Mỗi khẩu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ không quá 15 kg gạo/tháng nếu tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nằm trong diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
ây là chính sách đặc thù được Thủ tướng Chính phủ ban hành riêng cho 4 huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An tại Quyết định 2345/QĐ – TTg ngày 2/12/2016 về việc hỗ trợ gạo cho công tác bảo vệ rừng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020. Triển khai được 2 năm qua, mỗi hạt gạo hỗ trợ góp phần giúp nhân dân ổn định cuộc sống và ươm thêm những mầm xanh của rừng ở miền Tây xứ Nghệ.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ gạo cho công tác bảo vệ rừng tỉnh Nghệ An, được áp dụng tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong. Đi mới thấy, miền Tây Nghệ An còn lắm gian truân, vất vả, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn và ý nghĩa mà gạo hỗ trợ mang lại.
Anh Lương Văn Thành ở bản Chàm, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong là 1 trong 45 hộ nghèo của bản. Nhận được gạo hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, tổ ấm nhỏ 4 người của anh đã vơi bớt phần nào khó khăn, nhất là vào những mùa giáp hạt. Theo đánh giá của Đảng ủy, chính quyền xã Hạnh Dịch, trên địa bàn 11 bản, mỗi năm đã có hàng trăm tấn gạo được cấp phát đến tay các hộ dân, góp phần đắc lực cho công tác xóa đói, giảm nghèo.
Niềm vui khi nhận được gạo hỗ trợ thông qua công tác bảo vệ rừng cũng là cảm nhận chung của bà con xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Tra cứu từng số liệu thống kê, ông Kha Văn Thương – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết: “Người dân nhận bảo vệ và chăm sóc với tổng diện tích hơn 13.515 ha rừng. Trong năm 2017 và 2018, mỗi năm xã có 427 lượt hộ dân được thụ hưởng chính sách này. Bà con rất phấn khởi, chính quyền cũng yên tâm khi gắn bó với nghề rừng, nhân dân có thêm điều kiện để ổn định cuộc sống”. Tính tổng thể, trên địa bàn huyện Con Cuông, trong 2 đợt cấp xuất năm 2017, gạo hỗ trợ đã đến được với 2.510 hộ với 11.344 nhân khẩu và trong năm nay, gạo cấp đợt 1 cũng đã theo “những chuyến xe nghĩa tình” trao đến tận tay 2.386 hộ với 10.578 nhân khẩu của huyện.
Ông Hoàng Ngọc Thịnh – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Mỗi đợt cấp gạo, huyện đều có kế hoạch, công văn chỉ đạo thực hiện. Hạt Kiểm lâm huyện (đơn vị được giao tiếp nhận và cấp phát) đã phối hợp với các xã để tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, giúp bà con hiểu rõ được ý nghĩa gạo hỗ trợ”.
Tại Tương Dương, UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các phòng, ban liên quan và UBND các xã tổ chức cấp phát gạo cho các hộ nghèo tự nguyện nhận trồng và bảo vệ rừng.
Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Chỉ tính riêng cấp đợt 1 năm 2018, toàn huyện có 3.980 hộ, với 17.495 khẩu được nhận gạo. Cấp gạo hỗ trợ cho hộ nghèo tham gia công tác chăm sóc, bảo vệ rừng mang lại hiệu quả nhiều mặt, nhất là nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng trên địa bàn, đời sống nhiều hộ nghèo cũng vơi bớt khó khăn”.
Để thực hiện Quyết định 2345/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 19/5/2017 về việc phê duyệt phương án tổ chức hỗ trợ gạo cho đồng bào nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, đang sinh sống, cư trú hợp pháp trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong. UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện. Qua đó, sở đã giao Chi cục Kiểm lâm chủ trì phối hợp với UBND các huyện, các sở, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấp, phát gạo hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ hiện hành của Nhà nước.
Trong 2 năm (2017-2018), trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 18.736 lượt/hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người Kinh nghèo tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng thuộc 4 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông được Cục Dữ trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh, Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp là hơn 10.676 tấn gạo.
Là những người được Đảng và Nhà nước giao làm nhiệm vụ “tích cốc phòng cơ”, lại đứng chân trên địa bàn còn không ít khó khăn, thường xuyên gặp thiên tai, những cán bộ, công chức Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh đã luôn nỗ lực từng ngày để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ lặng thầm. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ gạo cho công tác bảo vệ rừng tỉnh Nghệ An, bà Nguyễn Thị Phố Giang – Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh chia sẻ: “Chúng tôi đã cùng với chính quyền địa phương cố gắng làm tốt nhất từ việc nhỏ nhất để bà con được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ kịp thời trong niềm vui, phấn khởi”.
Vì vậy, ngay sau khi có quyết định xuất của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, quyết định phân bổ của tỉnh Nghệ An, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh ra quyết định giao nhiệm vụ cho các Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc xuất cấp gạo cho các địa phương.
Không quản ngại khó khăn, các cán bộ, công chức Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và chính quyền các địa phương khẩn trương, kịp thời tổ chức cấp phát đảm bảo theo đúng quy trình, quy định, tiến độ theo kế hoạch, đủ về số lượng, tốt về chất lượng, để từ đó những hạt gạo của Chính phủ theo các chuyến xe tỏa đi các bản làng còn nghèo khó trên 4 huyện miền Tây xứ Nghệ.
Thấu hiểu, sẻ chia với đồng bào vùng cao, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp xuất, mà lãnh đạo, cán bộ, công chức của cục còn phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh trực tiếp về tận nơi với đồng bào để lắng nghe những tâm sự của bà con, ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình cấp phát.
Quá trình đó, nhiều ý kiến của đồng bào, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã được tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định như: tháo gỡ khó khăn về số lần, thời gian giao nhận và kinh phí vận chuyển từ trung tâm huyện đến trung tâm thôn, bản để phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo thuận lợi hơn cho nhân dân và cơ quan chức năng trong quá trình vận chuyển, giao nhận gạo.
Theo Quyết định 2345/QĐ -TTg, tổng khối lượng gạo xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ trong giai đoạn từ 2016 – 2020 cho 4 huyện miền Tây Nghệ An là hơn 13.575 tấn và dự kiến đến tháng 6/2019, khối lượng gạo xuất cấp đã đạt định mức trên. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tiếp tục đề xuất bổ sung khối lượng gạo, đảm bảo hỗ trợ đến năm 2020.
Mặt khác, nhiều ý kiến từ nhân dân, chính quyền cơ sở cũng đề nghị xem xét tiếp tục thực hiện chính sách này giai đoạn sau năm 2020, đồng thời mở rộng thêm các đối tượng, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội tương tự như 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ gạo cho công tác bảo vệ rừng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020 đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, gắn với nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ở miền Tây Nghệ An, tạo thêm động lực nhằm “về đích” các mục tiêu của Nghị quyết số 26 – NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Địa bàn 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong có gần 704.037 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm 60,3% diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp toàn tỉnh. Diện tích đất có rừng là gần 530.935 ha, chiếm 60,5% tổng diện tích có rừng của toàn tỉnh.