Mùa Xuân, biết ơn và khát vọng!

Cách đây 94 năm, có một mùa Xuân rất đặc biệt. Mùa Xuân 1930 không chỉ là mùa Xuân của quy luật vận hành đất trời mà là mùa Xuân của lý tưởng, tình yêu, khát vọng hạnh phúc. Mùa Xuân ấy là hoa, là quả của biết bao tháng ngày gian truân, vất vả trong những đêm trường giá lạnh nơi đất khách và sự rình rập của kẻ thù để tìm kiếm, khảo cứu, lựa chọn con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam. Mùa Xuân ấy có sự thẩm thấu, kết tinh bởi vị mặn của mồ hôi, vị cay của nước mắt, vị đắng của tình yêu, sự thăng trầm của cảm xúc của lớp thanh niên yêu nước lúc bấy giờ. Đấy là mùa Xuân giao ước về sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, mà Nguyễn Ái Quốc là người dẫn dắt, tổ chức và chủ trì.

Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Versailles, Pháp. Nguồn: Tư liệu
Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Versailles, Pháp. Nguồn: Tư liệu

Để có mùa Xuân tuyệt đẹp năm ấy, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã dày công khảo cứu, phân tích và lựa chọn. Người không đi theo con đường cứu nước của các vị tiền bối, vì nhận thấy: Cụ Phan Chu Trinh yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”; cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật Bản giúp đỡ để đuổi Pháp, “chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; cụ Hoàng Hoa Thám trực tiếp đấu tranh chống Pháp nhưng “còn nặng cốt cách phong kiến”[1]. Nguyễn Ái Quốc từng tìm hiểu Đại cách mạng Pháp năm 1789 với bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền và khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” nổi tiếng; cách mạng Bắc Mỹ với Tuyên ngôn độc lập năm 1776 tuyên bố về quyền con người và một số cuộc cách mạng tư sản khác, nhưng nhận thấy đây vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu cách mạng của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, Người tìm được và quyết định đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 của Lênin – lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới – người đã kế thừa và phát triển di sản vĩ đại của Mác – Ăngghen.

Qua thời gian chuẩn bị về lý luận, tổ chức và cán bộ, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930 tại Cửu Long – Hương Cảng – Trung Quốc, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo, trong đó xác định rõ đường lối cách mạng Việt Nam. Người cũng ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng. Những văn kiện được Hội nghị thông qua là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Tranh vẽ minh họa - Nguồn: Tư liệu
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Tranh vẽ minh họa - Nguồn: Tư liệu

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, báo hiệu kết thúc “màn đêm đen tối” của cuộc đời nô lệ, lầm than dưới gót giày xâm lược của kẻ thù ngoại bang; mở ra bước ngoặt vĩ đại cho cách mạng Việt Nam, chấm dứt khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đảng ta vĩ đại thật. Từ ngày bị đế quốc Pháp xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra”. “Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đêm đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi”[2].

Đảng ra đời, vạch rõ đường lối cách mạng đúng đắn, tập hợp lực lượng, đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc cùng chung tư tưởng, nhận thức và hành động cách mạng, giành những thắng lợi vĩ đại. Hơn nữa, Đảng chủ trương cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới, nên tranh thủ được ủng hộ to lớn từ cách mạng thế giới và có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Trải qua 94 năm với 13 kỳ đại hội, Đảng ta lãnh đạo cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi vĩ đại.

Một là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Đảng căn cứ tình hình cụ thể trong nước và thế giới, xử lý khéo léo nhiều mối quan hệ, nhất là quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ dân chủ, huy động sức mạnh toàn dân, tận dụng thời cơ quốc tế thuận lợi. Khi thời cơ đến, Đảng ta nhanh chóng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, phát động quần chúng khởi nghĩa từng phần tiến đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, đem đến thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong 15 năm ấy, Đảng phải hoạt động bí mật. Hàng ngày, hàng giờ, Đảng phải đương đầu với chính sách khủng bố cực kỳ dã man của thực dân Pháp. Nhiều cán bộ lãnh đạo và đảng viên đã anh dũng hy sinh nhưng do tin tưởng sâu sắc rằng, cuối cùng Đảng nhất định thắng lợi, cách mạng nhất định thành công, cho nên số đảng viên ngày càng đông, lực lượng Đảng ngày càng mạnh.

Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu
Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta có Đảng lãnh đạo. Chấm dứt hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân Pháp cùng gần 5 năm thống trị của phát xít Nhật kết thúc; chính quyền về tay nhân dân, chấm dứt chế độ phong kiến nước Nam tồn tại mấy ngàn năm. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống. Đây chính là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á, đồng thời có thể xem là bước phát triển thứ ba trong tiến trình hiện thực hóa CNXH khoa học. Nếu như chúng ta xem Công xã Pari năm 1871 là bằng chứng hiện hình của lý luận Mác-Ăngghen về nhà nước kiểu mới, thì Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là hiện thực chủ nghĩa Mác được Lênin phát triển trong điều kiện mới. Còn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sản phẩm của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam.

Hai là, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp quyết định mở Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp quyết định mở Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta mới 15 tuổi phát huy cao độ sáng tạo, khéo léo vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh, đi đến bến bờ vinh quang. Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai với chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, thực hiện phương châm toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh là chính. Cuối cùng, với 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, chúng ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, rút quân về nước, lập lại hòa bình trên cơ sở thừa nhận chủ quyền dân tộc của ba nước Đông Dương, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Chúng ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Nguồn: Tư liệu
Chúng ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Nguồn: Tư liệu

Tuy nhiên, do so sánh lực lượng và tình hình chính trị thế giới phức tạp lúc đó, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ khác nhau: Miền Bắc được giải phóng, đi lên con đường CNXH; miền Nam tạm thời bị đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai thống trị. Sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân ta trên cả nước còn chưa hoàn thành, vì đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai không ngừng thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới. Nhân dân Việt Nam vừa phải lo hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, đưa miền Bắc tiến dần lên con đường CNXH, vừa phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất đất nước. Trong quá trình ấy, Đảng ta đã phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, xác định bước đi phù hợp với hoàn cảnh mới, đề ra đường lối đúng đắn, lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ Cách mạng XHCN ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, đưa đất nước vững bước tiến đến thắng lợi.

Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, qua 21 năm chiến đấu anh dũng (1954-1975), chúng ta đã đánh tan các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ cùng lực lượng tay sai ngụy và quân chư hầu. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi này đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên CNXH, đồng thời “làm thay đổi cơ bản tình hình Đông Nam Á, có lợi cho các lực lượng hòa bình và tiến bộ, đóng góp quan trọng làm dịu tình hình chung trên thế giới và củng cố an ninh quốc tế”[3].

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nguồn: Tư liệu
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nguồn: Tư liệu

Ba là, thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ CNXH với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kết thúc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với bản lĩnh liên tục tôi luyện qua thực tiễn chiến tranh cách mạng, Đảng ta tiếp tục đưa ra chủ trương, đường lối lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Trong quá trình ấy, Đảng cũng lãnh đạo nhân dân chống hai cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cùng làm nhiệm vụ quốc tế. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới, việc duy trì lâu dài cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp khi nó không còn phù hợp với thực tiễn và đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm nhất định, đất nước ta có giai đoạn rơi vào trì trệ, khủng hoảng kinh tế – xã hội trong những năm đầu cả nước xây dựng CNXH. Nhưng điều thật đáng tự hào là Đảng ta đã kịp thời tổng kết thực tiễn, tìm nguyên nhân khắc phục, vạch đường lối đổi mới đất nước, mở ra một bước ngoặt vĩ đại mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (diễn ra từ ngày 15 - 18/12/1986) xác định đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, giữ vững ổn định chính trị là tiền đề để bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Nguồn: Tư liệu
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (diễn ra từ ngày 15 - 18/12/1986) xác định đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, giữ vững ổn định chính trị là tiền đề để bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Nguồn: Tư liệu

Đảng ta không ngừng phát triển tư duy lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; bổ sung và hoàn thiện đường lối xây dựng toàn diện đất nước, xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Gần 40 năm đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đã đem lại cho đất nước nhiều thành tựu đáng tự hào, trở thành nước đang phát triển, vị thế ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân cải thiện rõ rệt; dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng; chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh giữ vững…

Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá như một điển hình tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, có mức độ hấp dẫn đầu tư nhất trong khối ASEAN. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với GDP năm 1990 mới đạt 14 tỷ USD, năm 2010 đạt 116 tỷ USD thì đến năm 2022 tổng GDP đạt 409 tỷ USD. GDP/người năm 1990 mới đạt 250 USD, năm 2010 đạt 1.331 USD, đến năm 2022 đạt 4.110 USD. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia; có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với 224 nước và vùng lãnh thổ; ký 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; có 16 đối tác chiến lược, trong đó 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định quốc tế song phương và đa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ấn nút khởi công VSIP Nghệ An II, ngày 29/8/2023. Ảnh: CTV
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ấn nút khởi công VSIP Nghệ An II, ngày 29/8/2023. Ảnh: CTV

Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng 94 năm qua là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết chiến đấu vô địch của nhân dân ta vì độc lập, tự do, vì CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là thực tế sinh động, minh chứng về vai trò, sự vĩ đại của Đảng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”[4].

Chúng ta luôn khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta”. Để có Đảng ra đời, trưởng thành, tất yếu phải có công lao to lớn của những người yêu nước hoạt động miệt mài và rất nhiều cán bộ, đảng viên cống hiến, hy sinh tính mạng. Được hưởng thụ cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, thanh bình của một đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất hôm nay, không thể quên ơn người đã tạo dựng và ngã xuống trong bom đạn của kẻ thù, thậm chí gửi lại xương máu nơi biên thùy, rừng thiêng nước độc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim Oanh (phường Hồng Sơn, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Thành Duy
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim Oanh (phường Hồng Sơn, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Thành Duy

Đón Xuân này, phải nhớ Xuân xưa, nâng ly rượu Xuân nồng ấm, chúc nhau năm mới an khang, càng biết ơn Đảng, Bác Hồ, các anh hùng, liệt sĩ, người có công cách mạng. Biết ơn để khát vọng, ra sức phấn đấu, cống hiến, góp sức dựng xây đất nước giàu đẹp, sánh vai các cường quốc năm châu; kiên quyết đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch và sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời hịch đó đã, đang và tiếp tục kích thích lòng tự hào dân tộc, khát vọng hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030 xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Trách nhiệm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải chung sức, đồng lòng thực hiện được mục tiêu đó, cũng là báo ơn với người có công và minh chứng đập lại những luận điệu chống phá, đòi “đa nguyên chính trị, đa Đảng đối lập”, ảo tưởng về “sự sụp đổ sứ mệnh của Đảng Cộng sản”.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của cả dân tộc, ăn sâu vào lòng dân, bám rễ từ cơ sở lịch sử cách mạng đến minh chứng về thắng lợi vĩ đại. Lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ và người có công cách mạng phải gắn với khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường. Làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh, hạnh phúc chính là cách báo ơn thiết thực nhất. Đón Xuân mới, thêm động lực mới, càng nêu cao trách nhiệm, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, đó là tiếp nối và phát huy sức Xuân của 94 năm về trước.


[1] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, HN, 1975, tr.12-13.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.401
[3] Thế giới ca ngợi thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, Nxb. Sự thật, HN, 1977, tr.23.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.402.