“Nếu có cơ hội, hãy thể hiện hết mình”

Sau 19 mùa thi, Nghệ An đã có một thí sinh thành công ở cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia với chiến thắng ấn tượng của em Trần Thế Trung – Học sinh lớp 12A3 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Sau khi trở về từ cuộc thi, Trần Thế Trung chia sẻ với Báo Nghệ An về hành trình đáng nhớ này.


PV: Chúc mừng Trần Thế Trung! Khán giả quê nhà thực sự vui mừng khi chứng kiến giây phút chiến thắng của em tại cuộc thi năm nay. Ở trận chung kết, ở phía cầu truyền hình Nghệ An đã có một chương trình cổ vũ rất sôi động. Khi chứng kiến hàng nghìn khán giả quê nhà qua truyền hình, Trung có lo lắng hay không và làm thế nào để giữ bình tĩnh trước cuộc thi?

Trần Thế Trung: Sáng hôm ấy em đến trường quay khá sớm và phải tham gia tổng duyệt nên không được chứng kiến cầu truyền hình không khí buổi sáng sớm. Nhưng, những ngày trước đó em đã được chứng kiến không khí chuẩn bị của điểm cầu Nghệ An. Điều đầu tiên em muốn nói, đó là em rất vui và tự hào vì đem được cầu truyền hình về quê nhà là mơ ước của mọi thí sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và em cũng cảm thấy rất vinh dự vì có một điểm cầu sôi động như thế.

Em cũng thực sự rất xúc động với tình cảm của thầy cô, bạn bè và các khán giả ở quê nhà vì đã không quản ngại thời tiết nắng nóng để tập luyện và cổ vũ cho em rất nhiệt tình. Sự ủng hộ của khán giả quê nhà là động lực để em cố gắng và thúc đẩy em thành công.

PV: Trung đã có một chiến thắng thuyết phục ở trận chung kết năm. Nhưng, có lẽ so với các cuộc thi trước, màn so tài cuối cùng này dường như dễ dàng hơn?

Trần Thế Trung: Mỗi trận đấu đều có những khó khăn riêng và trận chung kết quyết định chính là bản lĩnh, tâm lý và cần một sự may mắn. Trước trận chung kết em đã xác định chơi hết mình và cố gắng hoàn thành tốt các câu hỏi. Các thí sinh khác cũng vậy, em nghĩ trong ngày thi hôm ấy, các thí sinh đều đã thể hiện được “chất” riêng của mình và đều xứng đáng trở thành nhà vô địch.

Trước đó, trước trận chung kết cuối cùng em cũng hơi lo lắng vì thấy bản thân mình chuẩn bị chưa đủ. Tuy nhiên, mẹ em đã khuyên rằng, hãy chuẩn bị mọi tâm lý, dù thắng hay thua cũng không được nản. Thực sự, đây chỉ là một gameshow và chúng em đều nghĩ đi được đến trận chung kết là đã vinh dự rồi, dù thua thì mình vẫn là thắng và tất cả đều đã có một thời gian vui vẻ.

Trong quá trình thi đấu trận chung kết, em hơi bất ngờ ở phần thi vượt chướng ngại vật vì mình không đoán được đáp án và Hải Đăng xứng đáng dành được điểm thi cao nhất. Tuy nhiên, lúc này em nghĩ mình còn có nhiều cơ hội ở phần sau để cố gắng, để không mất bình tĩnh. Em cũng tiếc nhất là câu hỏi Về đích (30 điểm) của Hải Đăng và mình có cơ hội nhưng lại sai (câu Tiếng Anh về Vật lý). Câu hỏi này không khó nhưng không hiểu vì sao em chưa thật tập trung và nghe không rõ nên đã đánh mất điểm. Ở phần về đích, khi em chọn gói 40 điểm nhiều người cũng nghĩ rằng có thể dễ dàng chiến thắng. Nhưng, thực tế không phải vậy bởi gói 40 điểm luôn là một lựa chọn mạo hiểm.

Ngay như ở trận thi quý của em, thí sinh Hoàng Minh cũng đã chọn gói này và sau đó đã không thành công. Tình huống cuối cùng của em ở vòng thi cuối này cũng giống như Hoàng Minh lúc trước và em rất dễ bị các bạn vượt lên nếu mình có sơ suất. Tuy nhiên em nghĩ, suốt hành trình cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là một trải nghiệm và mình hãy cháy hết mình trên sân khấu và cố gắng để cảm xúc của mình được trọn vẹn.

PV: Lâu nay, khi đã thi vào trường chuyên, phụ huynh thường đặt rất nhiều mục tiêu cho con mình và điều mong ước lớn nhất đó là thành công ở các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, với Trung, tôi biết em đã bỏ qua rất nhiều cơ hội đó, dù rằng đã từng là thủ khoa, từng đạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi tỉnh. Trung có phải đắn đo nhiều không khi đưa ra quyết định này?

Trần Thế Trung: Em chưa bao giờ hối tiếc khi theo đuổi cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và học sinh giỏi quốc gia cũng chưa bao giờ là mục tiêu của em. Bởi lẽ, để theo đuổi được cuộc thi này, mỗi học sinh phải đánh đổi quá nhiều thứ và muốn được kết quả tốt mình phải tập trung hoàn toàn, phải có sức khỏe.

Em cũng thấy rằng, đa phần học sinh giỏi quốc gia (đặc biệt là lĩnh vực khoa học tự nhiên) sau này đều đi theo lĩnh vực nghiên cứu những đề tài khoa học. Tuy nhiên, em cảm thấy mình không phù hợp nếu đi theo hướng này bởi em tham gia rất nhiều hoạt động xã hội và câu lạc bộ trong trường. Nếu như em theo đuổi cuộc thi học sinh giỏi quốc gia thì em dường như phải bỏ lại tất cả và khi mình cảm thấy không thích, không tận hưởng được quá trình theo đuổi việc học và không tìm được nơi giải tỏa sẽ khiến cho mình không thoải mái.

Trước đó, em cũng đã cố gắng ôn tập để tham dự cuộc thi học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý vì đó là môn học mà em yêu thích, cũng là môn chuyên của em và em nghĩ mình đã mãn nguyện với giải Nhất ở cuộc thi Học sinh giỏi tỉnh. Bản thân em may mắn không chịu áp lực từ gia đình. Hơn thế, bố mẹ luôn tạo điều kiện, ủng hộ và tôn trọng mọi quyết định của em.

PV: Vậy, Trung có nghĩ mình là người “tiên phong” và sẽ đem đến sự khác biệt cho học sinh trường Phan thế hệ mới?

Trần Thế Trung: Em không nghĩ học sinh trường Phan hiện nay khác nhiều so với trước kia bởi truyền thống của Phan chính là chăm học và năng động. Từ 11 năm trước, trường Phan đã có câu lạc bộ Tiếng Anh của lớp chuyên Anh và những năm gần đây thì có thêm rất nhiều các câu lạc bộ khác. Em mong rằng, mọi người đừng nghĩ học sinh trường chuyên chỉ là những con mọt sách mà thực tế học sinh trường chuyên rất năng động, có kiến thức và luôn sẵn sàng dám thử thách, dám thay đổi bản thân để hòa nhập được với thế giới và luôn khao khát khẳng định mình, luôn muốn phát huy được năng lực của bản thân.

PV: Trong những ngày qua, rất nhiều bài báo và nhiều ý kiến bàn về vấn đề du học của những cựu quán quân Đường lên đỉnh Olympia, trong đó không ít ý kiến phản đối việc đa phần du học sinh sau khi du học đều ở lại nước ngoài làm việc. Hiện, Trung cũng đã có trong tay học bổng 100% của một trường đại học ở Úc, em sẽ lựa chọn như thế nào?

Trần Thế Trung: Thực tế, vấn đề quán quân Olympia đi du học hay ở trong nước không chỉ năm này mới “nóng” mà nó được bàn đến dai dẳng trong suốt gần 20 năm tồn tại của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Tuy nhiên, cộng đồng Olympia hầu hết đều không thích quan điểm như “Việt Nam đào tạo cho nước Úc, chúc mừng nước Úc đã có một nhân tài”… vì nó không đúng với thực tế.

Em nghĩ rằng việc đi du học chính là đi tìm cơ hội và tích lũy kiến thức cho bản thân. Chẳng hạn bây giờ chúng ta có cầu thủ Đoàn Văn Hậu sang đầu quân cho Hà Lan, có ai nói là Việt Nam mất đi một nhân tài đâu. Ai cũng đều chúc mừng cho Văn Hậu và muốn Văn Hậu thể hiện thật tốt để làm rạng danh quê hương ở nơi xứ người. Vậy thì tại sao, họ không thể làm được điều tương tự với quán quân Olympia? Em thấy các thế hệ đàn anh đi trước như anh Thanh Chương, anh Nhật Minh (quán quân năm thứ 16, 17) họ theo đuổi những ngành nghề của thời đại 4.0 như Khoa học máy tính và các anh có rất nhiều khao khát tri thức để đóng góp cho nhân loại nói chung và đó cũng chính là đã đóng góp rất nhiều cho đất nước.

Tại thời điểm này, em còn hơn 1 năm nữa để đi du học ở Úc và em nghĩ em chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, em nghĩ đi du học rất tốt vì mình sẽ có một môi trường mới để thử thách bản thân và giúp mình có nhiều cơ hội để trải nghiệm, sớm trưởng thành. Em cũng tin rằng, nếu có đi thì em nghĩ em sẽ trở về vì cuộc sống ở Việt Nam đã đủ thoải mái với em rồi.

PV: Hiện Trung vừa đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm Câu lạc bộ Olympia ở trường Phan. Vậy, em sẽ nói gì với học sinh đang mong muốn được chinh phục vòng nguyệt quế trong những năm tới?

Trần Thế Trung: Mỗi cuộc thi có một lĩnh vực riêng và giúp cho mình có trải nghiệm và tích lũy mới. Những tích lũy sau cuộc thi chưa phải là hết mà kiến thức đó sẽ còn giúp ích cho mình nhiều trong cuộc sống và đó là giá trị đích thực của cuộc thi. Sau hai năm đeo đuổi cuộc thi và bước chân vào cộng đồng Olympia, em thấy mình đã thay đổi rất nhiều. Cộng đồng Olympia như một gia đình, như một xã hội thu nhỏ và những trải nghiệm ở đây sẽ giúp mình sớm trưởng thành, tiến bộ và cho mình nhiều cơ hội rèn giũa, học hỏi.

Muốn đến với cuộc thi này, trước tiên hãy đến bằng sự đam mê và không cần phải coi trọng giải thưởng hay các học bổng. Hãy xem việc chinh phục các kiến thức, chinh phục các đỉnh núi Olympia, có thêm các bạn bè là mục tiêu của mình. Nếu mình có cơ hội thì hãy thể hiện hết mình để dù kết quả thế nào cũng không phải hối tiếc.

PV: Cảm ơn Trần Thế Trung và chúc em sẽ thành công hơn nữa trong chặng đường sắp tới!


Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Thái Trường

    Trung trả lời rất hay và chững chạc. Chúc em luôn thành công với dự định và ước mơ của mình nhé!