PV: Thanh Tân vừa kết thúc 3 năm học phổ thông với một thành tích rất xuất sắc. Nhìn lại 3 năm học ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, điều em nhớ nhất là gì?
Bùi Thanh Tân: Những năm học THCS em học ở Trường THCS Nghi Hương – thị xã Cửa Lò và thành tích lớn nhất của em trong những năm THCS là giải ba tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm lớp 9. Đó thực sự là một kết quả rất bình thường và khi đăng ký vào Trường THPT chuyên Phan Bộ Châu em thực sự không quá tự tin. Tuy nhiên, cuối cùng ở kỳ thi này e đã trúng tuyển và điều đó làm em thực sự bất ngờ, khiến em nhớ mãi. Em đã suýt soát đỗ vào lớp chuyên Vật lí, ngoài mong đợi của bản thân ở một vị trí khá khiêm tốn.
Ba năm học ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thực sự thời gian em được học cùng các bạn không nhiều, đặc biệt là sau khi đã được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia. Thời gian của em dường như chủ yếu giành cho môn Vật lý. Tuy vậy, nếu có cơ hội thì tất cả các sự kiện quan trọng của lớp em đều cố gắng tham dự. Điều tiếc nhất có lẽ là những tháng cuối cùng của lớp 12 vì khi đó em đang tập trung đội tuyển và không được cùng thầy cô, bạn bè học những buổi học cuối cùng, không được dự bế giảng, không được chụp ảnh kỷ yếu. Với tất cả học sinh cuối cấp, không chỉ riêng em mà em nghĩ ai cũng nuối tiếc giây phút này.
PV: Ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đã tác động không nhỏ đến việc tổ chức các Kỳ thi olympic khu vực và quốc tế, trong đó có môn Vật lý. Cảm giác của Tân như thế nào trước mỗi lần có thông tin kỳ thi bị hoãn? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc ôn thi của các em?
Bùi Thanh Tân: Hai năm vừa qua là hai năm biến động của thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, trong đó có việc tổ chức các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế ở các môn Văn hóa. Như chị đã biết, ở năm học trước, việc có tổ chức kỳ thi hay không đã được ban tổ chức các cuộc thi “nâng lên đặt xuống”nhiều lần và chúng em cũng khá hồi hộp mỗt một khi theo dõi một quyết định của ban tổ chức. Cuối cùng, năm học trước Vật lý là môn thi duy nhất bị hoãn còn lại thì các môn học khác vẫn được thi theo hình thức trực tuyến.
Là một thí sinh, lẽ dĩ nhiên chúng em đều muốn kỳ thi được diễn ra bình thường. Nhưng sau bị trì hoãn ở lớp 11, trừ việc không được va chạm trong kỳ thi vòng 2 Quốc gia thì em không cảm thấy có thay đổi gì. Chúng em vẫn giữ nguyên tiến độ học tập để chuẩn bị cho các kỳ thi vào năm sau.
PV: Kỳ thi năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Vậy so với việc đến thi trực tiếp tại nước sở tại thì công tác tổ chức có gì khác biệt. Em hãy chia sẻ kỷ niệm của em tại kỳ thi năm nay.
Bùi Thanh Tân: Kỳ thi Olympic Vật lí Quốc tế 2021 do Lithuania đăng cai tổ chức. Trước đó, theo lịch trình thì kỳ này được tổ chức năm 2020, nhưng do đại dịch Covid – 19, nên đã được hoãn và chuyển sang năm 2021. Ban đầu, Ban tổ chức cho các đoàn đăng ký đến thi tại chỗ hoặc trực tuyến, tuy nhiên, kỳ thi được quyết định tổ chức trực tuyến cho toàn bộ các đoàn dự thi với sự tham gia của 76 đoàn từ các nước và các vùng lãnh thổ với 368 thí sinh.
Do tính chất kỳ thi là trực tuyến, nên tất cả các công việc đều được tiến hành trên mạng internet. Sự liên hệ giữa Ban tổ chức và các đoàn, bao gồm việc trao đổi trong quá trình chuẩn bị trước kỳ thi, trình bày và thảo luận về các đề thi, họp Hội đồng quốc tế, biểu quyết kết quả, trao đổi về các kì thi trong những năm tới… đều được thực hiện trực tuyến, bằng cách sử dụng Zoom. Việc dịch đề, in đề, chuyển bài làm của học sinh về Ban giám khảo của Ban tổ chức được thực hiện trực tuyến bằng cách sử dụng phần mềm Oly-Exams. Bài thi thực hành được Ban tổ chức gửi qua đường bưu điện đến trực tiếp ban giám sát đại diện cho Ban tổ chức, thiết bị thi thực hành chỉ được mở dấu niêm phong khi được ban tổ chức giám sát trực tiếp qua camera.
Với tính chất khá khác biệt của Kỳ thi năm nay nên trước khi tham gia kỳ thi chúng em đã được tập luyện và làm quen với hình thức thi trực tuyến. Ban đầu, chúng em cũng khá bỡ ngỡ nhưng thực tế em chưa có cơ hội trải nghiệm một kỳ thi được tổ chức như truyền thống nên khó mà so sánh chính xác. Điểm khác biệt lớn đối với em chắc là việc làm bài với giám sát của camera và các hoạt động giao lưu giữa các thí sinh diễn ra trực tuyến.
PV: Tân đã dành hai huy chương bạc cho các kỳ thi năm nay. Điều tiếc nuối nhất của em ở các kỳ thi này là gì khi chưa đổi được màu huy chương. Nếu được làm lại, em nghĩ mình sẽ làm tốt hơn ở phần nào.
Bùi Thanh Tân: Trước mỗi kỳ thi quan trọng em thường chịu khá nhiều áp lực về tâm lý và rõ ràng điều này phần nào có ảnh hưởng đến phong độ làm bài của em. Nếu được làm lại, em nghĩ mình sẽ làm tốt ở cả hai phần thi lý thuyết và thực hành. Tuy nhiên, em nghĩ khi đã đến với cuộc thi này chúng em đã nỗ lực hết mình vì bản thân, vì nhà trường và vì gia đình, vì đất nước. Thế nên, dẫu có thể, em chưa mang lại được thành tích cao nhất nhưng bản thân hầu như không thấy tiếc nuối gì cả.
PV: Từ khi bắt đầu tập trung đội tuyển và đến khi kỳ thi diễn ra, tôi biết e đã có hơn 4 tháng ôn thi ở Hà Nội và đây cũng là thời điểm dịch bệnh bùng phát. Vậy, ôn thi trong hoàn cảnh trên, các em gặp những khó khăn gì và phải khắc phục như thế nào?
Bùi Thanh Tân: Vật lý là một bộ môn có truyền thống của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và trước em có rất nhiều anh chị đã đem thành tích về cho nhà trường. Cá nhân em, khi đã được chọn vào đội tuyển em cũng cố gắng để không phụ niềm tin của thầy cô, bạn bè.
Dù phải ôn thi trong điều kiện đặc biệt nhưng em cảm thấy mình gặp ít khó khăn hơn các bạn đang học chương trình chính khoá. Việc khắc phục những khó khăn ấy cũng không nằm ngoài chuyện tuân thủ các chỉ thị của Chính phủ và lời khuyên, căn dặn từ phía nhà trường. Khó khăn hơn cả có lẽ là để hoàn thành các chương trình và mục tiêu đã đề ra. 4 tháng tập trung ở Hà Nội vì điều kiện dịch bệnh, chúng em hầu như không ra khỏi trường và em gần như “đóng đô” tại Ký túc xá Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. May mắn là từ lớp 10 em đã xa gia đình, sống ở Ký túc xá của trường nên làm quen với môi trường mới khá nhanh và thích ứng được điều đó.
Quá trình ôn thi, chúng em được học nhiều giáo sư, tiến sỹ đầu ngành và có nhiều năm ôn thi đội tuyển Olympic. Việc tiếp nhận các kiến thức mới và làm quen với các bài thực hành thực sự khá khó khăn vì có rất nhiều kiến thức em chưa được học ở trường THPT. Để khắc phục hạn chế này, mỗi ngày em phải cố gắng chăm chỉ hơn, những kiến thức chưa hiểu em sẽ hỏi lại thầy cô, bạn bè.
PV: Sau khi tham dự lễ trao giải ở Hà Nội, tôi biết em có 14 ngày cách ly tập trung tại thị xã Cửa Lò và tiếp tục 7 ngày cách ly tại gia đình. Em hãy chia sẻ một số kỷ niệm trong những ngày đặc biệt này và qua những ngày cách ly em có cảm nhận như thế nào?
Bùi Thanh Tân: Lễ trao giải cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2021 diễn ra trước đêm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên chúng em chỉ có thể theo dõi qua hình thức trực tuyến và Việt Nam cũng hoãn tổ chức lễ trao giải. Ngay khi từ Hà Nội về, em cũng như tất cả mọi người đều phải thực hiện cách ly xã hội theo quy định. Cá nhân em, em tự cách ly tại một gia đình người quen tại phường Nghi Tân – thị xã Cửa Lò vì cả gia đình đều đi vắng, không có ai ở nhà. Đó là 14 ngày em sống một mình, tự ăn uống, tự sinh hoạt và tự làm quen với cuộc sống gần như cô độc.
Thực tế, sau 4 tháng xa gia đình thì em bước vào việc cách ly khá dễ dàng và giai đoạn này không thật sự mới lạ đối với em. Đã lâu rồi em cũng mới có thời gian để nghỉ ngơi nên em cho phép mình thả lỏng, ngủ nhiều hơn và đọc sách, trò chuyện với bạn bè. Thực ra, em cũng mới bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh từ khoảng 3 tháng trở lại đây nên em làm quen với việc sử dụng điện thoại và các tính năng khác của nó, có nhiều điều khá lý thú.
PV: Rất nhiều học sinh đạt giải ở các cuộc thi quốc tế đã lựa chọn đi du học. Em có thể chia sẻ dự định của mình?
Bùi Thanh Tân: Em rất thích Vật lý và đã từng suy nghĩ theo con đường nghiên cứu hoặc sẽ chọn một ngành nghề khác phù hợp với năng lực của mình. Tại thời điểm này, em vẫn đang lựa chọn cơ hội nhưng có lẽ em sẽ đăng ký vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và sau này có thể là một kỹ sư tự động hóa hoặc một ngành nghề khác tương tự.
Em cũng cho rằng, việc được đi du học là rất tốt cho bất cứ sinh viên nào và là cơ hội để mình mở mang kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống và tăng thêm sự hiểu biết. Cá nhân em, dù ở môi trường nào em cũng sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng và hi vọng sẽ có thể phát triển hơn nữa ở lĩnh vực mà mình đã chọn.
PV: Cảm ơn em vì cuộc trò chuyện!