Nhân Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 – 14/10/2021), đồng chí Lê Đức Cường – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy trao đổi với Báo Nghệ An về những dấu ấn hoạt động, đồng thời chia sẻ một số nội dung công việc trọng tâm thời gian tới để ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân tỉnh nhà.
PV: Ngay từ khi mới thành lập, Ðảng ta đã quan tâm đến công tác tổ chức, cán bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, quyết định sự vững mạnh của Ðảng. Xin đồng chí cho biết những thành tích nổi bật của ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Nghệ An, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay?
Đồng chí Lê Đức Cường: Cùng với sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, ngành Tổ chức xây dựng Ðảng tỉnh nhà luôn đi đầu, khẳng định được vị trí, vai trò tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào những thành tựu nổi bật của công tác xây dựng Đảng và sự nghiệp phát triển của tỉnh.
Thời gian qua, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tuy gặp không ít khó khăn trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, song ngành đã tập trung tham mưu hoàn thành một số nội dung công việc lớn, rất quan trọng gồm: Kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; xây dựng quy chế làm việc và chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thường trực cấp ủy gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy theo đúng quy định về phân cấp quản lý cán bộ và Điều lệ Đảng; xây dựng, triển khai kế hoạch hành động của cấp ủy phù hợp, thống nhất với nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhằm xác định các đề án, chương trình trọng điểm, nhiệm vụ trọng tâm.
Toàn ngành cũng đã phối hợp với thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, các ban, ngành liên quan tham mưu tổ chức thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sau bầu cử, tiếp tục tham mưu kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Toàn ngành đã tăng cường thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhờ vậy, đến nay tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh được sắp xếp cơ bản tinh gọn, hợp lý, theo đúng quy định. So với năm 2015, tổng số biên chế toàn tỉnh giảm 10,02%; các đơn vị sự nghiệp công lập được đổi mới căn bản, đồng bộ, bảo đảm tinh gọn, hợp lý, có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu quả, tỷ lệ tinh giản đạt 11,6%.
PV: Vậy nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh nhà thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Đức Cường: Bám sát nghị quyết đại hội Đảng các cấp, chương trình hành động, công tác toàn khóa của cấp ủy, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung để tham mưu, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra.
Thứ nhất: Ngành tiếp tục tập trung tham mưu, triển khai thực hiện các kết luận của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Đây là nhiệm vụ nền tảng, cơ sở, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng cấp ủy, chấn chỉnh phong cách, lề lối, chế độ sinh hoạt Đảng; tiếp tục chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức Đảng ở vùng đặc thù, đặc biệt là vùng đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tăng cường hơn nữa công tác quản lý đảng viên trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ nơi cư trú.
Thứ hai: Tiếp tục tham mưu xây dựng bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính động lực. Do đó, toàn ngành cần tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thứ ba: Tiếp tục xây dựng, kiện toàn, đổi mới tác phong và lề lối làm việc; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là nhiệm vụ căn cơ, then chốt để xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thứ tư: Tiếp tục bám sát thực tiễn, coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức xây dựng Đảng để đề xuất thực hiện những giải pháp hiệu quả gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực công tác tổ chức xây dựng Đảng.
PV: Vậy ngành sẽ tập trung vào những giải pháp nào để hoàn thành các nhiệm vụ trên, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Đức Cường: Những năm qua, ngành Tổ chức xây dựng Đảng toàn tỉnh đã có nhiều đổi mới trên các mặt công tác. Trong đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy luôn tiên phong đi đầu thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chủ trương mới của Tỉnh ủy trong công tác tổ chức xây dựng Đảng để rút kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời làm mẫu cho các địa phương, đơn vị học tập. Chúng tôi cũng đã thực hiện đề án cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, ban hành Bộ thủ tục hành chính “Quy trình xử lý hồ sơ nghiệp vụ và thủ tục hành chính liên quan công tác tổ chức xây dựng Đảng”… để nâng cao hiệu quả công việc.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy thường xuyên chăm lo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ với tinh thần cán bộ “giỏi một việc, biết nhiều việc”; đồng thời kịp thời siết chặt kỷ cương, kỷ luật; theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện xử lý văn bản trên hệ thống VNPT-IOFFICE… Nhờ vậy, nhìn chung, đội ngũ cán bộ của Ban hiện nay có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc chuyên môn, tận tụy với công việc, luôn giữ mối đoàn kết, cộng sự, phát huy tốt dân chủ, trí tuệ và năng lực, sở trường công tác.
Tổ chức xây dựng Đảng là lĩnh vực rất quan trọng song lại rất phức tạp, rất khó vì liên quan đến con người. Do đó, nhân kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống, thấm nhuần niềm tự hào khi ôn lại truyền thống, cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa, những bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức xây dựng Ðảng, lãnh đạo, cán bộ, công chức toàn ngành cần phải xác định tâm thế không ngừng phấn đấu, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt, không được bằng lòng, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.
Toàn ngành cần tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối, tác phong làm việc gắn với cải cách hành chính và thực hiện “5 hóa” gồm: “Hạt nhân hóa lãnh đạo, chuẩn hóa văn bản pháp quy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tự động hóa tổ chức thực hiện, tối ưu hóa kết quả hoạt động” và “3 không” gồm: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; “Đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua, vừa phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid -19, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về mọi mặt với phương châm: “Ðoàn kết – Trung thành – Trung thực – Gương mẫu – Trong sáng – Tinh thông – Chuyên nghiệp”.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!