2023), đã nêu một số cán bộ thuộc phòng chuyên môn của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường có dư luận phản ánh còn gây phiền hà, sách nhiễu trong thực thi nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đề cao việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, tăng cường theo dõi, nhắc nhở, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý trong thực thi nhiệm vụ, đạo đức công vụ, cải cách hành chính; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, kiên quyết thay thế, điều chuyển những trường hợp trì trệ, yếu kém, vi phạm đạo đức công vụ hoặc có dư luận xấu trong thực thi công vụ. Được biết, sau đó, tại các đơn vị này đã có sự điều chuyển công tác một số vị trí lãnh đạo các phòng chuyên môn.
Cùng với cải cách thể chế, công tác cải cách thủ tục hành chính được tỉnh xem là một trong những điều kiện tiên quyết để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản và kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Điển hình như ngày 06/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 580/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác liên ngành thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hợp tác với nước ngoài. Hàng tháng tổ công tác tổng hợp, thống kê việc giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành liên quan đến đầu tư, kinh doanh để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.
Ngày 23/3/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND về rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2023, với tổng số thủ tục hành chính cần rà soát, đơn giản hóa là 74 thủ tục hành chính. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch ở cơ quan, đơn vị.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đã được công khai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Nghệ An. Tỉnh tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hóa theo lộ trình tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trước và đúng hạn đạt tỷ lệ cao (97,61%).
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng đánh giá: Công tác cải cách hành chính của tỉnh thời gian qua có chuyển động khá tích cực, thể hiện thông qua kết quả xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số về cải cách hành chính; môi trường thu hút đầu tư của tỉnh thông thoáng hơn, hấp dẫn, hiệu quả hơn; mức độ hài lòng, niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính Nhà nước tăng lên. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban đi vào hoạt động đã tạo sự lan tỏa, chuyển động trong tư duy, trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương tốt hơn, tình trạng đùn đẩy, né tránh giảm nhiều, các địa phương cùng trao đổi, phối hợp tháo gỡ nút thắt, khó khăn để hướng tới mục đích là phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn.
Với quan điểm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển, Nghệ An đã duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành với các nhà đầu tư để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhiều lần chia sẻ, tỉnh và các sở, ban, ngành có rất nhiều “quyền”, nhưng nhà đầu tư chỉ có một “quyền” duy nhất, đó là quyền đầu tư hay không đầu tư. Và để các nhà đầu tư yên tâm rót vốn vào tỉnh thì vấn đề quan trọng nhất chính là thái độ của chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành. Các sở, ban, ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần “nhanh – đúng – hiệu quả”, xác định doanh nghiệp, nhà đầu tư là trung tâm, đối tác phục vụ.
Điều này thể hiện rõ là thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án trọng điểm đã được các sở, ngành giảm 2/3 theo quy định, nhiều dự án nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu chỉ sau 5 ngày nộp hồ sơ. Sự thay đổi đó một lần nữa khẳng định quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Nghệ An trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đúng với phương châm mà tỉnh xác định: “Cấp ủy, chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”. Trên quan điểm mà Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhiều lần nhấn mạnh: “Khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn, vướng mắc của tỉnh”, các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động lắng nghe, nắm bắt, rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tích cực giải quyết chứ không phải “giải thích, giải trình” như trước đây.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt cho biết: Tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã đồng hành cùng với chủ đầu tư hạ tầng từ giai đoạn khảo sát đầu tư, thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, công ty còn nhận được sự hỗ trợ từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và thị xã Hoàng Mai liên quan tới việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài hàng rào dự án khu công nghiệp như đường giao thông, trạm biến áp 110kV… bảo đảm môi trường sản xuất và nguồn cung năng lượng cho nhà đầu tư trong khu công nghiệp, tạo tiền đề thuận lợi cho việc xúc tiến thu hút đầu tư vào các dự án khu công nghiệp của công ty trong địa bàn tỉnh.
Ngoài sự nỗ lực từ cấp tỉnh, thì các huyện, thành, thị cũng đã có nhiều giải pháp cải cách hành chính trong thu hút đầu tư. Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: “Là địa bàn thu hút đầu tư trọng điểm của tỉnh, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị hết sức bài bản. Huyện sớm xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2021-2030, chúng tôi bám quy hoạch, kế hoạch để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin về đất đai một cách dân chủ, minh bạch. Đồng thời, huyện chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng để thu hút và sớm đưa các dự án đầu tư đi vào hoạt động”.
Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đã được quán triệt và tạo được chuyển biến sâu sắc, tích cực đến các sở, ngành, địa phương. Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Phạm Văn Hào nhấn mạnh: Muốn thị xã phát triển thì phải phát triển công nghiệp. Vì vậy, trong thời gian qua, thị xã đã tập trung quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào công tác giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp; gắn kết thân thiện với nhà đầu tư, cử cán bộ đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Bên cạnh nỗ lực cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, Nghệ An đã ban hành Bộ Chỉ số đánh giá chất lượng năng lực điều hành các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI). Hàng năm đều tổ chức đánh giá công bố kết quả DDCI của các sở, ngành và địa phương. Kết quả DDCI là cơ sở để các sở, ban, ngành và địa phương nhìn nhận một cách thực tế về năng lực điều hành, quản lý, quản trị của mình. Qua đó, nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc cải thiện các chỉ số để môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng tốt hơn. Đúng với tinh thần mà Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị xác định: Nghệ An phải tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu nâng cao các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, PAR Index, PAPI vào vị trí nhóm đầu của cả nước.