Tên gọi Huồi Cọ xuất xứ từ việc người dân phát hiện trên đỉnh núi của con khe này có rất nhiều con chim Phượng Hoàng (dân tộc Thái gọi là Nóc Cốc; còn người Mông gọi là Nồng Trống). Vì thế trước đây dân bản gọi khe này là khe Cốc, nay thì gọi là khe Huồi Cọ và tên bản cũng là Huồi Cọ.
______________________________
Cuối tháng Chín âm lịch, khác với ánh nắng gắt chói chang ở trung tâm xã Nhôn Mai (Tương Dương), đi chưa hết con dốc khá cao lên bản Huồi Cọ đã cảm nhận hoàn toàn khác với bầu không khí mát mẻ, se lạnh. Huồi Cọ tưởng chừng đã chớm xuân khi miên man đào đã bắt đầu bung những nụ hoa phớt hồng mời gọi, khi dân bản vui mùa thu hoạch chanh leo, lúa rẫy…
Những ai chưa quen đi đường rừng, vượt đèo, leo dốc sẽ thấy khá “sốc” khi bắt gặp ngay con dốc bắt đầu từ chân cổng chào với dòng chữ to “Làng văn hóa Huồi Cọ” để đến với bản người Mông này của xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Huồi Cọ chỉ có duy nhất một thành phần dân tộc đó là dân tộc Mông thuộc nhóm Mông Hoa.
Con đường càng ngày càng dốc, trơn trượt, đất đá lổn nhổn. Nhiều lúc bánh xe máy quay tít tại chỗ, đành cuốc bộ. Đường sá đi lại khá khó khăn, với những người lần đầu leo dốc như chúng tôi, chỉ mang theo chiếc ba lô nhẹ hều mà vẫn thấy thấm mệt. Bởi thế, qua con dốc đầu tiên, đến một khúc cua, đường cơ man là đá cuội với đủ hình thù, chúng tôi bắt gặp người dân cõng sắn, lúa về bản, cõng chanh leo nộp cho công ty thu mua. Những chiếc bế chất đầy ụ những củ sắn to bằng bắp chân người, những bì chanh leo căng đét. Vậy mà các mế cứ đi ngon lành. Thanh niên, đàn ông thì dùng xe máy, thồ một lúc 2 – 3 bì chanh leo. Dừng xe nghỉ bên đường, anh Và Bá Xo nheo nheo mắt nhìn những vị khách lạ. Hỏi chuyện, thoáng chốc ngập ngừng, song nói đến cây chanh leo, anh phấn chấn hẳn. “Chanh leo đã giúp hàng chục hộ của bản ta đổi đời, không còn lo đói nghèo nữa”.
Bản Huồi Cọ có 44 hộ với hơn 300 nhân khẩu thì có đến gần 3/4 số hộ tham gia trồng chanh leo. Ông Và Khua Đớ – Trưởng bản Huồi Cọ phấn khởi khoe “thành tích” trồng chanh leo của các hộ dân: “Khó khăn, lạ lẫm lúc ban đầu thôi. Giờ thì nhà nào cũng thạo kỹ thuật trồng cây chanh leo. Nhà ít cũng phải trăm gốc, nhà nhiều có đến cả nghìn gốc chanh ấy chứ”. Và theo đó, thu nhập từ chanh leo của mỗi hộ trung bình phải đến trăm triệu đồng mỗi năm, có của ăn, của để, dân bản vui lắm. Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống của nhân dân bản Huồi Cọ không ngừng được cải thiện và đặc biệt năm 2018 được nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển trồng cây chanh leo, nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện, kết quả trồng được 15,68 ha. Theo lời Bí thư Chi bộ bản người Mông này, nhờ phát triển kinh tế mà Huồi Cọ như thay màu áo mới, tư tưởng người dân cũng tiến bộ hơn, tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng nhiều hơn. Từ cán bộ thôn, bản, chính quyền xã, huyện ai cũng quan tâm chăm lo giúp người dân Huồi Cọ được no ấm.
Ông Lương Xuân Hiệp – Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho hay, người dân Huồi Cọ không chỉ trồng chanh leo cho thu nhập cao, ổn định mà bà con còn chăn nuôi gia súc, gia cầm rất giỏi. Có những hộ ngoài hàng trăm gốc chanh leo còn nuôi 40 -50 con bò, dăm chục con lợn; còn gà và ngan thì hầu như hộ nào cũng có dăm bảy chục con. Giữa lưng chừng các ngọn núi xuất hiện những hồ, ao trong vắt. Ấy là những nơi dân bản nuôi cá. Mỗi ao, hồ lớn nhỏ đều có chòi canh gác, sản phẩm thu được chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình và đã bắt đầu bán ra thị trường. Cá ở đây nhanh lớn, nguồn thức ăn dồi dào nên cứ có mặt bằng dân bản liền ngăn bờ, đào ao thả cá.
Dọc đường đến Huồi Cọ, chúng tôi cứ ngẩn ngơ ngắm những đỉnh núi xa xa với làn mây trắng xốp bao bọc, lưng chừng núi là những mảng màu vàng bắt mắt của các rẫy lúa. Nhìn kỹ hơn, những bóng người gùi bế lom khom miệt mài thu hoạch lúa. Mỗi rẫy lúa đều có một căn chòi nhỏ xinh làm nơi cất trữ, cũng giống như dọc đường đi, trước mỗi căn nhà mái lợp samu rêu phong cổ kính nhà nào cũng có chòi cất trữ lương thực. Sự no ấm hiện diện khắp bản làng.
Bản Huồi Cọ nằm trên đỉnh đồi, địa thế không mấy bằng phẳng, nhưng đó lại chính là yếu tố tạo nên vẻ đẹp riêng. Từ trục đường chính chạy qua bản, dẫn vào những ngôi nhà của dân bản là những bậc thang nhỏ xinh hoặc những con đường mòn ẩn dưới tán hoa đào bạt ngàn tạo nên khung cảnh đẹp, lãng mạn. Đi dưới tán những cây đào nhiều năm tuổi, rêu mốc, chơm chớm những nụ hoa phớt hồng, làn gió núi lành lạnh và ngắm cỏ cây, hoa lá vùng biên cương nơi đây khiến lòng người dịu lại, cảm nhận một cuộc sống thanh bình, trong lành không nỡ rời xa. Cuối tháng 9 âm lịch, đào ở Huồi Cọ đã bắt đầu cho hoa bói. “Mấy năm nay dân bản Huồi Cọ ta không còn chặt đào đi bán mỗi dịp Tết đến, Xuân về nữa”, Ông Và Khua Đớ – Trưởng bản Huồi Cọ cho biết.
Chúng tôi khá ngạc nhiên về thông tin này. Vị Bí thư Chi bộ sinh năm 1974 vui vẻ giải thích, đó là chủ trương của lãnh đạo huyện. Ban đầu dân bản chưa hiểu, cũng phản ứng dữ lắm, nhưng sau khi nghe tuyên truyền, giải thích thấy hợp lý nên ai cũng vui vẻ chấp hành.
Ấy là mong muốn đưa Huồi Cọ thành một điểm du lịch cộng đồng, trong đó quan trọng nhất vẫn là bảo tồn giống đào cổ của địa phương. Bao đời nay, người Mông Huồi Cọ sinh ra, lớn lên dưới những mái nhà lợp samu và dưới tán những cây đào. Bởi thế, không hiếm để bắt gặp những gốc đào to 2 – 3 gang tay người.
Những nếp nhà ẩn hiện dưới bóng đào, dưới tán đào khoe sắc hoa phớt hồng tạo khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Ngắm những rêu phong trên thân đào, trên mái nhà samu, ngắm những cánh hoa phớt hồng bay bay trong gió thật khiến lòng người dịu lại. “Cũng vì điều này, UBND huyện Tương Dương năm 2017 đã ban hành Đề án 01 “Xây dựng bản Huồi Cọ thành bản Nông thôn mới và trở thành bản điểm về phát triển kinh tế, xã hội vùng biên” của UBDN huyện Tương Dương nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, lấy kinh tế hộ gia đình làm trọng tâm. Vận động, khuyến khích người dân phát triển kinh tế gia đình theo mô hình phát triển gia trại, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa: chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển cây chanh leo để nhân dân được thoát nghèo; khoanh nuôi, bảo vệ rừng, phát triển các nghề truyền thống (rèn, đan lát, thổ cẩm phục vụ du lịch, nâng cao đời sống). Bên cạnh đó là xây dựng thiết chế văn hóa đồng bộ, phấn đấu đến năm 2020 hộ nghèo còn dưới 10% và có 100% nhà ở khang trang, sạch đẹp theo đúng phong tục tập quán.
Ngoài hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo tồn những giá trị văn hóa tinh thần bao đời, còn có việc bảo tồn giống đào và văn hóa xây dựng nhà sàn cổ với những nét đặc trưng ở người dân Huồi Cọ, tiến tới xây dựng Huồi Cọ thành bản du lịch cộng đồng” – Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai – ông Lương Xuân Hiệp cho hay.
Theo đề án này, người dân cần tuân thủ một số quy định nghiêm ngặt, trước hết là chấm dứt việc chặt cành đào. Bởi thế, tết này sẽ là tết thứ 3 không còn diễn ra cảnh người người ồ ạt chặt đào, để lại những gốc cây trơ trụi mỗi dịp Xuân về trên bản làng. Ngoài ra, người dân Huồi Cọ, chính quyền xã Nhôn Mai còn thực hiện những quy định về xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường và sản xuất thực phẩm sạch nhằm tiến tới xây dựng Huồi Cọ trở thành điểm du lịch lý tưởng trong tương lai không xa. “Huyện Tương Dương cũng sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông chính dẫn vào bản, đã có dự án, khảo sát và đang tiến hành san gạt mặt bằng” – chỉ tay về chiếc máy xúc đang di chuyển trên trục đường trung tâm bản, Ông Và Khua Đớ – Trưởng bản Huồi Cọ cho hay. Nói thêm về chủ trương phát triển du lịch của Huồi Cọ nói riêng và xã Nhôn Mai nói chung, Chủ tịch UBND xã Lương Xuân Hiệp cho biết, địa bàn Nhôn Mai hiện nay có thác nước Nha Vang ở bản Xói Voi cũng bắt đầu đông khách ghé thăm.
Trong một tương lai không xa, đến Huồi Cọ chắc sẽ không còn cảnh xe máy ì ạch leo những con dốc sỏi đá lổn nhổn, thay vào đó là con đường bê tông thẳng tắp cùng niềm vui phát triển của dân bản, no ấm về trên bản làng. Rời xa Huồi Cọ, nhưng hình ảnh về cuộc sống thanh bình, về bầu không khí trong trẻo cùng những cánh hoa đào bay bay trong gió, hoa đào rụng trên những mái nhà lợp gỗ samu nâu đen phủ rêu mốc xanh rờn khiến lòng người bâng khuâng lưu luyến với thầm nhủ rồi một ngày sẽ trở lại…