Mặc dù chính quyền các địa phương, các ban, ngành chức năng và nhất là các chủ rừng đã có nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, nhất là trong phòng ngừa, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Hiện tại, trên địa bàn 21 huyện, thành, thị của Nghệ An đều có rừng; vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao tập trung chủ yếu là 15.476ha rừng thông nhựa; 720ha rừng hỗn giao bạch đàn (là loài cây có tinh dầu, dễ cháy); hơn 42.900ha rừng tre nứa và 173.867,34ha rừng hỗn giao gỗ – tre nứa tại các huyện miền núi.
Trong đó các huyện Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu… nơi có diện tích rừng thông lớn được cảnh báo ở mức cao. Ngoài ra, khu vực giáp ranh với diện tích sản xuất nương rẫy, phát xử lý thực bì trồng rừng, đốt đồng cỏ chăn nuôi của đồng bào các dân tộc tại địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, cũng có nguy cơ cháy rừng cao vào mùa nắng nóng.
Mới đây UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 25/2/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn Nghệ An năm 2021; giao UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.
Chỉ đạo các chủ rừng, UBND các xã xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR. Trong đó chú trọng các nội dung: tập huấn nghiệp vụ, huấn luyện diễn tập chữa cháy rừng; phát dọn thực bì, đốt trước vật liệu cháy, làm đường băng cản lửa, lắp đặt các biển cảnh báo cấm lửa, bảng nội quy ra vào rừng.
UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý sớm những bất cập, tồn tại trong phương án PCCCR tại các địa phương và chủ rừng trên địa bàn để có biện pháp khắc phục, bổ cứu kịp thời. Chủ động tổ chức phối hợp với lực lượng và phương tiện với các đơn vị quân đội, đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, để thống nhất cơ chế huy động lực lượng chữa cháy rừng trong các tình huống cháy rừng lớn.
Ngoài ra các địa phương cũng cần tăng cường các biện pháp tuần tra rừng, kiểm soát lửa rừng: trong thời gian nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao duy trì quân số và trực 24/24 giờ hàng ngày tại Văn phòng Ban chỉ huy PCCCR các cấp, hạt kiểm lâm, chủ rừng và tại các chòi canh lửa. Giám sát và quản lý tốt việc mang lửa vào rừng, sử dụng lửa ven rừng và trong rừng; hướng dẫn việc sử dụng lửa an toàn đối với các hoạt động vui chơi giải trí, thăm viếng của du khách, đốt hương, đốt vàng mã có nguy cơ bén lửa gây cháy rừng.
Hiện tại ở các địa phương như Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương… công tác tuần tra, kiểm soát lửa rừng vẫn đang được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Các địa phương đã thành lập đội dân quân tự vệ ứng trực 24/24 giờ hàng ngày tại các cửa rừng. Các xã, huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch đứng đầu.
Tại huyện Đô Lương, hiện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về công tác lâm nghiệp và chỉ huy PCCCR cấp huyện và 25 ban chỉ đạo cấp xã nơi có rừng. Bên cạnh đó, 26 đội PCCCR cấp xã, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ cũng đã được thành lập. Ngoài ra còn có 201 tổ PCCCR gồm 198 tổ là do các xóm có rừng và 3 tổ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương trực tiếp quản lý, điều hành.
Ông Võ Sỹ Lâm – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đô Lương cho biết: năm 2020 trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ cháy rừng gây thiệt hại 5,6ha. Tất cả các vụ cháy đều được phát hiện sớm, điều động tổ chức phối hợp lực lượng chữa cháy kịp thời, hiệu quả, nên hạn chế được tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra. Năm 2021 này, nhằm tăng cường hiệu quả công tác PCCCR, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức cho các đơn vị LLVT, các chủ rừng và chính quyền các địa phương ký cam kết điều động lực lượng và hiệp đồng tác chiến khi có xảy ra cháy rừng.
Vào ngày 13/4/2021 tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã đánh giá công tác PCCCR vẫn chưa đảm bảo vững chắc, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy lớn vẫn còn rất cao, nhất là các vùng rừng trồng thông nhựa của các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Số vụ cháy còn nhiều, khi xảy ra các vụ cháy lớn, công tác huy động lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy còn nhiều lúng túng, chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.
Nhằm tăng cường công tác PCCCR, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị và chỉ đạo các địa phương, chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án PCCCR. Trọng tâm là phương án 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) nhằm đảm bảo xử lý nhanh các tình huống cháy rừng ngay tại địa bàn cơ sở, phường, xã, thôn, bản.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành cấp tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR tại các địa phương, đặc biệt là kiểm tra an toàn PCCCR tại các khu rừng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn tỉnh. Sau kiểm tra đã có biên bản làm việc, đồng thời kiến nghị khắc phục ngay những tồn tại thiếu sót trong phương án PCCCR tại địa phương.
Hiện nay, về cơ bản các huyện, thị cũng đã kiện toàn Ban chỉ đạo PCCCR, tổ chức được lực lượng PCCCR tại địa phương, nòng cốt là dân quân tự vệ và có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Ngoài ra tại các địa phương, các chủ rừng cũng đã được yêu cầu xây dựng phương án PCCCR cụ thể, được cơ quan Kiểm lâm phê duyệt.
Ông Phạm Đức Thàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Từ ngày 4/5/2021, Chi cục Kiểm lâm đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tại 8 huyện trọng điểm như Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, thị xã Hoàng Mai. Thông qua kiểm tra để chủ động tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong công tác PCCCR ở các địa phương, chủ rừng để có biện pháp chỉ đạo giúp các địa phương và chủ rừng thực hiện tốt công tác PCCCR.
Đặc biệt, kể từ ngày 1/4/2021 đến ngày 15/9/2021, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì 100% quân số trực 24/24 giờ hàng ngày tại văn phòng trực cháy của Chi cục kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, các chủ rừng và các chòi canh lửa, trạm bảo vệ rừng. Bố trí lực lượng canh phòng kiểm soát người ra vào rừng tại những khu vực rừng trọng điểm, để chủ động phòng ngừa xảy ra cháy rừng.