Chưa bao giờ cả nhân loại và nhân dân trong cả nước lại quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường như hiện nay. Vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ trực tiếp làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn ảnh hưởng đến giống nòi, con cháu mai sau.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định và đưa vào một trong số các chỉ tiêu quan trọng: “Đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%”.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2020, tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 90%, dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 96,0%, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường ước đạt 90%, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt khoảng 42%. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Trước hết là vấn đề quản lý rác thải nhập khẩu còn nhiều sơ hở. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, tính đến ngày 28/8/2018, cả nước có đến 17.000 container phế liệu chưa làm thủ tục thông quan, chủ yếu ở một số cảng biển. Các phế liệu này chủ yếu là nhựa, giấy, phế liệu sắt, nhôm do các hãng tàu nước ngoài chở đến. Ở các đô thị và nhiều tỉnh, các bãi rác thải ứ đọng chưa được xử lý do khu vực chôn lấp và các nhà máy chế biến quá tải. Số lượng các chất thải rắn như đồ nhựa, túi ni lông,… ngày càng nhiều và đổ cả xuống biển, các dòng sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng ở một số vùng.
Vấn đề quản lý nước thải ô nhiễm càng phức tạp, khó khăn hơn. Theo các chuyên gia môi trường đánh giá, hầu hết các dòng sông và phần lớn ao, hồ ở Hà Nội và một số đô thị đều ô nhiễm nặng. Hàng năm có hàng triệu mét khối nước chưa qua xử lý đổ xuống các dòng sông như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Lừ… Hiện cả nước có khoảng 615 cụm công nghiệp nhưng chỉ khoảng 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, gần 300 khu công nghiệp với lưu lượng xả thải trên 2 triệu m3/ngày, nhưng có tới 70% lượng nước thải chưa được xử lý triệt để, 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12%. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Cùng với rác thải, nước thải, vấn đề khí thải cũng rất nghiêm trọng. Đầu tháng 3/2019, Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam công bố báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh “Về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu năm 2018”. Theo báo cáo này, Hà Nội đứng thứ hai, thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 15 về mức độ ô nhiễm không khí ở khu vực Đông Nam Á. Theo ước tính của Trường Đại học Fulbright, thiệt hại kinh tế ở Việt Nam do ô nhiễm không khí (2013) khoảng 5-7% GDP và gây chết sớm cho hàng chục ngàn người. Tại Hội nghị Lagos (Thụy Sỹ) năm 2016, Việt Nam đứng thứ 10 về ô nhiễm không khí. Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Tổng cục Môi trường, Việt Nam có trên 43 triệu xe máy và hơn 2 triệu ô tô lưu hành, chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như diesel, xăng, đang là nguồn phát thải lớn khói bụi, khí độc vào không khí. Nghiên cứu của WHO, ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân đứng thứ tư gây ra những cái chết yểu trên thế giới và ước tính thiệt hại đến 225 tỷ USD hàng năm. Việc các công trình xây dựng, xe chuyên chở vật liệu, khai thác than, khoáng sản, các nhà máy nhiệt điện, xi măng, hóa chất… không chấp hành quy định xử lý môi trường cũng làm ô nhiễm không khí không nhỏ.
Tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng nêu trên do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chính.
Về nguyên nhân khách quan: Nước ta nằm ở vị trí địa lý chịu tác động rất lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu và những diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu đã gây ra hạn hán, ngập úng hay nhiễm mặn ở một số vùng. Điều kiện nguồn thu ngân sách khó khăn nên chi đầu tư cho lĩnh vực môi trường rất hạn chế. Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra khá mạnh mẽ cũng góp phần làm gia tăng phát thải khí nhà kính, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học…
Về nguyên nhân chủ quan: Nhận thức và ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của một bộ phận lớn cán bộ, công chức, viên chức, của người dân về bảo vệ môi trường chuyển biến chậm. Đặc biệt, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chính quyền các cấp và chủ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Một số cán bộ lại bị chi phối bởi lợi ích cục bộ đã vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, có nơi, có lĩnh vực nghiêm trọng. Công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật và tổ chức ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức.
Bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của nhiều quốc gia trên thế giới vì thế phải có giải pháp đồng bộ, lâu dài và với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu là:
Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan truyền thông và cả hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân về bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường phải được cả hệ thống chính trị, mỗi một người dân tham gia với ý thức tự giác và thường xuyên. Tùy theo đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị, từng lứa tuổi và giai tầng xã hội để sáng tạo trong lựa chọn phương pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, tạo ý thức của cộng đồng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng, từng hộ gia đình tự giác phân loại rác thải, thực hiện lối sống xanh, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học… Có ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, vận chuyển nguyên, vật liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, vệ sinh công cộng… Tiếp tục phát huy vai trò giám sát của người dân về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong vấn đề bảo vệ môi trường. Tăng cường phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, coi trọng chỉ tiêu môi trường trong đánh giá, phân loại khu phố, khối phố văn hóa, xã nông thôn mới… Sự chuyển biến nhận thức của các tầng lớp nhân dân sẽ càng tốt hơn khi mỗi đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước luôn gương mẫu chấp hành các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hai là, trên cơ sở các quan điểm Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Trung ương lãnh đạo Nhà nước tiếp tục thể chế hóa và bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật trên lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường kịp thời.
Một số văn bản pháp luật như: Luật Tài nguyên nước (năm 2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Đa dạng sinh học (2008)… cần được sơ kết, đánh giá để nghiên cứu, bổ sung những vấn đề còn bất hợp lý, hình thành khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, thống nhất và hiệu quả để tăng cường quản lý tốt hơn trên lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục công dân phải xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách, công cụ thị trường nhằm điều hành và quản lý xã hội tốt hơn. Để làm giảm từng bước, tiến tới nghiêm cấm sử dụng chất thải rắn như bao ni lông cần phải có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất túi giấy, bao giấy thân thiện môi trường, đồng thời tăng thuế cao đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ nhựa, túi ni lông. Trên cơ sở đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường các phương tiện giao thông công cộng như xe khách, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm… kết hợp với chính sách tăng phí dịch vụ xe máy, xe ô tô con,… ở khu vực đô thị để từng bước giảm tải ùn tắc giao thông và gây ô nhiễm không khí. Ngày 27/3/2019, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần. Từ năm 2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 chủng loại rác thải rắn, trong đó có các loại nhựa và giấy không được phân loại. Bang New York (Mỹ) sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật cấm túi nhựa dùng một lần như bang California đã làm. Đó là những thực tế để Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo trong phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Ba là, Chính phủ và chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường.
Trước hết, quan tâm chỉ đạo các ngành, các cơ quan chức năng trong xây dựng quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch, đặc biệt, trong quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng. Thực tế ở nhiều đô thị của Việt Nam quy hoạch cho diện tích cây xanh, hồ nước tỷ lệ còn rất thấp. Nhiều hồ, ao, sông ngòi bị san lấp hoặc lấn chiếm để xây dựng các khu chung cư cao tầng đã tác động đến việc điều hòa nước, làm cho một số khu phố chỉ mưa nhỏ đã ngập úng, đường thành sông như ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010, chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng cộng đồng của nội thành là 2,4 m2/người, nội thành phát triển mới là 7,1 m2/người, các huyện ngoại thành là 12,0 m2/người. Thực tế chỉ tiêu cây xanh công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay mới đạt mức bình quân là 1,6 m2/người. Thủ đô Hà Nội diện tích cây xanh trên đầu người mới chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiên trên thế giới. Thành phố đang phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ cây xanh 8 m2/người, trong lúc hiện nay Thủ đô Praha đã đạt 200m2/người, Viene (Thụy Sỹ) đạt 131 m2/người, thành phố Hambourg (Đức) đạt 114 m2/người… Việc xây dựng nhiều khu chung cư cao tầng gần đây lại không quy hoạch đồng bộ với hệ thống hạ tầng, nhất là tiêu thoát nước và đường giao thông nên đã xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, ngập úng, phát thải hiệu ứng nhà kính tăng lên. Cá biệt lại tùy tiện điều chỉnh quy hoạch để giảm diện tích cây xanh, công trình phúc lợi công cộng như nhà văn hóa, khu vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao và tăng diện tích nhà ở để bán vì lợi ích cục bộ. Đẩy mạnh công tác trồng rừng, phủ xanh hết diện tích đồi núi trọc, gắn với bảo vệ rừng đầu nguồn, quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản, cát, sỏi liên quan lưu vực các sông, suối, ảnh hưởng trực tiếp làm ô nhiễm nguồn nước.
Việc quản lý nhà nước về trật tự công cộng có tác động rất nhiều đến bảo vệ môi trường, nhất là khu vực đô thị. Cần khắc phục tình trạng buông lỏng trong quản lý hành lang, vỉa hè đường phố. Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã rất quyết tâm trong chỉ đạo giải phóng hành lang vỉa hè nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Việc người dân sử dụng hành lang, vỉa hè để kinh doanh như dịch vụ ăn uống, hành nghề cắt tóc, rửa xe, sửa chữa điện nước… vừa cản trở giao thông, gây mất trật tự công cộng, lại góp phần gây ô nhiễm môi trường rất phức tạp. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này phải nỗ lực chăm lo việc làm cho người lao động kết hợp giáo dục thói quen mua bán, sinh hoạt vỉa hè và đấu tranh với sự ràng buộc lợi ích kinh tế của một số cán bộ chính quyền cơ sở, lực lượng quản lý thị trường, thuế vụ, an ninh, trật tự khu vực, địa bàn… Việc giải quyết ùn tắc giao thông, hạn chế lưu thông ô tô, xe máy của người dân cũng phải có lộ trình như đầu tư đồng bộ giao thông, phương tiện vận tải công cộng… tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư càng rất cần thiết phải khắc phục cho được những hạn chế, thiếu sót trước đây. Có một xu thế là các nước công nghiệp phát triển đang chuyển dần các cơ sở công nghiệp nặng, nhất là các nhà máy công nghệ lạc hậu gây hại cho môi trường vào các nước chậm phát triển. Cần phải có cơ cấu kinh tế hợp lý để tránh biến Việt Nam thành bãi rác công nghiệp. Bài học thu hút đầu tư các nhà máy xi măng lò đứng, Dự án Formosa, bô- xít (Tây Nguyên)… đều rất đắt giá, đã cảnh báo điều đó. Hiện nay, khung pháp lý về bảo vệ môi trường đã khá đầy đủ nhưng khâu yếu nhất vẫn là việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng có thẩm quyền về bảo vệ môi trường.
Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Vấn đề cấp bách hiện nay là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào việc chế biến, xử lý rác thải, nước thải và hạn chế đến mức thấp nhất khói bụi trong không khí. Trước hết cần có cuộc khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải, nhất là chất thải rắn của thế giới và trong nước nhằm phân loại, lựa chọn công nghệ tối ưu, phù hợp với điều kiện Việt Nam để khuyến khích đầu tư ở những vùng nhiều rác thải, ưu tiên các đô thị đông dân. Sớm bổ sung các cơ chế, chính sách, tạo môi trường cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư chế biến, xử lý rác thải, nước thải. Isarel đã thành công trong sản xuất máy xử lý rác thải gia đình để giải quyết thức ăn thừa, rau, củ, quả, vỏ trái cây… nhằm lấy nhiên liệu để nấu nướng. Hiện đã có 70 quốc gia quan tâm, yêu cầu lập thiết bị hệ thống phân phối. Ở trong nước, đại gia Huỳnh Uy Dũng đã bỏ công sức nghiên cứu thành công quy trình xử lý nước thải sinh hoạt phục vụ sản xuất bằng phương pháp vi sinh. Nhà máy đã được ông đầu tư xây dựng và vừa khánh thành tại Dĩ An (Bình Dương) có thể xử lý với công suất tối thiểu khoảng 10.000m3 và tối đa khoảng 18.000m3 nước mỗi ngày. Kết quả thử nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tiêu chuẩn của Bộ Y tế về nước sinh hoạt phục vụ sản xuất. Nếu kiểm tra thực tế là có hiệu quả thì cần có cơ chế khuyến khích đầu tư ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Mới đây, Phạm Mạnh Đình, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu có kết quả việc tận dụng túi ni lông bỏ đi để làm thành gạch lát hoặc các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường cũng cần được khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng trên thực tế. Quan tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc dự báo khí hậu, giám sát môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện các điều ước hợp tác quốc tế về môi trường, tích cực bảo vệ lợi ích quốc gia liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Ứng dụng các thành tựu khoa học trong lĩnh vực tạo giống cây lâm nghiệp vừa có năng suất, sản lượng gỗ cao, vừa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn có hiệu quả.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường sẽ rất khó khăn nếu không thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Trước hết, cần thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất đai, các khu chức năng nhất là khu dân sinh…Trong thực tế, việc vi phạm luật pháp về quy hoạch chủ yếu lại do một bộ phận cán bộ quản lý Nhà nước, nhất là người đứng đầu các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xây dựng, kiến trúc, giao thông, thủy lợi… gây ra.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp phép đầu tư, nhất là đầu tư các nhà máy sản xuất công nghiệp cần được làm nghiêm ngặt hơn. Rút kinh nghiệm việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước giai đoạn trước, đề nghị từ nay về sau phải nghiêm cấm các nhà máy thiết bị công nghệ lạc hậu, không xử lý triệt để ô nhiễm môi trường xây dựng ở Việt Nam. Ai cấp phép đầu tư những nhà máy như vậy phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật kịp thời. Đối với các nhà máy đang hoạt động cần thanh tra, rà soát, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung thiết bị, công nghệ xử lý nước thải, khí thải và tăng mức phạt, kể cả đóng cửa nhà máy nếu xả thải nước chưa qua xử lý ra sông, suối, ao, hồ… Cần thanh tra xử lý nghiêm những người vẫn cố tình cấp phép nhập phế liệu, chất thải từ các nước vào Việt Nam. Hiện nay, việc nhập khẩu các loại thuốc trừ sâu, việc mua bán, vận chuyển các loại hóa chất, chất bảo quản… vẫn diễn ra rất phức tạp cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hơn, nhất là ở các tuyến biên giới, cửa khẩu, bến cảng. Đi đôi với biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân về chấp hành những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cũng cần nâng mức xử phạt để đủ sức răn đe người vi phạm. Việc bảo vệ rừng, nhất là diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn phải được các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm để quản lý tốt. Trong những năm tới nếu việc trồng rừng, bảo vệ rừng để tăng nhanh độ che phủ rừng không tốt thì sự tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu càng lớn. Một số yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường nêu trên đặt ra cho công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực kinh tế – xã hội là hết sức nặng nề và cấp bách.
Phấn đấu để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh về kinh tế là rất quan trọng nhưng phải đồng thời quan tâm đúng mức việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gắn liền với chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nhất là ở những địa phương điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt (cả khô hạn, nắng nóng và bão lũ …).