Ngày 29/8/2023 mới đây, UBND huyện Yên Thành đã có Tờ trình 424/TTr-UBND về việc xin chủ trương nạo vét lòng hồ và tận thu lượng bùn, đất để tăng trữ lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại một số hồ đập ở xã Tây Thành và Sơn Thành. Trong đó, tại xã Tây Thành là các công trình: đập Hố Ná, đập Lò Sả, đập Cao Sơn , đập Thung Vậy, đập Trụ Kè. Tại xã Sơn Thành thì kiến nghị nạo vét đập Cây Tàng, đập Hồ.
Qua tìm hiểu được biết, Tây Thành và Sơn Thành là 2 xã miền núi của huyện Yên Thành, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn. Trên địa bàn 2 xã này có đến 32 hồ, đập lớn nhỏ. Trong đó, xã Tây Thành có 24 hồ, đập; xã Sơn Thành có 8 hồ, đập, đây là nguồn cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh cho chính các địa phương này. Tuy nhiên, do các hồ, đập cơ bản được xây dựng từ lâu nên hầu hết đã bị bồi lấp đáy, làm giảm dung tích trữ lượng nước. Trong khi đó, hiện nay do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài nên làm nhiều hồ, đập bị cạn khô nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Ông Lê Văn Hồng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho rằng: Việc nạo vét hồ, đập là nhu cầu tất yếu nếu như muốn tăng dung tích chứa nước. Nếu chỉ nạo vét và đắp sửa tại chỗ thì các địa phương, đơn vị quản lý có thể làm được, nhưng nạo vét và tận thu khoáng sản thì phải xin phép tỉnh, và hồ sơ thủ tục còn khó khăn.
Ông Hồng cho rằng, hiện nay ở địa phương nhu cầu đất đắp cũng như đất làm nguyên liệu cho các nhà máy gạch là rất lớn, doanh nghiệp cần và địa phương cũng cần. Vì vậy trong thời gian tới, nên chăng có cơ chế, những hồ đập nào thuộc địa phương quản lý thì đề nghị cho địa phương phê duyệt việc nạo vét, để tránh việc phải vào tỉnh tốn kém thời gian. Chỉ những hồ có dung tích lớn thì cần phải có sự phê duyệt của tỉnh. Điều quan trọng là có cơ chế quản lý, giám sát để không gây thất thoát tài nguyên.
Tại Đô Lương vào năm 2020, địa phương này đã có tờ trình gửi UBND tỉnh cho phép nạo vét 24 hồ, đập và tận thu khoáng sản thông qua hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng dung tích các hồ chứa. Trong đó, tại xã Mỹ Sơn có 2 hồ, đập; xã Đại Sơn có 4 hồ, đập; xã Giang Sơn Tây có 3 hồ, đập; xã Giang Sơn Đông có 5 hồ, đập cần nạo vét…
Ông Trần Văn Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho rằng, trong số hơn 100 hồ, đập lớn nhỏ trên địa bàn huyện thì có 4 hồ lớn do Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An quản lý, gồm: hồ Bàu Đá (Trù Sơn); hồ Đá Bàn (Bài Sơn); hồ Yên Trạch (Thái Sơn); hồ Mộ Dạ (Giang Sơn Tây). Hàng năm, trước mỗi vụ mùa sản xuất, các xã và UBND huyện đã chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vướng mắc để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, vận hành, nhiều hồ, đập đã bị bồi lắng, làm cho trữ lượng nước ngày càng thấp. Từ năm 2018 đến nay, lượng mưa ít, có những hồ đập luôn ở mực nước chết. Trong khi nhu cầu tưới tiêu cho diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng cao.
Mặc dù UBND huyện Đô Lương đề xuất được nạo vét 24 hồ, đập từ năm 2020, sau đó UBND tỉnh đã đồng ý cho phép hoàn thiện hồ sơ để nạo vét 6 hồ, đập, trong đó có 2 hồ do Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An quản lý (hồ Đá Bàn và hồ Bàu Đá). Dù vậy trên thực tế hiện nay cũng chỉ có 3 công trình được tiến hành nạo vét, số còn lại thì chưa hoàn tất thủ tục và chưa tìm được nhà đầu tư thực hiện.
Hay như tại huyện Tân Kỳ, từ năm 2019 đến nay, địa phương này cũng đã có nhiều tờ trình gửi UBND tỉnh xin phép được nạo vét hồ, đập và tận thu khoáng sản. Mục đích cũng không nằm ngoài việc tăng dung tích của hồ chứa, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách.
Mới đây nhất, vào ngày 14/3/2023, UBND huyện Tân Kỳ đã có Tờ trình số 415/UBND-NN gửi UBND tỉnh cho phép nạo vét và tận thu đất, đá lòng đập Khe Nứa tại xóm 1, xã Nghĩa Bình. Đây là công trình thủy lợi được xây dựng từ năm 1973, nâng cấp năm 2013 với diện tích lưu vực 6,7ha; dung tích nước là 250.000m3, phục vụ cho 40ha đất lúa và 5ha đất màu của địa phương. Dù vậy, do bị bồi lắng nên mực nước trong công trình này luôn ở mức thấp, không đảm bảo được việc phục vụ tưới tiêu cho đất nông nghiệp trên địa bàn.
Trước đó, vào tháng 8/2020 UBND huyện Tân Kỳ cũng đã kiến nghị cho phép nạo vét 2 công trình là đập Cồn Bui và đập Bàu Làng tại xã Nghĩa Dũng, trên tổng số 13 công trình hồ, đập hiện có tại địa phương này. Năm 2019 thì kiến nghị cho phép nạo vét lòng hồ 3/9 trên địa bàn xã Kỳ Tân; đập Vả, đập Trảy trên địa bàn xã Giai Xuân…
Ông Lê Viết Quý – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: Toàn huyện hiện có 166 hồ đập lớn, nhỏ, ngoài tình trạng xuống cấp, hư hỏng thì phần lớn các hồ, đập đều trong tình trạng bị bồi lắng nghiêm trọng, khiến cho dung tích chứa nước không còn đảm bảo như thiết kế ban đầu. Dù vậy, đa số công trình hồ, đập ở địa phương này cũng chưa được nạo vét, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp…
Ông Quý cũng cho biết, hiện nay nhu cầu nạo vét của các hồ, đập trên địa bàn Tân Kỳ rất lớn, ít nhất có khoảng 30% hồ, đập trên toàn huyện cần phải nạo vét. Tuy vậy, do khó khăn về kinh phí cũng như thủ tục triển khai nên hiện nay chỉ mới nạo vét được một số ít. Cụ thể chỉ có 4 hồ, đập đang được triển khai là: đập Quốc Vả (Nghĩa Đồng); đập Rú Mồ (Nghĩa Hoàn); đập Trảy và đập Ráy (Giai Xuân).
Ông Tăng Văn Luyện – Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Mặc dù địa phương phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An đã đề xuất nạo vét hồ Xuân Dương (xã Diễn Phú) và hồ Đình Dù (xã Diễn Lâm). Đến năm 2022, UBND tỉnh cũng đã cho chủ trương nạo vét 2 hồ này (cùng với 2 hồ khác thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An quản lý), vậy nhưng đến thời điểm này vẫn chưa triển khai được do chưa có những hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục.
Cũng theo ông Luyện, hồ Đình Dù là công trình thủy lợi quan trọng tại xã Diễn Lâm, được xây dựng năm 1972, có dung tích 1,7 triệu mét khối và cung cấp nước cho hơn 100 ha lúa/năm. Riêng hồ Xuân Dương thì ra đời lâu hơn, từ năm 1940, có trữ lượng lớn nhất huyện với dung tích gần 11 triệu mét khối lúc cao điểm. Hồ Xuân Dương cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 1.200 ha lúa và hoa màu của các xã phía nam của huyện Diễn Châu là: Diễn Phú, Diễn Lộc, Diễn Lợi, Diễn Thọ. Dù vậy, cả 2 công trình này sau nhiều năm khai thác đã bị bồi lắng rất nhiều, nếu không nạo vét kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Trước những bất cập trong công tác thực hiện nạo vét hồ, đập và cho phép tận thu khoáng sản, nhất là việc chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng về cách làm này. Ngày 2/6/2023, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có Thông báo số 286-TB/BCSĐ, trong đó giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tham mưu quy trình và hình thức lựa chọn đơn vị thực hiện đối với các dự án nạo, vét lòng hồ, xử lý các điểm sạt lở không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Ngay sau đó, các sở liên quan đã có ý kiến tham mưu. Trong đó, đa phần đều cho rằng, hoạt động nạo vét lòng hồ và xử lý các điểm sạt lở (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước), kết hợp thu hồi khoáng sản chịu sự điều chỉnh của Pháp luật về thủy lợi, Pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường; không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp luật về đầu tư, Pháp luật về đầu tư công hay Pháp luật về quản lý vật liệu xây dựng. Do đó, cơ quan chủ trì thực hiện là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi) và Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường).
Về các bước thực hiện, theo ý kiến của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường thì, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Pháp luật về khoáng sản hiện nay không quy định hình thức lựa chọn đơn vị thực hiện. Pháp luật về đấu thầu hiện chỉ quy định việc lựa chọn đơn vị thực hiện (lựa chọn nhà thầu) đối với các công trình/dự án/hoạt động sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư công…
Ông Nguyễn Văn Trường – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của các sở liên quan, các quy định pháp luật hiện hành và tham khảo một số tỉnh, thành khác thì Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh các bước thực hiện dự án nạo vét lòng hồ và xử lý các điểm sạt lở. Trong đó, đầu tiên là khảo sát, lập kế hoạch để thực hiện nạo vét lòng hồ chứa nước. Việc nạo vét chỉ được thực hiện theo đúng phương án được phê duyệt, sau khi đã hoàn tất các quy trình, thủ tục pháp lý. Sau khi hoàn tất bước thứ nhất thì tiến hành bước thứ 2 là khai thác khoáng sản trong quá trình nạo vét. Nhà đầu tư lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án xây dựng công trình nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định…
Ông Trường cũng cho rằng, việc nạo vét lòng hồ kết hợp thu hồi khoáng sản phải đảm bảo hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, nhằm bảo vệ, cải tạo làm tăng dung tích và phát huy hiệu quả sử dụng đa mục tiêu của hồ chứa. Phải đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, cảnh quan…
Do chưa có quy định về quy trình và hình thức lựa chọn đơn vị thực hiện nên Sở đã kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành thị, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện dự án nạo vét lòng hồ kết hợp thu hồi khoáng sản (theo cách một số tỉnh như Quảng Trị, Bà Rịa Vũng Tàu đã thực hiện).
Rõ ràng nhu cầu nạo vét lòng hồ, đập thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay là rất lớn, việc đưa ra chủ trương cho phép nạo vét và sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước bằng cách cho phép tận thu khoáng sản đất, đá trong lòng hồ cũng là điều hết sức cần thiết và phải sớm được thực hiện. Có vậy thì việc trữ nước trong mùa khô hạn và tích nước vào mùa mưa mới được đảm bảo, góp phần to lớn vào việc phát triển nông nghiệp và phục vụ đời sống dân sinh./.