Quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền Tây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng để khai thác vùng đất có vị trí, tiềm năng to lớn của Nghệ An.
Để phát triển miền Tây Nghệ An, Chính phủ và tỉnh Nghệ An có nhiều chính sách, trong đó có những quyết định then chốt, như: Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020”, Nghị quyết 26 của Bộ chính trị. Tỉnh ban hành Đề án Phát triển kinh tế rừng Nghệ An (2011-2015); Quyết định 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2013 “Về việc phê duyệt quy hoạch cho dự án bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững tại Nghệ An”; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2009-2020 và một số đề án khác về phát triển kinh tế – xã hội miền Tây Nghệ An…
Từ đó, nhiều cụm, khu công nghiệp cũng đã hình thành và phát triển ở miền Tây. Hiện có 3 khu công nghiệp tập trung đã phê duyệt quy hoạch chi tiết là KCN Nghĩa Đàn (245,68 ha), KCN Sông Dinh (301,65 ha) và KCN Tân Kỳ (600 ha)… Đầu quý IV/2018, trang trại lợn Masan tại huyện Quỳ Hợp đã xuất chuồng lứa lợn thịt đầu tiên. Hiện trang trại đang phối hợp điều chỉnh quy hoạch 1/500 đối với trại F1, sẽ tiếp tục điều chỉnh thiết kế theo hướng hiện đại hơn, mang lại hiệu quả cao hơn về năng suất chăn nuôi, vận hành và giảm thiểu tác động môi trường. Việc trang trại bước vào hoạt động ổn định thể hiện nỗ lực kêu gọi đầu tư của các cấp và nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động của nhà đầu tư. Đây là dấu hiệu tốt để tăng thêm cơ hội việc làm và sản phẩm hàng hoá ở miền Tây Nghệ An.
Còn tại huyện Anh Sơn, Nhà máy Sản xuất gỗ ván sợi MDF đóng ở Khu công nghiệp Tri Lễ có tổng vốn đầu tư 2.180 tỷ đồng đang tích cực xây dựng. Công suất nhà máy đạt 180.000 m3 sản phẩm gỗ MDF/năm và sẽ tăng công suất đến 250.000 m3 sản phẩm/năm. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương và khai thác tiềm năng gỗ rừng trồng ở các địa phương giàu tiềm năng về gỗ rừng trồng.
Thống kê, từ năm 2013 đến nay, miền Tây đã thu hút được 163 dự án với 64.100 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư. Một số dự án sản xuất quan trọng đã hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo lực đẩy cho các huyện miền núi như: Nhà máy chế biến sữa của Công ty CP thực phẩm TH, Nhà máy chế biến gỗ Nghĩa Đàn, Nhà máy chế biến Tinh bột sắn Anh Sơn; các nhà máy chế biến đá trắng, đá xẻ, đá ốp lát ở Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn; 7 nhà máy thủy điện với tổng công suất 638,5MW đã phát điện, dự án xi măng sông Lam 2 của Tập đoàn Vissai ở Anh Sơn, 11 dự án thuỷ điện… Một số dự án hiện đang thực hiện đầu tư như: Dự án Bảo tồn và Phát triển dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững, Nhà máy MDF tại huyện Anh Sơn; chế biến hoa quả ở Nghĩa Đàn, một số dự án du lịch…
Các huyện miền Tây Nghệ An gồm: Vùng núi thấp và trung du (gồm: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn và Thái Hòa) và vùng núi cao (Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông). Miền Tây có nhiều lợi thế về tài nguyên khoáng sản, đất đai, rừng, hệ sinh thái đa dạng và nhiều tiềm năng du lịch… Vùng đất rộng lớn này hiện có những đặc sản nổi tiếng với cam, tre trúc, sản vật khác như cá mát, lợn Mông, gà đen, nguồn dược liệu, các khu dự trữ sinh quyển với rừng nguyên sinh, thác nước, các hồ thuỷ điện, các hang động… phát triển du lịch rất tốt. Những tiềm năng đó đang được giới thiệu quảng bá đưa vào “tầm ngắm” thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư khai thác đúng tầm.
Còn với các sản phẩm sạch của miền Tây, cơ hội phát triển tốt nhưng số lượng hạn chế và cung chưa tìm được thị trường đầu ra ổn định để đẩy mạnh sản xuất. Theo đó, trong định hướng phát triển, các cấp chú trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Tập trung thu hút các doanh nghiệp mạnh trong và ngoài nước bằng những chính sách ưu đãi hấp dẫn đầu tư, tạo ra sự đột phá cho phát triển. Trong đó, tiềm năng về du lịch khám phá, du lịch cộng đồng được thúc đẩy khai thác. Điển hình các điểm đến: Vườn quốc gia Pù Mát; hang động, sông Giăng, vùng đất đỏ Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp gắn với các nông trại, trang trại du lịch nông nghiệp; Quỳ Châu, Quế Phong gắn với Hang Pua, thác Sao Va, thác Bảy tầng; Làng người Thái và du lịch ẩm thực gắn với vịt bầu Quỳ Châu, làng mây tre đan, vải thổ cẩm… Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ vào vùng này để tạo ra những sản phẩm sạch, chế biến thành hàng hóa nâng cao giá trị sản phẩm.