Làng tôi là một làng thuần nông, vùng chiêm trũng. Đồng quê, chẳng trồng được cây gì ngoài cây lúa. Mỗi năm 2 vụ chiêm, mùa. Bà ngoại tôi vốn là người con gái Hà Thành, bỏ về đất này làm dâu. Làm quen với việc cắm cây mạ xuống cánh đồng đầy những con đỉa xanh ngoăn ngoắt, đánh bạn với gầu dai, gầu sòng, với cái liềm, cái cuốc, quen đếm thời gian bằng mùa lúa xanh, lúa chín, mùa phơi rạ, chất rơm. Bà tôi đã hòa mình vào cánh đồng, như bao nhiêu người quê đã sinh ra, lớn lên, làm việc, mến yêu nhau trên cánh đồng làng, có những người suốt đời chỉ ở trên cánh đồng mà không quen với việc gì khác ngoài vòng quay cây lúa.
Chúng tôi lớn lên êm đềm trong vạt áo nâu mùi bùn đất, mùi trầu không của bà. Quen với bóng bà mấp mô trên những bờ ruộng tháng tư xanh thăm thẳm lúa vừa kịp đọng hương, quen với bóng lưng còng cắm cúi cấy nốt mấy dảnh mạ non run rẩy trong chiều sương giá. Quen cả cách bà đoán thời tiết, đoán việc được – mất mùa qua tiếng chim gọi nước, qua cánh bay con chuồn, hay mỗi giao thừa nhìn lên trời tối đen hay có chút hửng. Bà dạy chúng tôi về thời khắc bắt được nhiều tôm, nhiều cá trên những thửa ruộng mới gặt xong mùa nắng, dạy chúng tôi cách tìm những con ốc ăn sương mùa đất phơi ải, cách dựng những mô rạ chụm vào nhau như một mái nhà nhỏ…
Chúng tôi quen đến nỗi, đôi khi không nghĩ rằng bà đã được sinh ra từ một miền quê khác. Ngày tiễn bà tôi về với đồng làng, tôi đã đứng rất lâu bên con mương nhỏ, nơi bà tôi vẫn thường khỏa chân sau khi lội ruộng để giũ sạch bùn đất, đã đứng rất lâu bên cây bún cuối làng cũng là nơi bắt đầu cánh đồng, bà tôi vẫn thường ngả nón để ngồi nghỉ chân mỗi khi xong việc. Tôi đã thấy bóng dáng nhỏ nhoi của bà tạc vào cánh đồng quê những nét vẽ vĩnh cửu. Bà, cũng như bao nhiêu người đã sinh ra, ở lại, hay bao nhiêu người xứ khác đã đến đây, canh tác trên đất này, đổ mồ hôi trên từng thớ đất, đường cày, bước chân trên những bờ vùng, bờ thửa, bàn tay phát cỏ cuốc bờ, khơi mương, tát nước. Lớp người này, tiếp nối lớp người khác. Mồ hôi đổ xuống cho đất xanh lên. Và rồi họ lại chọn cách bình thản, nhắm mắt nằm lại trên cánh đồng rì rào sóng lúa.
Có những chiều chật hẹp trong lòng phố, tôi đã nhớ biết mấy cánh đồng của tôi. Cánh đồng bạc thếch đất đai, phấp phỏng những hạt mầm mùa vụ, cần mẫn nuôi lớn những giấc mơ, những hy vọng, tin vào phù sa ngày mai rồi sẽ “còn chồi nảy cây” ngay cả khi lũ bão vừa qua…Và rồi, tôi đã mải miết đi tìm …
Chỉ cách trung tâm phố Vinh vài cây số, chạy dọc con đường đê sông Lam là đã chạm bạt ngàn cói Hưng Hòa. Trên cánh đồng cói tháng bảy, tôi đã gặp một ông lão xóm Phong Thuận đang miệt mài gặt cói, chẻ cói. Nhìn tấm thân vạm vỡ của ông đánh trần dưới nắng chiều, không ai nghĩ ông lão Lê Xuân Thùy chạm tuổi 70, lại còn là một thương binh. Ông kể: “Nhà tui làm cói từ đời cố, can. Khi vừa mở mắt là thấy cây cói, là nghe mùi cói. 6 tuổi đã biết kéo gon. 10 tuổi đã ra đồng cùng cha mẹ gặt hái. Các o không quen, thấy gốc cói sắc, đâm vào chân trần là đau, chớ như bầy tui lại quen đi trên gốc cói, trên ruộng mấp mô này. Đi đất bằng có khi thấy chân mình lạ lẫm, chông chênh”
Những lời nói thủng thẳng, tưởng chừng xù xì của ông, ấy vậy mà khiến tôi sửng sốt. Không chỉ bởi nó giản dị, mà còn đầy sâu sắc, yêu thương. Ông kể với tôi về những vụ cói ngày xưa, thời hoàng kim của cây cói Hưng Hòa, về cái thời làm hợp tác, tiếng cười nói rộn rã cả cánh đồng bạt ngàn gần 70 ha trồng cói. Rồi ông nói về gia đình mình, hiện còn 6 sào cói, mỗi năm thu hoạch 2 vụ thay vì 3 vụ như trước đây mà “nguyên nhân là cói thoái hoá hết rồi”. Ông thở dài, không giấu nỗi ngậm ngùi, rằng 4 con ông giờ đây đã chẳng ai theo nghề cói, “2 đứa rời quê vào Nam lập nghiệp, 2 đứa làm thợ xây”. Vậy là nghề cói 4 đời rồi sẽ khó mà giữ được. “Là cũng mừng cho chúng, vì làm cói xem chừng vất vả, nhưng mà tiếc cái nghề truyền thống cha ông”. Nhưng rồi ông vẫn hy vọng “Có thể rồi người Hưng Hòa cũng phải tìm được hướng đi bền vững cho cây cói, biết đâu rồi nông dân trồng cói lại có một ngày được hưởng ấm no nhờ vào đồng đất của mình”.
Ông cũng kể về năm mình ra trận, nắm cơm cuối mình ăn trên chính cánh đồng này, có thể cũng ngồi trên chính là những gốc cói này, mà cây cói ngày xưa cắt rồi lại lên mãi đến giờ. Ông đã chiến đấu 81 ngày đêm ở chiến trường Quảng Trị nóng bỏng, trong giấc mơ bom đạn chập chờn vẫn thấy bạt ngàn cánh đồng cói quê hương. Rồi ngày trở về, từ bỏ súng đạn, cởi áo lính để khoác lên người tấm áo nông dân, ông lại miệt mài với cánh đồng này. “Cùng độ tuổi của tui, người còn ra lấy gon được hiếm lắm. Dưới tôi chừng dăm tuổi còn có ông Dư bên ruộng kia kìa, ông ấy cũng trở về từ chiến trường miền Nam, cũng là thương binh, hoàn cảnh khó khăn hơn, sức khỏe yếu hơn và vẫn bám lấy cây cói mà sống ”.
Theo tay ông Thùy chỉ, tôi gặp ông Dư. Ông Dư sinh năm 1954, là thương binh 2/4. Con ông Dư là đời thứ 5 cũng đang làm cói trên cánh đồng này. Cuộc sống còn nhiều vất vả, nên ông, dù đã yếu vẫn phải ra đồng. “Mà mùa cói, không ra cũng nhớ. Tui quen bà tui cũng trên cánh đồng này. Cảm mến nhau vì cái đức siêng năng, chăm chỉ mà nên đôi, nên lứa. Có thể nói, trừ quãng đi bộ đội, thì cả cuộc đời tui, cuộc đời vợ tui đã diễn ra trên cánh đồng”
Tôi còn gặp ở đây những chị Hiếu, chị Duyên… rộn rã tiếng cười, đẫm ướt giọt mồ hôi trên cánh đồng đầy nắng lóa. Nghề cói là thế, cần nắng. Có biết bao nhiêu khó khăn nghề cói, cùng nỗi lo mai một, nhưng giây phút này đây, tiếng máy chẻ, tiếng dao cứa vào từng lá cói xanh tươi, tiếng bước chân giẫm lên từng thớ đất rậm cỏ, và tiếng đàn châu chấu nhảy rào rào sau khi bị đánh động bởi bàn chân người khiến tôi cảm thấy tất cả như trong một điệu nhạc vui…
Những người nông dân Phong Thuận ra đồng từ lúc 4 giờ sáng, trưa về nhà, chiều lại ra cho đến tận 7, 8 giờ tối. Bao nhiêu năm qua, họ đã quen với cái mùi ngai ngái của đất bốc hơi khi nắng vừa lên, mùi của những giọt sương tan ra trong bình minh, mùi của cỏ dại, của cói lúc đã cao ngang tầm với. Và mùi của mùa màng, cái mùi mang đến niềm vui dìu dịu và một nỗi trìu mến khó tả mà phải gắn bó lâu năm trên cánh đồng, người chủ nhân của chúng mới thực sự cảm nhận được.
Khác với màu xanh bạt ngàn cói Hưng Hòa, thì trên cánh đồng Khánh Sơn (Nam Đàn), lại ngập màu nâu vàng xao xác. Người đàn bà nhỏ thó thoăn thoắt khiêng những bao tải ngô đặt lên cân dọc con đường nhỏ dẫn ra bến đò Vạn Rú quệt mồ hôi nói với chúng tôi. Bà tên Tuyết, 60 tuổi, là dân ở Khánh Sơn 2, vượt đò Vạn Rú sang cánh đồng Khánh Sơn 1 này bẻ ngô, phơi ngô thuê. “Năm nay, chỉ có cỏ là xanh, còn ngô thì cháy”. Bà nói với bao nhiêu xót xa, rồi chỉ cho tôi “ông chủ ngô”. “Ông chủ” Phạm Việt Xuân, năm nay 51 tuổi, bao năm tận dụng đất bãi trồng vài mẫu ngô, nhưng năm nào cũng thấp thỏm. “Đất cát đã khó trồng, mà năm nay hạn quá, ngô không thể ra bắp cho trọn”. Anh Xuân cũng cho hay, “làm thì làm chứ xác định là lỗ. Phải thuê bà con bẻ tại ruộng, rồi bóc, phơi luôn trên con đường nhỏ này, đóng bao, cân luôn. Phần lớn ruộng ngô năm nay đành bỏ vì ngô không ra nổi hạt, thu hoạch được ít lắm”.
Trên cánh đồng rộng hút tầm mắt, nắng đã khiến cây ngô khô giòn gãy gục. Thảng hoặc, có bóng một người đi mót trên những ruộng đã bỏ không thu hoạch. Bà Tuyết nói, cả cuộc đời bà làm lụng trên đồng, hết việc nhà mình lại kiếm việc đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Nghề nông, với bà là nghề “cha truyền con nối”, hết đời nọ sang đời kia, nên cánh đồng này bà thuộc từng ngách cỏ, từng lối mòn. Bà đơn thân nuôi 1 cô con gái, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, năm nào cũng trông cậy “ơn giời”. Thế nhưng, bà hay cả anh Xuân, bao năm nhìn nắng hạn, nhìn mưa lụt vẫn tin “ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng” và nhắc nhở nhau rằng: “chớ bỏ ruộng hoang”…
Giống như mọi người nông dân trên khắp các cánh đồng đất Việt, người dân Khánh Sơn dành cho đất đai một tình yêu da diết. Họ không biết diễn tả tình yêu đó bằng ngôn từ, nhưng tôi biết, nó ở ngay đây, trong trái tim họ, trong ánh mắt xao xuyến niềm vui của họ khi được hỏi về nghề nông, trong nụ cười hiền hậu rạng rỡ của họ ngay cả trong lúc đang lao động mệt nhọc nhất. Tình yêu ấy thấm đẫm trong từng giọt mồ hôi nhỏ xuống cánh đồng, và những mùa vụ đã trôi qua bấy lâu nay đều có thêm vị mặn nồng của mồ hôi và nước mắt. Tình yêu ấy đến một cách tự nhiên như những cơn gió vốn đã thênh thang hiện hữu giữa cõi trời. Trong sâu thẳm, nó là sự gắn bó một cách tự nhiên giữa người nông dân và công việc của mình, cái công việc ngàn đời nay ông bà tổ tiên cha mẹ họ vẫn làm, vừa là một cách để duy trì sự sống vừa như cuộc chơi mà họ dành cả đời đặt vào đấy, một cách tự nguyện đến gần như nghiễm nhiên.
Như một nghệ sĩ yêu sân khấu của mình, người nông dân cũng yêu cánh đồng bởi trong phần lớn cuộc đời đó chính là khoảng trời của họ. Mồ hôi đổ xuống để những nhánh lá xanh tươi mọc lên, lung linh trong nắng.
Tôi vẫn luôn tin vào một thứ tình cảm mang tính chất gắn bó cội rễ với tâm thức người Việt, đó là tình yêu đối với đồng ruộng. Dù bạn là ai, một đứa trẻ sinh ra ở miền thôn quê hay trong đô thị phồn hoa, dù là người từ nhỏ đã quen với cái tấp nập của phố phường hay những kẻ chân lấm tay bùn quanh năm bán mặt cho đất. Một thứ tình yêu không đơn giản như yêu một nơi ta đã sinh ra hay gắn bó lâu dài. Mà có lẽ là một tình yêu sẵn có, một tình yêu đã tồn tại ngay cả trước khi con người sinh ra, nó vừa rất hiện thực lại vừa mang tính tâm linh. Bởi trên quê hương hình chữ S, người ta đâu thể đếm hết được những cánh đồng. Từ ngàn đời nay, người ta sinh sống và hít thở trong bầu không gian của chúng. Và không chỉ sinh nhai, đến khi chết đi, người ta cũng nằm xuống cánh đồng, dưới những nấm mồ xanh cỏ. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, cánh đồng thực sự là máu thịt của con người vì lẽ đó. Nó chính là nơi họ muốn quay về để vĩnh viễn nằm xuống khi đã già. Là nơi những kẻ tha hương muốn quay đầu trở lại chỉ để đứng tần ngần trong một chiều đầy ráng đỏ. Là nơi trong một thời điểm đau buồn hay thất bại của cuộc đời, con người muốn được nhìn ngắm để vơi bớt nỗi lòng. Là nơi, cứ mỗi dịp Tết đến hay thanh minh, giỗ tổ, người ta lại hẹn nhau quay về để thắp nén nhang lên những nấm mồ và thầm thì gửi vào thiên thu những niềm thương nỗi nhớ…
Và như thế, cánh đồng không chỉ là nơi làm việc của người nông dân. Đó đôi khi là cả bầu trời của họ. Đó là mẹ. Là quá khứ, hiện tại và cả tương lai của con người.Có lẽ vì thế, tôi yêu tha thiết những vần thơ viết về nông dân của nhà thơ xứ Nghệ Nguyễn Sỹ Đại, và cũng luôn lấy nó để nhắc nhớ mình: