Để ngăn dòng lũ dữ miền Tây, hạn chế được những tác hại xảy ra đối với người dân, cần đề ra những giải pháp ngăn chặn những hệ lụy do con người tạo ra…
Tối 5/9/2018, UBND huyện Tương Dương tổ chức cuộc làm việc riêng với Công ty Thủy điện Khe Bố. Tại đây, huyện Tương Dương nêu những thiệt hại do lũ lụt gây ra với các khu dân cư, đường giao thông, đất đai sản xuất… thuộc lưu vực lòng hồ thủy điện Khe Bố. Huyện này cũng thông tin thời điểm đỉnh lũ ngày 31/8/2019, cốt ngập của thủy điện Khe Bố là 70,9m nhưng ở khu vực thị trấn Hòa Bình đều ngập cao hơn từ 0,9 đến 1m (tại vị trí Trạm thủy văn Tương Dương đo được là 71,82m); xác định quy trình vận hành xả lũ của Nhà máy Thủy điện Khe Bố chưa đảm bảo đúng quy định, xả chậm hơn Thủy điện Bản Vẽ 6 giờ đồng hồ và lưu lượng xả đi thấp thua lưu lượng nước về hồ; việc lòng hồ qua nhiều năm bị bồi lắng nhưng không được Thủy điện Khe Bố quan tâm nạo vét; bên cạnh đó, chưa quan tâm thực hiện công tác quan trắc… Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương khẳng định: “Chúng tôi có những căn cứ để chứng minh những nội dung này. Vì vậy, yêu cầu Thủy điện Khe Bố phải có trách nhiệm trước những thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với người dân…”.
Tại cuộc họp, đại diện Công ty Thủy điện Khe Bố vẫn bảo lưu quan điểm là đã thực hiện đúng quy trình vận hành xả lũ; cho rằng để có đánh giá, xác định nguyên nhân gây lũ lụt, cần chờ cơ quan chức năng kiểm tra, kết luận. Dù vậy, nhận trách nhiệm sẽ phối hợp cùng UBND huyện kiểm đếm những thiệt hại do lũ lụt gây ra. Để qua đó, sẽ thực hiện đền bù những thiệt hại của người dân dưới cốt ngập, phối hợp hỗ trợ những thiệt hại của người dân ở trên cốt ngập…
Ngày 7/9/2018, UBND huyện Tương Dương có Báo cáo số 246/BC-UBND gửi đến các cơ quan có thẩm quyền về “Tình hình lũ lụt do xả lũ của Thủy điện Bản Vẽ gây ra trên địa bàn huyện Tương Dương”. Tại Báo cáo số 246, ngoài nêu tình hình thiệt hại, những nguyên nhân dẫn đến lũ lụt, UBND huyện Tương Dương kiến nghị các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ, Nậm Nơn, Khe Bố… cần kiểm tra, khảo sát lại cốt nước ngập để cắm lại mốc ngập thượng lưu và hạ lưu; có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng sau đợt xả lũ vừa qua; sửa chữa những công trình công cộng bị ảnh hưởng, hư hỏng như đường 543C, 543B, kè sông Lam đoạn qua thị trấn Hòa Bình, đường điện 04 và đường điện viễn thông, các cầu treo…
Đồng thời, huyện Tương Dương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và các sở, ngành xem xét hạ mực nước dâng bình thường của Thủy điện Khe Bố xuống dưới cốt 65m; đối với thủy điện Bản Vẽ, đề nghị thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa theo đúng Quyết định số 2125 và đưa độ cao mức nước trước mùa mưa lũ thấp hơn 192,5m; đề nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá thực tế về thiệt hại, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các thủy điện, các đơn vị liên quan để có chính sách khắc phục các thiệt hại; đồng thời đánh giá lại quy trình vận hành liên hồ chứa, cắm lại mốc ngập lũ của các lòng hồ để có phương án phòng tránh, xử lý; xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo lũ sớm…
Thời gian qua, có nhiều cá nhân có trách nhiệm đã lên tiếng về vấn đề lũ lụt ở miền Tây của tỉnh; đóng góp những ý kiến nhằm hạn chế những tác động của các nhà máy thủy điện.
Với Giám đốc Sở KH&CN, ông Trần Quốc Thành, nếu các nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 2125 thì đã giảm thiểu nhiều những tác động của mưa lũ. Trên Facebook cá nhân, ông Trần Quốc Thành viết: “Đã có quy trình vận hành xả lũ, đó là chuyện đương nhiên! Nhưng mình vẫn thấy chưa ổn một chút nào! Vì nước về bao nhiêu xả bấy nhiêu mặc dù là trên 4.000 m3/s thì chả cần quy trình được mấy Bộ thẩm định! Có vấn đề trong việc dự báo lượng mưa, lượng nước ở lưu vực thượng nguồn! Nếu có dự báo tốt và số liệu lượng mưa thượng nguồn và chỉ cần phần mềm tính toán thì có thể ra quyết định xả lũ sớm hơn với mức xả thấp hơn mà vẫn đảm bảo dự trữ nước và an toàn thân đập, thì nhân dân hạ nguồn đâu đến nỗi! Tại sao chúng ta không hỗ trợ Lào một số Trạm đo mưa tự động và phối hợp dự báo mưa ở lưu vực thượng nguồn các con sông? Nói giúp Lào nhưng làm cho ta đấy chứ! Hơn nữa, phần mềm hỗ trợ ra quyết định xả lũ đã có. Cần bắt buộc các doanh nghiệp thủy điện, thủy lợi lớn mà có xả lũ phải triển khai áp dụng! Rất cần kíp nếu không lợi bất cập hại!”.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành cho biết thêm, đã đề xuất nội dung này tại cuộc họp thường kỳ tháng 8 của UBND tỉnh. Và việc triển khai phần mềm hỗ trợ cho công tác quan trắc, thủy văn để phục vụ công tác vận hành xả lũ đã được thực hiện đối với hồ thủy lợi Vực Mấu. Ở hồ thủy lợi Vực Mấu đã xây dựng 5 trạm thủy văn, nay có thêm công cụ phần mềm tính toán hỗ trợ, đơn vị quản lý cập nhật được lượng nước đến, dự báo được lượng nước từ thượng lưu, qua đó sẽ đưa ra được dự báo sớm để chủ động trong chỉ đạo xả lũ, điều tiết được lưu lượng xả phù hợp, tránh được những tác hại lũ lụt đối với hạ du.
Với các cán bộ Phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu của Sở TN&MT, dẫn đến vấn đề ngập lụt ở các huyện miền núi có nhiều nguyên nhân. Đó là việc chưa dự báo được chính xác lượng mưa ở phía nước bạn Lào; mật độ lắp đặt các thiết bị quan trắc mực nước, lưu lượng nước còn thấp; địa hình ở khu vực miền núi bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, độ che phủ rừng còn thấp; và việc tích nước và xả lũ của các nhà máy thủy điện còn có vấn đề. Trong khi đó, việc dự báo, cảnh báo địa bàn ngập lụt, mức độ ngập lụt của cơ quan khí tượng thủy văn của trung ương và địa phương còn có độ vênh, chưa theo kịp diễn biến ngập lụt trên thực địa.
Dẫn chứng điều này, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Mạnh Toàn cho biết, dịp hoàn lưu bão số 4, thời điểm 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông đã bị ngập lụt nhiều địa bàn, huyện Hưng Nguyên chưa bị ngập lụt thì bản tin dự báo thời tiết trên VTV1 chỉ nêu cảnh báo ngập lụt ở huyện Hưng Nguyên. Ông trao đổi: “Khi phát hiện thấy kết quả dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn của trung ương và địa phương có sự vênh nhau, chúng tôi đã phản ánh đến Phòng Dự báo – Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, đề nghị báo cáo với Tổng cục Khí tượng thủy văn để rà soát lại quy trình xây dựng bản tin dự báo thời tiết, qua đó khắc phục hiện tượng vênh nhau khi phát trên truyền hình VTV1 và NTV…”.
Nghiên cứu Quyết định 2125, trách nhiệm của thủy điện Bản Vẽ đối với việc tổ chức thực hiện công tác quan trắc, dự báo trong mùa lũ được quy định hết sức nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng cao. Bởi vậy, những ý kiến góp ý nêu trên nhằm giúp nhà máy thủy điện Bản Vẽ hoàn thiện hơn công tác quan trắc, có được những thông tin dự báo thời tiết chính xác, qua đó đưa ra được những dự báo sớm để công tác vận hành xả lũ được chủ động, giảm thiểu tình trạng lũ lụt cho vùng cao là hết sức xác đáng.
Liên quan đến vấn đề lũ lụt miền Tây của tỉnh, trao đổi với chúng tôi trong ngày 4/9/2018 tại huyện Tương Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đã nói: “Chúng ta ghi nhận những đóng góp của các Nhà máy thủy điện trong nhiều năm qua. Nhưng từ các đợt lũ lụt trong tháng 8/2018, cần đánh giá những tác động của các nhà máy thủy điện. Đánh giá để đề ra được những giải pháp khắc chế, triệt tiêu những hệ lụy; đồng thời qua đó để các nhà máy thủy điện phải nhìn nhận, có sự điều chỉnh và có trách nhiệm với xã hội…”.
Như đã đặt vấn đề, chỉ trong thời gian chưa đầy nửa tháng, các huyện miền núi trên tuyến Quốc lộ 7 đã hai lần phải chịu thảm họa lũ lụt. Dẫn đến lũ lụt, ngoài những nguyên nhân khách quan, còn là những nguyên nhân chủ quan do con người tạo ra. Lũ lụt vùng cao là một nghịch cảnh đã gây những thiệt hại to lớn về tài sản, bên cạnh đó còn tạo ra những băn khoăn, lo lắng không chỉ trong nhân dân, mà với cả cán bộ, đảng viên. Bởi vậy mong rằng, sau những đợt lũ lụt đã qua, các cơ quan có thẩm quyền và các nhà máy thủy điện sẽ có những điều chỉnh để triệt tiêu được các hệ lụy!