Về những nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ trường có học sinh dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh, GS. TS. Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT đã dành cho PV Báo Nghệ An một cuộc trao đổi cởi mở. Ngay từ đầu, ông đã nói về những thiệt thòi của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh. Rằng tỉnh Nghệ An có nhiều huyện núi cao, với số lượng dân cư rất đông là đồng bào các dân tộc thiểu số không thua kém các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái… Thế nhưng Nghệ An không được công nhận là tỉnh miền núi nên không được hưởng các chính sách như tỉnh miền núi. Đây là một thiệt thòi cho đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh, và đương nhiên con em của họ cũng chịu thiệt thòi.
Cũng tương tự như Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương Nguyễn Văn Hải phân tích (đã nêu ở bài viết trước), GS. TS. Thái Văn Thành nhìn nhận những chính sách hiện hành đang có một số bất cập. Ví dụ như Quyết định số 861/QĐ-TTg về phân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021 – 2025 đã khiến một bộ phận người dân không được hưởng chính sách hỗ trợ về BHXH, một bộ phận các cháu học sinh không còn được hỗ trợ gạo hàng tháng. Hay như việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngay sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân không còn được hưởng chế độ hỗ trợ về BHYT, các cháu học sinh không được hưởng chế độ của Nghị định 116/NĐ-CP…
Giám đốc Sở GD&ĐT phân tích: “Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước cùng với đóng góp vật chất, công sức lao động của người dân nên xã, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Nhưng dù xã, bản đạt chuẩn nông thôn mới với đường sá khang trang, trường học, trạm xá… được xây mới thì về bản chất đời sống kinh tế của người dân vẫn chưa thực sự thay đổi. Vì vậy, cắt chính sách hỗ trợ đối với người dân nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao thì chưa phù hợp. Đúng ra cần phải có lộ trình, hoặc 5 năm hoặc 3 năm để đồng bào kịp thích nghi, làm như thế, mất đi động lực phấn đấu…”.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhìn nhận, ở các huyện miền núi của tỉnh, quãng đường học sinh nói chung từ nhà đến trường rất xa, qua nhiều đèo dốc, sông suối rất vất vả. Học sinh THPT thì còn vất vả hơn vì mỗi huyện chỉ có từ 1 – 2 trường THPT bố trí ở khu vực trung tâm. Trường không còn chế độ nội trú nên không có cách nào khác học sinh phải thuê nhà ở trọ, mà điều này dẫn đến nhiều bất cập. Chính vì vậy, thực hiện trường nội trú, hoặc bán trú là hết sức cần thiết. Có trường nội trú, bán trú, các em có thuận lợi ở chỗ không phải đi lại vất vả, có sự quản lý của nhà trường. Trong các trường phổ thông ở miền núi, tỷ lệ giáo viên miền xuôi chiếm số đông, đa số từ 50% trở lên. Những giáo viên miền xuôi lên vùng cao dạy học thì ở nhà công vụ của trường, rất thuận lợi trong việc kèm cặp học sinh học tập, rèn luyện kỹ năng. Bản thân các học sinh, gồm nhiều dân tộc thiểu số khác nhau khi được sống trong môi trường nội trú, bán trú sẽ được sinh hoạt câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu văn hóa để có thể thay đổi, xóa đi những hủ tục lạc hậu…
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành, vì chính sách hiện hành có bất cập dẫn đến nhiều khó khăn cho các địa phương, vì vậy, để giải quyết khó khăn thì địa phương cần phải xây dựng những chính sách mang tính đặc thù riêng. Với tỉnh Nghệ An, năm 2021 đã có Nghị quyết số 03 – NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025. Để thực hiện Nghị quyết số 03 – NQ/TU, tháng 10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Đề án này đã đề ra giải pháp xây dựng, triển khai mô hình trường phổ thông dân tộc tiểu học, THCS kiểu mới; thí điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú THPT.
Tuy nhiên để thực hiện Đề án, triển khai trường phổ thông bán trú kiểu mới thì các trường sẽ cần nhân lực làm công tác phục vụ, nấu ăn cho học sinh; cần nhân lực làm công tác quản sinh; bên cạnh đó, sẽ phát sinh các khoản tiền điện, tiền nước… Vì vậy, cần phải xây dựng chính sách để các nhà trường được hỗ trợ kinh phí chi trả cho bộ phận làm công tác phục vụ, nấu ăn cho các cháu; cho các thầy cô giáo làm công tác quản sinh; chi trả các khoản tiền điện, tiền nước…
“Chỉ có xây dựng được các chính sách hỗ trợ thì mới thực hiện được trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới. Vì vậy, đây là một nội dung rất quan trọng. Thời gian qua Sở GD&ĐT đang tích cực tham mưu để HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết này…” – GS.TS. Thái Văn Thành nhấn mạnh.
Trong quá trình thực hiện tuyến bài này, PV Báo Nghệ An được tiếp cận bản dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ trường có học sinh dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh của Sở GD&ĐT tỉnh.
Bản dự thảo đã nêu bật quan điểm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục và đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; làm rõ những căn cứ pháp lý để xây dựng Nghị quyết. Đồng thời, bằng am hiểu và tâm huyết của những người làm công tác quản lý giáo dục, đã thẳng thắn nhìn nhận: “Chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong tỉnh còn có sự chênh lệch lớn; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Trường, lớp học chưa đảm bảo, các yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục; nơi ăn, chỗ ở của học sinh các trường có học sinh dân tộc bán trú còn nhiều thiếu thốn; chế độ cho học sinh, giáo viên, nhân viên còn có một số bất cập; sự bất bình đẳng cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục ngày càng lớn. Bất bình đẳng trong giáo dục xói mòn động lực phấn đấu của người trẻ, làm giảm mức độ năng động của sự dịch chuyển xã hội, là nguồn gốc tạo ra bất ổn xã hội”. Qua đó khẳng định “việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên, nhân viên trường có học sinh dân tộc bán trú (học sinh hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ) trên địa bàn tỉnh Nghệ An là hết sức cần thiết và cấp bách”; và đây là “cụ thể hóa chính sách của tỉnh đối với phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo”.
Về chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên, nhân viên trường có học sinh dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh, tại dự thảo đưa ra 3 nhóm cần hỗ trợ. Gồm: nhóm nội dung hỗ trợ nhà trường; nhóm nội dung hỗ trợ giáo viên, nhân viên; nhóm nội dung hỗ trợ cho học sinh.
Đối với nhóm nội dung hỗ trợ nhà trường, gồm có hỗ trợ kinh phí chi trả tiền dạy các chương trình tăng cường cho trường thực hiện thí điểm mô hình trường PTDTBT kiểu mới; hỗ trợ kinh phí trang bị phòng học trực tuyến, STEM; hỗ trợ tiền điện nước.
Nhóm nội dung hỗ trợ giáo viên, nhân viên gồm hỗ trợ kinh phí thuê người nấu ăn cho trường có học sinh dân tộc bán trú có số lượng từ 150 học sinh dân tộc bán trú trở lên; hỗ trợ kinh phí cho trường phổ thông có tổ chức nấu ăn, ở cho học sinh dân tộc bán trú (trừ trường phổ thông dân tộc bán trú) chi cho giáo viên, nhân viên được giao thêm nhiệm vụ quản lý học sinh dân tộc bán trú.
Và cuối cùng là nhóm nội dung hỗ trợ cho học sinh, cụ thể hỗ trợ tiền ăn cho học sinh phổ thông đang học tại các trường có học sinh dân tộc bán trú mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn, bản khu vực III chuyển thành xã, thôn, bản khu vực I khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐUBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc hoặc các Quyết định cấp có thẩm quyền phê duyệt có hiệu lực (mức hỗ trợ giảm dần từ 30% mức lương cơ sở/tháng/HS, bắt đầu từ năm học 2023-2024, về 10% mức lương cơ sở/tháng/HS và kết thúc vào năm học 2025-2026; thời gian hỗ trợ theo thời gian thực học, không quá 9 tháng/năm học).
Là một trong những cán bộ tham gia xây dựng dự thảo, và được Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành cho biết “có sự am hiểu sâu sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, thầy Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn giải thích cho chúng tôi biết đầy đủ những lý do dẫn đến việc Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 49/2008/QĐ-BGDĐT. Theo thầy Nguyễn Hồng Hoa, công tác giáo dục ở mỗi giai đoạn đều có những thay đổi; với đặc thù riêng có của tỉnh thì nay đã khác, cần có sự thay đổi. Ông cũng thành thật: “Nếu là phụ huynh ở huyện núi cao có con trong độ tuổi vào THPT, tôi sẽ không dám để con mình ở trọ…”. Đồng thời nói ra tâm nguyện của mình: Chúng tôi không giấu thực trạng của giáo dục cấp THPT các huyện vùng cao, thực trạng học sinh đang phải sống trong những căn phòng trọ xập xệ để vượt qua nấc thang cuối của bậc học phổ thông. Mà mong muốn thực trạng này được nói ra, để các cấp, sở, ngành thống nhất cùng Sở GD&ĐT tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên, nhân viên trường có học sinh dân tộc bán trú…
Lắng nghe từ phía HĐND tỉnh, được biết Ban Văn hóa – Xã hội đã góp ý dự thảo đề cương Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên, nhân viên trường có học sinh dân tộc bán trú. Đồng thời, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã có Thông báo phân công chuẩn bị nội dung kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026; trong đó, giao Sở GD&ĐT chuẩn bị nội dung “Nghị quyết quy định nội dung và mức chi thực hiện thí điểm trường bán trú kiểu mới trên địa bàn tỉnh”. Là những cán bộ Ban Văn hóa – Xã hội của HĐND tỉnh sát và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục vùng cao, ông Chu Đức Thái – Trưởng ban và bà Lục Thị Liên – Phó Trưởng ban cùng thống nhất đây là một nội dung rất cần thiết, rất phù hợp, nhằm hỗ trợ việc thực hiện bán trú cho các học sinh vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn các huyện miền núi. Như Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, bà Lục Thị Liên trao đổi: “Để công tác xây dựng Nghị quyết đảm bảo đúng quy định, có chất lượng, Ban Văn hóa – Xã hội có một số góp ý đề cương Nghị quyết. Trong đó lưu ý cơ quan soạn thảo là Sở GĐ&ĐT cần rà soát lại các chính sách của Trung ương và của tỉnh tránh trùng lặp, chồng chéo chính sách. Chúng tôi nghĩ rằng, dù tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng cũng cố gắng để thực hiện…”.