Bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh soạn thảo thông qua Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2/1943 là một văn kiện quan trọng tạo nền tảng ban đầu cho sự nghiệp dài lâu xây dựng một văn hóa mới. Văn kiện này đã góp phần tích cực trong thức tỉnh, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh sinh tử giành độc lập dân tộc, xóa bỏ sự nô dịch về văn hóa của chủ nghĩa thực dân, phong kiến, tập hợp đông đảo những người hoạt động văn hóa yêu nước vào “Hội văn hóa cứu quốc” – Một thành viên của Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 thắng lợi.
Bản đề cương đã thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc cần hướng tới. Khẳng định: “Mặt trận văn hóa là 1 trong 3 mặt trận (kinh tế – chính trị – văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng về chính trị mà phải làm cách mạng về văn hóa nữa!”.
Đề cương nêu 3 nguyên tắc lớn trong cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch), đại chúng hóa (chống lại mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời đông đảo quần chúng) và “khoa học hóa” (chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Ba nguyên tắc luôn thống nhất biện chứng, không tách rời, phản ánh đúng thực trạng và bức thiết của cuộc vận động văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đề cương văn hóa Việt Nam là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh của Đảng trước Cách mạng Tháng Tám nhưng ảnh hưởng của nó còn sâu rộng đến hôm nay.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã gọi Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 là “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” bởi lẽ: Dù chính quyền công – nông mới thành lập hơn 1 năm, đang đương đầu với “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” một cách quyết liệt nhưng ngày 24/11/1946, Đảng và Nhà nước Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tổ chức trọng thể “Hội nghị Văn hóa toàn quốc – lần thứ nhất”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Diễn văn khai mạc (dài 40 phút) nêu rõ: “Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng văn hóa Việt Nam với 3 tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng”.
Người chỉ dẫn rõ việc văn hóa Việt Nam có sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa văn hóa Phương Đông và văn hóa Phương Tây và theo Người: “Cái gì tốt thì ta học” nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay để trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có thuần túy Việt Nam, hợp với tinh thần dân chủ. Người nhấn mạnh: Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị, cho nên phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân “nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng… Số phận của dân tộc ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa soi đường quốc dân đi”.
Nhận định về ý nghĩa to lớn của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, TSKH Phan Đình Tân (Phó Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNTTW) cho rằng: Hội nghị lần này để tập hợp sức mạnh quần chúng thông qua sức mạnh văn hóa, phát huy sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh nội sinh của dân tộc, tập trung vào nhiệm vụ trước mắt là chống giặc ngoại xâm, tích cực chuẩn bị lực lượng văn hóa cho kháng chiến và kiến quốc với mục tiêu xuyên suốt, lâu dài “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Cách đây 73 năm, từ ngày 16 đến 20/7/1948 tại xã Đào Gia, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã tổ chức “Hội nghị về văn hóa toàn quốc (lần thứ 2)”. Vì thế, có thể xem đây là ngày hội thi đua ái quốc của các văn nghệ sỹ, các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa. 86 văn nghệ sỹ đại biểu cho các ngành Văn học, Sân khấu, Âm nhạc, Kiến trúc, Mỹ thuật từ các nẻo đường kháng chiến để về dự hội nghị.
Đặc biệt, quan tâm đến Hội nghị này, ngày 15/7/1948, Bác Hồ có thư gửi cho Hội nghị. Thư Bác chỉ rõ: “… Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng… nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến, kiến quốc của quốc dân mà phải nêu rõ những thành tích kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của ta, phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”.
Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc báo cáo: “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, chỉ rõ lập trường văn hóa cách mạng trên thế giới và ở Việt Nam. Đó là: “Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc – Về chính trị lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc”.
Tại sự kiện quan trọng này, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập tiếp nối truyền thống tốt đẹp Hội Văn nghệ cứu quốc (1943). Hội nghị về văn hóa toàn quốc (lần thứ 2) đánh dấu một bước tiến quan trọng của phong trào văn hóa nước ta. Là bước ngoặt, bước trưởng thành lớn trong tổ chức, lãnh đạo văn hóa của Đảng ta, là bản lề mở ta một giai đoạn mới trong văn hóa. Theo đó, đường lối “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” đã thực sự đi vào cuộc sống, đưa văn hóa, văn nghệ hòa nhập vào đời sống toàn dân thi đua ái quốc.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1948 với tư tưởng và khát vọng cao cả của dân tộc Việt Nam, nền văn hóa con người Việt Nam ngày ấy là sự tiếp nối mạnh nguồn “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Hoạt động văn học nghệ thuật đã phát triển toàn diện trên nhiều mặt với nội dung phong phú cổ vũ quần chúng sản xuất và chiến đấu, góp phần hiệu quả trong xây dựng cuộc sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ không chỉ là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn mà còn là thắng lợi của chính sách văn hóa của Đảng, thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước và nhân phẩm của con người Việt Nam, của những giá trị tinh thần cao quý: “Không gì quý hơn độc lập tự do”. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đi cùng với những thành quả văn hóa rực rỡ là một thành tố của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. “Văn hóa giữ nước Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã trở thành lương tri thời đại”.
Đường lối xây dựng và phát triển văn hóa trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa được hình thành từ Đại hội III của Đảng (1960) mà chương trình cốt lõi là “Tiến hành cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa đồng thời với cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học kỹ thuật. Mục tiêu của nó là làm cho nhân dân thoát nạn mù chữ và thói hư tật xấu do chế độ cũ để lại. Có trình độ văn hóa ngày càng cao, có hiểu biết cần thiết về khoa học, kỹ thuật tiên tiến để xây dựng chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.
Đại hội IV và V của Đảng tiếp tục phát triển đường lối phát triển văn hóa của Đảng ở Đại hội III tiếp tục khẳng định: Nền văn hóa mới là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân. Nhiệm cụ cấp thiết của văn hóa giai đoạn này là tiến hành cải cách giáo dục, phát triển mạnh khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, giáo dục tinh thần làm chủ tập thể, chống tàn dư tư tưởng tư sản và phong kiến.
Đất nước thống nhất, đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng, Đảng ta từng bước hình thành nhận thức mới về văn hóa. Các vấn đề cốt lõi như chức năng, vai trò, vị trí của chiến lược phát triển văn hóa được đan xen, hòa quyện trong chiến lược kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng.
Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 (được Đại hội VII thông qua) lần đầu tiên đưa ra quan niệm: “Nền văn hóa Việt Nam có đặc trưng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thay cho quan niệm nền văn hóa Việt Nam có nội dung xã hội chủ nghĩa, có tính dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân đã nêu ra trước đây. Cương lĩnh chủ trương xây dựng nền văn hóa mới, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, chống tư tưởng văn hóa phản tiến bộ, trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người, trái với phương hướng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xác định giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Từ Đại hội VII đến Đại hội XII và nhiều Nghị quyết chuyên đề của Trung ương tiếp theo đã tiếp tục xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển kinh tế – xã hội và giữ vững quốc phòng – an ninh. Đây là một tầm nhìn mới về văn hóa của Đảng phù hợp với tầm nhìn chung của thế giới đương đại…
Cho đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa… Từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ văn hóa đã được lồng ghép, đan xen thành một mạch chảy. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo cốt lõi, xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam… Kết hợp với sức mạnh dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực trong đó nguồn lực nội sinh nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Xây dựng đời sống văn hóa, con người văn hóa đã thực sự trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng ta, “soi đường” cho đất nước đổi mới, hội nhập phát triển, thể hiện tầm cao văn hóa Đảng của Đảng ta.
Ngày 24/11/2021 – đúng vào ngày này 75 năm trước diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc (lần thứ nhất) với câu nói nổi tiếng đã trở thành thông điệp văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, tại Hội trường Diên Hồng (nhà Quốc hội) Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Tại hội nghị, 150 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, văn nghệ sỹ, trí thức, nhà khoa học… nhằm khẳng định rõ hơn vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa, cùng “hiến kế” định hướng phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn mới, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức của con người Việt Nam thời đại mới.
Bài phát biểu tâm huyết, hàm lượng trí tuệ rất cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo hội nghị liên tục nhận được những tràng vỗ tay kéo dài của đại biểu tại Hội trường Diên Hồng và các điểm cầu. Vừa ghi nhận vai trò của văn hóa, vừa bày tỏ sự băn khoăn của mình, Tổng Bí thư chia sẻ: Bấy lâu nay văn hóa chưa được một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi!”, Tổng Bí thư nhấn mạnh lời người xưa: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”. “Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc”. Chân lý này được Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhắc đến nhiều lần trong bài phát biểu của mình.
Dẫn ra nhiều khái niệm mang tính hàn lâm, học thuật của các nhà nghiên cứu, Tổng Bí thư chia sẻ quan niệm bình dị của mình về văn hóa: “Văn hóa gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng… đó chính là văn hóa. Những bất công, xấu xa, bỉ ổi là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”.
Để tiếp tục phát huy thành quả văn hóa trong kháng chiến và kiến quốc, tiếp tục xây dựng giữ gìn chấn hưng văn hóa dân tộc trở thành nền tảng, động lực cho khát vọng vươn tới, Tổng Bí thư đã chỉ rõ 6 nội dung của nhiệm vụ văn hóa trong thời kỳ mới, đó là: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tình yêu nước, ý chí tự cường, đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn năm 2045 mà Đại hội XIII đã xác định.
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho Hội nghị. Gợi mở nhiều vấn đề cả lý luận và thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, con người văn hóa cho các nhà quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sỹ dự hội nghị. Từ những ý kiến có tính chỉ đạo, “soi đường” của Tổng Bí thư, các tham luận tại Hội nghị đã làm dấy lên khát vọng vươn tới của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước.
Mạch nguồn Văn hóa Việt Nam là một dòng chảy không ngừng nghỉ suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước. Hội nghị toàn quốc về văn hóa lần thứ 3 là Hội nghị Diên Hồng của dân tộc khơi dậy, phát triển sức mạnh văn hóa Việt Nam để nâng tầm đất nước lên tầng cao mới trong bối cảnh đan xen bao cơ hội, thách thức.
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã, đang và mãi là mạch nguồn, sức sống, cảm hứng, sáng tạo cho dân tộc vươn cao khát vọng phát triển lên tầm cao mới.
Lê Hữu Duẩn
Bài viết rất có chiều sâu, ngẫm lại càng thấy được trí tuệ, sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác Trường Chinh, Đảng ta về lĩnh vực văn hoá ngay từ những ngày đầu cách mạng và xuyên suốt cho đến ngày nay.