PV: Năm nay, lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu được tổ chức trong một không khí thật đặc biệt, kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Cảm xúc của chị như thế nào khi được tham dự sự kiện ý nghĩa này?
Cô giáo Thái Thị Mai Hương: Đây gần như là một vinh dự vì ở trường chúng tôi từ trước tới nay chưa có giáo viên nào nhận được danh hiệu này và cả trong hệ thống GDTX cũng ít khi có người được vinh danh. Tôi cũng rất bất ngờ vì từ trước tới nay khi đi làm tôi chỉ nghĩ đơn giản là phải làm tốt công việc của mình. Việc được đồng nghiệp, Sở và Bộ Giáo dục và Đào tạo tôn vinh là một phần thưởng hết sức to lớn và tôi phải nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm hơn nữa với công việc mà mình đã chọn.
PV: Chị đang công tác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương. Công việc ở đây hẳn có những đặc thù, khó khăn riêng?
Cô giáo Thái Thị Mai Hương: Đặc thù của mảng giáo dục thường xuyên khá khó khăn bởi đầu vào của học sinh yếu hơn so với các trường khác và hạn chế nhiều vấn đề. Ngay cả gia đình của các cháu, khi con trượt các trường THPT công lập, bố mẹ cũng đã mất đi niềm hi vọng và nhiều gia đình không quan tâm đến các con. Nhiều trường hợp phải nhờ thầy cô định hướng lại.15 năm công tác tôi đều được phân công chủ nhiệm lớp 12 và điều này lại càng khó khăn hơn bởi ngoài dạy kiến thức, giáo viên còn phải biết định hướng nghề nghiệp, giúp các em tự tin bước ra xã hội. Rất nhiều học sinh sau khi ra trường đã tâm sự với tôi rằng, khi mới vào đây, chúng em rất tự ti, không dám nói mình là học sinh giáo dục thường xuyên. Nhưng rồi, khi ra đời, chúng em lại tự hào vì dù xuất phát điểm thấp nhưng đến khi thi tốt nghiệp THPT, thi chung đề với nhiều học sinh trường THPT công lập khác vẫn có thể làm tốt. Như năm nay, trường chúng tôi thi tốt nghiệp THPT đứng thứ 20 toàn tỉnh, vượt 43 bậc so với năm ngoái và đứng trên rất nhiều các trường THPT trong toàn tỉnh. Đó thực sự là một kỳ tích.
PV: Vậy, hẳn trong cuộc đời đi dạy của mình, chị có rất nhiều kỷ niệm khó quên về các học trò?
Cô giáo Thái Thị Mai Hương: Không chỉ giáo viên thay đổi học sinh mà ngược lại có những học trò đã làm cho tôi thay đổi suy nghĩ trong giảng dạy. Tôi nhớ một học trò sinh năm 1993, khi đó, trong mắt gia đình, bạn bè, là một học sinh ngỗ ngược, hay đánh nhau và có thái độ thách thức. Chủ nhiệm em 3 năm, thay vì nhìn vào những mặt tiêu cực, tôi thấy em cũng có những ưu điểm, ví dụ em học yếu nhưng em không dốt, thậm chí có tố chất thông minh. Hơn nữa em rất thương người, hay giúp đỡ bạn bè. Nếu em bị giáo viên nhắc nhở, em không phản đối mà biết nhận ra lỗi của mình. Lý do em buông xuôi là do em bị bỏ bê, không được quan tâm khiến em luôn muốn nổi loạn, muốn được thể hiện mình, gây sự chú ý của người khác. Tôi thuyết phục em, bằng cách quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của em, thậm chí buổi tối em đi chơi, tôi đến nơi, ngồi đợi em ở ngoài. Có lẽ vì thấy giáo viên chủ nhiệm như vậy nên sau này em sợ làm phiền tôi nên buổi tối không đi chơi nữa và chịu khó ở nhà học bài. Từng bước, em chăm chỉ hơn, thi đậu tốt nghiệp và trúng tuyển nghĩa vụ công an. Tôi còn nhớ, lần em phải thẩm tra lý lịch, em gọi điện nhờ tôi giúp đỡ vì sợ tôi sẽ kể ra hết những khuyết điểm của mình thời còn đi học. Tuy nhiên, tôi đã bảo với em rằng, cô sẽ xác minh như đúng con người em để đơn vị thấy được em đã tiến bộ từng ngày như thế nào. Bây giờ thì em đã vào chuyên nghiệp, được kết nạp Đảng, có việc làm ổn định ở Hà Nội, có gia đình hạnh phúc…
Trường hợp của học sinh này, có thể rất bình thường ở những môi trường khác nhưng với trường chúng tôi đó là một sự tiến bộ rất đáng khen ngợi. Chính từ em, tôi cũng thay đổi suy nghĩ về nghề giáo, về cách rèn dũa học trò của mình. Đó là thay vì xử lý cứng nhắc, chỉ biết xử phạt và xem như học trò cá biệt thì mình nên dành sự quan tâm, độ lượng và tìm ra những mặt tích cực để động viên, khích lệ các em.
PV: “Tiên học lễ, hậu học văn” là câu khẩu hiệu ở rất nhiều nhà trường. Điều này có đúng với môi trường mà chị đang giảng dạy không?
Cô giáo Thái Thị Mai Hương: Không chỉ ở riêng các Trung tâm giáo dục thường xuyên mà ở tất cả các trường học khác thì việc dạy đạo đức vẫn luôn luôn quan trọng, các em phải có nhận thức đúng về đạo đức thì các em mới có thể học tốt được. Ngược lại, nếu các em không thấy được giá trị đạo đức, các em không tôn trọng giáo viên thì các em cũng sẽ không tôn trọng bản thân, không có động lực để phấn đấu.
Bản thân chúng tôi, khi nhận một lớp học trò mới, chúng tôi biết rằng không phải học sinh nào cũng có những nhận thức đơn giản này. Vì vậy, chúng tôi phải rèn luyện cho các em để thay đổi thái độ, biết suy nghĩ, biết phấn đấu và từ đó các em sẽ có ý thức học tập tốt.
PV: Phải chăng cũng từ quan niệm này nên dù xuất phát điểm khó khăn, chị vẫn có thể hái được rất nhiều quả ngọt từ các học trò, từ các kỳ thi học sinh giỏi?
Cô giáo Thái Thị Mai Hương: Trong lứa học trò của tôi, có em Nguyễn Thế Anh là một học sinh khá đặc biệt, vừa mới tốt nghiệp được 1 năm. Hiện em đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ở Kỳ thi trước, em thi Toán được 9,5 điểm và Hóa học được 9 điểm… Nói đặc biệt bởi trong những năm đi dạy ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, tôi rất ít khi gặp được những học sinh chủ động. Trước đó, học sinh này thi vào Trường THPT Đô Lương 1 và bị thiếu 0,15 điểm. Chuyển sang học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, thay vì chán nản em đã chủ động gặp tôi để mong được bồi dưỡng học sinh giỏi và cuối cùng sau nhiều nỗ lực em đã làm được, đạt giải Nhất học sinh giỏi tỉnh.
Trong gần 20 năm đi dạy của tôi, trường hợp như Thế Anh là hi hữu. Thực tế, với môi trường của một Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, việc bồi dưỡng học sinh giỏi là điều quá khó khăn vì phần lớn các em đều thi trượt vào lớp 10 và khi các em vào trường hoàn toàn suy sụp, không có động lực phấn đấu, nhiều em nghĩ rằng đến đây là chấm hết. Không ít trường hợp vận động đi thi học sinh giỏi, bố mẹ các em không đồng ý bởi cho rằng đi thi không có tác dụng, mất thời gian. Vì vất vả như vậy nên nếu như ở các trường khác, phải đến lớp 11 các đội tuyển mới bắt đầu bồi dưỡng nhưng trường chúng tôi thường tập trung đội tuyển từ lớp 10. Trong quá trình ôn thi học sinh giỏi, chúng tôi phải kiên trì uốn nắn, truyền lửa, cố gắng làm sao để các em thích môn học và từ đó mới say mê theo đuổi.
Việc “phủ” được kiến thức cho học sinh cũng là một hành trình gian nan bởi như tôi đã chia sẻ, đầu vào của các em rất thấp, chủ yếu điểm trung bình có khi dưới 1 điểm, 2 điểm, các em hổng kiến thức rất nhiều. Sau này, chúng tôi hầu như phải “bồi” lại toàn bộ kiến thức, bắt các em học thuộc bảng cửu chương, làm thông thạo các phép cộng, trừ, nhân, chia. Quá trình dạy học, chúng tôi làm từng bước, từng bước rồi sau đó nâng cao lên. Chính vì thế quá trình bồi dưỡng kéo dài rất lâu, hơn 2 năm…
Với các học sinh khác cũng vậy. Để thay đổi suy nghĩ của một học sinh giáo dục thường xuyên từ việc chỉ cần học cho xong, có một tấm bằng tốt nghiệp lớp 12 đến khi định hướng được các em vào đại học là một quá trình. Muốn vậy, vai trò của người giáo viên rất quan trọng, từ giáo viên chủ nhiệm đến giáo viên bộ môn. Chúng tôi luôn cố gắng để các em thấy được tầm quan trọng của việc học và khơi gợi được các em năng lực vượt trội, để thấy được mình đang tiến bộ từng ngày. Việc kích thích cũng chính là một cách động viên và giúp các em thấy được khả năng, lấy lại niềm tin vào bản thân và vượt lên chính mình.
PV: Chị có cảm thấy mệt mỏi không khi năm nào chị cũng chủ nhiệm lớp 12 và liên tục 7 năm nay chị trực tiếp tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi?
Cô giáo Thái Thị Mai Hương: Phải vào trường 7 năm tôi mới được những đồng nghiệp đi trước hướng dẫn và giao trọng trách này. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi là áp lực của giáo viên, nhất là với một trường như chúng tôi bởi đây là một cách để khẳng định chất lượng nhà trường.
Điều tôi vui mừng là sau 7 năm được trực tiếp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi thì 100% học sinh đi thi đều đạt giải với 5 giải Nhất, 2 giải Khuyến khích và còn lại là giải Nhì và giải Ba.
Có lẽ vì yêu công việc nên cho đến thời điểm này tôi vẫn chưa thấy mệt mỏi bởi tôi đi dạy hoàn toàn là đam mê và với mong muốn được khẳng định ở nghề dạy học. Tham gia bồi dưỡng học giỏi, tôi nghĩ mình cũng nhận được nhiều bởi mình có thể truyền được lửa cho học trò, giúp cho nhiều em từ không còn định hướng đã biết cố gắng và sau đó tự tin thi và trúng tuyển vào các trường đại học. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi đã cho tôi nhiều niềm vui, nhất là khi nhận được kết quả chiến thắng.
PV: Tôi được biết, gia đình chị có truyền thống nghề sư phạm và gần 10 năm trước chị đã tốt nghiệp Sư phạm Toán – Trường Đại học Sư phạm Vinh, một chuyên ngành khá danh giá thời bấy giờ. Có bao giờ chị nghĩ rằng, nếu may mắn mình sẽ được công tác ở một ngôi trường khác chứ không chỉ đơn thuần là một trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên?
Cô giáo Thái Thị Mai Hương: Bố tôi vốn là giáo viên của trường nhưng từ khi học đại học, tôi chưa bao giờ nghĩ sau khi tốt nghiệp sẽ về công tác tại một trung tâm giáo dục thường xuyên. Lý đó đơn giản, bởi từ khi đi học, tôi đã biết tới công việc của bố và tôi thấy đây là công việc quá vất vả.
Thời mới học xong cao học và về công tác tại trung tâm, ban đầu tôi đã nghĩ đây chỉ là bến dừng chân tạm thời. Một giáo viên trẻ như tôi khi ấy cũng có rất nhiều hoài bão, nghĩ về rất nhiều điều tốt đẹp. Nhưng quá trình công tác ở trường, học trò đã níu chân tôi lại. Những năm qua, tôi đã dành rất nhiều thời gian cho công việc của mình, ngoài dạy cả ngày trên lớp, gần như tuần nào tôi cũng dành vài buổi tối để đi thăm từng nhà học trò, không kể học trò khá giỏi hay là trung bình yếu. Điều này, không chỉ thay đổi được suy nghĩ của học trò mà còn có thể thay đổi được nhận thức phụ huynh, để phụ huynh đồng hành với con trong quá trình học tập.
Hiện tại, đã qua rất nhiều thế hệ học trò, tôi rất tự hào về công việc của mình và các đồng nghiệp. Nhiều đồng nghiệp cũng nói rằng, tôi rất phù hợp với công việc của một giáo viên ở Trung tâm giáo dục thường xuyên. Thế nên, có những khi họp lớp, gặp lại bạn bè cũ, có người đang dạy trường công lập, có người dạy trường chuyên, đôi khi tôi thoáng có chút hụt hẫng. Hay khi các con đã lớn, hỏi mẹ tại sao lại dạy trường mà chỉ có học sinh yếu, thi trượt cấp III… Nhưng sau mỗi một khóa học, mỗi một lần nhận được kết quả thi học sinh giỏi hay nhận được những lời cảm ơn của học trò thì những suy nghĩ ấy đã hoàn toàn tan biến.
PV: Xin cảm ơn chị đã tham gia trò chuyện!