47 năm trước, tạm biệt giảng đường đại học, chàng trai xứ Nghệ, sinh viên năm thứ 4, Khoa Nga văn - Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ xung phong đi B, lên đường ra chiến trận... Chuyến đi mãi mãi không hẹn ngày về, kỷ vật duy nhất còn lại là quyển nhật ký, một vài bức ảnh và những dòng thư sâu đậm nghĩa tình...
Mình sẽ sẵn sàng đón đợi tất cả mọi khó khăn trở ngại trên đường mình đi để ngày mai sẽ vững vàng trong cuộc sống. Nếu cuộc sống của tuổi 20 đầy băn khoăn, trăn trở thì cuộc sống hôm nay sẽ là tích lũy và thể nghiệm rất nhiều. Hôm nay cuộc đời sẽ khắc nghiệt hơn xưa nhưng mình đã thấy được một phần nào cái “tôi” trong cái “ta” của dân tộc.
Đó là những dòng nhật ký mà anh Lê Văn Thể (xã Quỳnh Mỹ – nay là xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu) viết cho ngày sinh nhật tuổi 22 của mình, ngày 2/10/1972. Thời điểm này, anh cũng đã xa Hà Nội được 9 tháng và chính thức vào quân ngũ. Ở nơi chiến trường, giữa cận kề sự sống và cái chết, sinh nhật của tuổi 22 dường như không có gì đặc biệt. Có chăng anh tự nhận ra mình đã có những “kinh nghiệm” nhất định để có thể dễ dàng vượt qua mọi gian khổ.
Tuổi 22 của anh cũng giống như “tuổi của thế hệ chống Mỹ đi trước với biết bao nhiêu người đã bước vào cuộc chiến đấu một cách thanh thản với tất cả nhiệt tình và sức lực của mình”…
Những năm cuối 60 của thế kỷ trước, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu chỉ có ba người học cấp III và chỉ có 3 người vào đại học, trong đó có anh Lê Văn Thể. Ngày còn ở làng, anh Lê Văn Thể cũng là một người nổi tiếng học giỏi, chăm chỉ và có chí tiến thủ. Tốt nghiệp cấp III, trong khi bạn bè chủ yếu chọn sư phạm thì anh lại chọn khoa Ngoại ngữ – ngành Tiếng Nga – một ngành học khá khó nhưng lại đầy cơ hội sau khi ra trường. Khi Thể vào đại học, bố mẹ, gia đình, dòng họ cũng đã kỳ vọng, Thể học xong, thành người trí thức sẽ là tiền đề để giúp đỡ các em trong nhà được học hành đến nơi đến chốn, có công việc, có tương lai, thoát cảnh ruộng đồng.
Ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, chàng thanh niên Lê Văn Thể cũng đã có những tháng ngày đầy mộng mơ với biết bao hoài bão lý tưởng. Nhưng có vui được không, khi đất nước đang có chiến tranh. Ngày anh quyết định đi khám tuyển quân ngũ, anh đã bước sang năm thứ tư và gia đình kể lại, anh đã có trong danh sách được đi nước ngoài học tập. Quyết định đi nghĩa vụ, anh cũng không nói với bố mẹ, chỉ tâm sự duy nhất với người em trai khi đó cũng đã đi bộ đội: Anh sẽ không bao giờ báo cho nhà biết nhưng em thì anh không giấu. Anh đã đi khám nghĩa vụ quân sự sáng nay. Sức khỏe là B1 và có thể vác B40 hay B41. Với anh thì thế nào cũng được thôi, dù là đi hay ở. Nhưng trường đại học không phải là hầm trú ẩn tốt nhất”.
Trong nhật ký của anh Lê Văn Thể, anh cũng viết, anh luôn mang theo bên mình bộ sách các tác phẩm chọn lọc của Maksim Gorky. Phải chăng chính câu chuyện trong “Những trường đại học đường đời” của nhà văn Maksim Gorky đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong anh, để có những lúc anh thấy “thấm thía vô cùng và tưởng như có thể lao vào cuộc chiến để bảo vệ lấy mọi cái mà mình yêu dấu, bảo vệ sự nghiệp cách mạng.
Kể về người anh của mình, ông Lê Văn Toàn – người em thứ 7 trong gia đình chia sẻ: Anh Thống là người đầu tiên biết anh Thể đi bộ đội, còn chúng tôi khi đó chỉ 9, 10 tuổi đang ở nhà chưa biết gì. Chỉ nhớ, Tết cuối cùng anh về nhà là Tết năm 1972. Khi đó, trường Đại học Vinh đang sơ tán về làng chúng tôi và có rất nhiều sinh viên ở trong nhà. Về nghỉ tết, anh còn dạy cho sinh viên Tiếng Nga, đứng ra tổ chức một trận đấu bóng trong làng rất vui vẻ. Đây cũng là lần cuối cùng chúng tôi được gặp anh.
Trong ký ức của những người thân trong gia đình, anh Lê Văn Thể còn là một người ưa thích thể thao, sôi nổi và không bao giờ làm cho ai phải buồn. Nhưng trong gần 100 trang nhật ký mà anh Lê Văn Thể để lại thì lại là một con người khác. Đó là một sinh viên Nga văn đầy mơ mộng, lãng mạn nhưng cũng rất thực tế. Lê Văn Thể còn là một người con rất tình cảm, luôn đau đáu nghĩ về gia đình và đặc biệt yêu quý cuộc sống đồng ruộng, thôn quê. Anh cũng đã có những suy tư và những cảm nhận rất sâu sắc về cuộc chiến đấu của dân tộc, về lý tưởng của thanh niên thời chiến. Ngày 1/1/1973, ngày đầu tiên của năm mới, anh cũng đã lạc quan cho rằng: Thế là năm 1973 đã tới. Lại một năm mới trong cuộc đời lính đầy bao gian khổ nhưng đầy những sự kiện đáng nhớ. Mình sẽ sẵn sàng đi vào cuộc chiến đấu như đi vào cuộc trường chinh của cuộc đời. Mình tin rằng trong cuộc sống hiện tại mình sẽ trưởng thành lên nhiều hơn nữa. Mình sẽ là một người cán bộ và sẽ là một người chiến sỹ vững vàng.
Anh Lê Văn Thể nhập ngũ vào đầu năm 1972 và giấy báo tử gửi về gia đình báo anh hy sinh vào ngày 2/10/1974. Hai năm ở chiến trường, dù trải qua bao khó khăn vất vả, bom rơi đạn nổ nhưng trong 21 bức thư mà anh may mắn gửi về được cho gia đình, cuộc chiến dường như “đơn giản” hơn rất nhiều. Thậm chí trong những bức thư đầu tiên, khi đang còn huấn luyện, có những lúc anh còn bày tỏ sự sốt ruột, không hài lòng vì suốt ngày chỉ xoay quanh sách vở, luyện tập mà chưa được ra chiến trận.
Những bức thư anh để lại, cũng kể khá nhiều về chuyến hành quân sang Campuchia của anh cùng đồng đội và sau này là chiến trường Tây Ninh: Nhân dân Cam Pu Chia rất tốt với bộ đội Hà Nội (họ đều gọi bộ đội miền Bắc là bội đội Hà Nội). Mọi người cũng rất hiền lành và cởi mở. Họ thích nhất và cho là tốt nhất chỉ có bộ đội Hà Nội thôi…
Trong những ngày gian khổ, anh Lê Văn Thể cũng đã từng nói rất nhiều về ngày về, nỗi nhớ nhà đến nỗi “nằm mở mắt ra vẫn thấy như đàn em đang đùa nghịch trước mặt, thương các em vô cùng”.
Anh cũng từng nghĩ: “Đánh Mỹ gần đến ngày thắng lợi rồi, đánh Mỹ xong lại về học tiếp” nhưng mọi giấc mơ đều gác lại phía sau. Bức thư cuối cùng anh gửi về cho gia đình là ngày 14/5/1974 khi anh và các đồng đội chuẩn bị hành quân từ Cam Pu Chia về Cần Thơ.
Đó cũng là bức thư duy nhất, anh có kể về những cam go của cuộc chiến, như một dự cảm không lành: “Nhiệm vụ của chúng con là về hoạt động ở Cần Thơ. Đường bộ từ đây về đến đó còn dưới 1 tháng nữa. Dọc đường đi cũng sẽ chạm nhiều địch và pháo và sẽ nguy hiểm chứ không bình thường như trước. Chưa ai ở miền Tây này nhận được một bức thư cả. Do vậy là từ nay con không có thư về nhà nữa đâu”.
Sự im lặng ấy kéo dài đến hết hơn một năm sau, dù khi ấy nước nhà đã độc lập. Suốt 365 ngày chờ đợi đó, bố mẹ và các anh chị em ở quê cũng đã có những lúc nghĩ đến điều xấu nhất nhưng ai cũng nuôi một hy vọng nhỏ nhoi. Một năm sau ngày hòa bình, mọi thứ vẫn bình yên và niềm tin lại nhen nhóm lên một lần nữa.
Nhưng đến cuối năm 1976 thì giấy báo tử đã gửi về, thương tiếc báo tin anh Lê Văn Thể – Trung đội trưởng Trung đoàn 10 – Sư đoàn 4 đã hy sinh tại đồn Vĩnh Chèo, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ vào ngày 20/10/1974…
Cuối năm ấy, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội cũng đã gửi thư vào cho gia đình bày tỏ sự tiếc nối khi “gia đình mất đi một người con hiếu thảo. Trường chúng tôi mất đi một học sinh tốt”…Nhận tin con hy sinh khi đất nước đã thống nhất, hòa bình, mẹ của anh lặng im, không thốt nên lời. Còn bố của anh, như “chết đi sống lại” và từ đó trở nên trầm lắng.
Hơn bốn mươi năm đã đi qua, cuộc sống đã trở về với bình thường nhưng sự nhớ nhung, tiếc nuối vẫn còn vẹn nguyên trong gia đình của anh Lê Văn Thể, nhất là mỗi khi đến ngày giỗ của anh, ngày Thương binh Liệt sỹ và cả ngày đất nước vui khải hoàn ca mừng chiến thắng.
Bốn mươi năm qua, những bức thư, cuốn nhật ký, bức ảnh của anh và các bạn cùng phiếu gửi tiền mà anh tiết kiệm để gửi về cho bố mẹ, giấy những nhận của trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ công nhận anh đã học xong 4 năm đại học vẫn được gia đình anh cất giữ như những kỷ vật, tài sản vô giá.
Đầu tháng 3/2019, gia đình anh đã quyết định hiến tặng tất cả kỷ vật cho Bảo tàng Quân khu 4 và chỉ giữ lại những “phiên bản”. Người đưa ra quyết định này là mẹ anh, bà Lương Thị Chắt – 99 tuổi.
Gặp chúng tôi, giờ bà không nói được nhiều nhưng tâm nguyện của bà, của gia đình thì thật đáng trân trọng, bởi lẽ mong mỏi lớn nhất, đó là “được giữ gìn, lưu giữ để nhớ về một con người đã từng được sống, được chiến đấu trong những năm tháng hào hùng của một thời chống Mỹ”!.