Rất nhiều bản làng ở các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông tại thời điểm này còn hằn in dấu vết của thảm họa lũ lụt. Có đến những nơi này, chứng kiến những gì mà người dân gánh chịu, mới cảm nhận được hết nỗi đau…
______________________________
ột trong những làng bản thuộc huyện Tương Dương chịu thảm họa lũ lụt ngày 31/8 là Bản Vẽ, thuộc xã Yên Na. Đây là bản tái định cư, với trên 180 hộ dân, hơn 700 khẩu, sống trong những ngôi nhà nằm ngay dưới chân đập nhà máy thủy điện lớn nhất tỉnh là Thủy điện Bản Vẽ. Thời điểm chúng tôi đến đây, sau đợt Thủy điện Bản Vẽ xả lũ với cường độ lớn kỷ lục trên 4.000m3/s tròn 5 ngày, đúng ngày học sinh bước vào khai giảng năm học mới; dù không chứng kiến cảnh lũ lụt, nhưng với những gì đang hiện diện, đủ hình dung những thiệt hại mà người dân nơi đây phải gánh chịu.
Cây cầu bê tông “vĩnh cửu” dẫn vào bản bị đứt tung, đẩy trôi, phần sót lại trên sông là một đoạn cầu dài chừng 30m và chiếc mố. Những bãi đất trước đây từng có những khóm dân cư, nay sót lại nền nhà, vụn ngói, thân cây gãy đổ, những bờ rào tre xiêu vẹo… Hai bên con đường bê tông dẫn vào bản chất đống những vật dụng đơn sơ thường ngày của đồng bào Thái, những cột, vì, kèo, ngói được tháo dỡ ra từ những ngôi nhà sàn có nguy cơ bị sập đổ. Những chiếc lán nhỏ chái tạm để lấy chỗ chui ra chui vào… Người dân Bản Vẽ đầu tiên chúng tôi được gặp là bà Vi Thị Mai, đang đứng tại nơi cửa đập xem nhà máy thủy điện tiếp tục xả lũ. Hỏi thăm đường xuống bản để gặp những người dân bị lũ cuốn trôi nhà, bà thẫn thờ: “Là gia đình tôi đây…”. Nói rồi bà hướng ra đập, nơi các cửa đập đang tuôn ra những dòng nước hung dữ như những con thuồng luồng màu trắng đục, nghẹn ngào: “Mấy hôm nay, tôi cứ lại ra đây để nhìn lại cái nước kia. Nó làm trôi của tôi mất hai nếp nhà…”.
Khu đất nơi bà Mai dựng nhà có vị trí khá cao, cách đập thủy điện Bản Vẽ chừng dăm trăm mét. Trên đó, ngoài nền nhà, nền chuồng trại gia cầm, chỉ còn sót lại ngói vỡ, dăm cây bụi, và lăn lóc vài viên đá kê cột, vài quả gấc xanh rụng… Bà Mai kể, hai nếp nhà của bà là nhà gỗ lợp ngói, xung quanh có vườn rau, có chuồng nuôi gà vịt… Khi thủy điện xả lũ ngày 31/8, thấy nước dâng nhanh, vợ chồng bà đã gọi điện cho người thân nhờ giúp di chuyển đồ đạc, tháo dỡ nhà. Nhưng cầu vào bản đã gãy, nước dâng cao chia cắt nên không ai đến được. Đến 7h tối cùng ngày, nước lũ dâng cao “lên đến cổ”, bởi vậy vợ chồng bà phải bỏ nhà chạy thoát thân lên núi. Ở trên núi nhìn nước lũ cuốn trôi nhà, cuốn trôi mọi thứ mà thắt cả ruột…
Theo Trưởng Bản Vẽ – chị Lương Thị Huynh, thì thời điểm thủy điện xả lũ với cường độ lớn, nước dâng lên rất nhanh. Dân bản chỉ kịp dắt díu con cái bỏ chạy lên núi để thoát thân, còn nhà cửa, tài sản, vật dụng bị nước cuốn trôi, mất mát rất nhiều. Theo thống kê của Ban quản lý bản, việc xả lũ của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ cuốn trôi nhà của 5 hộ gia đình; gây ngập lụt từ 1 – 3m đối với 14 gia đình; có 6 nhà bị sạt lở, ngập lụt phải tháo dỡ di chuyển khẩn cấp; ngật dưới 1m có 5 nhà; 5 hộ có nhà trong tình trạng gặp nguy cơ sạt lở cần phải di chuyển gồm các gia đình: Lữ Văn Hoan, Lữ Hoài Nam, Lương Việt Tiến, Lữ Thị La, Lữ Búa Kha. Có nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi mất nhiều tài sản, như trường hợp của gia đình bà Vi Thị Hạnh, ngập sâu 3m, trôi hầu hết tài sản, vật dụng…
Cùng Trưởng bản Lương Thị Huynh vào Bản Vẽ, con đường bê tông dẫn vào bản như chao nghiêng về phía sông. Có một đoạn đường dài khoảng 50m đã bị vỡ toác, sụt hẳn xuống do nằm trên khoảnh đất dài trên 300m có nhiều vết nứt lớn, sụt lún nghiêm trọng. Về đời sống của người dân sau lũ, hoàn toàn chưa được ổn định. Các hộ dân mất nhà, hiện phải dựng lên những chiếc lều tạm để tránh trú qua ngày. Một số hộ dân, dù nhà ở, nhà bếp chênh vênh bên mép vực nhưng vẫn chấp nhận sử dụng… Vợ chồng anh Lô Văn Cáng, chị Lương Thị Son, một trong những gia đình bị lũ cuốn trôi mất nhà, đã nói: “Khi nước dâng, chỉ kịp ôm lấy con bỏ chạy thôi. Giờ bối rối lắm, chẳng biết làm sao nữa. Chỉ mong cấp trên xem xét giúp đỡ…”.
Ở huyện Tương Dương, chỉ tính riêng trong đợt các nhà máy thủy điện trên địa bàn xả lũ trong ngày 30 – 31/8, đã có rất nhiều những làng bản chịu hậu họa lũ lụt. Đó là các bản Cửa Rào 1, Cửa Rào 2, Xiêng Hương của xã Xá Lượng; các bản Côi, Lả, Minh Phương của xã Lượng Minh; bản Khe Kiền (xã Lưu Kiền); Bãi Xa, Làng Nhùng (xã Tam Quang); Cành Tráp (xã Tam Thái), bản Chắn (xã Thạch Giám)… Theo thống kê, 10 nhà bị sập, 13 nhà bị cuốn trôi, 23 nhà phải di dời khẩn cấp, 176 nhà bị ngập, 45 nhà bị sạt lở hư hỏng; 6ha lúa và hoa màu bị hư hỏng, 29 lồng cá với 3.480 kg cá bị hư hỏng, cuốn trôi; 267 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 3 điểm trường, 3 trụ sở bị ngập lũ hư hỏng; nhiều tuyến đường bị chia cắt, sạt lở, hư hỏng…
Ở huyện Kỳ Sơn, hoàn lưu cơn bão số 4 để lại những hậu quả tàn khốc cho không ít bản làng. Đến thời điểm hiện tại, để vào được điểm cuối của xã Tà Cạ đã là hết sức khó khăn, chưa nói việc vào đến với các xã Mường Típ, Mường Ải nơi đầu nguồn Nậm Mộ. Với người dân rẻo cao Kỳ Sơn, việc mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về gây lũ ống, lũ quét là điều không mấy lạ, nhưng gây ngập lụt là điều hết sức bất thường. Đây là câu chuyện chúng tôi được nghe, được thấy khi đặt chân đến bản Nhạn Cù, xã Tà Cạ, nơi có 100% đồng bào Khơ mú sinh sống. Theo già làng uy tín của bản Nhạn Cù, ông Lô Văn Thân, những ngày 16 – 17/8, có nhiều gia đình của bản đã phải chịu ngập sâu trong nước đến trên 1 m. Ông Thân nói: “Bùn đất còn tấp đống dưới nhà sàn, dưới chân cột đấy thôi. Nước dâng lên lớn lắm. May mà lũ lụt vào ban ngày, chứ vào ban đêm thì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra đâu…”.
Ông Thân và người dân bản Nhạn Cù cho hay, trước đây, dòng Nậm Mộ nằm sâu dưới vực, cách nhà dân đến 50 – 70m. Từ sau khi thủy điện Nậm Mô được xây dựng, nước sông Nậm Mộ mấp mé vườn nhà dân gây sạt lở đất. Bản Nhạn Cù có khoảng 10 gia đình ở sát dòng Nậm Mộ, có nguy cơ bị sạt lở cao. Trước thực trạng này, xã có ý kiến lên huyện, buộc Nhà máy Thủy điện Nậm Mô phải làm kè bằng những chiếc rọ đá chống sạt lở cho các gia đình có nhà ở bên sông. Còn dẫn đến tình trạng ngập lụt ở bản Nhạn Cù hồi 14h ngày 16/8, được lý giải do dòng Nậm Mộ bị chắn bởi đập của Nhà máy Thủy điện Nậm Mô nằm phía dưới bản khoảng gần 3km. Phó Bí thư Chi bộ Cụt Văn Đoan nói: “Trong đợt hoàn lưu bão số 4, khu vực xã Tà Cạ chỉ có mưa lớn một ngày một đêm, nước ở thượng nguồn về khá lớn. Nhưng nếu không có đập của thủy điện Nậm Mô chắn dòng chảy, dân bản Nhạn Cù chắc chắn không bị ngập lụt…”. Sự cố ngập lụt ở bản Nhạn Cù, cũng diễn ra tại bản Cánh, nơi có thủy điện Nậm Mô đứng chân. Theo người dân bản Cánh mô tả, nhà bếp của Đền bản Cánh bị ngập ngang mái, còn nền gian chính điện của Đền bản Cánh có vị trí khá cao nhưng cũng bị ngập…
“Theo thống kê của huyện Kỳ Sơn, hoàn lưu bão số 4 đã làm 5 người chết, một người mất tích; về kinh tế, thiệt hại lên đến 157 tỷ đồng. Có 284 ngôi nhà của dân bị ngập lụt, 83 nhà bị sạt lở phải di dời, 17 nhà bị trôi, sập hoàn toàn, 42 nhà bị hư hỏng nặng từ 30 – 42%… Hạ tầng giao thông trên toàn địa bàn bị hư hỏng, trong đó, tuyến đường đi các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải bị hư hỏng nặng nhất. Trên địa bàn thị trấn Mường Xén và các bản ở xã Mỹ Lý, Tà Cạ, Chiêu Lưu, Hữu Kiệm vào ngày 17/8 có hàng trăm gia đình bị ngập trong nước, nhiều gia đình bị hư hại nhà cửa, mất mát tài sản.
Xuôi về huyện Con Cuông, tình trạng lũ lụt trong tháng 8 cũng gây ra những hậu họa vô cùng lớn. Các đồng bãi hai bên dòng sông Lam, vốn thường xanh mướt mát, nay đầy những dấu tích sạt lở đất, và khoác lên màu xám bạc của đất bùn. Cây cầu Chôm Lôm nổi danh, bị xói lở, đứt mất một nhịp cầu dẫn. Rất nhiều hộ gia đình và các công trình của các xã bám sông, bám Quốc lộ 7 như Lạng Khê, Châu Khê, Chi Khê, Bồng Khê, thị trấn, Yên Khê chịu cảnh ngập lụt.
Theo thống kê của huyện Con Cuông, riêng đợt lũ lụt xảy ra từ ngày 28/8 đến ngày 1/9 đã làm 2 bên bờ sông Lam bị sạt lở 20,5 ha; 20ha đất nông nghiệp bị vùi lấp; sạt lở đất mố cầu Chôm Lôm (thượng và hạ lưu mố cầu bờ hữu) 10.000 m3; 95 nhà dân bị ngập, trong đó, 48 nhà bị ngập phải di dời; Trường THCS nội trú Con Cuông và Trường Tiểu học 2 xã Bồng Khê bị ngập nước sâu từ 2,0 đến 2,5m, lượng bùn, cát vùi lấp trong sân, trong phòng học từ 0,1-0,2 m, cần tập trung để di dời đến nơi học mới… Giá trị thiệt hại ước tính khoảng 15,2 tỷ đồng…
(Còn nữa)