22 tuổi, tôi đang làm giáo viên ở huyện Anh Sơn thì có lệnh tổng động viên và tôi đã viết đơn xung phong nhập ngũ. Trước khi lên đường, chúng tôi không có dịp ghé qua thăm nhà mà theo đường mòn Hồ Chí Minh đi thẳng ra Thanh Hóa để tham gia huấn luyện. Mấy tháng sau, tôi cùng đồng đội được điều vào Quảng Trị tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968.
Chúng tôi đã gắn bó với mảnh đất nắng gió cho đến năm 1973, sau đó tôi được đi học lớp bổ túc Chính trị đại đội. Hoàn thành chương trình học, năm 1974 tôi được điều về Sư đoàn 341 và bổ sung cho Quân đoàn 4 chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975.
Đã 47 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ những ngày tháng đặc biệt đó. Thời điểm tháng 4/1975, đơn vị chúng tôi đang chuẩn bị tiến đánh để giải phóng thị xã Xuân Lộc – vốn được ví là cánh cửa thép của Sài Gòn. Trước đó, các cuộc tấn công của bộ đội Việt Nam từ Thừa Thiên Huế đến Buôn Mê Thuột rất ào ạt, quân ta thừa thắng, giải phóng từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đến ngày 26/4 khi ngụy quân ở thế hoàn toàn sụp đổ thì Bộ Chỉ huy quyết định tổng chiến dịch, giải phóng Sài Gòn. Cùng với nhiều đơn vị khác, đơn vị pháo binh của chúng tôi cũng chịu trách nhiệm một mũi tiến công vào Sài Gòn và nhiệm vụ đầu tiên là đánh thẳng vào Biên Hòa (cách Sài Gòn gần 40km). Thời điểm đầu, địch phản ứng mạnh mẽ và pháo chúng tôi đánh thẳng vào sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình…
Sau khi giải phóng Biên Hòa, sáng 30/4, đơn vị chúng tôi đã tiến sát vào cầu Sài Gòn. Tôi vẫn nhớ lúc này, không khí giữa ta và địch khá hỗn loạn. Dọc đường chúng tôi vào thành phố thấy không ít quân ngụy cởi hết quần áo dọc đường, mặc thường phục để dễ dàng lẫn lội trong dân. Có thời điểm, có những người còn cố gắng xin ngồi lên xe của bộ đội giải phóng.
Thời điểm tiến vào Sài Gòn, mỗi quân đoàn có một mục tiêu để tấn công vào các điểm như Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài truyền thanh… Ai vào trước thì thừa thắng xông lên. Sư đoàn chúng tôi, khi đánh vào Biên Hòa là lớp tàn quân nên so với các đơn vị khác vào Sài Gòn muộn hơn. Chúng tôi đến Dinh Độc Lập thì đã thấy cờ giải phóng cắm trên nóc nhà. Trước thời khắc 11h30 ngày 30/4/1975, khi quân giải phóng đã vào đến trung tâm Sài Gòn, không khí khá yên ắng và quân ngụy không còn cố gắng bám trụ như những ngày trước. Chúng đã tự nguyện đầu hàng vô điều kiện.
Cho đến lúc này tôi cũng không thể diễn tả được cảm xúc của mình và anh em đồng đội khi đó, chỉ biết khi vừa đến cầu Sài Gòn tâm trạng đã rạo rực bởi biết rằng chiến thắng đã đến rất gần. Cùng với niềm háo hức là nỗi vui mừng bởi người lính nào cũng đã trải qua những năm tháng gian khổ và chỉ có một ước mơ duy nhất là thấy đất nước được giải phóng, hòa bình và biết rằng mình đã được sống. Những người ở hậu phương cũng mừng vô cùng bởi họ chỉ chờ đợi con em họ an toàn trở về và còn được sống hay không?
Suốt cuộc đời của tôi gắn bó với màu áo lính và hàng năm đến ngày này chúng tôi vẫn cứ hồi tưởng đến không khí của trưa ngày 30/4 năm đó và hồi tưởng đến những ngày chiến đấu gian khổ và nhớ lại cảm xúc sung sướng khi đất nước hòa bình. Chúng tôi cũng nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh, có được ngày này là có sự đóng góp của đồng bào cả nước.
Những ngày này chúng tôi lại nhớ đến đồng đội của mình và muốn tụ hội để anh em có thể được gặp nhau. Ở Tân Kỳ, số người nhập ngũ vào Sư đoàn 341 còn sống khá nhiều, trong đó có những người thương binh và chúng tôi cũng kết nối với thân nhân cả những gia đình liệt sỹ.
Chiến thắng 30/4/1975 là một chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam kết thúc một cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài hy sinh biết bao xương máu, sức người, sức của của cả nước và qua đó cũng thấy được quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta. Chiến thắng này cũng không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Việt Nam mà còn với thế giới.
Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 là một ngày mà cả dân tộc Việt Nam mong chờ. Để có được chiến thắng này, chúng ta không đếm được có bao nhiêu xương máu, lương thực, của cải của đất nước đã dồn cho cuộc chiến đấu này.
Trong chiến thắng huy hoàng đó, tôi rất vui sướng bởi có một phần nhỏ công sức của mình, dù rằng tôi chỉ chiến đấu 3 năm (1963 – 1966) ở đơn vị Hóa học thuộc Sư đoàn 324. Giữa năm 1967, tôi bị thương và được chuyển về hậu phương, công tác tại Cục hậu cần Quân khu 4 đóng tại huyện Nghi Lộc với nhiệm vụ sửa chữa xe tăng, xe tải để vận chuyển hàng hóa vào Nam. Ngày 30/4/1975 tôi đang cùng đồng đội công tác tại đơn vị thì nhận được điện tín từ Cục gửi về báo tin chiến thắng. Anh em chúng tôi dù không được chứng kiến trực tiếp nhưng nghe được thông tin này đã ôm nhau vì quá hạnh phúc và sung sướng. Hơn 30 năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm thì đây là một kết thúc rất hào hùng và mỗi một người dân Việt Nam đều tự hào phấn khởi.
Chiến thắng 30/4/1975 cũng đã tác động rất lớn đến sự phát triển ở quê hương. Tại xã Hưng Tân chúng tôi, trong chiến tranh, dù bom đạn nhưng bà con vẫn cố gắng dành hết mọi của cải cho cuộc chiến đấu của dân tộc.
P.V: Thưa đồng chí, được biết đồng chí sinh ra vào đúng ngày 30/4, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vậy điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với đồng chí?
Thượng tá Nguyễn Trọng Lộc: Cũng như bao người khác bản thân tôi không thể chọn cho mình ngày cất tiếng khóc chào đời hay chọn nơi mình sinh ra. Tuy nhiên, tôi thấy rất vui vì mình đã may mắn được sinh ra vào ngày 30/4, và với tôi đó là một cảm xúc rất đặc biệt bởi vì ngày sinh của mình trùng với một ngày kỷ niệm rất đặc biệt của đất nước. Ngày 30/4/1975, là ngày đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng vẻ vang của nhân dân ta. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; viết tiếp trang sử hào hùng trong chặng đường dựng nước và giữ nước qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam.
P.V: Là một sỹ quan hiện đang công tác trong quân đội, đồng chí thấy chiến thắng 30/4/1975 để lại cho quân đội nhân dân Việt Nam những bài học quý giá gì và còn giá trị như thế nào cho đến hôm nay?
Thượng tá Nguyễn Trọng Lộc: Nhân tố tiên quyết làm nên chiến thắng 30/4/1975 chính là sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, thao lược và sáng tạo của Đảng; qua đó phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân đoàn kết, chiến đấu dũng cảm, không ngại hy sinh, gian khổ cùng tập trung thực hiện một mục tiêu cao nhất là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng 30/4/1975 đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về sự kết hợp đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng: Sử dụng bạo lực cách mạng tổng hợp, cả lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang; tiến hành khởi nghĩa từng phần từ nông thôn đến thành thị và từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao. Đó là bài học về sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị); đánh địch bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận); kết hợp cả ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); sử dụng hiệu quả nghệ thuật tạo thời cơ và triệt để tận dụng thời cơ, mở những cuộc tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.
Chiến thắng 30/4/1975 cách đây đã 47 năm nhưng chiến công lẫy lừng và những bài học kinh nghiệm quý báu đó vẫn in đậm trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới trong đó có những người lính như chúng tôi. Chiến thắng cũng đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn tiếp tục cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ôn lại lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc, của quân đội là thêm một dịp để mỗi người lính như chúng tôi thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc ta, từ đó tiếp tục nêu cao trách nhiệm phấn đấu phát huy giá trị, vận dụng sáng tạo, hiệu quả những bài học kinh nghiệm quý giá rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 vào quá trình thực hiện nhiệm vụ trên cương vị chức trách được giao, góp phần nhỏ bé của mỗi người vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; thiết thực góp phần xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Với em, ngày 30/4/1975 là một sự kiện lịch sử trọng đại và các ngày 30/4 trong các năm về sau là một ngày đặc biệt để tưởng nhớ công lao, sự hy sinh của thế hệ cha ông, thế hệ đi trước, những người đã đánh đổi thanh xuân và máu thịt của mình để đem lại độc lập, hòa bình cho dân tộc. Đây cũng là ngày để kỷ niệm chiến thắng vang dội của ta vào năm xưa.
Vào ngày này, khi đi trên đường, nhìn thấy cờ đỏ sao vàng ở trên các con phố, trong lòng bản thân em trào dâng một cảm xúc kỳ lạ. Đó là sự xúc động của niềm tự hào, của lòng biết ơn với tất cả những gì thành kính nhất mà em có. Không chỉ riêng em mà mỗi người dân đất Việt thì ngày 30/4 không chỉ là ngày kỷ niệm đơn thuần để tưởng nhớ công lao hay kỷ niệm chiến thắng năm xưa mà đó là ngày để cả dân tộc Việt Nam nhìn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, rất tự hào và rất đáng trân trọng.
Em nghĩ chiến thắng 30/4 của Việt Nam là một thành quả xứng đáng vô cùng đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn có tính thời đại rất sâu sắc. Với thế hệ trẻ chúng em, nhiều người vẫn nghĩ rằng lớp trẻ không thích học Sử vì đây là môn học quá khô khan. Nhưng, cứ đến những ngày lễ trọng đại của đất nước, nhất là ngày 30/4 dù trên các trang mạng không chính thống có những thông tin sai lệch thì lớp trẻ lại kiên quyết phản đối, đấu tranh để chống lại những âm mưu và quan điểm sai trái của kẻ thù…
Bản thân em là một học sinh chuyên Sử và càng học Sử Việt Nam em rút ra nhiều điều. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và hàng trăm năm bị đô hộ trước đó, rất nhiều thời điểm dân tộc Việt Nam rơi vào hoàn cảnh khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng chính khó khăn lại càng thôi thúc dân tộc Việt Nam hành động. Tự đáy lòng mình, em thực sự tự hào, biết ơn các thế hệ cha ông đi trước đã không tiếc máu xương và cả tuổi thanh xuân của mình để đem lại độc lập và giữ vững đất nước Việt Nam tươi đẹp và phát triển như ngày hôm nay.