Ở thị trấn Mường Xén, huyện biên giới Kỳ Sơn, nhờ sự giúp đỡ của Tập đoàn Trung Nam, từ năm học 2022 – 2023, ngôi trường THPT nằm bên dòng Nậm Mộ chính thức được sử dụng với cơ sở vật chất mà tất cả các trường đồng cấp trên cả nước đều phải mơ ước. Đó là hệ thống 43 phòng học, 8 phòng thiết bị thực hành thí nghiệm, 1 thư viện, 12 phòng chức năng với đầy đủ tiện nghi. Bên cạnh đó, trường còn có 2 khu nhà nội trú dành cho giáo viên và học sinh. Tính riêng khu nội trú dành cho học sinh, là 3 khu nhà cao tầng với tổng số 126 phòng khép kín, đủ đảm bảo cho từ 8 – 10 em/phòng nghỉ ngơi, học tập sau những giờ lên lớp. Khu nội trú này còn đồng thời được kết nối với một hệ thống nhà bếp hiện đại, có phòng ăn chung đảm bảo chỗ ngồi cho 1.000 học sinh…
Với cơ sở vật chất như vậy, được UBND tỉnh và Sở GD&ĐT cho phép, từ tháng 2/2023, Trường THPT Kỳ Sơn lên kế hoạch thí điểm mô hình bán trú kiểu mới dành cho 300 học sinh có chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP. Ban Quản sinh của trường đã được thành lập gồm 16 thành viên đều là những cán bộ, giáo viên cốt cán đang đảm trách những nhiệm vụ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Bí thư Đoàn Thanh niên, y tế, giáo viên…
Để quản lý nội trú một số lượng rất đông học sinh như vậy là không hề đơn giản, trong khi nhân sự, quy chế hoạt động đều chưa có, chi phí phát sinh lớn nên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của phụ huynh và nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, đến tháng 3/2023, đã có 345 học sinh (197 nam, 148 nữ) là con em đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú vào ở nội trú dưới sự quản lý của Ban Quản sinh nhà trường.
Vào ở khu nội trú, trong phòng nghỉ các em được trang bị chăn, ga, gối…; được đảm bảo khẩu phần ăn 3 bữa sáng, trưa, tối/ngày với định mức 22.000 đồng; được bộ phận y tế thăm khám sức khỏe… Quan trọng hơn là các học sinh còn được các thầy, cô giáo bổ sung kiến thức trong các buổi học miễn phí ban đêm, rèn luyện nề nếp học tập, kỹ năng sống… và được tham gia các câu lạc bộ của nhà trường, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao.
Từ việc thử nghiệm mô hình bán trú kiểu mới, Trường THPT Kỳ Sơn đã kết thúc năm học 2022 – 2023 với sự vượt trội về mọi mặt so với trước đây. Bước vào năm học 2023 – 2024, ngôi trường THPT duy nhất của huyện Kỳ Sơn có 1.713 học sinh; trong đó có đến 1.450 học sinh vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP. Để giúp học sinh có được môi trường học tập an toàn, lành mạnh, trong tháng 8/2023 nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh, thông tin cụ thể chủ trương và mục đích của việc đưa học sinh vào ở nội trú, để phụ huynh và học sinh tự nguyện đăng ký. Kết quả, đến ngày khai giảng năm học mới 2023 – 2024, có 728/1.450 học sinh đã vào ở tại khu nội trú nhà trường.
Có mặt tại khu nội trú Trường THPT Kỳ Sơn chiều ngày 14/9, tại khu bếp ăn có 5 nhân viên đang tập trung lo cho các học sinh bữa ăn tối gồm cơm, trứng rán, măng xào, canh rau cải. Nhìn bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng này, lại chạnh lòng nhớ hình ảnh bếp nấu đơn sơ gồm chỉ vài cành rau cải héo, vài quả ớt, xúp… của em Hoa Thị Lan Anh ở bản Huồi Phong, xã Mường Ải (Kỳ Sơn), và nghĩ về những dãy nhà trọ tồi tàn ở Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông…
Ghé đến một số phòng ở trong khu nội trú, phòng nam cũng như phòng nữ, đều khép kín với diện tích khá rộng và được trang bị hệ thống giường cùng đồ dùng sạch sẽ tinh tươm. Em Cụt Thị Hoa là học sinh lớp 12 hiện cùng 7 bạn ở trong một gian phòng như vậy. Hoa kể, trước đây em thuê trọ ở bên ngoài trường, nay thì được nhà trường đưa vào ở nội trú trong trường. Vào đây Hoa thấy rất thoải mái, và nhờ có sự quan tâm của thầy cô giáo, được học thêm buổi đêm miễn phí nên việc học tập tốt hơn. Hoa vui vẻ nói: “Vào ở trong khu nội trú cháu thấy cả kiến thức và điểm số đều cao hơn khi đang trọ ở ngoài. Bố cháu cũng đã đến trường thăm cháu và bố rất vui vì ở đây hơn hẳn ở ngoài. Nhiều bạn của cháu đang thuê trọ cũng được muốn vào ở ký túc xá…”.
Khi đi thực tế tại những khu trọ bên ngoài Trường THPT Kỳ Sơn, chúng tôi không chỉ được em Hoa Thị Lan Anh ở bản Huồi Phong, xã Mường Ải nói về nguyên nhân chưa vào ở nội trú. Mà còn được nghe một số học sinh đang ở trọ như các em Lầu Y Đía, học sinh lớp 11, nhà ở bản Mường Lống 2, xã Mường Lống; Xồng Y Cở, học sinh lớp 11, nhà ở bản Ái Khe, xã Mường Ải… tâm tư. Chung nhất như các em đã nói ra, nguyên nhân là nghĩ khi vào ở nội trú thì sẽ bị các thầy cô quản lý, bị ràng buộc bởi các quy định, không còn được thoải mái…
Theo Ban Giám hiệu Trường THPT Kỳ Sơn, công suất phòng ở nội trú của trường được khoảng 1.100 học sinh. Và trường mong muốn đưa được tối đa học sinh vào ở nội trú để các em giảm bớt khó khăn, không phải chịu những tác động xấu của xã hội, lại được các thầy, cô giáo hỗ trợ học tập tốt nhất. Tuy nhiên, dù đã tích cực vận động thì năm học này, vẫn còn khoảng 700 em thuê ở trọ bên ngoài. Nhà trường đã nắm bắt tâm tư của các em, và thấy có nhiều nguyên nhân. Một số em muốn ở ngoài vì nếu vào khu nội trú sẽ bị cắt kinh phí hỗ trợ tiền nhà ở (10% mức lương cơ bản) theo quy định; một số em được gia đình đảm bảo thực phẩm, muốn dành tiền hỗ trợ theo Nghị định 116/NĐ-CP (50% mức lương cơ bản cho tiền ăn, tiền nhà ở) trang trải cho các sinh hoạt khác; một số em có phụ huynh đi làm ăn xa, không nắm bắt được chủ trương của nhà trường nên tùy theo lựa chọn của con cái…
Thầy Thái Tài Thủy – Phó Hiệu trưởng, Phó Trưởng ban nội trú Trường THPT Kỳ Sơn trao đổi, việc đưa học sinh vào ở nội trú là trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Với nỗ lực của trường sau thời gian thử nghiệm, đưa được 728 cháu vào ở nội trú đã là cố gắng lớn, và trường sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhất có thể mô hình này để phụ huynh dần hiểu, tự nguyện đồng hành. Tuy vậy, theo thầy Thủy, qua thử nghiệm thì thấy có một số vấn đề đáng quan tâm. Đó là về nhu cầu ăn uống sinh hoạt của học sinh THPT cao hơn nhiều so với các em THCS, Tiểu học, vì vậy, chế độ hỗ trợ các em THPT theo Nghị định 116/NĐ-CP là chưa phù hợp, còn thấp. Trong khi đó, kinh phí để chăm lo cho các em là từ nguồn kinh phí hỗ trợ này nên trường gặp khó khăn trong việc giải quyết chế độ cho đội ngũ nhà bếp, chi trả tiền điện, tiền nước, thuốc men… Đồng thời, hiện nay tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đều đang giúp học sinh của mình trên tinh thần tự nguyện, không có chế độ hỗ trợ gì, dù mất nhiều thời gian và rất vất vả.
Thầy Thái Tài Thủy trao đổi thêm: “Qua một thời gian thử nghiệm, chúng tôi đánh giá mô hình này giúp nâng cao chất lượng giáo dục, cụ thể là qua kỳ thi tốt nghiệp 2022 – 2023 đã có kết quả vượt trội so với những năm trước. Học sinh THPT là nấc thang cuối trong giáo dục phổ thông, bởi vậy, với kết quả của các em trong năm học vừa qua khiến những người làm công tác giáo dục chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Với cơ sở vật chất hiện có, chúng tôi cố gắng để các học sinh của mình đều vào ở nội trú, không bị thua thiệt với bạn bè. Nhưng mong muốn cấp trên quan tâm, xem xét giải quyết những vấn đề nhà trường gặp khó khăn. Để mô hình bán trú kiểu mới có thể được duy trì có hiệu quả…”.