Tại Trường THPT Quế Phong, khi đề nghị đánh giá thực trạng học sinh vùng sâu, vùng xa trong những khu trọ, những người làm công tác quản lý giáo dục nơi này đã đưa ra Báo cáo số 21/BC-THPT “Tình hình và nguy cơ vi phạm tệ nạn xã hội và an ninh, trật tự trường học” của trường lập từ năm 2018 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện Quế Phong…; khẳng định đây là vấn đề rất được trường quan tâm, thậm chí, đã quan tâm từ nhiều năm.
Xem Báo cáo số 21/BC-THPT, cảm nhận rõ tâm tư, tình cảm của nhà trường với học sinh vùng khó. Bởi tại đây có những nhận xét rất kỹ về tâm, sinh lý của học sinh. Rằng “100% học sinh trọ học là người dân tộc thiểu số định cư ở các bản vùng sâu, vùng xa trung tâm. Ở độ tuổi mới lớn, hiếu động, thích thể hiện, chơi trội… Bên cạnh đó, do nhận thức xã hội còn hạn chế, lại ở xa gia đình nên các em dễ bị tiêm nhiễm, lôi kéo, dụ dỗ bởi những đối tượng xấu ngoài xã hội”. Và có dự báo rất cụ thể: “Các nhà trọ không đảm bảo vệ sinh, ánh sáng, an toàn cháy, nổ, cũng như an ninh, trật tự. Đa số các nhà trọ bỏ mặc cho học sinh ăn ở tùy tiện, thiếu sự quản lý. Các em học sinh ở trọ về khả năng tiếp xúc và nhận thức còn nhiều hạn chế, lại thiếu sự giám sát của gia đình. Qua kiểm tra nắm bắt thông tin, Ban An ninh nhà trường, Đoàn trường phát hiện có một số biểu hiện đối với tệ nạn xã hội như sau: Có hiện tượng các phần tử xấu bên ngoài lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ học sinh cho vay lãi suất 10%/tuần để ăn chơi, tiêu xài dưới hình thức “bốc họ”, “tiền bốc”…; Có hiện tượng lôi kéo học sinh sử dụng, vận chuyển ma túy (ma túy đá, hồng phiến); Lôi kéo, dọa nạt một số học sinh nữ để yêu cầu tham gia các hoạt động như uống rượu thuê, thậm chí là mại dâm; chơi game online với thời gian dài ngoài giờ học tập…”.
Chính vì vậy, cũng tại báo cáo, Trường THPT Quế Phong thông tin về những biện pháp đã thực hiện như phối hợp với lực lượng Công an, Hội Cha mẹ học sinh, thành lập Ban An ninh, Tổ Tư vấn tâm lý… để tăng cường công tác quản lý học sinh; đã gia tăng công tác an ninh trường học; tổ chức các hoạt động kiểm tra, tuyên truyền; tạo các sân chơi lành mạnh để học sinh tham gia… Trường thẳng thắn kiến nghị: “Trong một ngày học sinh có khoảng 6 giờ ở trường, 18 giờ còn lại trong ngày thì về phòng trọ tự quản lý, vì vậy, việc quản lý, giám sát các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn nếu không có sự đồng thuận, giúp đỡ, phối hợp của cha mẹ học sinh và sự vào cuộc của các cấp để tạo môi trường học tập lành mạnh, an ninh, trật tự tại các khu trọ được đảm bảo…”.
Tương tự, các trường THPT ở các huyện Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn… hàng năm cũng có báo cáo về công tác quản lý học sinh gửi đến cơ quan chủ quản; Huyện ủy, UBND huyện. Như Trường THPT Tương Dương 1, tại báo cáo hồi tháng 8/2023 cho thấy, năm học 2022-2023 có 689 học sinh phải thuê trọ ở phía ngoài trường. Dù trường nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện… và đã nỗ lực trong công tác quản lý học sinh, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể: “Việc nhiều học sinh phải thuê nhà trọ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Công tác phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường còn hạn chế, vì phụ huynh phần đa đi làm ăn xa, ít quan tâm đến việc ăn, ở của con em. Một số nhà trọ diện tích nhỏ hẹp, cơ sở vật chất tồi tàn, xuống cấp; một số nhà trọ quản lý lỏng lẻo nên học sinh ít học bài, ăn, ở bừa bộn, thức khuya, hay tổ chức liên hoan, sinh nhật, uống rượu, hút thuốc, chơi trò chơi trên mạng… Học sinh bỏ học còn nhiều do điều kiện kinh tế khó khăn, lực học yếu…”.
Theo Trường THPT Tương Dương 1, trong năm học 2022-2023, có 96 học sinh vùng sâu, vùng xa được bố trí ở trong khu ký túc xá cũ của trường, được Ban Giám hiệu và các giáo viên quản lý giờ giấc sinh hoạt, giáo dục kỹ năng sống, hỗ trợ học tập vào ban đêm…; ngoài giờ học được tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; đồng thời, có căng tin phục vụ nhu cầu ăn uống. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của nhà trường trong khu nội trú chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của học sinh; trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập còn thiếu thốn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý học sinh, Trường THPT Tương Dương 1 kiến nghị cho xây dựng mới ký túc xá để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của học sinh.
Bước vào năm học 2023-2024, Trường THPT Tương Dương 1 đã lập hồ sơ cho 699 học sinh vùng sâu, vùng xa hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/NĐ-CP. Điều này đồng nghĩa sẽ có 699 em phải có nơi ở để theo học. Trong số này, có nhiều em đến từ những bản làng biên giới xa xôi thuộc các xã Nhôn Mai, Mai Sơn. Để tới được trường, nhiều em phải đi qua huyện Kỳ Sơn với quãng đường vài trăm km. Thương học trò, nhưng Ban Giám hiệu Trường THPT Tương Dương 1 chỉ cố gắng sắp xếp khu ký túc xá cũ 20 phòng để đưa vào được 100 em, số còn lại khoảng 600 em thì đành chịu, phải để các em thuê nhà ở trọ.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 1, thầy Nguyễn Hồng Tuấn nhìn nhận, dù được chính quyền, lực lượng công an phối hợp giúp đỡ, nhưng để quản lý 600 học sinh ở trọ là rất khó. Vì vậy, tình trạng học sinh thức khuya, vướng vào rượu chè, hút thuốc lá, lơ là học tập là không tránh khỏi. “Trường đã phối hợp kiểm tra, làm việc với các chủ nhà trọ, trưởng khối dân cư… Nhưng thú thực là rất khó kiểm soát triệt để. Các em không được bố mẹ quan tâm, việc tự ăn, tự ở, tự sinh hoạt của các em phát sinh rất nhiều vấn đề, trong đó có cả vấn đề an ninh, trật tự. Rất may là học sinh của trường chưa xảy ra vấn đề lớn, nhưng nguy cơ là hiện hữu…”, thầy Nguyễn Hồng Tuấn trao đổi.
Có một vấn đề mà theo thầy Tuấn là rất nan giải, đó là việc y tá của trường nghỉ hưu nhưng không có người thay thế. Thầy Tuấn nói: “Ngoài việc dạy học, Ban Giám hiệu giao nhiệm vụ cho thầy, cô giáo thêm nhiệm vụ giám sát các em. Các thầy, cô phải có danh sách phòng trọ học sinh của mình, nếu học sinh vắng học thì phải đến nhà trọ tìm hiểu, động viên các em đi học. Nhiệm vụ này, thực sự rất vất vả, nhất là khi các em ốm đau. Không có y tá, trách nhiệm dồn lên thầy, cô giáo. Vì bố mẹ các em hầu hết đều đi làm ăn xa, thân nhân chỉ có ông bà cao tuổi, già yếu, nên thầy, cô giáo phải lo lắng, cắt cử thay phiên túc trực hoặc đưa các em đến bệnh viện. Bởi vậy, nhà trường rất mong được thực hiện mô hình nội trú, hoặc bán trú…”.
Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương – cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Chinh, các em học sinh THPT phải thuê nhà ở trọ tự học, tự ăn, tự nghỉ, tự sinh hoạt nên sẽ rất khó chuyên tâm cho việc học tập; nhiều tệ nạn vì thế có thể xảy ra, như sử dụng thuốc lá, rượu chè, trai gái… Nếu học sinh được ở nội trú chắc chắn công tác giáo dục toàn diện sẽ tốt hơn. Cô Nguyễn Thị Tuyết Chinh trao đổi: “Tổng sĩ số học sinh của 2 trường THPT ở Tương Dương là gần 1.700 em, trong đó, số em phải thuê nhà ở trọ là rất lớn. Vì vậy, để cải thiện chất lượng giáo dục THPT các huyện miền núi gồm cả huyện Tương Dương, cần thực hiện chế độ trường nội trú, hoặc bán trú. Phòng giáo dục và đào tạo, các trường cùng với huyện cũng đã đưa vấn đề này ra thảo luận nhiều lần, tuy nhiên, lời giải cho bài toán này vẫn chưa có…”.
Khi biết chúng tôi tìm hiểu về mặt trái của việc học sinh thuê ở trọ, Ban Giám hiệu Trường THPT Quỳ Châu đã dành thời gian khá lâu để trao đổi, bộc bạch nỗi niềm. Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Cao Thanh Lưu mới chuyển từ huyện Quỳ Hợp sang một thời gian ngắn đã nói: “Khi một số học sinh dính vào tệ nạn ma túy thì tập thể giáo viên nhà trường đều rất đau lòng, rất trăn trở…”. Theo thầy Cao Thanh Lưu, nguyên nhân là do khi các em từ vùng sâu, vùng xa ra thị trấn học tập chưa được trang bị kỹ năng sống, chưa có ý thức phòng, chống các mặt trái của xã hội. Thiếu sự quản lý của gia đình, trong khi về phía nhà trường thì không thể theo sát học sinh của mình hằng đêm nên các em dễ bị các loại tệ nạn xã hội xâm nhập. Nhắc về thực trạng hầu hết phòng ở học sinh thuê trọ đều rất tạm bợ, chật chội, mùa Đông thì lạnh giá, mùa Hè thì nóng nực, thiếu không gian học tập, vấn đề an ninh, trật tự phức tạp…. thầy Cao Thanh Lưu cho rằng, vẫn cần phải cảm ơn người dân, vì dù sao các em cũng còn có chỗ ở để theo học.
Trước thực trạng như vậy, thầy Cao Thanh Lưu nêu giải pháp: “Từ thực tiễn giáo dục, quản lý học sinh nhiều năm qua, theo tôi, đối với những huyện vùng núi cao thì Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và tỉnh nên xây dựng mô hình trường nội trú, hoặc bán trú. Nếu vì kinh tế còn khó khăn, chưa thể tạo cơ sở vật chất đáp ứng cùng lúc 100% học sinh được quản lý nội trú thì 50% học sinh cũng tốt. Với số học sinh còn lại, chính quyền, ngành Giáo dục và Đào tạo nên theo hướng kêu gọi xã hội hóa xây dựng các mô hình dịch vụ nhà trọ đáp ứng tốt hơn các điều kiện ăn, nghỉ cho các em; hoặc phát triển dịch vụ vận tải đưa đón các em. Khi đó, công tác quản lý sẽ tốt hơn, chất lượng học tập tăng lên, đồng thời giảm thiểu tình trạng các em bị xâm hại, đi chệch hướng. Một vấn đề nữa là hiện nay các trường THPT không được giao nhiệm vụ tổ chức bán trú, nội trú. Nếu đâu đó có thực hiện, là xuất phát từ cái tâm của người làm công tác giáo dục. Vì vậy, cần phải tạo cơ sở pháp lý cho các nhà trường…”, thầy Cao Thanh Lưu trao đổi.