Dù đang là nguyên nhân đưa Mỹ vào một cuộc đối đầu với Iran – một cường quốc Trung Đông, nhưng lựa chọn của chính quyền Tổng thống Donald Trump tấn công sân bay quốc tế Baghdad, Iraq tiêu diệt Thiếu tướng Qasem Soleimani, người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) không phải là một quyết định ngẫu hứng. Đó là bước đi được cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh nước Mỹ đang cần có lời đáp trả trước những sức ép từ Tehran.
Mục tiêu tấn công là những người có vai vế tại Iraq và Iran. Ngoài tướng Qasem Soleimani, người đứng đầu đơn vị Quds, lãnh đạo lực lượng bán quân sự cấp cao của Iraq, cố vấn Abu Mahdi al-Muhandis, cũng là nhân vật số hai của lực lượng Hash al-Shaabi đầy quyền lực nằm trong thành phần của hệ thống lực lượng vũ trang Iraq cũng đã thiệt mạng sau khi hứng chịu hai quả tên lửa của Mỹ. Bản chất của vụ việc là chưa từng có, vì chức sắc cấp cao của cả hai nhân vật, khiến mức độ nghiêm trọng của vụ việc là không thể lường trước. Tất yếu sẽ là hành động trả đũa không chỉ của Iran mà còn cả các phe phái tại Trung Đông. Chuyên gia Ramzy Mardini, nhà nghiên cứu tại Viện Hòa bình Mỹ, cảnh báo: “Nhiều khả năng các tác nhân của tất cả các bên sẽ hành động kiểu tùy cơ ứng biến, và đây chính là “công thức” cho những sự hiểu lầm”.
Vậy Mỹ trông đợi gì từ hành động nhiều rủi ro như vậy? Chính quyền Mỹ “xuống tay” khi năm mới 2020 mới qua được 2 ngày. Đây là thời điểm quan trọng với Tổng thống Donald Trump khi 10 tháng nữa, ông sẽ bước vào chiến dịch tái tranh cử tổng thống, trong lúc đang phải đối mặt với một cuộc xét xử luận tội tại Thượng viện Mỹ. Một cuộc tấn công là cần thiết nhằm hạ nhiệt bớt những điểm nóng trong nước, không khí ngột ngạt của cuộc tranh luận, và lái sự quan tâm của công chúng tới một nguy cơ với nước Mỹ ở bên ngoài. Cuộc tấn công cũng hàm ý thông điệp cứng rắn của chính quyền Washington rằng Iran sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu tiếp tục thách thức Mỹ.
Vụ không kích được phía Mỹ giải thích là “nhằm ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai và bảo vệ người Mỹ ở nước ngoài”, ám chỉ các vụ bắn rocket vào căn cứ quân sự Mỹ gần đây, mà Washington luôn cáo buộc Tehran đứng sau, dù Iran kiên quyết bác bỏ. Đó còn là vụ việc người biểu tình Iraq tấn công, đập phá đại sứ quán Mỹ tại Baghdad trong những ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020 – một hành động mà Mỹ cho là do Iran kích động. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng không đưa ra bằng chứng nào về “sự dính líu” của Tướng Soleimani trong các cuộc tấn công mới đây nhằm vào người Mỹ ở Iraq để biện hộ cho vụ không kích.
Cần nhìn nhận rằng, vụ việc vừa qua chính là hệ quả của việc chính quyền Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran và nhóm các cường quốc thế giới (P5+1) và gây áp lực tối đa lên kinh tế Iran bằng các đòn trừng phạt. Chính sách đó không giúp Mỹ đạt được mục tiêu buộc Iran đàm phán lại thỏa thuận mà chỉ khiến nước Cộng hòa Hồi giáo đối đầu với Mỹ và tiếp tục khuấy động Trung Đông bằng các lực lượng ủy nhiệm ở Iraq, Syria, Lebanon hay Yemen. Đó mới chính là ngọn nguồn của cuộc khủng hoảng.
Bởi thế, vụ giết Soleimani phơi bày hạn chế của thất bại của ông Trump trong chiến dịch gây “áp lực tối đa” lên kinh tế Iran, phải chuyển sang đối đầu nguy hiểm hơn để tìm kiếm nhượng bộ. Nhưng giờ thì khả năng đó càng bị đẩy xa hơn khi Mỹ và Iran đã xem nhau là “kẻ nợ máu” chứ không phải là đối tác đàm phán.
Làn sóng tấn công bằng ngôn từ và đe dọa mới nhằm vào nước Mỹ đã xuất hiện tại Iran những ngày qua. Thậm chí, lá cờ lớn màu đỏ, báo hiệu trận “huyết chiến” để trả thù cho tướng Soleimani đã được kéo lên trên nóc Thánh đường Jamkaran tại thành phố thiêng Qom của Iran. Truyền thông nhà nước Iran ngày 4/1 phát sóng hình ảnh các giáo sĩ tại thánh đường Hồi giáo Jamkaran tại thành phố Qom, Tây Nam Tehran mang theo một lá cờ lớn màu đỏ cùng chân dung của tướng Qassem Soleiman lên nóc nhà thờ. Lá cờ mang tên Yala-Tharat al-Husayn, có nghĩa là “tiêu diệt kẻ giết người để báo thù cho nạn nhân”, sau đó được treo lên cột cờ trên nóc thánh đường. Giữa lá cờ màu đỏ, vốn được tín đồ Hồi giáo Shiite coi như máu của người vô tội bị sát hại, là dòng chữ “Những người muốn trả thù cho máu của Hussein”.
Đây là lần đầu tiên thánh đường Hồi giáo Jamkaran giương “cờ máu” kể từ thời Trung Cổ. Lá cờ được coi là sự báo hiệu cho một trận “huyết chiến” sắp xảy ra để báo thù cho những người bị sát hại. Lãnh đạo Iran đe dọa sẽ “trả thù tàn khốc” nhằm vào các mục tiêu Mỹ tại Trung Đông, trong khi chỉ huy IRGC tỉnh Kerman Gholamali Abuhamzeh nói Iran “đã xác định 35 mục tiêu Mỹ trong tầm ngắm” và ám chỉ khả năng tấn công tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Hormuz.
Tuy nhiên, với tình hình trong nước hiện tại, các nhà phân tích cho rằng Iran sẽ không chọn cách đối đầu trực diện với Mỹ. Cuộc khủng hoảng kinh tế do các lệnh cấm vận của Mỹ gây ra đã tạo ra áp lực mạnh với các tham vọng quân sự của nước này. Vì thế, chiến thuật “bất cân xứng” và chiến tranh ủy nhiệm sẽ được nước này sử dụng để gây rối với các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Iran hiện có đủ các công cụ cần thiết, thông qua mạng lưới lực lượng đồng minh tại Iraq, Syria, Lebanon, Yemen để khiến Mỹ nản lòng. Lựa chọn này là vừa đủ để Mỹ không thể tạo cớ tiến hành một cuộc chiến quy ước quy mô lớn nhằm vào Tehran.
Một giải pháp khác chính là rút hoàn toàn khỏi Thỏa thuận hạt nhân P5+1 và tùy ý phát triển các chương trình hạt nhân. Điều này đã được chứng minh qua việc hôm 5/1, Iran tiếp tục giảm bớt các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, theo đó sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn về số lượng máy ly tâm để làm giàu urani. Từ nay, những vấn đề này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu kỹ thuật của Iran. “Cuộc chơi” giữa Mỹ – Iran vì thế sẽ thêm phần phức tạp và kéo dài. Đó chính là hệ quả của vụ việc vừa qua.