Có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, tuy nhiên phát triển kinh tế rừng của Nghệ An vẫn chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng. Trước những khó khăn, thách thức, tỉnh đang xác định những bước đột phá mạnh mẽ để phát triển ngành lâm nghiệp xanh, bền vững, đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế ứng dụng công nghệ cao và hiện đại, đưa Nghệ An thành Trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn không chỉ ở Bắc Trung Bộ mà cả khu vực Miền Trung.
Nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với tổng diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch trên 1.166 ha, chiếm 70,7% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, diện tích quy hoạch rừng sản xuất 622.466 ha; là địa phương có đa dạng về thổ nhưỡng, khí hậu và đa dạng sinh học rất phong phú; có Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An diện tích gần 1.291 ha, là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất trong số 9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam, là hành lang xanh kết nối 3 vùng lõi gồm Vườn quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt, tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các giá trị đa dạng sinh học phong phú của tỉnh.
Tài nguyên rừng của Nghệ An vô cùng phong phú, đa dạng, là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất hàng hoá từ lâm sản, bao gồm gỗ và các sản phẩm ngoài gỗ.
Đến nay, toàn tỉnh có 965.057 ha đất có rừng, trong đó, diện tích rừng trồng đạt khoảng 181.000 ha, độ che phủ rừng đạt 58,5%, trữ lượng gỗ trên 91 triệu m3, trong đó, trên 9,6 triệu m3 gỗ rừng trồng, 1.941.681 ngàn cây tre, mét và có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu quý như sâm Puxailaileng, Mú từn, trà hoa vàng và nhiều loại dược liệu dưới tán rừng khác; sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm thời gian gần đây đạt từ 1,2 – 1,4 triệu m3, sản lượng có khả năng khai thác bình quân hàng năm ổn định khoảng trên 2,5 triệu m3.
Trên địa bàn tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ, gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu… liên kết với toàn vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản nói riêng.
Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cũng như chế biến và thương mại lâm sản đã đạt được một số thành tựu quan trọng; tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt mức cao, bình quân hàng năm trên 9%, chiếm cơ cấu ngày càng tăng trong sản xuất của ngành lâm nghiệp.
Tốc độ phát triển rừng nhanh, diện tích rừng trồng hàng năm tăng lên đã vượt quá tốc độ suy thoái vốn rừng, đạt khoảng 18.000 ha; bước đầu hình thành một số cơ sở chế biến sâu các sản phẩm gỗ và và lâm sản ngoài gỗ, mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho người dân, địa phương và doanh nghiệp. Nghề rừng đã có bước chuyển biến về tổ chức, cơ cấu sản xuất và nhận thức
Bên cạnh đó, tỉnh có lao động dồi dào, chi phí nhân công thấp, lao động có tay nghề tương đối cao, có khả năng tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên nằm trong tình trạng chung, lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp từ khâu sản xuất giống, trồng rừng, thâm canh rừng, khai thác rừng đến công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ vẫn chưa phát triển hình thành chuỗi giá trị tương xứng với lợi thế, tiềm năng.
Theo ông Bạch Quốc Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thì hiện nay, phát triển lâm nghiệp của tỉnh đang gặp khá nhiều thách thức. Đó là thách thức trong phát triển rừng tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho khai thác chế biến lâm sản, kinh tế rừng; là thách thức cả trong khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ lâm sản.
Từ khâu sản xuất giống, trồng rừng, thâm canh rừng, khai thác rừng, đến công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa hình thành được chuỗi giá trị gia tăng.
Nguồn cung ứng giống chất lượng cao với tính năng vượt trội về tăng trưởng còn hạn chế; năng suất, chất lượng, giá trị rừng sản xuất thấp; Trong trồng rừng, việc ứng dụng KHCN, cơ giới hóa, biện pháp kỹ thuật thâm canh chưa được quan tâm; công nghệ chế biến còn lạc hậu, chủ yếu là chế biến thô, chưa có các nhà máy, dây chuyền công nghệ hiện đại chế biến chuyên sâu. Việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ còn hạn chế, các sản phẩm thiếu tính cạnh tranh.
Bên cạnh khó khăn, chúng ta cũng đứng trước không ít cơ hội. Những năm gần đây, ngành Lâm nghiệp đã từng bước ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong các chương trình nghiên cứu và sản xuất, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực chính như ứng dụng công nghệ hiện đại vào chọn, nhân giống cây lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ viễn thám vào điều tra theo dõi quản lý rừng; công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới trong lĩnh vực chế biến và bảo quản lâm sản.
Năm 2018, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên hiệp Châu Âu (EU) đã được ký. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ phát triển bền vững; giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và trao đổi thương mại gỗ trái phép.
Việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Khu lâm nghiệp ứng dụng CNC vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An” được kỳ vọng là một bước đột phá để phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh nói riêng và của cả vùng Bắc Trung bộ nói chung, làm động lực thúc đẩy sự phát triển ngành lâm nghiệp nói chung và ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ nói riêng trong khu vực, đáp ứng những yêu cầu tất yếu của thực tiễn.
Theo đó, đề án có 3 Phân khu chức năng gồm: Trung tâm sản xuất giống và khu rừng trồng khảo nghiệm, trình diễn, trồng rừng thâm canh, trồng cây dược liệu lâm sản ngoài gỗ; Khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao; Sàn giao dịch, kết hợp triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Đề án được hưởng các ưu đãi đầu tư về tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất; hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng; thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực, phát triển thị trường…
Mục tiêu là thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng CNC trong các khâu sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển kinh tế rừng theo chuỗi giá trị từ giống, quản lý rừng bền vững, trồng rừng chất lượng cao, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản.
Phấn đấu đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của toàn khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng; xây dựng Nghệ An thành Trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở Bắc Trung Bộ và khu vực Miền Trung.
Đề án này sẽ góp phần phát huy những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Nghệ An cũng như của vùng Bắc Trung Bộ; quản lý, phát triển bền vững và tái cơ cấu lại ngành lâm nghiệp hiệu quả, góp phần đưa chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ thành một ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của vùng, thực hiện tốt định hướng quốc gia là trở thành một trong ba khu lâm nghiệp ứng dụng CNC được định hướng xây dựng trong cả nước theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.