Miền Tây Nghệ An tuy tiềm năng, lợi thế lớn, nhưng đến nay không ít bản, làng vẫn lâm vào tình trạng khó khăn, mức thu nhập còn thấp, đời sống người dân chưa thực sự được cải thiện. Trong nhiều nguyên nhân của thực trạng, có lý do các mô hình kinh tế được triển khai không mang lại hiệu quả.
________________________
Tại bản Yên Sơn (xã Tri Lễ, Quế Phong), cuối năm 2018 chanh leo đang vào chính vụ, vậy nhưng hàng chục ha “cây đổi đời” của bản đã có dấu hiệu vàng úa, còi cọc trên những vườn trồng đầy cỏ. Bà Hà Thị Tâm (SN 1952), cho biết, gia đình bà đã từng trồng 200 gốc chanh leo vào thời điểm năm 2016. Tuy nhiên, vào năm 2017 cây bị dịch bệnh rồi chết mất gần 2/3 vườn, nay chỉ còn 70 gốc nhưng cho năng suất thấp, chỉ có 2 tạ một lần hái, nên gia đình đang định đốn chặt để trồng cây khác.
Ông Vi Văn Quang – Trưởng bản Yên Sơn cho hay, đó là tình trạng chung của toàn bản. Nếu như trước đây gần 70 hộ dân của bản đều canh tác cây chanh leo thì nay chỉ còn khoảng 20 hộ. Diện tích canh tác của 20 hộ này cũng giảm khoảng một nửa. Những vùng bản từng là “thủ phủ” của chanh leo như Na Niếng, D1 hay bản Xan, bản Bò cũng đều chung thực trạng. Thống kê gần đây cho thấy, diện tích trồng chanh leo của Tri Lễ giảm mạnh từ 212 ha năm 2017 xuống còn 153 ha trong tháng 9/2018. Và sau 5 năm phê duyệt quy hoạch 1.500 ha, hiện diện tích chanh leo toàn huyện Quế Phong mới chỉ đạt 201 ha (giảm 82 ha so với năm 2017).
Lý giải về sự suy giảm này, ông Nguyễn Bá Hiền – Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong cho biết, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng diện tích chanh leo giảm nhanh có 2 lý do chính. Thứ nhất, chanh leo là loài cây khó tính, dễ bị nhiễm các loại virus gây bệnh nhưng thuốc đặc trị chưa phát huy tốt công dụng. Kiểm nghiệm hiệu quả sau phun cho thấy thuốc khi chỉ dừng lại ở mức độ giảm thiểu chứ chưa triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh cho cây trồng.
Thứ hai, bà con lại mang tâm lý e ngại khi bỏ ra một khoản tiền lớn nên chỉ đầu tư cầm chừng; hoặc nửa vời khiến cho cây trồng ngày càng xuống dốc. Về phía “nhà doanh nghiệp”, lãnh đạo Công ty CP Chanh leo Nafoods cho biết, vì nhiều lý do mà gần như 100% người dân không tuân thủ quy trình sản xuất mà công ty đã khuyến cáo, dẫn đến hiện tượng lây nhiễm chéo từ các vườn bị bệnh khác sang cây con mới trồng. Cùng đó, thời gian qua chủ yếu diện tích chanh leo phát triển tại Quế Phong là của các chương trình chính sách của huyện, chứ người dân chưa tự đầu tư để trồng và phát triển. Do đó, chưa phát huy được ý thức, trách nhiệm trong việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ tài sản của mình.
Cây chè cũng là một trong những cây trồng chủ lực được xây dựng mô hình trồng triển khai cho người dân các địa phương miền Tây. Song ở nhiều nơi cây chè bị giảm dần theo thời gian. Năm 2014, xã Thanh Sơn (Thanh Chương) triển khai mô hình trồng chè cho người dân mục tiêu đến năm 2020 đạt 320 ha. Năm 2014 trồng được 70,4 ha; năm 2015 trồng được 27,67 ha; năm 2016 trồng được 4,45 ha. Nhưng từ năm 2017 đến nay không phát triển được thêm, diện tích không những “dẫm chân tại chỗ” mà còn có dấu hiệu sụt giảm. Thậm chí, có không ít hộ ở các bản Kim Hạnh, Đại Sơn đã nhổ bỏ hoặc trồng xen với keo, sắn nên chè không phát triển.
Vấn đề này, ý kiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, tư duy ỷ lại, xem việc triển khai mô hình là làm cho dự án chứ không phải làm cho mình của bà con khiến cho việc duy trì mô hình sau khi dự án rút nguồn kinh phí hỗ trợ không hiệu quả. Có khi, đã ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm rồi nhưng người dân lại phá vỡ hợp đồng khi không tuân thủ đúng quy định đề ra. Một trong những nguyên nhân nữa là do khi thực hiện mô hình điểm, nông dân được hỗ trợ phần lớn về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc nên hiệu quả kinh tế đạt được cao hơn hẳn các giống cây trồng, vật nuôi truyền thống. Tuy nhiên, khi triển khai đại trà, nhiều hộ vẫn giữ thói quen sản xuất theo phương thức truyền thống, trong khi mô hình mới lại đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt dẫn tới năng suất, chất lượng không cao so với phương thức canh tác cũ, nông dân không còn mặn mà tham gia.
Bên cạnh những mô hình “đầu voi đuôi chuột”, một số mô hình dù đã đem lại thu nhập ban đầu cho người dân nhưng cũng không thể nhân rộng như dự kiến ban đầu. Ví như mô hình trồng chanh leo tại 3 xã Mỹ Lý, Mường Lống, Bắc Lý của huyện biên giới Kỳ Sơn. Để triển khai mô hình này, UBND huyện Kỳ Sơn hỗ trợ cho 14 hộ tham gia với diện tích 0,8 ha. Qua 1 mùa thu hoạch cho thấy sản lượng khá, tổng thu khoảng 32 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, theo cán bộ UBND huyện Kỳ Sơn thì “qua khảo sát, đánh giá về điều kiện địa hình, thổ nhưỡng và nhiều yếu tố khác thì mô hình trồng chanh leo này khó nhân rộng để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa như dự định. Vì thế, UBND huyện quyết định sẽ không nhân rộng mô hình này, mà chỉ dừng lại trồng phục vụ tiêu thụ nội địa”.
Hoặc như mô hình hỗ trợ giống chăn nuôi, cụ thể là giống bò lai sind ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Theo ông Lữ Văn Biên ở bản Sơn Hà, xã Tam Quang , một trong những hộ được hỗ trợ bò lai sind theo Chương trình 30a, cho biết: Năm 2015 sau khi vay mượn để nộp thêm số tiền hơn 4,5 triệu đồng, gia đình ông được nhận về 1 con bò lai sind nhưng không hiểu sao càng nuôi càng còi cọc và rồi phải xẻ bán thịt, lấy tiền mua dê giống để nuôi. Đây là thực tế của không ít hộ nghèo sau khi nhận bò lai sind về nuôi trên địa bàn.
Lý giải nguyên do, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tam Quang cho rằng, bò lai sind rất phù hợp với những hộ khá, hộ có điều kiện về chuồng trại, thức ăn, bởi thực tế trên địa bàn những hộ chăn nuôi nhiều vẫn lấy giống bò lai sind để phát triển. Tuy nhiên, với những hộ nghèo, thiếu điều kiện để làm chuồng nuôi nhốt và bà con duy trì tập quán chăn thả rông, ngoài ra cũng không có điều kiện trồng cỏ sữa. Vì vậy, bò gặp gì ăn nấy nên càng ngày càng còi cọc. Chưa kể, giống bò lai sind tuy có thể trạng to, nhưng sức đề kháng yếu, nếu không chăm sóc tốt dễ mắc bệnh. Cho nên, nhìn cơ bản mô hình nuôi bò lai sind không thể nhân rộng ở các huyện miền Tây, mà chỉ phù hợp với một số hộ có điều kiện đầu tư lớn, quy củ.