Năm 2018 từ Trung ương đến tỉnh đã có những biến động, thay đổi trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, qua đó đã không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước. Nhân dịp đón chào Xuân Kỷ Hợi 2019, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã dành thời gian trao đổi với Báo Nghệ An xung quanh vấn đề này.
P.V: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Nghệ An là tỉnh rộng nhất cả nước với diện tích tự nhiên 16.400 km2, trên địa bàn có 21 huyện, thành, thị và đặc biệt có đến 480 xã, phường, thị trấn. Với điều kiện tự nhiên, hành chính như thế, việc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ các cấp. Xin đồng chí cho biết một số đánh giá về đội ngũ cán bộ tỉnh ta hiện nay?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh: Trước hết phải nói rằng, người Nghệ An chúng ta từ trước đến nay luôn được đánh giá là thông minh, hiếu học, chịu thương, chịu khó. Bất cứ lĩnh vực nào, ngành nào, cấp nào của cả nước cũng có những tấm gương điển hình là người Nghệ An. Đây là điều rất đáng tự hào. Với sự đổi thay, phát triển của kinh tế, đời sống thời gian qua lại càng tạo ra môi trường, nền tảng quan trọng để cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ, đáp ứng tốt sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Thực tiễn cũng cho thấy, đội ngũ cán bộ tỉnh ta được đào tạo bài bản, có chiều sâu; đặc biệt đội ngũ cán bộ lãnh đạo được bồi dưỡng, đào tạo theo chiến lược các giai đoạn phát triển. Trong mặt bằng chung của cả nước, đội ngũ cán bộ của Nghệ An ngày càng được chuẩn hóa về lý luận, nghiệp vụ và kỹ năng công tác. Với một địa phương có diện tích lớn, dân số đông như Nghệ An thì đây có thể coi là một dạng “tài nguyên” góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, nâng cao đời sống cho người dân.
Thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, công tác cán bộ không ngừng được kiện toàn, phát huy. Nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh phát huy được khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Qua kênh thông tin của người dân từ các chuyến công tác cơ sở, tôi được nghe bà con ghi nhận và kể lại nhiều trường hợp cán bộ chủ chốt gương mẫu, làm được nhiều việc cho dân khiến bà con tin yêu. Đặc biệt, với sự chỉ đạo sát sao của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những năm qua các cấp ủy, chính quyền đã tích cực tổ chức các hoạt động gần dân, sát dân, đối thoại với nhân dân. Hoạt động của hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước suy cho cùng là vì lợi ích của nhân dân nên việc nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin là nhiệm vụ cao nhất của người cán bộ.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy vẫn còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo có biểu hiện xa rời dân, chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chọn việc dễ, thờ ơ với nguyện vọng, tâm tư của nhân dân đây đó vẫn còn tồn tại mà chúng ta cần có biện pháp nghiêm khắc để ngăn ngừa, xử lý.
P.V: Năm 2018 chúng ta đã được chứng kiến những biến động về công tác cán bộ từ cấp Trung ương đến tỉnh. Vậy, giá trị cốt lõi nhất của mỗi cán bộ lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay là gì, thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh: Nói về sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, về sự phát triển của đất nước, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa với xu thế phát triển nhanh chóng, đan xen nhiều thuận lợi và khó khăn cùng những đòi hỏi về kinh tế, vật chất trong giai đoạn hiện nay càng đặt ra thách thức, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, dám xả thân, hy sinh vì sự nghiệp của Đảng và của quần chúng nhân dân.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, đặc biệt là liên quan đến sự vững mạnh của Đảng, sự tồn vong của đất nước, Đảng ta đã ban hành các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa XII) còn ban hành Quy định nêu gương với các nguyên tắc rất cụ thể đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. Đây là những cơ sở rất quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo nghiên cứu, học tập, nâng cao đạo đức cách mạng, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xã hội phát triển như vũ bão với các tiến bộ về khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, người cán bộ trong giai đoạn hiện nay còn phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ theo kịp các đòi hỏi của đời sống. Người cán bộ, đảng viên phải nêu gương, lấy lợi ích của Đảng, của nhân dân để làm động lực và mục tiêu phụng sự. Mỗi cán bộ phải xây dựng cho mình tinh thần đấu tranh với cái xấu, các biểu hiện lệch lạc, sai trái, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, tạo dựng niềm tin cho quần chúng nhân dân.
Người cán bộ cũng xuất thân từ nhân dân nên phải xác định phương châm và nguyên tắc làm việc là: gần dân, nghe dân và học tập nhân dân.
P.V: Trong hệ thống chính trị cũng như bộ máy Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là mắt xích cuối cùng. Tuy nhiên, đây lại là những người trực tiếp tiếp xúc và giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Đồng chí có đánh giá gì về đội ngũ cán bộ cấp xã của tỉnh nhà hiện nay? Yêu cầu cao nhất đối với đội ngũ này là gì, thưa đồng chí?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh: Tỉnh Nghệ An có 480 xã, phường, thị trấn, chỉ tính cán bộ chủ chốt giữ cương vị Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND cấp xã cũng có đến 890 người. Nếu tính cả số cán bộ, công chức hưởng ngân sách Nhà nước thì số lượng là hơn 10.000 người. Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền nên cán bộ cấp xã của Nghệ An ngày càng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sinh động đặt ra. Hiện nay, 100% cán bộ cấp xã có trình độ đại học, nhiều người có trình độ sau đại học. Bên cạnh đó, cán bộ xã, phường, thị trấn của tỉnh ta có bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng, có kinh nghiệm thực tiễn và được nhân dân tin tưởng.
Tuy nhiên, về khách quan vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ cấp xã thiếu năng lực công tác, chậm đổi mới, nhất là khu vực miền núi. Một bộ phận không chịu nghiên cứu học tập nghị quyết, trong chỉ đạo, điều hành còn cứng nhắc, lạm quyền.
Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra cho đội ngũ cán bộ cấp xã là có năng lực và kiến thức vững vàng để nắm bắt vững chắc các thông tin, tình hình tại cơ sở. Dự báo được các vấn đề và diễn biến về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân, qua đó giải quyết tốt yêu cầu đặt ra. Người cán bộ cơ sở phải có bản lĩnh, năng lực, trình độ và cái tâm trong sáng để xử lý hài hòa các mối quan hệ mà thực tiễn đòi hỏi. Đó là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nắm chắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để phổ biến vào cuộc sống. Phải thường xuyên nêu gương, xác định mục tiêu phục vụ nhân dân, chăm lo đời sống của nhân dân là yêu cầu tối thượng. Trên cơ sở đó đề ra được các giải pháp, chương trình cụ thể thực hiện công tác cải cách hành chính toàn diện nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.
Tiếp xúc với người dân hằng ngày, cán bộ chủ chốt cấp xã là người đại diện của Đảng và chính quyền ở cơ sở, chính vì vậy phải luôn trau dồi, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất cách mạng, đẩy mạnh việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn để đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm phục vụ nhân dân tốt hơn.
P.V: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, năm 2018 lần đầu tiên Thường trực Tỉnh ủy, đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy tổ chức chương trình gặp mặt những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Qua nắm bắt thực tế cho thấy, rất nhiều cán bộ, đảng viên mong muốn Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hoạt động này nhiều hơn, một số ý kiến đề xuất là Tỉnh ủy nên tổ chức gặp mặt theo vùng, theo cụm xã, phường với những đặc điểm tương đồng. Đồng chí có chia sẻ gì về điều này?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh: Trong năm 2018, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức được hoạt động gặp gỡ đối thoại với những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn và thu hái được nhiều kết quả. Thực ra lâu nay, theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, các địa phương cũng đã tổ chức tốt hoạt động đối thoại, tiếp xúc với nhân dân. Theo quy định, công tác tiếp dân tại cấp huyện được tiến hành 2 lần/năm. Còn đối với cấp xã, cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức nhiều hơn, tùy vào thực tiễn để Đảng ủy, chính quyền và MTTQ tiến hành đối thoại, tiếp dân.
Trở lại với sự kiện Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp gỡ, đối thoại với cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn vào cuối tháng 5/2018. Trước hết, cái được của Thường trực Tỉnh ủy là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ chủ chốt cấp xã. Chúng ta biết rằng, từ cấp tỉnh xuống cấp huyện là một bậc, xuống cấp xã lại thêm một bậc nữa. Việc Thường trực Tỉnh ủy gặp gỡ cán bộ cấp xã cũng nhằm xóa nhòa khoảng cách, tạo điều kiện cho cán bộ chủ chốt cơ sở nói tiếng nói của mình. Đây cũng là cách để Thường trực Tỉnh ủy khẳng định sự quan tâm của mình đối với đội ngũ cán bộ tại địa bàn; trên cơ sở đó kiểm tra việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đời sống.
Sự kiện Thường trực Tỉnh ủy gặp gỡ và đối thoại với cán bộ chủ chốt cấp xã đã thành công ngoài mong đợi. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm, mong mỏi của đội ngũ cán bộ cấp xã đối với lãnh đạo cao nhất của tỉnh.
Về đề xuất tổ chức gặp gỡ đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với các xã, tôi cũng đã có kế hoạch và dự tính đến, nhất là khi thông qua các cuộc làm việc tiếp xúc ở cơ sở tôi cũng đã nhận được đề nghị của nhiều địa phương. Thực tế thời gian qua Tỉnh ủy đã có chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức gặp gỡ, đối thoại với nhân dân ít nhất 2 lần/năm. Hoạt động này được các địa phương duy trì đều đặn, hiệu quả tương đối tốt. Thường trực Tỉnh ủy sẽ cân nhắc tổ chức các hoạt động tiếp xúc đối thoại với cán bộ chủ chốt cấp xã. Suy cho cùng, nguyện vọng của cơ sở cũng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển của toàn tỉnh.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về những trao đổi!