Nắng lên là… thôi!

Trong nỗ lực động viên 34 hộ dân ở 2 bản Lạ và Minh Phương di dời khẩn cấp khỏi vùng ngập, sạt lở do ảnh hưởng của thủy điện Nậm Nơn, chúng tôi đã đến với xã Lượng Minh (Tương Dương) hồi tháng 5/2018. Sau 5 tháng trở lại, nơi đây lại phát sinh thêm 31 hộ phải khẩn cấp di dời, trong khi dự án khẩn cấp thì “giậm chân tại chỗ”. Đời sống của 65 hộ dân gói gọn trong hai chữ: Cay cực!

Lên xã Lượng Minh hỏi về việc thực hiện dự án khẩn cấp di dân các bản Lạ, Minh Phương khỏi vùng ngập, sạt lở, cán bộ địa phương này buồn bã: Nắng lên là… thôi.

Những
Những "ngôi nhà" của người dân các bản Lạ, Xốp Mạt, Minh Phương dọc theo đường 543B.

Tại sao cán bộ Lượng Minh lại nói như thế? Phó Bí thư Đảng ủy xã La Văn Kỷ trả lời: Đi đi. Đi dọc đường 543B là thấy. Dân ta dựng lều tạm ven sông để ở đấy… Và anh tâm tư rằng, vì tình trạng ngập, sạt lở đất nên người dân có nhà ven đường 543B rất đồng thuận trong việc di dời. Nhưng dự án tái định cư cần phải được triển khai. Đừng để người dân sau khi tháo dỡ nhà cửa di chuyển lại phải dựng lều trên núi, ven sông ở tạm bợ mãi.

Đi dọc đường 543B theo lời anh Kỷ, qua các bản Lạ, Minh Phương, Xốp Mạt, hình dung cơn lũ ngày 31/8 thật tàn khốc. Đường 543B có rất nhiều đoạn bị sụt lún, sạt lở phải căng dây cảnh báo nguy hiểm. Nhà ở của người dân, dịp tháng 5 còn san sát, nay gần như đã mất dạng. Thay vào đó, là những phần nền nhà không còn nguyên vẹn, những mảnh bê tông vỡ, gạch ngói vụn… Cả tuyến, chỉ còn ngôi nhà bưu điện văn hóa nứt, sụt bỏ hoang; dăm ngôi nhà sàn nhưng khóa trái cửa, lối vào được chặn bằng những đồ vật cũ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lô Văn Hùng, một số nhà đã bị lũ dữ cuốn trôi, hoặc gây sạt lở nền đất sập đổ nên người dân phải dỡ chuyển đi.

Cùng anh Hùng trèo núi thăm các hộ dân phải di dời nhà cửa, trong chiếc lều bạt căng trên mấy đoạn tre, gỗ, chị Vi Thị Hải (bản Minh Phương) cho biết gia đình chị thuộc diện 34 hộ phải di dời khẩn cấp từ năm 2017. Vì không yên tâm, năm nay chị đã chuyển đến sống cùng với gia đình chị dâu Lô Thị Thoa cho an toàn. Vậy nhưng nhà của chị dâu đã bị cơn lũ ngày 31/8 đánh trôi nên phải dắt díu con cái dựng lều tạm trên núi để ở. Chị Hải nói: “Mong muốn duy nhất bây giờ là họ làm cho cái nền để dựng nhà ở. Chứ ở thế này, vừa bất an mà thiếu thốn đủ thứ, hết sức vất vả. Việc học hành của con cũng bị ảnh hưởng…”.

Đã hơn một tháng, nhiều hộ dân xã Lượng Minh vẫn phải ở trong những chiếc lều tạm trên núi. Những đứa trẻ cũng phải sống trong những chiếc lán tạm bợ.
Đã hơn một tháng, nhiều hộ dân xã Lượng Minh vẫn phải ở trong những chiếc lều tạm trên núi. Những đứa trẻ cũng phải sống trong những chiếc lán tạm bợ.

Bà Lô Thị Túc (bản Minh Phương) dựng lều phía trên lều của chị Hải thì cho hay, trận lũ đã gây ngập rồi đánh sập căn nhà sàn của bà. Hôm đó, con gái của bà làm việc ở TP.Hồ Chí Minh về quê thăm mẹ. Hai mẹ con thấy lũ thốc vào nhà thì sợ quá bỏ chạy lên núi. Sau đó, căng bạt để ở đến hôm nay đã tròn một tháng. “Con gái tôi vẫn chưa trở vào Nam làm việc được vì thương mẹ. Mong sao được nhận đền bù và cấp đất để dựng nhà chứ ở mãi thế này thì khổ quá…” – bà Túc nói.

Trước Trạm Y tế xã Lượng Minh, có hàng loạt căn nhà tạm của người dân các bản Lạ, Minh Phương, Xốp Mạt. Ông Lô Văn Thành, người có căn nhà xây kiên cố 2 tầng đầu tiên của xã ngậm ngùi: “Tôi cứ nghĩ đời mình không còn phải lo chuyện nhà ở. Thế nhưng có thủy điện mà mất nhà. Khi vận động dân di dời, các cấp nói rằng sẽ nhanh chóng nhận được đền bù và đất ở mới. Nhà không thể ở nữa vì sạt lở, chúng tôi buộc phải di dời. Nhưng đến nay mới chỉ nhận được 1/4 số tiền đền bù, đất ở thì chưa thấy đâu, vì vậy rất băn khoăn. Sao lại để dân phải ở thế này mà chờ mong mãi…”.

Ngôi nhà 2 tầng của ông Lô Văn Thành giờ chỉ còn lại chiếc nền bê tông vỡ toác.
Ngôi nhà 2 tầng của ông Lô Văn Thành giờ chỉ còn lại chiếc nền bê tông vỡ toác.

Theo UBND xã Lượng Minh, số hộ dân cần phải di dời tái định cư khẩn cấp của xã sau đợt thủy điện Bản Vẽ xả lũ là 31 hộ. Cùng với 34 hộ dân cần tái định cư khẩn cấp do ở trong vùng nguy cơ ngập, sạt lở bởi ảnh hưởng của thủy điện Nậm Nơn, đến nay tổng số hộ phải di dời khẩn cấp là 65 hộ. Phó Chủ tịch UBND xã Lô Văn Hùng trao đổi: “Tôi cũng là 1 trong số 34 hộ phải di dời trước đây. Hiện nay, tất cả các hộ đều đã di chuyển nhưng do chưa có đất nên phải dựng lều tạm để ở. Về quỹ đất phục vụ công tác tái định cư, đã được huyện và các ngành quy hoạch. Thế nhưng sau quy hoạch thì dừng lại đó cho đến nay chưa thấy chuyển động gì đáng kể. Mong sao các cấp, các ngành quan tâm giải quyết thực hiện chứ như thế này, thật là khó ăn nói với dân…”.

Tìm hiểu tại UBND huyện Tương Dương, Trưởng phòng KT-HT Nguyễn Văn Thắng xác nhận, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 cộng với nước lũ lớn từ Lào đổ về (đỉnh điểm ngày 31/8/2018 lượng nước đổ về hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ đạt kỷ lục 4.300m3/s), Thủy điện Bản Vẽ xả lũ với cường độ rất lớn đã làm hơn 230 hộ dân phải di dời khẩn cấp, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, sạt lở, chìm sâu trong nước. Trong đó, xã Lượng Minh chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất, đặc biệt có 31 hộ dân bản Lạ, Minh Phương, Xốp Mạt tuy đã kịp thời chạy lũ không thiệt hại đến tính mạng nhưng nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, hiện phải ở nhờ tại các bản khác hoặc làm lán trại ở tạm trên đồi, ở dọc các tuyến đường giao thông. Hiện nay, cuộc sống của các hộ dân này hết sức khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, cùng đồng thời thực hiện tái định cư cho 34 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện Nậm Nơn, UBND huyện đã lựa chọn địa điểm quy hoạch tái định cư cho 31 hộ dân tại bản Lả, ngay sau trụ sở UBND xã. Địa điểm quy hoạch đã được các ngành kiểm tra, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, việc xây dựng phải chờ vì kinh phí đầu tư chưa được bố trí.

Trong số ít ngôi nhà còn sót lại trên tuyến đường 543B, có nhà của bà Lô Thị Lan (77 tuổi), nhưng do nằm chênh vênh bên vực, nên bà Lan phải dựng lều tạm để ở.
Trong số ít ngôi nhà còn sót lại trên tuyến đường 543B, có nhà của bà Lô Thị Lan (77 tuổi), nhưng do nằm chênh vênh bên vực, nên bà Lan phải dựng lều tạm để ở.

Dân sẽ phải chờ đến bao giờ? Ông Thắng trao đổi: “Người dân thành ra thế này có nguyên nhân từ các nhà máy thủy điện. Vì vậy, chúng tôi mong muốn dù khó khăn đến mấy cũng cần phải có giải pháp xử lý kịp thời. Có thể trong điều kiện khó khăn, để hoàn thành xây dựng hạ tầng đồng bộ là khó nhưng cần sớm bố trí kinh phí san nền để người dân được chia đất, dựng nhà. Hiện nay, huyện Tương Dương đã có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh cũng như các sở ngành liên quan…”.

Liên quan đến việc di dời khẩn cấp các hộ dân xã Lượng Minh ra khỏi vùng nguy hiểm do ảnh hưởng vùng lòng hồ thủy điện Nậm Nơn, tại Thông báo số 597/TB-UBND ngày 12/10/2017 về giải quyết các vấn đề liên quan đến các dự án thủy điện trên địa bàn huyện Tương Dương, Con Cuông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền chỉ đạo phải hoàn thành trước ngày 30/12/2017. Do chậm được thực hiện, đến ngày 19/4/2018, tại Công văn số 2545/UBND-CN, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND huyện Tương Dương, các chủ đầu tư Thủy điện Bản Vẽ và Thủy điện Nậm Nơn kiểm tra hiện trường các hộ dân có nguy cơ sạt lở, sập nhà tại khu vực lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn.

Cán bộ huyện Tương Dương và xã Lượng Minh đến thăm nhà của hộ gia đình chị Vi Thị Hải.
Cán bộ huyện Tương Dương và xã Lượng Minh đến thăm nhà của hộ gia đình chị Vi Thị Hải.

Qua kiểm tra, Sở Công Thương xác định có 34 hộ dân phải di dời khẩn cấp vì nằm trên cốt giải phóng mặt bằng lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn có nguy cơ sạt lở, sập nhà rất cao. Nguyên nhân là bởi nhà ở, công trình của 34 hộ dân nằm tại sườn núi cao, ven tỉnh lộ 543B, sát bờ sông; trong khi xã Lượng Minh là vùng địa chất yếu, nằm trong đới đứt gãy sông Cả; việc tích nước đến cao trình nước dâng bình thường +76m của Thủy điện Nậm Nơn cũng sát đến nhà 8 hộ dân bản Lạ (phía tả), đồng thời việc mực nước thay đổi liên tục làm cho khả năng gây sạt lở, sụt lún cao hơn. Sở Công Thương đã đề xuất UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tương Dương và Công ty CP Tổng công ty Phát triển năng lượng Nghệ An phối hợp kiểm đếm, thống nhất số lượng hộ bị ảnh hưởng có nguy cơ sập nhà; xác định chính xác nguồn gốc đất đai, phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại để phê duyệt phương án di dời và giá trị hỗ trợ. Yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/5/2018. Đề nghị UBND tỉnh cho phép lập dự án khu tái định cư bản Lạ với diện tích khoảng 3ha để phục vụ việc di chuyển các hộ có nguy cơ sạt lở, sập nhà. Thế nhưng đến nay, việc thực hiện xây dựng dự án khu tái định cư chưa hề chuyển động.

Rõ ràng, việc xây dựng dự án khu tái định cư để ổn định cuộc sống cho 65 hộ dân Lượng Minh do ảnh hưởng của các nhà máy thủy điện là hết sức cần thiết, cấp bách. Nhưng với thực tế đang diễn ra, tính cần thiết, cấp bách đã không được thể hiện. Như cán bộ xã Lượng Minh đang buồn: Nắng lên là… thôi???.

Trên tuyến đường 543B qua các bản Lạ, Minh Phương, Xốp Mạt, chỉ còn thấy những hình ảnh đổ vỡ, tan hoang.
Trên tuyến đường 543B qua các bản Lạ, Minh Phương, Xốp Mạt, chỉ còn thấy những hình ảnh đổ vỡ, tan hoang.

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Nguyễn Trọng Thanh

    Nghệ An ơi buồn quá!